Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2021  >> Thông tin lý luận và thực tiễn số 2

Ngày Đăng:12/26/2021 10:51:00 AM Lượt xem: 328

NHẬN DIỆN VÀ ĐẤU TRANH VỚI TIN GIẢ, TIN SAI SỰ THẬT VỀ DỊCH COVID-19 TRÊN INTERNET
GÓP PHẦN TÍCH CỰC VÀO CUỘC CHIẾN CHỐNG DỊCH COVID-19 Ở NƯỚC TA HIỆN NAY
 
  Thạc sĩ Vũ Thị Hồng Điệp
  Giảng viên khoa Nhà nước và pháp luật
 
           Những ngày qua, mặc dù số ca nhiễm và tử vong do dịch COVID-19 đã giảm nhiều, nhưng vẫn vô cùng phức tạp. Đặc biệt thời gian gần đây một số tỉnh phía Bắc số ca dương tính với virut SARS-CoV-2 đang có xu hướng gia tăng. Lợi dụng tình hình đó, không ít đối tượng đã tạo tin giả, tin sai sự thật xuyên tạc về công cuộc phòng chống dịch ở nước ta làm rối loạn thông tin, gây hoang mang dư luận, kích động để gây chia rẽ người dân với người dân, giữa người dân và chính quyền, gây bất lợi cho công cuộc chống dịch COVID-19 của đất nước ta.
          Tin giả, tin sai sự thật là gì ?
           Theo Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam - VAFC (Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông): tin giả là tin không đúng sự thật, tin bịa đặt, vu khống được lan truyền trong xã hội và trên không gian mạng; tin sai sự thật là tin có một phần sự thật nhưng không hoàn toàn chính xác, tin xuyên tạc, bóp méo sự thật; tin không có cơ sở được lan truyền trong xã hội và trên không gian mạng. Trong năm 2021, trung tâm nhận được hàng nghìn lượt báo cáo tin giả. Sau quá trình xác minh, trung tâm này đã công bố dán nhãn 38 tin giả, tin sai sự thật. Trong thời gian vừa qua, tình trạng phát tán tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch COVID-19 có dấu hiệu gia tăng.
           Ai là người tung tin giả, tin sai sự thật ?
           Các đối tượng tung tin giả có rất nhiều mục đích khác nhau.
           Thứ nhất, là tin giả, tin sai sự thật do các tổ chức phản động bên ngoài như Việt Tân, Triều đại Việt… tung ra nhằm làm sai lệch thông tin, trắng trợn xuyên tạc các giải pháp chống dịch COVID-19 ở nước ta, thậm chí chúng đăng ảnh, cắt ghép câu nói của lãnh đạo Nhà nước, đưa thông tin bịa đặt nhằm gây tâm lý hoang mang, bất ổn trong quần chúng, đặc biệt chúng còn sử dụng mạng lưới cơ sở trong nước lấy “danh nghĩa người dân” để kích động người dân chống lại chủ trương phòng dịch, gây hỗn loạn và phức tạp tình hình.
            Gần đây nhất, sau Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, các đối tượng cơ hội chính trị, phản động này đã phát tán nhiều bài viết trên các trang mạng phản động, xuyên tạc nội dung của kỳ họp, phê phán biện pháp, cách thức phòng, chống dịch bệnh.
           Họ cho rằng đó là phương pháp sai lầm, chế độ đã sử dụng kỷ luật thép, đưa quân đội, công an vào đàn áp, cấm đoán đi lại, các hoạt động kinh tế đình trệ, xã hội hỗn loạn để các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài “tháo chạy” khỏi Việt Nam.
            Thứ hai, tin giả được tung ra bởi những đối tượng lợi dụng tâm ý của những người thiện tâm muốn giúp đỡ cộng đồng đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Họ thường lập nick ảo, nội dung trang facebook không có thông tin, chỉ có ảnh đại diện và xin thực phẩm nhiều lần, xin tiền chuyển khoản. Tội phạm công nghệ cao còn dụ dỗ quyên góp cho các quỹ từ thiện, quỹ vaccine giả mạo nhận giúp đỡ của cá nhân, đồng bào hay khu vực chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh, sau đó chiếm đoạt.
           Thứ ba, những người đăng tin giả lên mạng xã hội nhằm mục đích trục lợi. Không ít tài khoản mạng xã hội có nhiều người theo dõi đã liên tục cập nhật những thông tin liên quan đến tình hình dịch bệnh, trong đó, có những thông tin chưa được kiểm chứng, thông tin sai, trích dẫn những con số hay dự báo thiếu căn cứ khoa học và chuyên môn… để “câu view”, “câu like”, tăng lượng người theo dõi cho tài khoản của mình nhằm mục tiêu lợi ích kinh tế, bất chấp các tổn hại đối với xã hội. Thậm chí tội phạm công nghệ cao còn giả mạo thông tin của các tổ chức y tế uy tín trong nước và quốc tế, gửi thư điện tử cho nạn nhân với tập tin đính kèm, hoặc các liên kết dẫn đến các nội dung về “cập nhật” tình hình lây nhiễm của COVID-19. Khi mở các tập tin đính kèm hay nhấp vào các liên kết, máy tính của nạn nhân sẽ bị tấn công bởi các mã độc hoặc có thể bị lộ lọt thông tin cá nhân, thông tin thẻ tín dụng được lưu trữ trực tuyến sẽ đánh cắp.
