Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Nâng cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên khi tham gia mạng xã hội

Ngày Đăng: 1/2/2023 15:1 Lượt xem: 569

          Những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội có tác động lớn đến đời sống xã hội ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo đó, Mạng xã hội cho phép người dùng kết nối, chia sẻ, tiếp nhận thông tin học hỏi kiến thức và kỹ năng và các hình thức dịch vụ tương tự khác một cách nhanh chóng và hiệu quả. Chúng ta không thể phủ nhận các lợi ích to lớn mà mạng xã hội mang lại, song cũng phải nhận thấy, những tác động tiêu cực của nó cũng không hề nhỏ đối đời sống, đặc biệt các thế lực thù địch và bọn tội phạm đã và đang lợi dụng, biến nó thành công cụ đắc lực cho các hoạt động nhằm chống phá cách mạng nước ta, phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng ta và phục vụ cho lợi ích không phù hợp quy định của Đảng, nhà nước và xã hội.
          Ngày nay, bất kỳ ai chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, một máy tính bảng hay máy tính cá nhân có kết nối internet đều có thể tham gia vào mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Youtube, TweetDeck, Tik Tok.... Với nội dung phong phú và cách thức sử dụng dễ dàng đã thu hút nhiều thành phần, đối tượng tham gia. Trong đó, tỷ lệ cán bộ, đảng viên sử dụng facebook hiện nay chiếm khá cao, hầu như ai cũng có tài khoản cá nhân Facebook, Zalo,...
          Tận dụng ưu thế của mạng xã hội, nhiều cán bộ, đảng viên sử dụng mạng xã hội như một phương thức có hiệu quả trong công việc cũng như trong cuộc sống giúp mọi người thu thập, chia sẻ, trao đổi thông tin một cách nhanh chóng, thuận tiện, giúp cán bộ phát triển nhận thức, tư duy và kỹ năng sống. Với công cụ truyền thông mạnh mẽ nhiều cán bộ, đảng viên biết tận dụng mạng xã hội để nâng cao, học hỏi kinh nghiệm công tác; thông tin, tuyên truyền, quảng bá các hoạt động, hình ảnh của Đảng, Nhà nước, địa phương, đơn vị đến với Nhân dân đồng thời góp phần chuyển hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thành thực tiễn đời sống, công việc hàng ngày của các cán bộ, Đảng viên đang công tác. Mạng xã hội cũng là công cụ đắc lực trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng trong điều tra, nắm bắt dư luận xã hội phục vụ cho công tác tuyên giáo, công tác tư tưởng, công tác dân vận,…
          Chỉ cần mở điện thoại thông minh, lên mạng xã hội là mỗi người chúng ta đã có thể bị tấn công bởi rất nhiều tin giả, tin đồn thất thiệt, xuyên tạc. Do đó, nếu cán bộ, đảng viên không đủ bản lĩnh, không tỉnh táo nhận diện thì rất dễ mắc mưu, dẫn đến những trạng thái tâm lý, những hành động tiêu cực.
          Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy bên cạnh những cán bộ, đảng viên mạnh dạn đăng tải hoặc chia sẻ các thông tin, hình ảnh từ các trang chính thống thể hiện quan điểm, ý kiến cá nhân của mình về một vấn đề nào đó thì vẫn còn nhiều người thờ ơ, phớt lờ những vấn đề xã hội đang quan tâm. Có những đảng viên khi vào mạng xã hội không đọc hết, xem hết nội dung thông tin, không nhạy cảm chính trị mà vội vã chia sẻ bài viết đã được người đăng cố tình lồng ghép vào những nội dung xấu độc, thậm chí xuyên tạc, điều này vô tình tiếp tay lan truyền thông tin xấu độc, phản động trên mạng xã hội. Thông thường thì những thông tin xấu, độc này lại được đăng tải dưới những chủ đề khá hấp dẫn và thu hút người đọc, bởi nó khơi gợi sự tò mò và tâm lý phản kháng, bất mãn trước những tiêu cực của một bộ phận cán bộ, quan chức. Những thông tin như vậy thường có tính kích động, tạo cảm xúc tiêu cực cho người đọc. Những kẻ thực hiện các thông tin xuyên tạc cũng rất tinh vi trong việc đưa thông tin. Thường thì chúng đưa khoảng 6-7 phần là sự thật, rồi cài 3-4 phần là xuyên tạc, suy diễn với các thuyết âm mưu vào để dẫn dắt người đọc, người xem. Nếu không thận trọng để nhận diện chính xác vấn đề, người đọc sẽ dần dần hình thành niềm tin vào các trang thông tin chống phá Nhà nước, chống phá chế độ. Nếu cán bộ, đảng viên không đủ bản lĩnh, không tỉnh táo nhận diện thì rất dễ mắc mưu, dẫn đến những trạng thái tâm lý, những hành động tiêu cực vô hình trung  những hành động đó của đảng viên không chỉ vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước mà còn làm cho cộng đồng mạng bị đầu độc.
