Nội san >>  Nội san năm 2016  >> nội san số 3

Ngày Đăng:12/26/2016 3:55:00 PM Lượt xem: 1483

     VẬN DỤNG CƯƠNG LĨNH XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC TRONG THỜI KỲ QUÁ ĐỘ LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI (BỔ SUNG, PHÁT TRIỂN  NĂM 2011)  ĐỂ LÀM RÕ QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG TA VỀ  CHỦ NGHĨA XÃ HỘI VÀ  CON ĐƯỜNG ĐI LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở VIỆT NAM
 
                                                                                         Thạc sĩ Dương Thuý Ngọc                                                                                         Khoa Lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
 
     Ngay khi mới ra đời và trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn khẳng định: Chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của Đảng và nhân dân Việt Nam; đi lên chủ nghĩa xã hội là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam. Năm 1930, trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của mình, Đảng đã chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản. Vào cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ XX, mặc dù chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa không còn, phong trào đang trong giai đoạn khủng khoảng, gặp rất nhiều khó khăn, thử thách nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục kiên định: Đảng và nhân dân ta quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
     Nhận thức của nhân loại về chủ nghĩa xã hội là cả một quá trình lịch sử lâu dài, gắn với khát vọng và thực tiễn đấu tranh nhằm giải phóng con người, xây dựng một xã hội phát triển cao về kinh tế và văn hoá. Qua tổng kết thực tiễn, khái quát lý luận những năm đổi mới đất nước, Đảng ta đã khái quát những nét cơ bản một hệ thống quan điểm lý luận về chủ nghĩa xã hội, về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Tuy nhiên, thực tiễn thế giới và trong nước luôn đặt ra nhiều vấn đề mới làm bộc lộ những hạn chế của nhận thức đã có về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
     Tại Đại hội đại biểu lần thứ VI (12/1986), Đảng ta đã nghiêm túc tự phê bình, chỉ ra những yếu kém trong tư duy lý luận của Đảng nói chung, tư duy lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam nói riêng. Cũng từ đây, Đảng ta đã chủ trương đổi mới toàn diện, bắt đầu từ đổi mới tư duy, nhận thức về lý luận mácxít, trong đó có tư duy nhận thức về xã hội xã hội chủ nghĩa và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
     Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (1991), Đảng Cộng sản Việt Nam đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Ở Cương lĩnh này, lần đầu tiên Đảng ta đã xác định 06 đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đã xây dựng, đó là một xã hội:
     - Do nhân dân lao động làm chủ
     - Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu.
     - Có nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc
     - Con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công; làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do hạnh phúc; có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân.
     - Các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ.
     - Có quan hệ hợp tác và hữu nghị với nhân dân tất cả các nước trên thế giới.
     Đó là sự phát triển quan trọng trong nhận thức lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội trong hoàn cảnh chủ nghĩa xã hội khủng hoảng và đổ vỡ ở nhiều nước. Công cuộc đổi mới từ đây không chỉ thực hiện và phát triển đường lối đổi mới do Đại hội VI của Đảng đề ra mà còn thực hiện Cương lĩnh 1991 của Đảng.
     Đại hội XI (tháng 01/2011) đã đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng; nhìn lại 10 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001-2010; 20 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991.
     Đại hội đã xác định đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử.
     Tại Đại hội XI, nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta đã được bổ sung và phát triển bằng 8 đặc trưng, 8 phương hướng và 8 mối quan hệ lớn cần nắm vững và giải quyết trong quá trình thực hiện các phương hướng.
     Đặc trưng thứ nhất: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ công bằng, văn minh. Đảng khẳng định đặc trưng hàng đầu của chủ nghĩa xã hội là xây dựng một xã hội, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đó là mục tiêu cao cả và là bản chất của chủ nghĩa xã hội.
Đây là đặc trưng hoàn toàn mới bổ sung so với Cương lĩnh 1991, có tiếp thu tinh thần của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X
     Đặc trưng thứ hai là: Do nhân dân làm chủ.
     Đặc trưng này có sự kế thừa, chọn lọc, điều chỉnh từ đặc trưng đã có trong Cương lĩnh 1991 và tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X. Để mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Cương lĩnh bổ sung, phát triển 2011 lược bỏ đi cụm từ "lao động" sau cụm từ "nhân dân" để có đặc trưng: Do nhân dân làm chủ.
     Đặc trưng thứ ba là: Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất  tiến bộ phù hợp.
Mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Song bản chất của nền kinh tế này khác với bản chất của nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa là ở mục đích, chế độ sở hữu, chế độ quản lý, chế độ phân phối.
     Đặc trưng này thể hiện cách nhìn nhận mới của Đảng về chế độ sở hữu trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
     Đặc trưng thứ tư: Có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.    Đặc trưng này tiếp tục kế thừa đầy đủ nội dung của đặc trưng văn hóa trong xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam đã được Cương lĩnh 1991 xác định.
     Đặc trưng thứ năm là: Con người có cuốc sống ấm no, tự do, hạnh phúc có điều kiện phát triển toàn diện.
