Nội san >>  Nội san năm 2016  >> nội san số 3

Ngày Đăng:12/26/2016 3:54:00 PM Lượt xem: 1133

          ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN DU LỊCH TUYÊN QUANG THEO TINH THẦN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI XVI CỦA ĐẢNG BỘ TỈNH
 
Thạc sĩ Phạm Thị Thu Trang
Khoa Xây dựng Đảng

        Tuyên Quang là tỉnh giàu tiềm năng, thế mạnh về du lịch. Trong những năm qua, phát triển du lịch luôn được Đảng bộ tỉnh quan tâm với mục đích bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, quảng bá những nét văn hóa tiêu biểu của địa phương, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế- xã hội.
          Giai đoạn 2010 – 2015, phát triển du lịch của tỉnh đã đạt được những kết quả căn bản như: Phát triển có trọng điểm các khu du lịch, bên cạnh khu du lịch văn hóa- lịch sử (Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào, Khu du lịch Kim Quan, Khu du lịch Kim Bình) còn có các khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng (Suối khoáng Mỹ Lâm, Thác Bản Ba, lòng hồ thủy điện Na Hang) và các tiềm năng du lịch khác (du lịch văn hóa cộng đồng, du lịch tâm linh...). Bên cạnh đó các hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống được tổ chức quy mô, thiết thực và tiết kiệm; tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, liên kết phát triển du lịch. Đặc biệt, năm 2015 việc đầu tư xây dựng dự án các hạng mục lớn như Đền thờ Bác Hồ và Quảng trường Nguyễn Tất Thành được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Trong năm này, Tuyên Quang đã thu hút trên 1,3 triệu lượt khách du lịch. 
         Tuy nhiên, phát triển du lịch trong những năm qua chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Tuyên Quang còn thiếu những dự án đầu tư quy mô lớn, thiếu các nhà đầu tư chiến lược vào các khu, điểm du lịch hoặc cơ sở lưu trú du lịch.     
Xác định tầm quan trọng của du lịch trong phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015- 2020 xác định: Khai thác tiềm năng để phát triển du lịch” là một trong ba khâu đột phá. Nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang đề ra 4 giải pháp sau:
          Thứ nhất, thực hiện có hiệu quả giải pháp phát triển du lịch; đẩy nhanh tiến độ quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch để thu hút đầu tư. Quy hoạch và xây dựng Khu du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái Tân Trào thành khu du lịch quốc gia, tập trung phát triển du lịch khu vực thành phố Tuyên Quang, khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm...
          Thứ hai,  khai thác tốt các loại hình du lịch lịch sử, văn hóa, nghỉ dưỡng, sinh thái, tâm linh; đổi mới việc tổ chức các lễ hội để thu hút du khách; triển khai xây dựng thương hiệu lễ hội Thành Tuyên.
          Thứ ba, tổ chức có hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch; tăng cường liên kết, hợp tác trong nước và ngoài nước; đa dạng hóa các loại hình du lịch, kết nối tua du lịch liên tỉnh và quốc tế, nhất là đối với các trung tâm du lịch lớn.
          Thứ tư, huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch; thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng khu du lịch, khách sạn, khu nghỉ dưỡng..., tạo môi trường hoạt động thông thoáng trong lĩnh vực du lịch, quan tâm đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch đáp ứng yêu cầu.
          Để thực hiện tốt các giải pháp trên, một trong những nội dung được xác định là quan trọng trong hoạt động du lịch năm 2016 là công tác tuyên truyền, quảng bá về những tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch của tỉnh. Chính vì vậy, các cơ quan chuyên môn trên địa bàn tỉnh đã tích cực phối hợp với chính quyền các địa phương tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về khai thác các tiềm năng, thế mạnh du lịch của mỗi địa phương. Trong đó thực hiện có hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư về du lịch, thông qua đó thu hút các dự án xây dựng phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất, kỹ thuật du lịch tại các khu điểm du lịch.
Năm 2016, UBND tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng Kế hoạch số 51/KH-UBND về phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2016-2020, trong đó nhấn mạnh phấn đấu đến năm 2020 đón 1,7 triệu lượt khách du lịch; tập trung huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng thiết yếu vào các khu du lịch của tỉnh như: Khu du lịch Quốc gia Tân Trào, Khu du lịch trung tâm thành phố Tuyên Quang và phụ cận, Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm và vùng phụ cận, Khu du lịch sinh thái Na Hang... đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư, khai thác và phát triển các loại hình du lịch lịch sử-văn hóa, nghỉ dưỡng, sinh thái, tâm linh, du lịch cộng đồng; củng cố, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác du lịch; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch.
           Trong những năm tới, nhằm mục tiêu phấn đấu đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc, ngành du lịch cần đẩy mạnh khơi dậy tiềm năng, phát huy thế mạnh, phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng phát triển theo chiều sâu đảm bảo chất lượng và hiệu quả, tăng khả năng cạnh tranh, khẳng định thương hiệu du lịch Tuyên Quang trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế./.
 
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8088319

Đang Online : 5