Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2017  >> Thông tin lý luận và thực tiễn số 1

Ngày Đăng:11/29/2017 10:20:00 AM Lượt xem: 1572

Một số giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu thực tế của giảng viên Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang

           Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác - Lênin. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không có liên hệ với thực tiễn là lý luận suông". Như vậy, thực tiễn và lý luận có mối quan hệ biện chứng với nhau. Thực tiễn cần tới lý luận soi đường, dẫn dắt, chỉ đạo, hướng dẫn, định hướng để không mắc phải bệnh kinh nghiệm, còn lý luận phải dựa trên cơ sở thực tiễn, phản ánh thực tiễn và phải luôn liên hệ với thực tiễn, nếu không sẽ mắc phải bệnh giáo điều. 
 
 Tập thể khoa Nhà nước và pháp luật trong chuyến thực tế tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Hàm Yên
 
          Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ cũng đã nhấn mạnh phải “Đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức dạy và học lý luận chính trị gắn với ứng dụng thực tế, tăng cường kiểm tra và quản lý chặt chẽ chất lượng dạy và học”.
          Tại các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nghiên cứu thực tế là hoạt động chuyên môn thuộc nhiệm vụ của giảng viên, nhằm mục đích để giảng viên nâng cao năng lực tổng kết thực tế, qua đó đối chứng, so sánh với lý luận để bổ sung vào hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Để nâng cao chất lượng đào tạo, mỗi giảng viên không ngừng nâng cao chất lượng bài giảng, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế, ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế vào giảng dạy, qua đó sẽ gắn được lý luận với thực tiễn, nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường.
          Với phương châm lý luận gắn với thực tế, trong những năm qua hoạt động nghiên cứu thực tế của giảng viên luôn được Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang quan tâm, chú trọng và đạt được những kết quả nhất định. Căn cứ vào Quy định chung của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nhà trường đã xây dựng quy định cụ thể, hướng dẫn giảng viên trong quá trình nghiên cứu thực tế, như Quyết định số 153/QĐ-TCT ngày 13/5/2015 và Quyết định số 73/QĐ-TCT ngày 06/3/2017 (cụ thể hóa theo Quyết định số 268/QĐ - HVCT- HCQG ngày 03/02/2010 của Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh và Quyết định số 1855/QĐ-TU của giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) về việc ban hành Quy định hoạt động nghiên cứu thực tế của giảng viên Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang. Bên cạnh đó, Ban Giám hiệu và các khoa, phòng thường tổ chức cho cán bộ, giảng viên đi thực tế ở cơ sở và giao lưu học hỏi kinh nghiệm ở các trường Chính trị tỉnh. Trên cơ sở đó, đội ngũ giảng viên nhà trường đã thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu thực tế theo đúng quy định, kết quả nghiên cứu thực tế có đóng góp quan trọng trong việc nâng cao chất lượng bài giảng, bổ sung kiến thức thực tiễn cho đội ngũ giảng viên, đặc biệt là đội ngũ giảng viên trẻ.
          Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động nghiên cứu thực tế của giảng viên còn tồn tại một số hạn chế: hoạt động nghiên cứu thực tế còn hình thức; Nội dung nghiên cứu thực tế còn chung chung chưa đi sát vào tình hình thực tế tại địa phương và chưa gắn với giảng dạy lý luận chính trị; Báo cáo nghiên cứu thực tế còn sơ sài, chất lượng chưa cao; Khâu đánh giá, thẩm định kết quả báo cáo thực tế chưa được quan tâm đúng mức…
          Xuất phát từ đòi hỏi của công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng giảng dạy, khắc phục những hạn chế trong hoạt động nghiên cứu thực tế của nhà trường, tôi xin đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu thực tế của giảng viên Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang như sau:
