Nội san >> Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2021 >> Thông tin lý luận và thực tiễn số 2
Ngày Đăng:12/26/2021 10:12:00 AM Lượt xem: 816
TUYÊN QUANG THỰC HIỆN TỐT PHONG TRÀO THI ĐUA “CẢ NƯỚC CHUNG TAY VÌ NGƯỜI NGHÈO,
KHÔNG AI BỊ BỎ LẠI PHÍA SAU”
KHÔNG AI BỊ BỎ LẠI PHÍA SAU”
Thạc sĩ Phùng Thị Khánh Lệ
Phó Trưởng phòng Tổ chức, hành chính, thông tin, tư liệu
Phó Trưởng phòng Tổ chức, hành chính, thông tin, tư liệu
Phát huy tinh thần đoàn kết, lá lành đùm lá rách, đẩy mạnh xoá đói, giảm nghèo, hạn chế phân hoá giàu nghèo được Đảng ta xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Với tinh thần đó, ngày 21/8/2017 thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Quyết định số 1285/QĐ-TTg ngày 21/8/2017 về kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo, không ai bị bỏ lại phía sau”. Đây là phong trào có ý nghĩa thiết thực, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, sự quan tâm của Đảng và nhà nước với những đối tượng yếu thế trong xã hội, từ đó hướng tới thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, tạo sự công bằng, bình đẳng xã hội, ảnh hưởng tới sự ổn định chính trị - xã hội.
Tuyên Quang là một tỉnh miền núi, kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, trong đó tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm hơn 54%, kinh tế phát triển chậm, đời sống của một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn. Những năm qua, Tuyên Quang đã xác định công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Bên cạnh việc chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương, Tuyên Quang đã chủ động nghiên cứu, ban hành và triển khai thực hiện nhiều chính sách, cơ chế, giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, góp phần tích cực tạo sinh kế, nâng cao đời sống vật chất của nhân dân.
Thực hiện Quyết định số 1285/QĐ-TTg ngày 21/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào trên địa bàn tỉnh, trong đó đã đề ra nội dung, tiêu chuẩn và danh hiệu thi đua đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện phong trào thi đua, đề ra các giải pháp và nhiệm vụ, phân công cho các ngành, đơn vị triển khai thực hiện phong trào. Phong trào đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và được các ngành, các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.
Các địa phương, các sở, ngành, cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện phong trào thi đua, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện phong trào phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, tình hình thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị, phát động các phong trào thi đua thực hiện các mục tiêu về giảm nghèo, thực hiện các cơ chế, chính sách giảm nghèo, gắn với phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, cộng đồng trách nhiệm vì người nghèo, hỗ trợ giúp đỡ các hộ nghèo, cận nghèo vươn lên, thoát nghèo bền vững. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh hướng dẫn Mặt trận các cấp phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các tổ chức thành viên tham mưu tổ chức và triển khai phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới - Đô thị văn minh" và phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa". Nội dung thi đua tập trung vào vận động các hộ gia đình đăng ký thi đua đoàn kết giúp nhau giảm nghèo, chủ động vượt khó vươn lên phát triển kinh tế để thoát nghèo bền vững; vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và các chương trình an sinh xã hội; vận động cho các cơ quan, đơn vị tổ chức các hoạt động giúp đỡ các hộ nghèo, thôn nghèo, xã nghèo. Đề xuất với chính quyền các cấp tạo điều kiện cho hộ nghèo được tiếp cận, hưởng thụ các chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Nhà nước; nhân rộng các mô hình sản xuất, phát triển kinh tế đã có hiệu quả trên địa bàn, hướng dẫn thành lập các tổ hợp tác xã trong sản xuất.
Phong trào "Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" được quan tâm triển khai thực hiện, đã phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc, khơi dậy tình yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau từ mỗi cộng đồng dân cư cùng chăm lo cho người nghèo, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Kết quả của Chương trình đã góp phần thiết thực thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Chương trình giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh và các huyện, thành phố đều giảm, đạt và vượt chỉ tiêu, kế hoạch hằng năm, cụ thể:
Tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh giảm từ 27,81% (tương đương 55.827 hộ) đầu năm 2016 xuống còn 9,03% (tương đương 19.137 hộ) cuối năm 2020. Trong 05 năm (2016-2020) giảm 18,78% (tương đương giảm 36.690 hộ), bình quân giảm 3,76%/năm, vượt kế hoạch (mục tiêu giảm 3%/năm).
Tỷ lệ hộ nghèo ở các xã nghèo (xã thực hiện Chương trình 135): Giảm từ 52,73% (tương đương 31.426 hộ) đầu năm 2016 xuống còn 20,79% (tương đương 14.219 hộ) cuối năm 2020. Trong 05 năm (2016-2020) giảm 31,94% (tương đương giảm 17.207 hộ), bình quân giảm 6,55%/năm, vượt kế hoạch (mục tiêu giảm 4%/năm).
Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số: Giảm từ 43,45% (tương đương 43.845 hộ) đầu năm 2016 xuống còn 15,09% (tương đương 16.238 hộ) cuối năm 2020. Trong 05 năm (2016-2020) giảm 28,36% (tương đương giảm 27.607 hộ), bình quân giảm 5,67%/năm, vượt kế hoạch (mục tiêu giảm 4%/năm). Trong 5 năm (2016-2020) toàn tỉnh đã xóa 317 hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách người có công với cách mạng. Đến nay trên địa bàn tỉnh không còn hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách người có công với cách mạng.
