Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2021  >> Thông tin lý luận và thực tiễn số 2

Ngày Đăng:12/26/2021 10:07:00 AM Lượt xem: 856

MỘT SỐ KINH NGHIỆM TỔ CHỨC SINH HOẠT CHUYÊN ĐỀ “TỰ SOI, TỰ SỬA” CỦA CHI BỘ KHOA XÂY DỰNG ĐẢNG
                                        
Thạc sĩ Bùi Hữu Thêm
Bí thư chi bộ, Trưởng khoa Xây dựng Đảng
         
          Thực hiện kế hoạch của Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh về tổ chức sinh hoạt chuyên đề “tự soi, tự sửa”, chi bộ khoa Xây dựng Đảng đã chủ động, tích cực chuẩn bị và tổ chức thực hiện đảm bảo kế hoạch đề ra. Sinh hoạt chuyên đề đã đạt được những kết quả nhất định: hình thức tổ chức có sự đổi mới nên đã thu hút được sự hào hứng, tích cực tham gia phát biểu ý kiến của đảng viên, tạo không khí sôi nổi, cởi mở trong buổi sinh hoạt; phát huy được tinh thần tự giác, nghiêm túc, thẳng thắn và xây dựng của mỗi đảng viên; sau sinh hoạt chuyên đề mỗi đảng viên đã xây dựng được kế hoạch khắc phục những hạn chế với những biện pháp, giải pháp phù hợp. Qua việc tổ chức sinh hoạt chuyên đề “tự soi, tự sửa” của chi bộ khoa Xây dựng Đảng có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:
          Một là, thực hiện tốt công tác tư tưởng và tuyên truyền, quán triệt để đảng viên nhận thức rõ vai trò, sự cần thiết của việc tổ chức sinh hoạt chuyên đề về “tự soi, tự sửa”. Việc tuyên truyền, quán triệt và định hướng tư tưởng cho đảng viên phải được thực hiện trước khi chi bộ tiến hành tổ chức hội nghị sinh hoạt chuyên đề. Mỗi đảng viên phải thấy được nếu làm tốt việc “tự soi, tự sửa” sẽ góp phần chỉ ra những hạn chế trong tư tưởng, đạo đức, lối sống để kịp thời có giải pháp sửa chữa, khắc phục. Nếu hoạt động này không được tiến hành thường xuyên như “rửa mặt hàng ngày” thì lâu dần những hạn chế tích tụ sẽ dẫn đến suy thoái, trở thành “căn bệnh nan y” vô phương cứu chữa. Để mỗi đảng viên tự mình nhận ra khuyết điểm sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng nếu chi bộ đặt ra việc phê bình và tự phê bình là một yêu cầu bắt buộc, thậm chí nếu mỗi đảng viên không tự nhận ra những hạn chế, khuyết điểm của bản thân thì chi bộ sẽ phải họp để chỉ ra những biểu hiện suy thoái đó.
           Làm tốt công tác quán triệt tinh thần, phương trâm tự phê bình và phê bình. Thực tiễn trong sinh hoạt việc tự phê bình và phê bình thường xuất hiện tâm lý e ngại, sợ khuyết điểm nhất là khi đề cập đến việc phê bình những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống. Vì vậy bí thư chi bộ cần làm tốt công tác tư tưởng, đồng thời nêu rõ mục đích của việc phê bình không phải nhằm “bới lông tìm vết”, trong công việc có làm có thể sẽ có sai sót, nên việc chỉ ra những hạn chế là để tìm giải pháp khắc phục giúp nâng cao chất lượng công tác của đảng viên; phương trâm là “phê bình việc chứ không phê bình người”.
           Từ nhận thức đó chi bộ sẽ quan tâm dành thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu các quy định, quy trình, thực hiện tốt công tác chuẩn bị và tổ chức sinh hoạt chuyên đề đạt kết quả cao nhất. Đồng thời khắc phục được tình trạng đảng viên e ngại, né tránh khi nói về khuyết điểm để tích cực, thẳng thắn và chủ động chỉ ra những hạn chế của bản thân và đảng viên khác để kịp thời sửa chữa.
            Hai là, làm tốt công tác chuẩn bị để tổ chức sinh hoạt chuyên đề. Để đạt được hiệu quả cao trong tổ chức sinh hoạt chuyên đề về “tự soi, tự sửa”, chi bộ cần xây dựng kế hoạch, xác định rõ mục tiêu và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đảng viên phụ trách các phần việc và chuẩn bị tốt các tài liệu như: báo cáo “tự soi, tự sửa” của đảng viên, báo cáo tổng hợp “tự soi tự sửa” của chi bộ, kịch bản điều hành sinh hoạt, chương trình, định hướng phát biểu thảo luận, dự kiến kết luận; các điều kiện vật chất như ma két, máy chiếu, video, chú ý đến việc dự kiến những hình thức tổ chức sao cho hấp dẫn, lôi cuốn… Công tác chuẩn bị đầy đủ, chi tiết, có đổi mới sáng tạo thì quá trình tổ chức điều hành sinh hoạt sẽ chủ động và đạt được mục tiêu đề ra.
