Nghiên cứu - Trao đổi

Một số kết quả trong thực hiện công tác quản lý hành chính - tư pháp ở huyện Lâm Bình

Ngày Đăng: 22/2/2021 7:41 Lượt xem: 332

          Quản lý nhà nước về hành chính - tư pháp là một bộ phận quan trọng của công tác quản lý nhà nước góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước. Xuất phát từ tầm quan trọng của công tác này, trong những năm qua, đặc biệt là năm 2020 các nhiệm vụ trọng tâm của công tác quản lý hành chính - tư pháp đã được các cấp chính quyền trên trên địa bàn huyện Lâm Bình tổ chức triển khai toàn diện, đồng bộ và đạt kết quả tích cực, cụ thể:
          Công tác quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật; xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải cơ sở: ngay từ đầu năm Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành Kế hoạch số 06/KH-UBND ngày 21/01/2020 về phổ biến, giáo dục pháp luật; xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải cơ sở năm 2020 và triển khai thực hiện nghiêm túc từ huyện đến cơ sở; trong đó chú trọng đổi mới, nội dung, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với xây dựng Chính phủ điện tử, hệ thống thông tin pháp luật được số hóa giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận pháp luật nhanh chóng, thuận tiện; đăng tải thông tin pháp luật lên Cổng thông tin điện tử của huyện, lập các nhóm zalo, facebook để thông tin, tuyên truyền pháp luật; xây dựng chuyên mục tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua hội nghị, cuộc họp thôn, bản, hội nghị tập huấn, tuyên truyền trực tiếp cho đối tượng vi phạm…Tính đến hết năm 2020, các cấp chính quyền trên địa bàn huyện đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật được 211 buổi cho 17.100 lượt người nghe; tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh không dây ở cơ sở với 42 lượt với 112.000 lượt người nghe; tuyên truyền trên loa truyền  thanh lưu động được 163 lượt thu hút trên 16.000 lượt người nghe, trong đó nổi bật là Công an huyện chủ động, sáng tạo tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh bằng 04 thứ tiếng (Kinh, Tày, Dao, Mông) đem lại hiệu quả thiết thực trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nói chung và phòng, chống dịch covid-19 nói riêng.
           Việc xây dựng, quản lý và khai thác tủ sách pháp luật cũng được các cấp chính quyền trên địa bàn huyện triển khai nghiêm túc, đến nay 8/8 xã có tủ sách pháp luật với trên 400 đầu sách; trong năm có 150 lượt người lượt người đến nghiên cứu, tìm hiểu, khai thác thông tin pháp luật, Ủy ban nhân dân huyện cung cấp 88 đầu sách pháp luật cho các xã như: Bộ luật Lao động, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính Phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2019, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá…
          Công tác hòa giải cơ sở được các cấp chính quyền trên địa bàn huyện quan tâm củng cố, kiện toàn và hướng dẫn thực hiện theo đúng quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản và hướng dẫn thi hành. Đến hết tháng 12 năm 2020, toàn huyện có 70/70 thôn, bản có tổ hòa giải với 368 hòa giải viên, mỗi tổ hòa giải có từ 03 đến 07 người bao gồm Trưởng thôn, Bí thư Chi bộ, Ban công tác Mặt trận khu dân cư, Chi hội Cựu Chiến binh, Chi hội Phụ nữ, Chi đoàn Thanh niên, người có uy tín trong cộng đồng dân cư. Trong năm, các tổ hòa giải cơ sở đã tiếp nhận và tiến hành hòa giải 233 vụ, trong đó hòa giải thành 209 vụ, đạt tỷ lệ 89,6%.
          Công tác đăng ký, quản lý hộ tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, bồi thường nhà nước được các cấpchính quyền trên địa bàn huyện triển khai theo đúng quy định của Luật Hộ tịch, Luật Nuôi con nuôi và Nghị định số 23/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, chứng thực hợp đồng, giao dịch và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trong năm 2020, đã đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch cho 59 trường hợp, xác định lại dân tộc cho 59 trường hợp, đăng ký khai sinh cho 1.155 trường hợp, đăng ký kết hôn cho 206 cặp, cấp trích lục bản sao hộ tịch cho 1.875 trường hợp; cấp huyện chứng thực bản sao từ bản chính 1.222 việc thu 11.774.000 đồng, cấp xã chứng thực bản sao từ bản chính 33.554 việc thu 225.990.000 đồng, chứng thực chữ ký 3.465 việc, thu lệ phí 34.650.000 đồng; chứng thực hợp đồng, giao dịch 1.925 việc thu lệ phí 79.980.000 đồng; đăng ký nuôi con nuôi cho 04 trường hợp…