     Đây là đặc trưng về quan hệ xã hội, quan hệ giữa người với người xã hội trong xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, trên cơ sở kế thừa nội dung, điều chỉnh và lược bỏ một số cụm từ mà Cương lĩnh năm 1991 đã diễn đạt để thể hiện gọn, rõ hơn.
     Đặc trưng thứ sáu là: Các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển.
     Đặc trưng này có kế thừa nội dung đã được xác định từ Cương lĩnh 1991 và tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ thứ X. Điểm mới là không diễn đạt "các dân tộc trong nước" mà thay bằng "các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam"; bổ sung thêm cụm từ "tôn trọng" sau cụm từ "đoàn kết" để xác định phong phú hơn nội dung bao trùm của chính sách dân tộc, giải quyết đúng các quan hệ tộc người trong quốc gia đa dân tộc Việt Nam.
     Đặc trưng thứ bảy là: Có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo.
     Đây là đặc trưng hoàn toàn mới được bổ sung (so với Cương lĩnh 1991) để làm rõ bản chất của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mối quan hệ giữa Nhà nước với nhân dân, giữa Đảng Cộng sản với Nhà nước.
     Đây là nội nội dung xây dựng chế độ chính trị, kiến trúc thượng tầng trong mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Điều đó cũng có nghĩa là cho đến khi chủ  nghĩa xã hội đã xây dựng xong về cơ bản, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo vẫn không ngừng được hoàn thiện.
     Đặc trưng thứ tám là: Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước trên thế giới.
     Đặc trưng này có kế thừa nội dung của Cương lĩnh 1991 và của Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng. Điểm khác so với Cương lĩnh 1991 là diễn đạt "Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới" thay cho "Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân tất cả các nước trên thế giới" để làm rõ hơn hội nhập quốc tế của Việt Nam trong điều kiện hiện nay.
     Cùng với việc từng bước đổi mới nhận thức, xác định rõ hơn những đặc trưng của xã hội XHCN ở Việt Nam, quá trình đổi mới từ năm 1986 đến nay cũng là quá trình từng bước xác định ngày càng rõ hơn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Tại Đại hôi đại biểu toàn quốc lần thứ VII, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định 07 phương hướng cơ bản để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
     Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta đã bổ sung, điều chỉnh các phương hướng đã được xác định từ năm 1991 thành 08 phương hướng cơ bản nhằm thực hiện thành công các mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ ở nước ta, đó là:
     Một là, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa  đất nước gắn với phát triển kinh tế trí thức, bảo vệ tài nguyên, môi trường.
     Hai là, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
     Ba là, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
     Bốn là, bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
     Năm là: thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.
     Sáu là, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường và mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất.
     Bảy là, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
     Tám là, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
     Tám phương hướng được bổ sung, điều chỉnh trong Cương lĩnh 2011 thể hiện nhận thức mới của Đảng Cộng sản Việt Nam về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
     Bên cạnh việc bổ sung, điều chỉnh để có được tính tương ứng, lôgic cả nội dung và hình thức (giữa 08 phương hướng với 08 đặc trưng), điểm mới nhất trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung phát triển năm 2011) là Đảng Cộng sản Việt Nam còn chỉ ra 08 mối quan hệ lớn "cần nắm vững và giải quyết" trong quá trình thực hiện  các phương hướng, đó là:
      Một là, quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển.
      Hai là, quan hệ giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị.
     Ba là, quan hệ giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa..
     Bốn là, quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất  và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất  xã hội chủ nghĩa.
     Năm là, quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
     Sáu là, quan hệ giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
     Bảy là,  quan hệ giữa độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế.
     Tám là, quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.
     Quan niệm mới về những đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta trong "Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kì quá độ lên chủ chủ nghĩa xã hội" (bổ sung, phát triển năm 2011), là sự kết tinh những nhận thức mới mà Đảng ta có được trong những năm đổi mới đất nước, cũng như những biến đổi mới của tình hình thế giới đã mang lại cho chúng ta những cứ liệu mới để tiếp tục bổ sung, phát triển nhận thức về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và sự đồng thuận của nhân dân, con đường đi lên lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam nhất định kết thúc thắng lợi. Chủ nghĩa xã hội hiện thực vẫn có sức sống mãnh liệt, là mục tiêu đối với loài người tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Do vậy, sau Đại hội XI, Đảng ta vẫn không ngừng tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận để tiếp tục đổi mới nhận thức, làm sâu sắc hơn quan niệm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, trên cơ sở đó, hoàn thiện thêm một bước chiến lược phát triển kinh tế - xã hội để đưa công cuộc đổi mới vì chủ nghĩa xã hội đến thắng lợi hoàn toàn./.
 
 
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8088566

Đang Online : 252