          Trong công tác chuẩn bị cần đặc biệt chú ý đến báo cáo “tự soi, tự sửa” của đảng viên. Để có dữ kiện viết báo cáo tổng hợp về “tự soi, tự sửa” của chi bộ, đồng thời khắc phục bệnh qua loa, hình thức, bí thư chi bộ cần kiểm soát nội dung các báo cáo “tự soi, tự sửa” của đảng viên, nếu chưa sát, chưa phù hợp thì định hướng thậm chí yêu cầu viết lại. Báo cáo tổng hợp “tự soi tự sửa” của chi bộ cần chỉ ra mức độ suy thoái là thỉnh thoảng, hiếm khi hay thường xuyên; phải chỉ rõ số lượng đảng viên có những biểu hiện suy thoái thuộc phần nào trong 27 biểu hiện, nguyên nhân dẫn đến những biểu hiện suy thoái; đặc biệt là phải xây dựng được các biện pháp, giải pháp khả thi để khắc phục.
          Ba là, trong tổ chức điều hành sinh hoạt chuyên đề phải phát huy tối đa tinh thần dân chủ, sự nêu gương, óc sáng tạo của cán bộ, đảng viên. Để phát huy được sự hăng hái phát biểu ý kiến của đảng viên thì trước tiên bí thư chi bộ phải nêu gương, thẳng thắn tự phê bình mình. Người chủ trì cần động viên, khuyến khích, khơi gợi những ý tưởng sáng tạo, ý kiến phát biểu của đảng viên trên tinh thần thẳng thắn, đoàn kết và dân chủ. Quá trình điều hành phải đảm bảo đúng kịch bản đã được chuẩn bị, chú ý vào nội dung trọng tâm, tập trung tìm ra những giải pháp khả thi để khắc phục được những hạn chế đã được chỉ ra. Người chủ trì phải khách quan, công tâm trong góp ý, phê bình; phải tạo bầu không khí thoải mái, cởi mở để mọi đảng viên bày tỏ quan điểm và thẳng thắn trong góp ý, phê bình.
          Bốn là, thực hiện tốt việc xây dựng kế hoạch khắc phục những hạn chế thiếu sót. Kết thúc việc “Tự soi, tự sửa” mỗi đảng viên cần xây dựng kế hoạch khắc phục những hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ ra. Đây là khâu rất quan trọng quyết định đến tính hiệu quả của việc "Tự soi, tự sửa" của cán bộ đảng viên. Nội dung kế hoạch phải chỉ rõ các biểu hiện suy thoái, giải pháp khắc phục các hạn chế, khuyết điểm trong “Tự soi, tự sửa”, thời gian khắc phục hạn chế, khuyết điểm, dự kiến kết quả đạt được, kết quả đó phải được lượng hóa bằng sản phẩm cụ thể. Ví dụ như: Khắc phục tình trạng lười học chủ nghĩa Mác – Lênin thì kết quả khắc phục phải được cụ thể bằng việc tham gia đăng ký học lớp Bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phải có sản phẩm là bài báo, tạp chí, Thông tin lý luận và thực tiễn hoặc vận dụng vào bài giảng…
          Năm là, chi bộ thực hiện tốt kiểm tra, giám sát việc khắc phục hạn chế, khuyết điểm sau tự soi, tự sửa của đảng viên. Kế hoạch khắc phục những hạn chế, khuyết điểm do đảng viên xây dựng phải có sự ký duyệt của Bí thư chi bộ. Trong sinh hoạt hằng tháng, quý, năm đảng viên có nhiệm vụ báo cáo kết quả thực hiện trước chi bộ. Bí thư chi bộ thường xuyên giám sát và đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch khắc phục những hạn chế, khuyết điểm của đảng viên. Kết quả khắc phục những hạn chế, khuyết điểm là cơ sở, tiêu chí để phân loại và xét thi đua cho đảng viên hằng năm.         
          Trong công tác xây dựng Đảng “tự soi, tự sửa” là công việc phải làm thường xuyên của mỗi cán bộ, đảng viên nhằm không ngừng hoàn thiện bản thân, nâng cao chất lượng công tác và xây dựng chi bộ, đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Để tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ, Đảng bộ Trường Chính trị, cần tiếp tục đẩy mạnh “tự soi, tự sửa” đảm bảo chất lượng, hiệu quả góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI, Khóa XII; Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Trường Chính trị lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020-2025.
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8050919

Đang Online : 1765