          Ðến nay, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật quy định quyền tự do thông tin của công dân và trách nhiệm của người dân khi sử dụng internet nói chung và mạng xã hội nói riêng như: Luật Báo chí năm 2016; Luật An ninh mạng năm 2018. Đối với đảng viên Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 về những điều đảng viên không được làm đã nêu một số điều đảng viên không được làm liên quan đến mạng internet và mạng xã hội: “Phản bác, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; không thực hiện trách nhiệm nêu gương; chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi; "tư duy nhiệm kỳ", đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa rời quần chúng”[1], “Cung cấp, để lộ, làm mất hoặc viết bài, đăng những thông tin, tài liệu bí mật của Đảng và Nhà nước hoặc những việc chưa được phép công bố; tàng trữ, tuyên truyền, tán phát hoặc xúi giục người khác tuyên truyền, tán phát thông tin, tài liệu dưới mọi hình thức để truyền bá những thông tin, quan điểm trái với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”[2] “Viết bài hoặc cung cấp tài liệu cho người khác viết, nói, cho đăng tải tin, bài sai sự thật, không đăng tải ý kiến phản hồi, cải chính theo quy định. Sáng tác, sản xuất, tàng trữ, tán phát các tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật không lành mạnh, trái thuần phong mỹ tục Việt Nam, mang tính kích động gây ảnh hưởng xấu trong xã hội; tán phát bài viết, bài nói, phỏng vấn, hồi ký, phim, ảnh không đúng quy định”[3]… Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa chịu khó tiếp cận, nghiên cứu những văn bản luật, quy định của Đảng nêu trên, nên vẫn còn có sự hiểu biết mập mờ, dẫn đến sự thiếu trách nhiệm và dễ sai phạm trong sử dụng mạng xã hội.
          Vì thế, để tránh những tác hại lan truyền của thông tin xấu, độc trên không gian mạng mỗi cán bộ, đảng viên phải xây dựng cho mình hệ miễn dịch trước thông tin xấu, độc, nhận thức sâu sắc, giữ vững bản lĩnh chính trị, kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, cần thực hiện tốt những nội dung sau:
          Thứ nhất, thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đảng viên về chủ nghĩa Mác -Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
          Thứ hai, mỗi cán bộ, đảng viên phải tích cực chủ động nghiên cứu nâng cao năng lực chuyên môn, tạo dựng cho bản thân nền tảng tri thức chính trị - xã hội đúng đắn, khoa học, cách mạng, đủ trình độ đấu tranh với các thế lực thù địch, phản động trên mạng xã hội .
          Thứ ba, chủ động tiến hành nhận diện, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch một cách quyết liệt với tinh thần trách nhiệm cao. Việc nhận diện, phản bác các quan điểm sai trái không chỉ được thực hiện lồng ghép thông qua các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị, các buổi sinh hoạt chuyên đề mà còn được phổ biến rộng rãi qua các bài viết phản bác trực tiếp được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội.
           Thứ tư, các cấp uỷ và tổ chức đảng, mọi cán bộ, đảng viên phải chấp hành nghiêm các quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng và cơ quan, đơn vị mình đang công tác khi tham gia mạng xã hội; nghiêm cấm lan truyền, chia sẻ những thông tin sai lệch chưa được kiểm chứng có nội dung xấu, xuyên tạc, vu khống, kích động; phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật, tổ chức nếu sai phạm trong quá trình tham gia.
          Thứ năm, khi tham gia mạng xã hội phải lan tỏa các nội dung, hình ảnh tích cực, có tính tuyên truyền, giáo dục cao; các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền, giáo dục, phát huy truyền thống cách mạng của địa phương, đất nước; thông tin, tuyên truyền những sự kiện trọng đại, những kết quả nổi bật về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương, đất nước; giới thiệu, quảng bá hình ảnh và thế mạnh của địa phương, đất nước đến với bạn bè trong nước và quốc tế… Như lời đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư từng nói: “Nếu mỗi một cán bộ, đảng viên dùng smartphone, facebook mỗi ngày chủ động chia sẻ cho nhau một bài báo hay, một clip tốt, viết một bình luận tích cực, tìm kiếm một thông tin tốt đẹp, gửi đi thông điệp hay thì đã góp phần làm cho công tác tư tưởng tốt hơn”.
          Mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận thức đúng đắn và đầy đủ hơn về trách nhiệm của mình đối với xã hội, đất nước. Trước hết phải có lập trường, tư tưởng, quan điểm rõ ràng ở mọi lúc, mọi nơi. Trên không gian mạng lại rất cần thể hiện vai trò đó. Hãy là những nhân tố mang tính nòng cốt, tích cực trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
          Ngày nay trong đời sống xã hội, hay trên không gian mạng mỗi cán bộ, đảng viên hiện nay cần phải tỉnh táo, nhận thức đúng trách nhiệm của mình trong việc chuyển tải thông tin trên mạng xã hội, cái đúng phải được bảo vệ, phát huy; cái sai cần được đấu tranh, ngăn chặn loại bỏ đó không chỉ là trách nhiệm của cộng đồng mạng nói chung mà đó còn là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên khi tham gia mạng xã hội.
 
Thạc sĩ Trình Thị Thu Thảo
Giảng viên khoa Xây dựng Đảng

Tài liệu tham khảo
1. Giáo trình Trung cấp lý luận chính, NXB lý luận chính trị- 2021
2. Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 về những điều đảng viên không được làm
 
 

[1] Điều 3, Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 về những điều đảng viên không được làm
[2] Điều 4, Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 về những điều đảng viên không được làm
[3] Điều 5, Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 về những điều đảng viên không được làm
 

Tin mới nhất:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 7984743

Đang Online : 167