Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Mối quan hệ hợp tác song phương Việt Nam – Hoa Kỳ, khẳng định tính nhân văn trong đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta

Ngày Đăng: 20/4/2022 12:35 Lượt xem: 878

          Trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước, ngoại giao Việt Nam luôn được chú trọng, khai thác và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc để đưa đất nước vượt qua những thời khắc cam go nhất. Trước những biến động không ngừng của thời cuộc, đường lối đối ngoại gắn với quốc phòng - an ninh tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, tạo những điều kiện thuận lợi nhất để phục vụ phát triển đất nước. Để thực hiện được sứ mệnh đó, một trong những nội dung cốt lõi của đường lối đối ngoại Việt Nam là hòa hiếu, hữu nghị, hợp tác, phát triển với phương châm mở rộng quan hệ với tất cả các nước đã và đang được khẳng định, có những đóng góp lớn lao cho sự phát triển của dân tộc.
          Bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, các thế lực thù địch, phản động tiếp tục núp dưới nhiều thủ đoạn tinh vi, nguy hiểm để chống phá cách mạng Việt Nam, hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tiến tới xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Trong lĩnh vực đối ngoại, các thế lực thù địch, phản động tìm mọi cách xuyên tạc đường lối ngoại giao của Đảng và Nhà nước, lợi dụng những phần tử thân phương Tây để tạo ra sự “tự chuyển hóa” trong nội bộ Việt Nam, gây cản trở mối quan hệ với các nước, phá vỡ các mối quan hệ đặc biệt hòng cô lập Việt Nam trên trường quốc tế, khiến cho Việt Nam rơi vào tình trạng mất cân bằng chiến lược trong quan hệ với các nước lớn. Một trong những mục tiêu mà các thế lực thù địch, phản động thường nhắm tới đó là chống phá mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Trước những diễn biến phức tạp, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phải tỉnh táo nhận diện, xử lý đúng đắn, kịp thời, hiệu quả những vấn đề hệ trọng, cấp thiết đối với vận mệnh quốc gia. Bài viết đề cập tới mối quan hệ hợp tác Việt Nam và Hoa Kỳ trên một số lĩnh vực nhằm khẳng định tính đúng đắn, nhân văn trong đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.
Truyền thống hòa hiếu với các nước trong cuộc đấu tranh chính nghĩa, bảo vệ độc lập dân tộc.
          Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, để giữ yên bờ cõi, ngăn chặn họa xâm lăng, bên cạnh việc quan tâm đến các chính sách kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, đất nước ta rất chú ý đến chính sách ngoại giao, xây dựng và phát triển đất nước sao cho trong ấm, ngoài êm. Vì vậy, từ sớm đường lối đối ngoại Việt Nam đã tạo nên dấu ấn riêng biệt, luôn giữ tinh thần hòa hiếu, hợp tác hữu nghị với các nước. Điều đó đã làm nên những kỳ tích lớn trong các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, điển hình như: Thời nhà Lý, qua nhiều hình thức đấu tranh ngoại giao đã làm giảm bớt căng thẳng, ngăn chặn âm mưu xâm lược Đại Việt của nhà Tống. Thời Trần, mặc dù ba lần đánh bại quân xâm lược Nguyên - Mông, bảo vệ vững chắc biên cương phía Bắc, vua Trần vẫn kiên trì thực hiện chính sách ngoại giao mềm dẻo với nhà Nguyên để ngăn ngừa âm mưu tái xâm lược nước ta, giữ vững nền độc lập thời nhà Trần trong 175 năm. Thời kỳ đấu tranh chống quân xâm lược Minh, trong bài Bình ngô đại cáo, Nguyễn Trãi nêu phương châm của nước Đại Việt ta “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo”, sau khi dẹp tan quân xâm lược, nước ta tạo điều kiện về phương tiện, vật chất để kẻ thù rút về nước.
