Nội san >>  Nội san năm 2016  >> nội san số 3

Ngày Đăng:12/26/2016 3:54:00 PM Lượt xem: 1106

       
CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN QUẢNG BÁ NHỮNG GIÁ TRỊ VĂN HÓA  LỊCH SỬ CỦA KHU DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT TÂN TRÀO

Thạc sĩ Vi Thị Thu Hiền
 Khoa Nhà nước và pháp luật
 
       
 
 
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm và Đoàn công tác của Tỉnh ủy Cà Mau thăm lán Nà Nưa
(nguồn: http://www.baotuyenquang.com.vn/, ngày 05/11/2016)
 
         Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào là địa danh có vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc. Tân Trào là quê hương cách mạng, gắn liền với sự trưởng thành và phát triển của cách mạng Việt Nam, từ những năm tiền khởi nghĩa giành chính quyền đến cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công và suốt chín năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Nơi đây đã vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Tổng bộ Việt Minh chọn làm căn cứ địa cách mạng để chuẩn bị lãnh đạo cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Sau khi Khu giải phóng (gồm 6 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang) được thành lập, Tân Trào đã được chọn là “Thủ đô Khu giải phóng”. Khi cả dân tộc bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược (1946 – 1954), Tân Trào lại được chọn làm “Thủ đô kháng chiến”, nơi đặt trụ sở làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội và nhiều bộ, ban, ngành Trung ương. Với vị trí chiến lược quan trọng đó rất nhiều sự kiện trọng đại liên quan đến vận mệnh đất nước và dân tộc đã diễn ra tại đây như: Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào, quyết định thành lập Uỷ ban khởi nghĩa do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh phụ trách. Uỷ ban khởi nghĩa đã ra bản Quân lệnh số 1, hạ lệnh tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước; trong 02 ngày 16 và 17/8/1945, Quốc dân Đại hội được tổ chức tại Đình Tân Trào, Đại hội đã thông qua Nghị quyết giành chính quyền trong cả nước; 10 chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh; bầu Uỷ ban dân tộc giải phóng (tức Chính phủ lâm thời) do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch và quy định quốc kỳ, quốc ca; chiều ngày 16/8/1945, dưới bóng đa Tân Trào, đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc bản Quân lệnh số 1 của Uỷ ban khởi nghĩa, chỉ huy đơn vị giải phóng quân tiến sang Thái Nguyên và tiến về giải phóng thủ đô Hà Nội.
       Với những giá trị lịch sử to lớn đó, ngày 10/5/2012 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 548/QĐ - TTg về việc xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đối với 13 di tích thuộc nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó có khu căn cứ cách mạng Tân Trào (bao gồm 138 di tích, cụm di tích nằm trên địa bàn 11 xã, thuộc 2 huyện Sơn Dương và Yên Sơn tỉnh Tuyên Quang).
       Để Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào phát huy hơn nữa những giá trị văn hóa lịch sử truyền thống ngày 20/12/2013 thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 2543/QĐ – TTg, phê duyệt nhiệm vụ lập “Quy hoạch tổng thể bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang gắn với phát triển du lịch đến năm 2025”. Trên cơ sở những văn bản của Chính phủ ngày 13/12/2012 HĐND tỉnh Tuyên Quang khóa 17, kỳ họp thứ 5 đã thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Trong đó phần đấu phát triển Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào trở thành Khu du lịch Quốc gia vào năm 2015.
       Trên cơ sở đó việc tuyên truyền, quảng bá những giá trị văn hóa lịch sử truyền thống của Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào là hoạt động quan trọng, có ý nghĩa vô cùng to lớn, đặc biệt khi kết hợp và phát huy những giá trị lịch sử vốn có với phát triển du lịch lịch sử và du lịch sinh thái. Thông qua hoạt động tuyên truyền, quảng bá sẽ giúp cho du khách trong nước và ngoài nước biết đến Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào, biết đến những sự kiện lịch sử, tinh thần quật cường, dũng cảm của dân tộc Việt Nam, đồng thời cũng biết và hiểu thêm về những phong tục tập quán, lối sống truyền thống của các dân tộc thiểu số ở Tuyên Quang nói chung và ở Sơn Dương nói riêng.
       Trong thời gian qua, Ban quản lý khu di tích đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, quảng bá những giá trị văn hóa lịch sử của khu di tích. Chỉ tính riêng 06 tháng đầu năm 2016 đã tuyên truyền quảng bá bằng việc tổ chức tốt hoạt động đón tiếp, hướng dẫn khách tham quan, đặc biệt chú trọng các ngày lễ lớn: Ngày thành lập Đảng 3/2; Tết Nguyên đán Bính Thân, ngày giải phóng miền Nam 30/4 và Quốc tế lao động 01/5; ngày giải phóng Điện Biên 07/5, ngày sinh nhật Bác 19/5,... đón tiếp và hướng dẫn nhiều đoàn khách quan trọng của Đảng và Nhà nước, trong đó có đồng chí Trương Tấn Sang, ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam... Trong 06 tháng đầu năm đã đón tiếp, hướng dẫn: 2.300 đoàn khách, có 38.751 lượt khách được nghe hướng dẫn trong tổng số 320.000 lượt khách tham quan khu di tích, đạt 46 % kế hoạch năm. Ban quản lý còn tiến hành in tái bản 3000 tờ gấp; 2.500 đĩa DVD giới thiệu, quảng bá về Khu du lịch Tân Trào; triển lãm bộ ảnh "Bác Hồ với phụ nữ Việt Nam", 40 ảnh tại nhà trưng bày; phối hợp với các báo Trung ương và địa phương, đơn vị, các công ty lữ hành du lịch trong nước và quốc tế  tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về khu di tích thông  qua các tài liệu, tờ gấp...
Không chỉ đón tiếp và tuyên truyền quảng bá tới các đoàn  khách trong nước mà đối với khách quốc tế cũng được tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu những giá trị văn hóa truyền thống lịch sử khi đến với Tân Trào (06 tháng đầu năm đã đón 07 đoàn khách quốc tế (184 người), trong đó có 160 khách Lào; 20 khách Mô-dăm- bich; 01 khách Đức, 01 khách Na Uy, 01 khách Ả Rập, 01 khách Ấn Độ).
       Bên cạnh đó việc xây dựng thành công trang website:
www.dulichtantrao.com.vn và đưa vào khai thác hiệu quả là một trong những kết quả to lớn của hoạt động tuyên truyền quảng bá những giá trị văn hóa lịch sử của Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào
       Xác định đúng mục tiêu, phương hướng trong thời gian tới, công tác tuyên truyền, quảng bá những giá trị lịch sử truyền thống sẽ tập trung thực hiện việc đón tiếp và hướng dẫn khách tham quan, đặc biệt chú trọng các ngày lễ lớn: Ngày 16/8, 02/9, 22/12... Khai thác hiệu quả trang website; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh về khu di tích trên các phương tiện thông tin đại chúng; phối hợp với các đơn vị, công ty lữ hành du lịch Trung ương và địa phương đưa khách về thăm khu di tích; phối hợp với chính quyền và nhân dân địa phương đẩy mạnh hoạt động dịch vụ, du lịch phục vụ khách tham quan; phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND xã Tân Trào đẩy mạnh và khai thác hiệu quả các dịch vụ du lịch  tại  làng văn hóa Tân Lập....
       Với những việc làm thiết thực nêu trên, trong thời gian tới chắc chắn công tác tuyên truyền, quảng bá những giá trị văn hóa lịch sử truyền thống của Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào sẽ đạt được nhiều thành tích góp phần vào thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương./.
 
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8088314

Đang Online : 4193