Tin tức - Sự kiện

Vị trí Tuyên Quang trong các tỉnh miền núi phía Bắc

Ngày Đăng: 10/11/2017 17:4 Lượt xem: 411

          TQĐT - Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã xác định nhiệm vụ, mục tiêu xuyên suốt đến năm 2020 của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang là: Phấn đấu đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc. Qua gần nửa nhiệm kỳ nỗ lực phấn đấu, hiện nay tỉnh ta đang đứng ở vị trí nào trong lộ trình thực hiện mục tiêu nói trên?

          Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, các tỉnh miền núi phía Bắc có 11 tỉnh (gọi chung là vùng miền núi phía Bắc) gồm: Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hòa Bình. Tổng số các chỉ tiêu phát triển gồm 19 chỉ tiêu. Đến nay, Tuyên Quang có 15/19 chỉ tiêu đạt mức khá trong vùng. Trong đó, nhóm chỉ tiêu về phát triển kinh tế có 6/9 chỉ tiêu đạt khá trong vùng, đạt 66,7%; nhóm chỉ tiêu về phát triển xã hội có 4/5 chỉ tiêu đạt khá trong vùng, đạt 80,0%; nhóm chỉ tiêu về môi trường và quản trị, có 5/5 chỉ tiêu đạt khá trong vùng, đạt 100%. 

          Cụ thể từng chỉ tiêu như sau: Về phát triển kinh tế có 9 chỉ tiêu: 1) Thu nhập bình quân đầu người năm 2016 đạt 34 triệu đồng/người/năm, đứng thứ 3; 2) Tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm 2017 đạt 6,2%, đứng thứ 4; 3) Cơ cấu kinh tế: nông nghiệp 24,4%, công nghiệp, xây dựng 31,54%, dịch vụ 44,06%, xếp thứ 6 (lấy tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ làm tiêu chí để đánh giá); 4) Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) đạt 9.258 tỷ đồng, đứng thứ 3; 5) Thu hút khách du lịch 1.428.000 lượt khách, đứng thứ 4; 6) Sản lượng lương thực 31,7 vạn tấn, xếp thứ 1; 7) Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 1.192,1 tỷ đồng, đứng thứ 7; 8) Giá trị xuất khẩu hàng hóa 72,7 triệu USD, đứng thứ 7; 9) Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội 13.351 tỷ đồng, đứng thứ 3.

          Về phát triển xã hội có 5 chỉ tiêu: 1) Tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập các bậc học đạt 100%, xếp thứ 1; 2) Lao động được tạo việc làm 18.810 lao động, xếp thứ 2; 3) Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế 96,8%, đứng thứ 5; 4) Số bác sỹ trên 10.000 dân (năm 2016) 7,7 bác sỹ, đứng thứ 10; 5) Tỷ lệ hộ nghèo năm 2016 23,3%, xếp thứ 3.

          Về phát triển môi trường và quản trị có 5 chỉ tiêu: 1) Trồng rừng được 12.323 ha, xếp thứ 2; 2) Độ che phủ rừng (năm 2016) đạt 64%, xếp thứ 2; 3) Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 đứng thứ 45 cả nước, xếp thứ 2; 4) Chỉ số quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2016 đứng thứ 24 trong cả nước, xếp thứ 1; 5) Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) năm 2016 đứng thứ 22 trong cả nước, xếp thứ 1. 

          Tuy đạt được kết quả quan trọng, toàn diện và có 78,9% tổng số chỉ tiêu đạt mức khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc, nhưng những chỉ tiêu chưa đạt mức khá trong vùng (như trên đã nêu) lại là những chỉ tiêu không dễ bứt phá như chỉ tiêu về giá trị xuất khẩu hàng hóa, thu ngân sách (cùng đứng thứ 7) và đặc biệt là chỉ tiêu số bác sỹ trên 10.000 dân (đứng thứ 10).

          Ngay từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp nắm rất sát, thường xuyên cập nhật kết quả từng chỉ tiêu để có giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức, vận động cán bộ, đảng viên, nhân dân, doanh nghiệp thực hiện. Chúng ta tin tưởng với sự vào cuộc quyết liệt của toàn hệ thống chính trị, sự đồng thuận ủng hộ, chia sẻ, nỗ lực cố gắng của các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, chắc chắn chúng ta sẽ sớm đạt mục tiêu đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc.  

nguồn: baotuyenquang.com.vn

Tin mới nhất:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8000493

Đang Online : 3967