          Thứ nhất, cần tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế
          Thứ hai, nâng cao nhận thức cho đội ngũ giảng viên về tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu thực tế đối với nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường
          Nâng cao nhận thức về vai trò của hoạt động nghiên cứu thực tế cho giảng viên là vấn đề quan trọng, bởi thực tiễn luôn vận động, biến đổi. Vì vậy, người giảng viên phải nắm bắt, cập nhật tình hình và những thông tin kinh tế, chính trị, xã hội của địa phương, đất nước. Qua đó sẽ giúp giảng viên có thêm vốn kiến thức, gắn lý luận với thực tiễn, nâng cao chất lượng bài giảng.
           Thứ ba, xây dựng, hoàn thiện kế hoạch, quy trình tổ chức, nghiệm thu và  sử dụng kết quả hoạt động nghiên cứu thực tế
Phòng Nghiên cứu khoa học -  Thông tin – Tư liệu, phối hợp với các khoa phòng, tham mưu cho Ban Giám hiệu xây dựng, hoàn thiện kế hoạch, quy trình tổ chức, nghiệm thu và sử dụng kết quả hoạt động nghiên cứu thực tế. Việc xây quy định cụ thể về hoạt động nghiên cứu thực tế sẽ tạo nên tính thống nhất trong việc tổ chức, triển khai, đánh giá và quản lý hoạt động nghiên cứu thực tế của nhà trường hằng năm.
          Thứ tư, tăng cường quản lý hoạt động nghiên cứu thực tế của các khoa
           Các khoa trực tiếp quản lý hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế của giảng viên. Để hoạt động nghiên cứu thực tế đạt hiệu quả, các khoa cần bám sát kế hoạch của nhà trường, trên cơ sở đó xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể và triển khai đến giảng viên trong khoa. Bên cạnh đó, các khoa cần tăng cường tổ chức cho giảng viên đi thực tế về cơ sở, mỗi chuyến đi nên xây dựng kế hoạch, nội dung cụ thể gắn với vấn đề lý luận thuộc phần học của khoa. Đồng thời, một mặt lãnh đạo khoa cần thường xuyên nắm bắt tình hình, kịp thời khuyến khích, hỗ trợ giảng viên trong quá trình nghiên cứu thực tế. Mặt khác, yêu cầu mỗi giảng viên phải chủ động trong việc xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động nghiên cứu của cá nhân, báo cáo thường xuyên những vấn đề có liên quan đến hoạt động nghiên cứu thực tế.
          Thứ năm, tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa nhà trường với cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu thực tế của giảng viên.
           Ban Giám hiệu và các khoa, phòng cần xây dựng kế hoạch trao đổi với địa phương về vấn đề cần nghiên cứu với thời gian và nội dung cụ thể để địa phương có sự chuẩn bị. Đặc biệt, cần tổ chức các buổi hội thảo để trao đổi kết quả nghiên cứu với địa phương. Bởi thông qua trao đổi, hội thảo sẽ góp phần đánh giá đúng thực trạng, nâng cao hiểu biết cho giảng viên về những vấn đề nghiên cứu. Đồng thời sẽ đưa ra những giải pháp để khắc phục những hạn chế của vấn đề nghiên cứu, qua đó đóng góp tích cực đối với các địa phương, đơn vị được khảo sát, nghiên cứu. 
          Thứ sáu, đa dạng hóa hoạt động nghiên cứu thực tế
          Ngoài hình thức tổ chức đi nghiên cứu thực tế về cơ sở trong tỉnh, Ban Giám hiệu nhà trường cần thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu, học tập ở các trường chính trị, các địa phương trên cả nước và học tập kinh nghiệm ở nước ngoài. Đặc biệt, nhà trường cần xây dựng đề án tham mưu Thường trực tỉnh ủy, UBND tỉnh có kế hoạch luân chuyển giảng viên trẻ; cán bộ, giảng viên quy hoạch nguồn đi thực tế, công tác dài ngày ở cơ sở để nắm bắt tình hình kinh tế, chính trị, xã hội ở địa phương.
          Trên đây là những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu thực tế của giảng viên. Thực hiện tốt những giải pháp này sẽ góp phần nâng cao chất lượng bài giảng của giảng viên và công tác đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường ./.           

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8093856

Đang Online : 11