Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2021  >> Thông tin lý luận và thực tiễn số 2

Ngày Đăng:12/26/2021 10:48:00 AM Lượt xem: 381

MỘT SỐ KẾT QUẢ CÔNG TÁC GIÁM SÁT VÀ PHẢN BIỆN XÃ HỘI CỦA ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC
HUYỆN CHIÊM HÓA NĂM 2021
 
Thạc sĩ Phạm Đình Khiết
Phó trưởng khoa Nhà nước và pháp luật
 
          Giám sát và phản biện xã hội là trọng trách của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đối với đất nước, đối với Đảng và đối với nhân dân. Điều này không chỉ được khẳng định trong Hiến pháp, pháp luật và các nghị quyết của Đảng các cấp, mà còn được được hiện thực hóa trong đời sống và sinh hoạt chính trị của đất nước. Vì vậy khi tổng kết thực tiễn, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng; quyền làm chủ của nhân dân được phát huy tốt hơn trong các lĩnh vực của đời sống xã hội bằng dân chủ trực tiếp và dân chủ gián tiếp”. Đại hội đã bổ sung phương châm “dân giám sát, dân thụ hưởng” trong phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”.
          Ở tỉnh Tuyên Quang, từ khi có Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, công tác giám sát và phản biện xã hội luôn được các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh quan tâm thực hiện, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý sai phạm, khuyết điểm trong hoạt động của các cơ quan và đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước; đồng thời kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật; phát hiện, phổ biến những nhân tố mới, các điển hình tiên tiến và những mặt tích cực; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Văn kiện Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ tỉnh đã tổng kết và nhấn mạnh: “nâng cao vai trò, chất lượng giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Phát huy vai trò đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân. Củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức, bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tập trung nâng cao chất lượng hoạt động của các đoàn thể chính trị - xã hội, các mô hình tự quản ở khu dân cư. Động viên người có uy tín, các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ tham gia đóng góp tích cực cho sự phát triển của tỉnh”.
          Tại huyện Chiêm Hóa, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch và thự hiện tốt hoạt động giám sát, phản biện xã hội trên địa bàn theo thẩm quyền. Tính đến hết tháng 10 năm 2021, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở đã thực hiện và đạt được một số kết quả nổi bật, đó là:
          Thứ nhất, đối với công tác giám sát xã hội:
          Ủy ban MTTQ huyện đã chủ trì phối hợp với Phòng Tài Chính – Kế hoạch huyện, các tổ chức chính trị - xã hội huyện tổ chức 01 cuộc giám sát việc thực hiện chi hỗ trợ đối với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã và Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” theo Thông tư số 121/2017/TT-BTC ngày 15/11/2017 của Bộ Tài chính và Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND ngày 04/7/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh tại xã Tri Phú và xã Tân An.
           Ở cấp cơ sở, Ủy ban MTTQ các xã, thị trấn đã chủ động chủ trì, phối hợp với các tổ chức chính trị-xã hội cùng cấp giám sát được 22/24 cuộc nội dung về giám sát việc thu, chi đóng góp của học sinh, giám sát an toàn thực phẩm ở các trường mầm non, giám sát việc thu, chi làm nhà văn hóa ở thôn, bản.
          Đối với công tác giám sát phòng, chống tham nhũng, lãng phí: Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện ban hành Kế hoạch số 86/KH-MTTQ-BTT ngày 01/3/2021 Kế hoạch thực hiện công tác phòng chống tham nhũng năm 2021. Đồng thời thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, thị trấn tăng cường giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức Nhà nước đang sinh sống tại địa bàn khu dân cư, giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân; giám sát các hoạt động liên quan đến quản lý đất đai, thu chi ngân sách, các khoản đóng góp của nhân dân; việc thực hành tiết kiệm phòng, chống tham nhũng, lãng phí; việc thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo; việc thực hiện chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với các đối tượng được thụ hưởng trên địa bàn xã, thị trấn.
