Nội san >>  Nội san năm 2016  >> nội san số 3

Ngày Đăng:12/26/2016 3:55:00 PM Lượt xem: 1365

       TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ NHÀ GIÁO VÀ VIỆC PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN GIẢNG DẠY             LÝ LUẬN Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
 
Thạc sĩ Bùi Hữu Thêm
Trưởng phòng 
NCKH-TT-TL
 
       Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của nhân dân Việt Nam luôn coi trọng sự nghiệp giáo dục, đào tạo. Trong đó Người đặc biệt khẳng định và đề cao vai trò của đội ngũ nhà giáo. Người cho rằng đội ngũ giáo viên luôn giữ một vị trí, vai trò vô cùng quan trọng trong sự nghiệp giáo dục. Người từng khẳng định: “Không có thầy giáo thì không có giáo dục... Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế văn hoá(1). Phát biểu tại Trường Đại học sư phạm Hà Nội (ngày 21/10/1964), Người nói: “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản? Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo- là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang. Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được? Vì vậy nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang”(2)
       Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình đội ngũ nhà giáo phải không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ. Trước sự phát triển nhanh chóng của tri thức nhân loại, người giáo viên phải không ngừng học tập để nâng cao tri thức bản thân, hoàn thành nhiệm vụ dạy học và góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu, những người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục không được bằng lòng với kiến thức đã có, mà phải thường xuyên tích luỹ kiến thức, học tập nâng cao trình độ. Người cho rằng người nào tự cho mình là biết đủ rồi thì người đó là dốt nhất, Người nói: “giáo viên cũng phải tiến bộ cho kịp thời đại thì mới làm được nhiệm vụ, chớ tự mãn cho mình giỏi rồi thì dừng lại mà dừng lại là lùi bước, là lạc hậu, tự đào thải mình trước. Cho nên phải cố gắn học tập để cải tạo mình, cải tạo tư tưởng của mình, cải tạo con em và giúp vào việc cải tạo xã hội”(3). Vì vậy trong Đại hội chiến sĩ thi đua toàn ngành Giáo dục ngày 21/2/1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Các cô, các chú là những thầy giáo, những cán bộ giáo dục đều phải luôn luôn cố gắng học thêm, học chính trị, học chuyên môn. Nếu không tiến bộ mãi thì sẽ không theo kịp đà tiến chung, sẽ trở thành lạc hậu(4).
       Trong học tập và công tác người giáo viên không những cần phải trau dồi về chuyên môn mà còn phải bồi dưỡng về chính trị; kiến thức chuyên môn và chính trị luôn đi liền với nhau trong đó Người đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết phải có kiến thức về chính trị. Người khẳng định: “ta là cán bộ chuyên môn, có chuyên môn mà không có chính trị giỏi thì dù học giỏi mấy dạy trẻ con cũng hỏng. Chính trị là linh hồn, chuyên môn là cái xác. Có chuyên môn mà không có chính trị thì chỉ còn cái xác không hồn. Phải có chính trị trước rồi có chuyên môn. Nếu thầy giáo, cô giáo bàng quan thì lại đúc ra một số công dân không tốt, cán bộ không tốt”(5).
       Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh người giáo viên phải là tấm gương về đạo đức. Trong sự nghiệp trồng người, đội ngũ giáo viên nếu chỉ có tài thôi thì chưa đủ, ngoài trí tuệ, tài năng, người giáo viên phải có đạo đức, phải là tấm gương sáng để học sinh noi theo. Người nhắc nhở: “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức. Ví như bảo học trò phải dậy sớm mà giáo viên thì trưa mới dậy. Cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu”(6). Tấm gương của giáo viên đối với học sinh là vô cùng quan trọng, theo Người: “Óc những người tuổi trẻ trong sạch như một tấm lụa trắng. Nhuộm xanh thì nó sẽ xanh. Nhuộm đỏ thì nó sẽ đỏ. Vì vậy sự học tập ở nhà trường có ảnh hưởng rất lớn cho tương lai của thanh niên, và