Có thể nói, những kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo của tỉnh Tuyên Quang đã góp phần quan trọng đảm bảo an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội, thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực cố gắng của cả hệ thống chính trị và nhân dân, đặc biệt là vai trò của các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia, triển khai thực hiện công tác giảm nghèo và sự nỗ lực, cố gắng của bản thân các hộ nghèo, cận nghèo trong phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Những kết quả trên đây là tiền đề quan trọng để thực hiện thành công mục tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra, xây dựng tỉnh Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.
Trong thời gian tới, để Phong trào tiếp tục phát triển, đi vào chiều sâu, cần triển khai những giải pháp cụ thể sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy đảng, sự chỉ đạo điều hành của các cấp chính quyền, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng trong lãnh đạo, chỉ đạo phát động, tổ chức phong trào thi đua, sơ kết, tổng kết và khen thưởng cho tập thể, cá nhân, hộ gia đình có thành tích trong phong trào thi đua.
Hai là, triển khai xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện lồng ghép và sử dụng có hiệu quả nguồn lực của Nhà nước thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (khi được chính phủ phê duyệt) đảm bảo phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của tỉnh.
Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền quan điểm, chủ trương, chính sách giảm nghèo của Đảng và Nhà nước, nhằm tạo chuyển biến về nhận thức, tạo tính chủ động, tự lực vươn lên của người nghèo; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.
Bốn là, phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc triển khai, vận động, thực hiện Chương trình giảm nghèo đến hội viên, đoàn viên và nhân dân, vận động sự tham gia của cộng đồng xã hội chung tay thực hiện, hỗ trợ người dân thoát nghèo bền vững, gắn với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh".
Tài liệu tham khảo:
Báo cáo số 181 /BC-UBND, ngày 24/12/2020 của UBND tỉnh Tuyên Quang về Kết quả thực hiện Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2016-2020, gắn với thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TU ngày 20/10/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XVI) về tăng cường lãnh đạo thực hiện công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Các tin liên quan:
- ❧ QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM VỮNG BƯỚC DƯỚI LÁ CỜ VINH QUANG CỦA ĐẢNG - Ngày đăng('12/26/2021 10:03:00 AM')
- ❧ MỘT SỐ KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC TRONG PHONG TRÀO THI ĐUA CỦA CỤM THI ĐUA CÁC TRƯỜNG CHÍNH TRỊ KHU VỰC TRUNG DU MIỀN NÚI PHÍ BẮC NĂM 2021 - Ngày đăng('12/26/2021 10:05:00 AM')
- ❧ NHẬN THỨC VÀ TƯ DUY MỚI VỀ QUỐC PHÒNG VIỆT NAM TRONG VĂN KIỆN ĐẠI HỘI XIII LÀ SỰ KHẲNG ĐỊNH, PHÁT TRIỂN NỘI DUNG CƯƠNG LĨNH XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC TRONG THỜI KỲ QUÁ ĐỘ LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI - Ngày đăng('12/26/2021 10:06:00 AM')
- ❧ MỘT SỐ KINH NGHIỆM TỔ CHỨC SINH HOẠT CHUYÊN ĐỀ “TỰ SOI, TỰ SỬA” CỦA CHI BỘ KHOA XÂY DỰNG ĐẢNG - Ngày đăng('12/26/2021 10:07:00 AM')
- ❧ XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN CÂY BƯỞI ĐẶC SẢN TRỞ THÀNH SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP CHỦ LỰC CỦA HUYỆN YÊN SƠN - Ngày đăng('12/26/2021 10:17:00 AM')
- ❧ MỘT SỐ KẾT QUẢ CÔNG TÁC GIÁM SÁT VÀ PHẢN BIỆN XÃ HỘI CỦA ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC HUYỆN CHIÊM HÓA NĂM 2021 - Ngày đăng('12/26/2021 10:48:00 AM')
- ❧ NHẬN DIỆN VÀ ĐẤU TRANH VỚI TIN GIẢ, TIN SAI SỰ THẬT VỀ DỊCH COVID-19 TRÊN INTERNET GÓP PHẦN TÍCH CỰC VÀO CUỘC CHIẾN CHỐNG DỊCH COVID-19 Ở NƯỚC TA HIỆN NAY - Ngày đăng('12/26/2021 10:51:00 AM')
- ❧ PHÁT TRIỂN KINH TẾ NÔNG NGHIỆP Ở XÃ XUÂN QUANG, HUYỆN CHIÊM HÓA - Ngày đăng('12/26/2021 10:54:00 AM')
- ❧ Ý CHÍ TỰ LỰC, TỰ CƯỜNG CỦA HỒ CHÍ MINH ĐỂ THỰC HIỆN KHÁT VỌNG ĐỘC LẬP DÂN TỘC - Ngày đăng('12/26/2021 10:58:00 AM')
- ❧ PHONG TRÀO “NGÀY CUỐI TUẦN CÙNG DÂN” TẠI HUYỆN HÀM YÊN, TỈNH TUYÊN QUANG - Ngày đăng('12/26/2021 11:02:00 AM')