Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2017  >> Thông tin lý luận và thực tiễn số 1

Ngày Đăng:11/29/2017 9:58:00 AM Lượt xem: 1060

TÂM SỰ CỦA NGƯỜI GIẢNG VIÊN TRƯỜNG CHÍNH TRỊ
 
          Là một giảng viên chính làm nghề giảng dạy lý luận chính trị trên 20 năm, mỗi năm đến ngày thành lập trường là trong lòng tôi cảm thấy xốn xang đến kỳ lạ. Lễ kỷ niệm thành lập trường năm nay là một ngày rất đặc biệt, Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang 60 năm xây dựng và phát triển (06/6/1957-06/6/2017). Một ngôi trường đã trải dài trên chặng đường lịch sử, với đủ cung bậc của thăng trầm, để biết bao nhiêu thế hệ học viên hiểu sâu sắc hơn về ngôi trường 60 tuổi, nơi đã gắn bó với mỗi học viên trong những khóa học đã qua. Để hôm nay biết tôn vinh những công lao, nỗ lực của mọi thế hệ cán bộ, giảng viên; để các thế hệ học viên hiểu được chính tại ngôi trường này đã đào tạo ra rất nhiều các đồng chí cán bộ có trình độ, năng lực, giữ những vị trí quan trọng từ Trung ương, tỉnh, huyện, xã và góp sức mình xây dựng quê hương, đất nước.  
          Thấm thoắt thời gian trôi, tôi về trường từ khi tuổi còn trẻ, mái đầu xanh đến nay tóc đã điểm bạc. Là thế hệ đi sau, không nhìn thấy được những ngày đầu thành lập, chỉ được nghe qua lời kể của những thế hệ đi trước, nhưng tôi có thể cảm nhận được một phần nào nỗi khó khăn, vất vả cũng như sự nỗ lực hết sức mình để vượt qua được những khó khăn về cơ sở vật chất, con người. Họ đã trải qua những nốt thăng trầm cùng ngôi trường này, họ đã từng là những người thầy vừa là người tăng gia sản xuất, rồi là người công nhân trong những giai đoạn trước thời kỳ đổi mới. Rồi cùng với sự đoàn kết, sự nỗ lực lớn lao, sự tâm huyết, với sự giúp đỡ của cấp trên, các thế hệ cán bộ, giảng viên đã góp phần thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh Tuyên Quang. Chúng tôi, những người tiếp bước thế hệ đi trước tự hào với truyền thống lịch sử của nhà trường nguyện kế thừa, giữ vững, phát huy truyền thống đó.
          Truyền thống "Tôn sư trọng đạo" của nhân dân ta từ xưa và mãi sau này sẽ không thay đổi nhưng những yêu cầu của xã hội ngày nay đối với nhà giáo cả về phẩm chất và năng lực đã tăng lên rất nhiều. Điều đó đòi hỏi nhà giáo vừa phải giữ được những phẩm chất truyền thống tốt đẹp của nghề nghiệp cao quý này lại vừa phải đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về tri thức, về kiến thức chuyên môn nghiệp vụ sư phạm. Trước yêu cầu đó, người giảng viên lý luận chính trị luôn giữ vai trò, vị trí tiên phong, quan trọng vì chất lượng đào tạo nói cho cùng gắn liền với chất lượng của người dạy. Bởi vậy người giảng viên cần phải có cái tâm, đó là sự tâm huyết với nghề. Tâm huyết của người giảng viên chính là lòng nhiệt tình của mình đối với công việc giảng dạy, một công việc mà động lực của nó không hoàn toàn từ vấn đề tổ chức, lợi ích vật chất, tinh thần, mà còn được xuất phát từ tình cảm, nguyện vọng thiết tha, chân thành của người giảng viên đối với công việc mình làm, nghề mình yêu thích (dạy học). Người giảng viên có tâm huyết sẽ biết lượm lặt, chắt chiu kiến thức, sàng lọc cô kết nó, để rồi với từng lớp, từng đối tượng học viên mà truyền đạt, diễn giải cho vừa, cho đủ, bằng những phương pháp thích hợp với mình, với người, với nội dung và điều kiện, hoàn cảnh. Ở họ không bao giờ bị trói buộc bởi điều kiện cụ thể nào, hoàn cảnh nhất định nào để giảm đi chất lượng bài giảng.
           Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về vai trò của người dạy lý luận và của lý luận: “Các thầy giáo có nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang là đào tạo cán bộ cho dân tộc”[1]. Từ đó, “lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế” và “không hiểu lý luận thì như người mù đi đêm”[2]. Như vậy, lý luận đối với Hồ Chí Minh không phải là mục đích tự thân, lý luận phải xuất phát từ thực tiễn, phải được chứng minh trong thực tiễn và khi được vận dụng vào thực tiễn, nó được bổ sung, phát triển, trở nên phong phú và sâu sắc hơn, phản ánh đầy đủ hơn, chuẩn xác hơn các quy luật vận động và phát triển của tự nhiên, của xã hội và của con người.
          Thực hiện lời dạy của Người, Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang với chức năng, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và thực hiện các nhiệm vụ khác do Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao, từ khi mới thành lập, đội ngũ cán bộ, giảng viên chỉ có 9 người gồm một Ban Hiệu ủy 4 đồng chí và 5 đồng chí là cán bộ, giảng viên; Đến nay 2017 nhà trường có 56 cán bộ, giảng viên, nhân viên trong đó có 42 giảng viên có 73,8% giảng viên có trình độ thạc sĩ; 01 giảng viên đang nghiên cứu sinh, 04 giảng viên đang học cao học.
Phát huy truyền thống của các thế hệ đi trước, là một giảng viên chính ở trường chính trị, tôi càng nhận thức rõ và sâu sắc hơn về trách nhiệm, vai trò của người thầy trong xã hội. Từ đó, tiếp tục học tập nâng cao chất lượng chuyên môn, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, hoàn thiện bản thân để xứng đáng là một người giảng viên giảng dạy lý luận chính trị./.
 
 

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t6, tr.467
2 Hồ Chí Minh. Sđd., t.7, tr.231.
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8371076

Đang Online : 2700