           Làm thế nào để nhận biết tin giả, tin sai sự thật ?
           Để nhận diện tin giả, tin sai sự thật Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) chỉ rõ các đặc điểm như: Tin giả, tin sai sự thật thường xuất phát từ những trang mạng có tên miền nước ngoài (.com, .org), không có đuôi tên miền Việt Nam “.vn”; tin giả, tin sai sự thật thường dựa trên một sự việc, tình tiết có thật và được người viết thêm một số chi tiết giả, nói khống ở những nội dung quan trọng và không chú trọng nhiều đến thể thức văn bản, hay có lỗi chính tả và ngữ pháp, có bố cục lộn xộn; hình ảnh sử dụng phần lớn là ảnh trên mạng, đã qua chỉnh sửa, cắt ghép, thay đổi nội dung, ngày tháng của sự kiện; người dân cần kiểm tra nguồn hình ảnh thông qua tính năng “tìm kiếm hình ảnh trên Google” (search Google for image) để tìm được hình ảnh gốc. Ngoài ra có thể nhận biết tin giả, tin sai sự thật bằng cách vào trang facebook để kiểm tra xem có phải là nick thật hay không.
           Chống “virút” tin giả bằng cách nào ?
Trước vấn nạn tin giả liên quan đến phòng, chống COVID-19 trên không gian mạng hiện nay, người dân cần bình tĩnh, lựa chọn thông tin đăng tải, chia sẻ từ những trang mạng xã hội, nên tiếp cận các luồng thông tin chính thống; không tham gia đăng tải, chia sẻ, bình luận thông tin sai sự thật; thông tin trái với quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, hoạt động vi phạm pháp luật hoặc thông tin mà chưa rõ nguồn gốc, chưa xác định được tính chính xác của thông tin. Các cơ quan Nhà nước cần chủ động, kịp thời đưa những thông tin chính thống, để người dân có cơ sở phân biệt và nhận rõ những thông tin giả, tin đồn thất thiệt, ngăn chặn tác động tiêu cực; phát huy vai trò của báo chí chính thống trong phòng, chống thông tin giả, tin đồn thất thiệt về chủ trương, quan điểm và tình hình diễn biến, kết quả phòng, chống dịch COVID-19 của Đảng, Nhà nước. 
            Trách nhiệm của cán bộ, giảng viên và nhân viên trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang trong việc chống “virút” tin giả
            Cán bộ, giảng viên và nhân viên nhà trường luôn coi việc phòng, chống “virút” tin giả là trách nhiệm và việc làm thường xuyên, cần thiết của mỗi người nhằm xây dựng một môi trường thông tin lành mạnh. Cán bộ, giảng viên và nhân viên nhà trường luôn nêu cao tinh thần cảnh giác trước những thông tin sai sự thật, thông tin không đúng, luôn tìm nguồn thông tin đã được xác thực trên các trang chính thống như website Việt Nam Thịnh Vượng của Học viên Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hương Sen Việt, Người Tuyên Quang… Chủ động, tích cực tham gia viết bài bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, đặc biệt thường xuyên chia sẻ các thông tin tích cực về công tác phòng, chống dịch COVID-19 qua các tài khoản mạng xã hội. Thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn cho người thân và gia đình cách phòng, chống và phản bác các tin giả góp phần định hướng dư luận thành quả của công tác chống dịch của địa phương, Đảng và Nhà nước ta.
             Việc nhận diện tin giả, xác định đối tượng, cách thức tung tin giả và cách chống tin giả là điều vô cùng quan trọng. Nhận diện tin giả không chỉ bảo vệ môi trường thông tin lành mạnh mà còn góp phần quan trọng trong cuộc chiến chống COVID-19 hiện nay ở đất nước ta.

             Tài liệu tham khảo:
1) Tin giả liên quan Covid – 19 gia tăng trên mạng xã hội (https://tuyenquang.gov.vn/noidung/tintuc/Pages/chi-tiet-tin-tuc.aspx?ItemID=21213&l=TinTuc)
2) Giả mạo phát ngôn chỉ đạo chống dịch của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam (https://tingia.gov.vn/ket-qua-tiep-nhan-va-xu-ly/gia-mao-phat-ngon-chi-dao-chong-dich-cua-pho-thu-tuong-vu-duc-dam/2882/)
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8051462

Đang Online : 455