Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2021  >> Thông tin lý luận và thực tiễn số 2

Ngày Đăng:12/26/2021 10:58:00 AM Lượt xem: 306

Ý CHÍ TỰ LỰC, TỰ CƯỜNG CỦA HỒ CHÍ MINH ĐỂ THỰC HIỆN KHÁT VỌNG ĐỘC LẬP DÂN TỘC
 
                                                       
 Thạc sĩ Nguyễn Thị Nguyệt Anh
 Phó trưởng khoa Lý luận cơ sở
 
          Trong suốt cuộc đời mình, với khát vọng giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vượt qua những khó khăn, thử thách chông gai nhất để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Người là tấm gương của ý chí tự lực, tự cường, của nghị lực tinh thần to lớn mà "giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục".
          Ngay từ thủa nhỏ, Hồ Chí Minh đã phải chịu nỗi đau to lớn. Mẹ mất khi mới 11 tuổi. Lúc đó cha và anh của Người đang ở Thanh Hóa, chị gái ở Nghệ An. Ngày 22 tháng chạp năm Canh Tý (tức ngày 10/2/1901), cậu bé Nguyễn Sinh Cung (tên lúc nhỏ của Hồ Chí Minh), trên tay bế em nhỏ, phải nhờ bà con xóm giềng làm tang lễ cho mẹ.
          Khi lớn lên, được giáo dục chủ nghĩa yêu nước, lại phải chứng kiến sự khổ đau của đồng bào dưới ách áp bức, bóc lột của thực dân Pháp và triều đình phong kiến đã thôi thúc Người ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Bằng ý chí và quyết tâm mãnh liệt, chỉ hai bàn tay trắng, người thanh niên Nguyễn Tất Thành với công việc phụ bếp đã lên con tàu Amiral Latouche Treville, bắt đầu cuộc hành trình 30 năm để thực hiện hoài bão của mình. Trên tàu, Người phải làm việc từ 4 giờ sáng đến 9 giờ tối mới xong, công việc bận rộn vất vả suốt ngày từ quét dọn nhà bếp, đốt lò, khuân than, xuống hầm lấy rau, thịt, cá, nước đá.... Ngay sau khi làm việc xong, Người tranh thủ học tập, đọc hoặc viết đến 11, 12 giờ đêm mới nghỉ. Ý chí tự lực, tự cường và nghị lực tinh thần to lớn đã giúp Người vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, tự học tập để biết nhiều ngoại ngữ, để tìm hiểu về nền văn hóa và học thuyết của các quốc gia, để đi khắp 4 châu lục tìm hiểu về bản chất của chủ nghĩa đế quốc, về vấn đề giai cấp và lựa chọn con đường cách mạng cho dân tộc.
          Cũng với ý chí ấy, Hồ Chí Minh đã biết gạn lọc những tinh hoa văn hóa nhân loại, làm giàu cho trí tuệ của mình. Trong nguồn gốc hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh, có Nho giáo, Phật giáo, có tư tưởng dân chủ của các nhà khai sáng, có chủ nghĩa Mác – Lênin, nhưng Hồ Chí Minh không sao chép một cách máy móc những học thuyết ấy, mà Người biết vận dụng và phát triển sáng tạo những học thuyết ấy vào hoàn cảnh thực tiễn của đất nước. Người cho rằng: “Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giê su có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm của nó, chính sách của nó thích hợp với điều kiện nước ta”. Khổng Tử, Giê su, Mác, Tôn Dật Tiên đều mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội. Do đó, Người nói: “Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy”[1]. Đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, Hồ Chí Minh đã tìm thấy cơ sở lý luận của con đường giải phóng dân tộc, nhưng Người đã luôn tiếp thu và vận dụng học thuyết Mác - Lênin một cách chủ động, sáng tạo: “Vận dụng công thức của Các Mác, chúng tôi xin nói với anh em rằng, công cuộc giải phóng anh em chỉ có thể thực hiện bằng sự nỗ lực của bản thân anh em”[2]. Kế thừa học thuyết Mác, nhưng xuất phát từ thực tiễn Việt Nam là một nước thuộc địa nửa phong kiến, do đó, cần có những điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Ngay từ năm 1924, Nguyễn Ái Quốc đã đưa ra luận điểm: "Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Ðó chưa phải là toàn thể nhân loại". Từ đó, Người nhắc nhở, phải “Xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông”[3] .