tương lai của thanh niên tức là tương lai của nước nhà(7), do đó “Thầy tốt thì ảnh hưởng tốt, thầy xấu thì ảnh hưởng xấu”(8). Chính vì thế, Người luôn yêu cầu đội ngũ nhà giáo ngoài tài năng, học vấn phải luôn luôn rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng, do đó trong giáo dục không những phải có tri thức phổ thông mà phải có đạo đức cách mạng. Có tài phải có đức. Có tài không có đức, tham ô hủ hoá có hại cho nước. Có đức không có tài như ông bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai”(9). Tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, sự gương mẫu là những phẩm chất cần thiết, quan trọng của người thầy.
       Trong quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã là nhà giáo phải yêu nghề, yêu trò, tâm huyết với nghề là yêu cầu quan trọng hàng đầu đối với mỗi nhà giáo. Chỉ có lòng yêu nghề, yêu trò, tâm huyết, tận tụy với nghề mới giúp cho nhà giáo hoàn thành sứ mệnh vẻ vang của mình, được nhân dân yêu mến, xã hội tôn vinh Người căn dặn:Thầy cũng như trò, cán bộ cũng như nhân viên, phải thật thà yêu nghề mình. Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản?(10). Yêu nghề là cơ sở để các thầy, cô yên tâm công tác, say mê, toàn tâm, toàn ý với chuyên môn; biết vươn lên, nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp; nâng cao tinh thần trách nhiệm, yêu thương học trò như con, em ruột của mình. Theo Hồ Chí Minh, yêu nghề thôi chưa đủ mà phải yêu chủ nghĩa xã hội bởi chủ nghĩa xã hội là mục tiêu mà dân tộc đang hướng tới. Khi thầy, cô giáo có tri thức, niềm tin và tình yêu thật sự vào chế độ xã hội chủ nghĩa thì họ sẽ là người truyền lửa, thắp sáng lại niềm tin, tình yêu cho học trò và góp sức mình vào công cuộc xây dựng đất hoàn thành mục tiêu tiến lên chủ nghĩa xã hội.
       Giai đoạn hiện nay đất nước ta tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã có những tác động không nhỏ đến đội ngũ nhà giáo nói chung và đội ngũ giảng viên giảng dạy lý luận chính trị nói riêng. Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ đang phát triển như vũ bão, nguồn tri thức, thông tin của nhân loại ngày càng đa dạng, phong phú đòi hỏi người giảng viên phải thường xuyên cập nhật, học tập nâng cao trình độ. Thời kỳ hội nhập quốc tế với những ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai, lối sống thực dụng, coi trọng đồng tiền đang từng ngày, từng giờ tác động đến đội ngũ nhà giáo. Hơn nữa các thế lực thù địch không ngừng chống phá, thực hiện “diễn biến hòa bình” với các chiêu bài dân chủ, nhân quyền… Các yếu tố trên đã tác động đến niềm tin, lý tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống của đội ngũ giảng viên. Ngày 30/10/2016, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ. Nghị quyết đã đánh giá tình hình và chỉ ra những hạn chế trong công tác xây dựng Đảng, trong đó Nghị quyết khẳng định: “Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, giảng dạy và học tập chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chưa đáp ứng yêu cầu… Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn…”. Vì vậy giai đoạn hiện nay để phát huy vai trò của đội ngũ giảng viên giảng dạy lý luận ở trường chính trị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, thiết nghĩ cần phải:
       Thứ nhất, không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống của đội ngũ giảng viên giảng dạy lý luận chính trị. Đội ngũ giảng viên giảng dạy lý luận ở trường chính trị là những người truyền thụ tri thức, kỹ năng hình thành thái độ về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở. Vì vậy hơn ai hết đội ngũ giảng viên trường chính trị phải là người thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, có niềm tin sâu sắc vào sự lãnh đạo của Đảng và trung thành với con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Do đó đội ngũ giảng viên trường chính trị phải được thường xuyên học tập, quán triệt, bổ sung, khắc sâu về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Đồng thời giảng viên phải tự mình rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống để ngày càng hoàn thiện bản thân, đấu tranh chống lại các luận điệu sai trái, xuyên tạc quan điểm đường lối của Đảng và thực sự là những chiến sỹ trên mặt trận lý luận. Phát huy vai trò của cấp ủy Đảng, nhà trường, các tổ chức đoàn thể trong rèn luyện, bồi dưỡng giảng viên để đảm bảo 100% giảng viên có lập trường tư tưởng kiên định, phẩm chất đạo đức, lối sống tốt.