          Với vai trò là cơ quan đại diện, cơ quan MTTQ và các đoàn thể huyện đã chủ động tham gia các hội nghị tiếp xúc cử tri với đại biểu quốc hội và HĐND các cấp để nắm bắt, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân địa phương và xử lý các yêu cầu, kiến nghị đó theo quy định. Để triển khai nhiệm vụ trên, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện, cấp xã phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp đảm bảo dân chủ, thân mật và đúng luật. Kết quả 10 tháng đầu năm 2021 đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp có 18.730 cử tri, tham dự có 719 ý kiến, kiến nghị. Ngay sau các hội nghị tiếp xúc cử tri, Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân địa phương để phản ánh, kiến nghị với Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc cấp trên, các cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết theo quy định. Các ý kiến, kiến nghị của cử tri tập trung vào các lĩnh vực như: Đề nghị nâng cấp một số tuyến đường liên xã, liên thôn đã xuống cấp; nâng cấp mạng lưới điện phục vụ sản xuất và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân; đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn; tiếp tục hỗ trợ xi măng để làm đường bê tông nông thôn; đề nghị xem xét cân đối bố trí tiếp tục có chế độ hỗ trợ đối với trưởng các chi hội, chi đoàn ở khu dân cư, tình hình cấp sổ đỏ cho các hộ gia đình…
          Đối với công tác tiếp công dân, tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân: Ủy ban MTTQ huyện đã ban hành Hướng dẫn số 20/HD-MTTQ-BTT ngày 17/02/2021 Hướng dẫn MTTQ Việt nam các cấp trên địa bàn huyện tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và các yêu cầu, kiến nghị khác của nhân dân. Trong 10 tháng đầu năm 2021 Ban Thường trực Ủy ban MTTQ xã, thị trấn phối hợp tiếp 169 lượt công dân, tiếp nhận 139 đơn thư kiến nghị, khiếu nại, nội dung liên quan đến các vấn đề về đất đai, giải phóng mặt bằng, chế độ chính sách, an ninh trật tự và một số lĩnh vực khác. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện, Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện, Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện,  Ủy ban MTTQ xã Yên Nguyên tổ chức hội nghị đối thoại với hộ ông Hoàng Quốc Sinh, thôn Hợp Long 1, xã Yên Nguyên về bồi thường giải phóng mặt bằng để quy hoạch khu dân cư thôn Hợp Long 1. Thông qua đối thoại đã tư vấn, giải thích về pháp luật và các chủ trương, chính sách của địa phương, vì vậy hộ ông Hoàng Quốc Sinh đã nhất trí theo Quyết đinh bồi thường của Ủy ban nhân dân huyện.
          Ngoài ra, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cấp huyện, cấp xã thực hiện giám sát việc thực hiện hỗ trợ người lao động đang ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Thứ hai, về một số kết quả về công tác phản biện xã hội: Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện xây dựng kế hoạch số 06/CTr-MTTQ-BTT ngày 05/10/2020 về chương trình phản biện của MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội huyện Chiêm Hóa năm 2021. Trong năm đã tổ chức 02 Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo kế hoạch huy động vốn và tổ chức triển khai đầu tư xây dựng khu B chợ Trung tâm huyện và dự thảo kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới huyện Chiêm Hóa, giai đoạn 2021-2025. Sau hội nghị Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện đã gửi các ý kiến phản biện tới các cơ quan, đơn vị soạn thảo kế hoạch theo đúng quy định.
          Ủy ban MTTQ các các xã, thị trấn tổ chức phản biện 18 cuộc, trong đó tổ chức Hội nghị được 15 cuộc và tham gia trực tiếp bằng văn bản được 02 cuộc.
          Do có sự giám sát, phản biện của MTTQ và các tổ chức thành viên của Mặt trận nên các các yêu cầu, kiến nghị chính đáng của bà con nhân dân đã được cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm chỉ đạo và giải quyết thỏa đáng, kịp thời; như việc nâng cấp, cải tạo tuyến đường từ xã Phúc Thịnh đến trung tâm các xã Tân An, Tân Mỹ, Hà Lang và Trung Hà; việc nâng cấp hệ thống lưới điện và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho làng nghề mây tre đan tại xã Hùng Mỹ; việc đầu tư cơ sở vật chất xây dựng nông thôn mới tại xã Tri Phú và xã Tân An…
           Hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã hội trên địa bàn huyện Chiêm Hóa bước đầu đã đem lại hiệu quả tích cực và được nhân dân đánh giá cao. Thông qua hoạt động này đã góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; đồng thời phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội. Đây có thể coi là một tiền đề về mặt xã hội để củng cố thêm niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước; củng cố và làm bền chặt thêm khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
 
            Tài liệu tham khảo:
          1. Báo cáo số 686/BC-MTTQ-BTT, ngày 30/10/2018 của Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang tổng kết 05 năm thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI)
           2. Báo cáo số 16/BC-MTTQ-BTT, ngày 08/10/2021 của Ủy ban MTTQ huyện Chiêm Hóa về kết quả tự kiểm tra công tác mặt trận năm 2021.
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8052175

Đang Online : 1168