Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2021  >> Thông tin lý luận và thực tiễn số 2

Ngày Đăng:12/26/2021 10:17:00 AM Lượt xem: 495

XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN CÂY BƯỞI ĐẶC SẢN TRỞ THÀNH SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP CHỦ LỰC
CỦA HUYỆN YÊN SƠN
 
 Thạc sĩ Đỗ Việt Hà
 Giảng viên khoa Lý luận cơ sở
               
            Những năm gần đây, cây bưởi đang dần khẳng định vị thế là một trong những cây trồng chủ lực, góp phần thiết thực vào mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp của huyện Yên Sơn, giúp nâng cao thu nhập cho người dân. Phát triển cây bưởi đã giúp khai thác tiềm năng, thế mạnh về đất đai, khí hậu, hình thành vùng cây ăn quả và tạo ra sản phẩm hàng hóa tập trung.
           Bưởi là cây ăn quả có chu kỳ kinh tế dài được trồng nhiều tại các xã của huyện Yên Sơn, vùng thượng huyện (gồm các xã: Kiến Thiết, Trung Trực, Xuân Vân, Quý Quân, Lực Hành, Chiêu Yên, Phúc ninh, Tân Long, Tân Tiến), Vùng trung tâm huyện (gồm các xã: Lang Quán, Thắng Quân, Tứ Quận, Trung Môn, Chân Sơn), vùng hạ huyện (gồm các xã: Thái Bình, Tiến Bộ, Đội Bình, Nhữ Khê, Nhữ Hán, Mỹ Bằng, Hoàng Khai). Năm 2020 diện tích trồng Bưởi tại huyện Yên Sơn đạt trên 4.088,4 ha, trong đó 1.550 ha Bưởi cho sản phẩm, sản lượng đạt 16.812,9 tấn, năng suất đạt 108,5 tạ/ha,  diện tích còn lại đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản. Đây là cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, những năm gần đây sản phẩm Bưởi Đường (chín sớm), Bưởi Da xanh (chín trung bình) và Bưởi Diễn (chín muộn) đang trở thành hàng hóa được nhiều nơi đến thu mua. Các giống Bưởi rải vụ cho thu hoạch từ tháng 9 đến tháng 2 năm sau, trong đó giống Bưởi đường chín sớm cho thu hoạch từ tháng 9 (Rằm tháng 8); giống Bưởi đường chín muộn cho thu hoạch từ tháng 12 (giáp tết Âm lịch) đến tháng 2 năm sau qua đó góp phần tăng thu nhập đối với đời sống nhân dân và là cây làm giàu đối với nhiều hộ nông dân.
            Để hỗ trợ người dân trồng và phát triển cây bưởi trở thành cây nông nghiệp chủ lực, phát huy lợi thế, tiềm năng, thế mạnh về điều kiện đất đai, khí hậu của địa phương, nâng cao hiệu quả kinh tế tăng thu nhập, tạo tiền đề để xây dựng thương hiệu sản phẩm Bưởi có chỉ dẫn địa lý đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, nâng cao đời sống, vật chất tinh thần cho người dân nông thôn. Huyện ủy và Ủy ban Nhân dân huyện Yên Sơn đã chỉ đạo các cấp, các ngành vào cuộc, đặc biệt là Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trong việc tiến hành rà soát, đánh giá các diện tích vườn Bưởi đã ra quả ổn định nhiều năm, sinh trưởng, phát triển, năng suất, chất lượng vượt trội để đề nghị xem xét lựa chọn, bình tuyển cây đầu dòng phục vụ cho nhân và giữ giống; rà soát các cơ sở sản xuất giống cây ăn quả có quy mô, đảm bảo điều kiện sản xuất để hỗ trợ xây dựng vườn ươm phục vụ cung ứng giống đảm bảo chất lượng tại chỗ trên địa bàn huyện; ứng dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; áp dụng quy trình sản xuất an toàn, kết quả đã có 27,5 ha Bưởi sản xuất theo hướng an toàn, bền vững theo tiêu chuẩn VietGap (05 ha tại xã Lực Hành; 12,5 ha tại xã Xuân Vân; 10 ha tại xã Thắng Quân, Phúc Ninh, Quý Quân).
            Từ sự vào cuộc của các cấp, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, sự hưởng ứng từ nhân dân, kết quả đem lại từ cây Bưởi trong những năm qua được thể hiện:     
             - Đầu ra của sản phẩm rất thuận lợi, có thời điểm cung chưa đáp ứng đủ nhu cầu
            - Về đăng ký nhãn hiệu sản phẩm: Cục Sở hữu trí tuệ công nhận cho 02 thương hiệu Bưởi đường Xuân Vân (xã Xuân Vân), Bưởi Đặc sản Phúc Ninh (xã Phúc Ninh); Ngày 15/9/2021, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 4031/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00109 cho bưởi Soi Hà, Ủy ban nhân dân huyện Yên Sơn là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.