          Thế kỷ XX, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, cách mạng Việt Nam tiếp tục lập nên chiến công lớn trong cuộc kháng chiến chống xâm lăng. Trong suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ, với tinh thần quốc tế trong sáng, Người đã tìm đến sự đồng cảm của nhân dân thế giới, đặc biệt là nhân dân Mỹ với mong muốn “Nhân dân Mỹ đánh từ trong đánh ra, nhân dân ta đánh từ ngoài vào. Hai bên giáp công mạnh mẽ, thì đế quốc Mỹ nhất định sẽ thua, nhân dân Việt - Mỹ nhất định sẽ thắng”[1]. Khi đối mặt với những âm mưu, thủ đoạn xâm lược của nước lớn, bằng đường lối đối ngoại táo bạo, khôn khéo, linh hoạt, sáng tạo, một quốc gia nhỏ bé, nghèo nàn đã giành độc lập hoàn toàn, bẻ gãy mọi kế hoạch chiến tranh của đế quốc Mỹ. Hậu quả chiến tranh để lại trên đất nước ta vô cùng nặng nề, tỷ lệ người chết, người bị tàn phế, người bị phơi nhiễm chất da cam/đi-ô-xin là rất lớn nhưng không vì thế mà chúng ta quay lưng lại với nước Mỹ, ngược lại với tinh thần hòa hiếu dân tộc, vì hòa bình, độc lập của nhân loại đường lối đối ngoại Việt Nam thể hiện rõ tính nhân văn trong mối quan hệ với các nước nói chung, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ nói riêng.
          Những chuyển biến tích cực hướng tới mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ
          Sau năm 1975, thời kỳ chấm dứt chiến tranh, hòa bình lập lại, Đảng ta tiếp tục phát huy đường lối đối ngoại hữu nghị, hợp tác phát triển trên cơ sở lợi ích quốc gia – dân tộc. Trong việc thiết lập mối quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ, Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, có thời điểm Mỹ gây căng thẳng về phát triển kinh tế, hội nhập khu vực và thế giới. Việt Nam rơi vào tình trạng bị bao vây, cấm vận về kinh tế, quan hệ thương mại của Việt Nam bị ngưng trệ trên diện rộng, khiến cho tình hình đất nước càng trở nên khó khăn.Với mục tiêu gìn giữ hòa bình, ngày 28/5/1975 Việt Nam gửi thông điệp cho Mỹ về việc duy trì mối quan hệ với Mỹ trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và không thù địch, chủ động tổ chức những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với Mỹ những năm 1976- 1977. Giai đoạn 1986 – 1995, quan hệ quốc tế có nhiều thay đổi, xu hướng đối thoại giữa hai siêu cường Mỹ và Liên Xô xuất hiện. Tại Đại hội VI của Đảng (tháng 12/1986), Đảng ta bước đầu vạch ra chính sách mở cửa và hội nhập. Vấn đề ngoại giao tiếp tục được đề cập tại Nghị quyết số 13 của Bộ chính trị (20/5/1988), Nghị quyết Trung ương 6 khóa VI (1989) với nội dung chủ yếu là đẩy mạnh và mở rộng quan hệ với tất cả các nước trên thế giới, không phân biệt chế độ chính trị- xã hội khác nhau; củng cố, giữ vững hòa bình, ổn định. Từ đó, trên cơ sở giải tỏa mối quan hệ với các nước láng giềng và trong khu vực, quan hệ Việt Nam – Hòa Kỳ bắt đầu chuyển biến tích cực. Tháng 8/1990 đại biểu Việt Nam và Mỹ tiến hành đàm phán tại New York, tháng 4/1991 đề ra lộ trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Tháng 4/1992, Mỹ nới lỏng lệnh cấm vận đối với Việt Nam. Những thành công bước đầu của Việt Nam bắt nguồn từ đổi mới nhận thức của Đảng trong đường lối đối ngoại trước xu thế phát triển chung của thế giới.
          Một số kết quả nổi bật:
Mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ được cải thiện rõ nét, Mỹ tán thành để Việt Nam đã trở thành thành viên thứ 149 của tổ chức Liên Hợp quốc năm 1977. Năm 1995, Mỹ chính thức bình thường hóa quan hệ với Việt Nam theo tinh thần “khép lại quá  khứ, hướng tới tương lai”. Các nhà lãnh đạo 2 nước liên tục có những chuyến thăm lẫn nhau, ghi dấu ấn cho việc tăng cường quan hệ giữa hai bên trên mọi lĩnh vực, mọi phương diện; đưa quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước lên quan hệ đối tác toàn diện từ năm 2013. Bên cạnh những kết quả trong hợp tác kinh tế- thương mại, hai nước còn sử lý những vấn đề hậu quả chiến tranh, vấn đề khoa học công nghệ, giáo dục, y tế, môi trường…
          Trong phát triển kinh tế- thương mại, Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch thương mại không ngừng tăng lên, nếu năm 1995 là 450 triệu USD, năm 2019 là 68,6 tỷ USD, năm 2020 đạt  90,8 tỷ USD. Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 10 của Hoa Kỳ, đồng thời Hoa Kỳ cũng là đối tác thương mại lớn nhất Việt Nam. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ở châu Á ký Hiệp định Thương mại với Hoa Kỳ.