           Trong quá trình hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh đã phải trải qua một chuỗi những năm tháng vô cùng gian khổ: hai lần bị cầm tù (lần thứ nhất: bị bắt ở Hồng Kông và ngồi tù từ 6/6/1931-1933; lần thứ hai: bị bắt ở Trung Quốc và ngồi tù 29/8/1942-10/9/1943), một lần bị kết án tử hình vắng mặt. Cảnh sống ngục tù ở nhà tù Tưởng Giới Thạch vô cùng khổ sở như Người đã viết trong bài thơ "Bốn tháng rồi" (tập thơ Nhật ký trong tù): "Bốn tháng cơm không no, Bốn tháng đêm thiếu ngủ, Bốn tháng áo không thay, Bốn tháng không giặt giũ. Cho nên: Răng rụng mất một chiếc, Tóc bạc thêm mấy phần, Gầy đen như quỷ đói, Ghẻ lở mọc đầy thân". Thế nhưng, Người vẫn tự khuyên mình: Muốn nên sự nghiệp lớn, tinh thần càng phải cao.
           Ở  những thời điểm then chốt của lịch sử, với tầm nhìn xa trông rộng, với ý chí tự lực, tự cường và nghị lực tinh thần to lớn, Hồ Chí Minh đã dũng cảm đi tới những quyết định lịch sử. Năm 1945, khi thời cơ cách mạng đã đến, mặc dù khi đó Người bị ốm rất nặng tưởng không qua khỏi. Thế nhưng, giữa lúc tỉnh, lúc mê, tại căn lán Nà Nưa, Người nói với đồng chí Võ Nguyên Giáp: lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập. Khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai, Hồ Chí Minh đã tìm mọi cách để cứu vãn hòa bình, nhưng chúng vẫn quyết tâm cướp nước ta một lần nữa. Trong hoàn cảnh đó, Hồ Chí Minh kêu gọi đồng bào: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ […] Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp, cứu Tổ quốc […] Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước.”[4] Năm 1966, đế quốc Mỹ đã ồ ạt đổ hơn nửa triệu quân vào miền nam Việt Nam và tăng cường cho không quân, hải quân ném bom, bắn phá dữ dội miền Bắc, hòng đưa nước ta trở lại thời kỳ đồ đá. Trước tình thế đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện quyết tâm và khí phách của toàn Đảng, toàn dân ta. Trong lời kêu gọi đồng bào và chiến sỹ cả nước ngày 17/7/1966, Người nói: "Giônxơn và bè lũ phải biết rằng: chúng có thể đưa 50 vạn quân, 1 triệu quân hoặc nhiều hơn nữa để đẩy mạnh chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam. Chúng có thể dùng hàng nghìn máy bay, tăng cường đánh phá miền Bắc. Nhưng chúng quyết không thể lay chuyển được chí khí sắt đá, quyết tâm chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam anh hùng. Chúng càng hung hăng thì tội của chúng càng thêm nặng. Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn"[5].
          Ý chí tự lực, tự cường đã giúp Hồ Chí Minh vượt qua mọi khó khăn, thử thách để tìm thấy con đường cứu nước, vận dụng sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin vào hoàn cảnh Việt Nam để đề ra đường lối giải phóng dân tộc. Cũng ý chí ấy giúp Người đưa ra những quyết định quan trọng, có tính then chốt để giành độc lập cho Tổ quốc. Học tập tấm gương Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường, mỗi chúng ta, ở lĩnh vực nào, trong học tập, công tác hay trong cuộc sống, dù gặp khó khăn, gian khổ, trở ngại, chông gai đến mấy vẫn phải luôn vững tin vào con đường đúng đắn mà mình đã chọn, phấn đấu, nỗ lực để đạt mục tiêu cuối cùng.
 

[1]  Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia, Viện nghiên cứu tôn giáo: Hồ Chí Minh về vấn đề tôn giáo và tín ngưỡng, NXB Khoa học xã hội, H.1996, tr. 152.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, H.1996, tập 2, tr.128
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, H.1996, tập 1, tr.465
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2009, t.4,tr.480
[5]  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2009, t.12, tr.108
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8050178

Đang Online : 1023