Nội san >>  Nội san năm 2016  >> nội san số 3

Ngày Đăng:12/26/2016 3:56:00 PM Lượt xem: 2188

        XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH VỪA “HỒNG” VỪA “CHUYÊN” THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH
Thạc sĩ Trần Thị Mai Thu
  Giảng viên khoa Dân vận

      Là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, hơn ai hết Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy rất rõ vị trí, vai trò của cán bộ. Người luôn xem “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”[1]. Vì vậy, Người đặc biệt quan tâm đến công tác huấn luyện cán bộ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài, vừa “hồng” vừa “chuyên” đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp cách mạng. Hồ Chí Minh coi công tác huấn luyện cán bộ là công việc nền tảng của Đảng: “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng. Vì vậy, cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”[2].
        Để đảm bảo công tác huấn luyện, Đảng phải quan tâm xây dựng đội ngũ “những người huấn luyện” - tức là đội ngũ giảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Không phải ai cũng huấn luyện được”
[3], “Người huấn luyện” trước hết phải xác định huấn luyện là một nghề, “làm nghề gì cũng phải học”[4]. Nghề huấn luyện cán bộ nằm trong nghề cách mạng. Đã làm nghề gì phải thông thạo nghề đó. Tức là người huấn luyện phải thông thạo nghề huấn luyện. Thông thạo là phải nắm vững nội dung, phương pháp, biết cái gốc, cái chính, biết những tài liệu cần thiết giúp cho người học đạt kết quả.
        Khi nói về công tác huấn luyện, đào tạo cán bộ của các trường Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ mục đích tổ chức trường học lý luận cho cán bộ là để “nâng cao trình độ lý luận của Đảng ta đặng giải quyết sự đòi hỏi của nhiệm vụ cách mạng và tình hình thực tế của Đảng ta, để Đảng ta có thể hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ cách mạng của mình”
[5]. Người nhấn mạnh: “Trường Đảng là trường học đào tạo những chiến sĩ tiên tiến phấn đấu cho sự nghiệp của giai cấp vô sản”[6]. Trường Đảng dạy lý luận Mác-Lênin để trang bị tri thức, nâng cao trình độ lý luận cho đội ngũ cán bộ cốt cán của Đảng, song điều quan trọng hơn là để đội ngũ cán bộ ấy học được cách vận dụng đúng đắn, vận dụng sáng tạo lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác-Lênin trong hoạt động thực tiễn, trong giải quyết các vấn đề mà thực tiễn đặt ra.
        Làm việc trong hệ thống nhà trường của Đảng, cán bộ, giảng viên nhất thiết phải là những đảng viên gương mẫu; là cán bộ, giảng viên lý luận chính trị, nhất thiết chúng ta phải am hiểu lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước; để giảng dạy được trước các học viên đều là cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng viên cần có thực tiễn, kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý. Đây chính là những tư chất nội tại không thể thiếu, tạo nên đặc thù phân biệt đội ngũ cán bộ, giảng viên của hệ thống trường Đảng với đội ngũ cán bộ, giảng viên các trường đại học, các cơ sở đào tạo khác trên đất nước ta.
        Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ và huấn luyện cán bộ để xây dựng đội ngũ giảng viên Trường chính trị Tỉnh vừa “hồng” vừa “chuyên” theo tôi cần tập trung vào các vấn đề sau:
        Một là: Người giảng viên phải có phẩm chất chính trị và đạo đức cách mạng.
        Bất cứ người cán bộ nào cũng phải có phẩm chất chính trị nhưng đối với giảng viên trường chính trị thì yếu tố này càng trở nên quan trọng hơn, bởi lẽ đối tượng giảng dạy là những cán bộ, công chức đang công tác tại các cơ quan Đảng, Nhà nước, để đứng trên bục giảng truyền đạt kiến thức cho học viên thì giảng viên phải là người có phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng. Phẩm chất chính trị của người giảng viên đó chính là sự vững vàng, kiên định lập trường của chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định con đường đi lên CNXH, không hoang mang, dao động về chính trị tư tưởng, có niềm tin vào sự nghiệp đổi mới của đất nước.