            - Huyện Yên Sơn hình thành được 02 Hợp tác xã tham gia sản xuất kinh doanh Bưởi (Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Phúc Ninh, Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Xuân Vân), đã đi vào hoạt động, bằng nguồn vốn hỗ trợ sản xuất đã cấp phát 5.000 tem nhãn hàng hóa, in bao bì bằng hộp cartong cho thành viên Hợp tác xã, gắn công tác quảng bá giới thiệu với bảo hành chất lượng; Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Xuân Vân được trao biểu tượng và nhận chứng thư bưởi Xuân Vân đạt TOP 10 Thương hiệu - Nhãn hiệu nổi tiếng năm 2018, đưa sản phẩm bưởi Xuân Vân trở thành thương hiệu có uy tín trên thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất và kinh doanh bưởi tại xã Xuân Vân.
            - Thực hiện chính sách hỗ trợ tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái và bảo quản sản phẩm Bưởi, đã có trên nghìn lượt hộ được hưởng lợi và đã xây dựng được nhiều mô hình đạt hiệu quả cao.
            Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình trồng và phát triển cây bưởi trở thành sản phẩm nông nghiệp chủ lực trên địa bàn huyện Yên Sơn còn gặp một số khó khăn:
            Một là, cây Bưởi là cây sinh trưởng dài hạn cần đầu tư thâm canh, chi phí ban đầu và thời gian đến khi cho quả ổn định dài, do đó, với diện tích trồng mới có quy mô lớn thì chủ đầu tư phải đáp ứng được yêu cầu về nguồn lực và kỹ thuật;
              Hai là, việc phát triển thương hiệu Bưởi và quản lý chất lượng quả Bưởi còn gặp những khó khăn, do cách thu mua vườn Bưởi của các thương lái từ khi quả còn non dẫn đến hầu hết các chủ vườn chưa có nhu cầu sử dụng tem nhãn, quả Bưởi không được dán tem và khó quản lý được khi đưa ra thị trường. Mặt khác, có sự trà trộn giữa các loại Bưởi kém chất lượng của các thương lái đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng, hình ảnh và phát triển thương hiệu Bưởi đặc sản.
            Ba là, cơ sở sản xuất giống cây ăn quả nói chung và cây Bưởi nói riêng trên địa bàn huyện còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định của Nhà nước do đó nguồn cung tại chỗ cho việc trồng cải tạo và trồng mới gặp khó khăn.
            Bốn là, việc trồng mới Bưởi còn phân tán, quy mô nông hộ, sản xuất nhỏ vẫn là chủ yếu; thiếu những mô hình sản xuất lớn, liên kết giữa các hộ trồng Bưởi trong sản xuất và kinh doanh. Một số tiến bộ kỹ thuật mới trong những năm vừa qua được mở rộng nhanh chóng, nhưng nhìn chung thâm canh vẫn ở mức trung bình.
            Năm là, trình độ nhận thức, tư tưởng, tập quán một số bộ phận nông dân còn mang nặng tư tưởng sản xuất nhỏ, chưa chú trọng vào đầu tư thâm canh, sản xuất hàng hóa, gìn giữ và phát triển thương hiệu;
           Sáu là, chưa có chỉ dẫn địa lý nên việc phát triển thương hiệu Bưởi còn hạn chế, mặc dù đã có 02 thương hiệu tập thể cho Bưởi đường Xuân Vân, Bưởi đặc sản Phúc Ninh nhưng mới dừng ở quy mô hẹp trong phạm vi cấp xã nên đã ảnh hưởng tới việc quảng bá, phát triển thị trường tiêu thụ, nguồn lực đầu tư cũng như thu hút các doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết sản xuất. Nhãn hiệu tập thể Bưởi đặc sản huyện Yên Sơn chưa thể hiện được đầy đủ tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm bưởi trồng trên đất Yên Sơn, Tuyên Quang. Vì vậy cần thiết phải xây dựng Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Bưởi đặc sản huyện Yên Sơn.
            Để quá trình trồng và phát triển cây bưởi trở thành sản phẩm nông nghiệp chủ lực cần thực hiện một số giải pháp cơ bản:
            - Tăng cường sự lãnh chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, nhất là đối với các xã trọng điểm trồng Bưởi, xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển cây Bưởi; xác định trồng mới, hình thành vùng sản xuất tập trung là một trong nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình, kế hoạch hoạt động của các cấp ủy đảng, chính quyền của xã; vận động nông dân tăng quy mô sản xuất, hình thành trang trại có diện tích Bưởi trên 2,1 ha; nông dân liên kết để thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã quy mô sản xuất từ 5,0 ha Bưởi trở lên để tăng cường năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh và được hưởng chính sách hỗ trợ của tỉnh.
          - Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 22/5/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) về phát triển nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2016-2025. Thúc đẩy tích tụ đất đai, tạo quỹ đất tập trung để thu hút doanh nghiệp, Hợp tác xã, trang trại đầu tư trồng Bưởi.
           - Tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm các kỹ thuật mới để khắc phục những khuyết điểm và hoàn thiện hướng dẫn kỹ thuật cụ thể cho từng giống Bưởi; mở rộng diện tích áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), sản xuất an toàn (VietGAP) đối với Bưởi. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện rà soát các cơ sở sản xuất giống cây ăn quả có quy mô, đảm bảo điều kiện sản xuất để hỗ trợ xây dựng vườn ươm phục vụ cung ứng giống đảm bảo chất lượng tại chỗ trên địa bàn huyện.
           - Xây dựng kênh thông tin và dự báo thị trường nông sản của huyện, trong đó có thông tin về thị trường Bưởi (số lượng, địa chỉ sản xuất, cung ứng, giá bán,..); xác định nhu cầu của thị trường tiêu thụ sản phẩm đối với từng chủng loại Bưởi; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, thông tin, giới thiệu sản phẩm Bưởi; xây dựng và phát triển kênh phân phối chính thức và uy tín như siêu thị; hình thành một số cửa hàng cung ứng sản phẩm theo chuỗi.
            - Quản lý nghiêm các cơ sở sản xuất giống cây ăn quả trên địa bàn,  tiến hành kiểm tra, đánh giá, phân loại theo quy định và phân công, phân cấp quản lý; xử lý nghiêm đối với các cơ sở không đủ điều kiện. Cập nhật kịp thời, công bố công khai danh sách các cơ sở đảm bảo điều kiện, các cơ sở vi phạm trên thông tin đại chúng và Website của Ủy ban nhân dân huyện. Kiểm tra, giám sát các cơ sở chế biến, bảo quản, ngăn chặn tình trạng đưa các loại quả kém chất lượng, không đúng chủng loại lẫn với lô quả chất lượng, xử lý các trường hợp vi phạm trong quảng cáo, gian lận thương mại.
            - Lồng ghép các nguồn kinh phí từ chương trình hỗ trợ sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, Chương trình cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp và các chương trình mục tiêu, các chương trình, dự án khác đang triển khai trên địa bàn huyện, để tập trung hỗ trợ trồng cải tạo, trồng mới, hỗ trợ khoa học kỹ thuật, vật tư, phân bón..... Tổ chức triển khai chặt chẽ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển Bưởi từ các nguồn vốn hỗ trợ
            Việc phát triển vùng chuyên canh cây đặc sản, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm bưởi đặc sản đang được huyện Yên Sơn đẩy mạnh thực hiện, góp phần đẩy mạnh phát triển nông, lâm nghiệp của huyện theo hướng sản xuất hàng hóa. Với những giải pháp đồng bộ, Yên Sơn sẽ duy trì và phát triển vùng chuyên canh cây trồng đặc sản, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
 
Tài liệu tham khảo:
1) Báo cáo thực trạng cây bưởi và xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Bưởi đặc sản huyện Yên Sơn
2) Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 22/5/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) về phát triển nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2016-2025.
3) https://www.mard.gov.vn/Pages/tuyen-quang-thu-nhap-cao-tu-mo-minh-trong-buoi.aspx
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8050086

Đang Online : 931