       Thứ hai, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị. Giảng viên phải thường xuyên học tập để nâng cao trình độ để bắt kịp với trình độ phát triển của tri thức nhân loại. Đặc biệt phải thường xuyên học tập, tự nghiên cứu, đào sâu, mở rộng, nâng cao trình độ kiến thức lý luận chuyên ngành. Giảng viên cần tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế, tăng cường rèn luyện kỹ năng sư phạm, đổi mới phương pháp dạy học, sử dụng phương pháp dạy học tích cực, thực hiện giảng dạy lý luận gắn với thực tiễn. Giảng viên phải thực sự cầu thị tự mình học hỏi, đúc rút kinh nghiệm giảng dạy từ đồng chí, đồng nghiệp để nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn.
       Thứ ba, giảng viên phải thực sự là tấm gương cho học viên noi theo. Giảng viên trường chính trị không chỉ truyền thụ những kiến thức lý luận mà hơn hết họ còn là người truyền lửa, thắp sáng niềm tin của học viên với Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Vì vậy không có gì thuyết phục tốt hơn bằng chính tấm gương người thầy. Giảng viên phải là người có lý tưởng cao đẹp, mẫu mực về phẩm chất đạo đức, lối sống. Trong giảng dạy phải thực sự tâm huyết, trong cuộc sống hàng ngày phải giản dị, gần dân, lắng nghe ý kiến nhân dân, vì nhân dân mà phục vụ, không vụ lợi, cửa quyền, hách dịch, quan liêu. Trong quan hệ đồng chí, học viên phải đoàn kết, trong sáng, hết lòng giúp đỡ… Có như vậy giảng viên mới thực sự được nhân dân và học trò tin yêu.
       Thứ tư, giảng viên phải thực sự yêu nghề, tâm huyết với chuyên môn. Giảng viên phải xác định dạy học là công việc chính, là sự nghiệp gắn bó cả cuộc đời công tác. Từ đó giảng viên sẽ không ngừng tìm tòi, cải tiến để nâng cao trình độ, kỹ năng giảng dạy và thực sự trở thành người thày giáo giỏi. Nhà trường cần tạo mọi điều kiện thuận lợi, xây dựng môi trường giáo dục, phát động các phong trào thi đua, thực hiện các chế độ, chính sách, thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng… để tạo động lực, niềm say mê cho giảng viên, để họ chuyên tâm gắn bó với nghề.
       Để phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ giảng viên giảng dạy lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới, điều quan trọng nhất phụ thuộc chính vào bản thân mỗi giảng viên. Trước khi cấp ủy Đảng, nhà trường có những giải pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên thì bản thân mỗi giảng viên phải có nhận thức đúng đắn để tự mình thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu của thời đại. Nâng cao vai trò, vị thế của người giảng viên lý luận chính trị thực sự là những chiến sỹ xung kích trên mặt trận lý luận chính trị góp phần tích cực trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, phát triển tư duy lý luận phù hợp với đường lối đổi mới của Đảng để thực hiện thành công mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 2004, t.8, tr.184
(2) Hồ Chí Minh, Toàn tậpSđd, t.11, tr.331-332.
(3) Hồ Chí Minh, Toàn tậpSđd, t.9, tr.489.
(4) Hồ Chí Minh, Toàn tậpSđd, t.8, tr.126-127).
(5) Hồ Chí Minh, Toàn tậpSđd, t.9, tr.492.
(6) Hồ Chí Minh, Toàn tậpSđd, t.9, tr.492.
(7) Hồ Chí Minh, Toàn tậpSđd, t.5, tr.102.
(8) Hồ Chí Minh, Toàn tậpSđd, t.9, tr.492
(9) Hồ Chí Minh, Toàn tậpSđd, t.8, tr.184
(10) Hồ Chí Minh, Toàn tậpSđd, t.11, tr.331.
 
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8371062

Đang Online : 2686