          Có thể thấy trong năm 2020, các cấp chính quyền trên địa bàn huyện Lâm Bình đã bám sát Chương trình công tác năm và sự chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tư pháp, công tác quản lý hành chính - tư pháp đã đạt được kết quả đáng khích lệ, tạo sự chuyển biến tích cực, góp phần giữ vững an ninh chính trị và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được công tác quản lý hành chính - tư pháp trên địa bàn huyện còn một số hạn chế, khó khăn, như: các thiết chế pháp luật chưa được đầu tư, trang bị đầy đủ, đồng bộ; việc phổ biến giáo dục, pháp luật cho các đối tượng đặc thù có lúc có nơi chưa thường xuyên, liên tục; việc đăng ký quản lý hộ tịch ở một số xã còn sai sót … nguyên nhân là do một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa nhận thức đúng đắn, đầy đủ về vai trò của công tác quản lý hành chính - tư pháp, chưa thực sự quan tâm đến công tác theo dõi, thi hành pháp luật, công chức Tư pháp - hộ tịch xã phải kiêm nhiệm nhiều việc, năng lực của một bộ phận công chức Tư pháp - hộ tịch xã còn hạn chế, chưa chủ động trong thực hiện nhiệm vụ…Để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác quản lý hành chính - tư pháp, trong thời gian tới các cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn huyện cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
          Thứ nhất, tiếp tục củng cố, kiện toàn báo cáo viên pháp luật cấp huyện, hướng dẫn kiện toàn tuyên truyền viên pháp luật cấp xã. Các thành viên Hội đồng phối hợp, phổ biến giáo dục pháp luật và báo cáo viên pháp luật cấp huyện, tuyên truyền pháp luật cấp xã có trách nhiệm tiếp tục phổ biến, giáo dục pháp luật của lĩnh vực, đơn vị phụ trách theo Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017 - 2021; Kế hoạch số 82/KH-UBND ngày 28/9/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021, Kế hoạch số 109/KH-UBND ngày 21/11/2017 của Ủy ban nhân dân huyện về thực hiện Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017 - 2021 tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn huyện bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú và sinh động.
Triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam, trong đó tổ chức Hội nghị hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam gắn với triển khai thi hành các luật được Quốc Hội khóa XIV, XV thông qua tại các kỳ họp; triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, giai đoạn 2018 - 2021; tiếp tục hướng dẫn khai thác và duy trì vận hành tủ sách pháp luật ở các xã theo quy định; tổ chức thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân.
           Thứ hai, tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật Hòa giải ở cơ sở, Luật Tiếp cận thông tin và các văn bản hướng dẫn thi hành; chỉ đạo rà soát, củng cố, kiện toàn Tổ hòa giải và hòa giải viên; tổ chức tập huấn, biên soạn tài liệu nghiệp vụ công tác hòa giải cho các tổ hòa giải và hòa giải viên trên địa huyện.
          Thứ ba, thực hiện tốt Chương trình hành động quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch ở Việt Nam, giai đoạn 2016 -2024; sử dụng có hiệu quả phần mềm hộ tịch kết nối cả ba cấp: Sở Tư Pháp, phòng Tư pháp và Ủy ban nhân dân cấp xã, trong đó chú ý trang cấp máy vi tính kết nối mạng internet cho công chức Tư pháp - Hộ tịch xã.
          Thứ tư, thường xuyên kiểm tra công tác chứng thực, công tác đăng ký và quản lý hộ tịch đối với phòng Tư pháp, Ủy ban nhân dân cấp xã. Tiếp nhận và giải quyết kịp thời, đúng pháp luật đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Tổ chức các hội nghị tọa đàm về minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động xây dựng chính sách pháp luật. Đưa nội dung, yêu cầu tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng vào kế hoạch hoạt động Ngày Pháp luật Việt Nam trong những năm tới./.
 
 
 Thạc sĩ Hán Thị Hạnh Thúy
Phó Trưởng phòng (phụ trách phòng) Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học
 

Tin mới nhất:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 7996752

Đang Online : 226