        Cùng với phẩm chất chính trị, người giảng viên còn phải có đạo đức cách mạng. Đạo đức cách mạng của người giảng viên chính trị đó chính là sự say mê với nghề, là lao động sáng tạo, hết mình vì sự nghiệp giáo dục; là khiêm tốn, thật thà, trung thực; lấy tự phê bình và phê bình để phát huy những ưu điểm và sửa chữa những khuyết điểm. Phẩm chất chính trị  và đạo đức cách mạng trong sáng chính là cái gốc cơ bản để người giảng viên chính trị thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao trong bất kỳ tình huống khó khăn nào.
        Hai là: Người giảng viên phải có kiến thức lý luận chính trị và đồng thời phải là một nhà nghiên cứu khoa học
       Giảng dạy lý luận chính trị thì tất yếu người giảng viên phải nắm vững các kiến thức về lý luận chính trị, thể hiện ở sự hiểu biết một cách sâu sắc về chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nắm vững đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, Tuy nhiên, sự hiểu biết ở đây không phải là hiểu biết một cách dập khuôn, máy móc mà đòi hỏi mỗi giảng viên cần nắm vững được bản chất của lý luận chính trị, từ đó vận dụng một cách khách quan vào bài giảng của mình. Bên cạnh đó, người giảng viên cũng phải trau dồi cho mình những kiến thức nhất định về khoa học cơ bản, khoa học bổ trợ để có thể tự tin đảm nhiệm vai trò giảng viên trên bục giảng. Ngoài công tác giảng dạy, người giảng viên trường chính trị còn thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Hoạt động nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao trình độ khoa học và nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, nghiên cứu khoa học là một quá trình lâu dài và khó khăn, để có được một bài giảng hay, thuyết phục học viên đòi hỏi người giảng viên phải kiên trì, nghiên cứu khoa học một cách nghiêm túc, từ đó lấy kết quả của quá trình nghiên cứu đưa vào bài giảng của mình.
          Ba là: Người giảng viên chính trị phải có kỹ năng sư phạm.
          Đối với mỗi giảng viên, việc có kiến thức thôi chưa đủ, mà một vấn đề quan trọng để hoàn thành nhiệm vụ giáo dục đó là phải có kỹ năng sư phạm. Kỹ năng sư phạm một phần là do bẩm sinh nhưng chủ yếu là do sự khổ công rèn luyện. Muốn trở thành người giảng viên giảng dạy tốt, không thể thiếu kỹ năng sư phạm. Để rèn luyện kỹ năng sư phạm, bản thân mỗi giảng viên trước khi lên lớp phải xác định được kế hoạch giảng dạy của mình: giảng dạy chuyên đề gì? Nội dung ra sao? Giáo án thế nào? Khi nào cần cập nhật kiến thức và cập nhật kiến thức từ đâu? Người giảng viên cũng cần phải tập nói cho thật sự lưu loát và mang sự truyền cảm những vấn đề có ý định trình bày. Trong quá trình giảng nên sử dụng linh hoạt ngôn ngữ hình thể kết hợp lời nói, sử dụng đa dạng các phương tiện dạy học tích cực: bảng, máy chiếu, sơ đồ, biểu đồ, hình ảnh minh họa liên quan đến nội dung bài giảng. Đồng thời cũng thường xuyên tham gia các buổi dự giờ của các giảng viên khác trong trường để học hỏi và trao đổi kinh nghiệm.
        Đội ngũ giảng viên công tác tại các trường chính trị hiện nay là những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng lý luận và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cách mạng. Xác định được nhiệm vụ nêu trên, mỗi giảng viên trường chính trị tỉnh Tuyên Quang hôm nay đang ra sức rèn luyện, phấn đấu trở thành những giảng viên vừa “hồng” vừa “chuyên” để đáp ứng ngày càng lớn yêu cầu, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường và góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ cho nước nhà hôm nay và mai sau./.
 

[1] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2000, t5, tr 273
[2] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2000, t5, tr 269
[3] Hồ Chí Minh toàn tập,  Nxb Chính trị quốc gia, H.2002, t6,  tr 46
[4] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2002, t12,  tr 224
[5] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2002, t.8, tr.492
[6]  Hồ Chí Minh: Về vấn đề trí thức và cách mạng, NXB ST, HN 1976, tr58

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8088257

Đang Online : 4136