          Trong lĩnh vực hợp tác quốc phòng – an ninh: với thiện chí của một đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, thời gian đầu các cuộc tiếp xúc song phương giữa hai nước tập trung giải quyết vấn đề tìm kiếm tù binh chiến tranh và người Mỹ mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam. Ngày 13/6/2006, lần đầu tiên Hạ viện Mỹ thông qua nghị quyết cảm ơn các bên liên quan, trong đó có Việt Nam về việc tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích. Phía Mỹ cùng Việt Nam hoàn thành việc tẩy độc sân bay Đà Nẵng trong thời gian từ năm 2012 đến năm 2018, tiếp tục triển khai dự án tẩy độc sân bay Biên Hòa. Ngoài ra, Mỹ cũng tài trợ cho Việt Nam dự án về khắc phục hậu quả bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh với tổng viện trợ 94 triệu USD thông qua các tổ chức phi chính phủ  (NGO) từ năm 1993 đến năm 2020.
          Trong lĩnh vực khoa học – công nghệ, giáo dục, văn hóa: Hai nước thành lập Ủy ban hỗn hợp hợp tác khoa học – công nghệ, ký Hiệp định hợp tác sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân, bước đầu hợp tác về nghiên cứu khoảng không vũ trụ, lần đầu tiên tổ chức Đối thoại về an ninh năng lượng tại Hà Nội. Về Giáo dục đào tạo, đến nay có khoảng 30 000 sinh viên Việt Nam học tập tại Mỹ, đứng đầu trong số các nước Đông Nam Á, đứng thứ 6 trong số các nước có nhiều du học sinh tại Mỹ. Hai bên tích cực triển khai dự án Đại học Fulbright tại Việt Nam, chính thức thành lập vào tháng 5/2016, đặt tại khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.
          Trong bối cảnh dịch bệnh COVID - 19 bùng phát, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đang kiên cường, đoàn kết nỗ lực vượt qua thử thách của dịch bệnh, đối ngoại Việt Nam đang tập trung triển khai mặt trận ngoại giao vaccine. Sự hợp tác và ủng hộ hết lòng của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam, đặc biệt là Mỹ trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Việc đặt Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) ở Việt Nam và những hỗ trợ thiết thực trong vấn đề vaccine, trang thiết bị y tế và tài chính để phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Tính đến ngày 10/12/2021, trong số 260 triệu liều vaccine Mỹ trao tặng cho các nước trên thế giới thì Việt Nam chiếm hơn 24 triệu liều. Đây là minh chứng sinh động nâng tầm mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước; đồng thời khẳng định bản sắc, đường lối ngoại giao sáng tạo, đúng đắn của Đảng ta.
          Điểm lại hơn 26 năm kể từ ngày thiết lập mối quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ, mối quan hệ giữa hai nước đã có những bước tiến dài trên tinh thần hợp tác toàn diện với sự phát triển mạnh mẽ trên mọi phương diện. Những kết quả đạt được một lần nữa khẳng định chủ trương hữu nghị, hợp tác là hướng đi duy nhất đúng của quan hệ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ, phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước, của khu vực và thế giới, đập tan mọi luận điệu xuyên tạc về mối quan hệ này của các thế lực thù địch, phản động. Đứng trước nhiều thời cơ, thách thức mới, Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra yêu cầu đối với nền ngoại giao Việt Nam phải trở thành nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với sứ mệnh lịch sử là đi tiên phong trong việc mở ra vận hội phát triển mới cho đất nước. Để thực hiện thành công những định hướng trên, đường lối đối ngoại Việt Nam tiếp tục kế thừa truyền thống ngoại giao của cha ông ta và phát huy cao độ những truyền thống tốt đẹp của nền ngoại giao Việt Nam, luôn đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên hàng đầu và đậm tính nhân văn, giá trị con người Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
 
Thạc sĩ Phạm Thị Thu Trang
Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng
 

Tài liệu tham khảo:
1. Sách Lịch sử quan hệ đối ngoại Việt Nam (1940 – 2020),Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021
2. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021

 
 

[1]  https://www.qdnd.vn/ky-niem-110-nam-ngay-bac-ho-ra-di-tim-duong-cuu-nuoc/hanh-trinh-lich-su/bac-ho-tranh-thu-su-ung-ho-cua-quoc-te-doi-voi-cach-mang-viet-nam-661321

Tin mới nhất:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 7984836

Đang Online : 260