Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2017  >> Thông tin lý luận và thực tiễn số 1

Ngày Đăng:11/29/2017 10:24:00 AM Lượt xem: 1353

NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN LÝ HỌC VIÊN CÁC LỚP ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG TẠI TRƯỜNG CHÍNH TRỊ
TỈNH TUYÊN QUANG

 
           Hệ thống các trường chính trị tỉnh, thành phố có chức năng, nhiệm vụ chung là: “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn và các đơn vị tương đương); Trưởng, Phó phòng, ban, ngành, đoàn thể cấp huyện và tương đương; Trưởng, Phó phòng của sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và tương đương; cán bộ dự nguồn các chức danh trên; Cán bộ, công chức cấp cơ sở và một số đối tượng khác về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; Về đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; Về nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Nhà nước và một số lĩnh vực khác”. (Quyết định số 184-QĐ/TW ngày 03/9/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khoá X).
          Trong những năm qua, Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang luôn chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng thông qua việc đổi mới đồng bộ trên các mặt hoạt động để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của nhà trường. Trong đó, lấy đổi mới công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng là khâu đột phá. Bởi vì nếu thực hiện tốt công tác quản lý học viên các lớp đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường sẽ góp phần vừa nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên, vừa nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo bồi dưỡng học viên của nhà trường. Thực tế đã chứng minh kết quả học tập của học viên phụ thuộc vào nhiều yếu tố, cả khách quan và chủ quan, như: chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên; Điều kiện cơ sở vật chất phục vụ dạy và học; Động cơ, mục đích, thái độ và phương pháp học tập của học viên... Trong các yếu tố đó, thì yếu tố chủ quan của người học là rất quan trọng, nếu không muốn nói là yếu tố quyết định. Chính vì vậy, việc quản lý, theo dõi quá trình học tập và rèn luyện của học viên có ý nghĩa quan trọng, nhằm phát huy vai trò chủ động, tự quản của người học, từ đó chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của trường trong những năm qua được nâng lên.
           Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường thường xuyên chỉ đạo các khoa, phòng thực hiện nghiêm túc các quy chế, quy định của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các kết luận của Thường trực Tỉnh ủy về chương trình công tác hàng năm của nhà trường; Phòng Đào tạo đã tham mưu đề xuất với Ban Giám hiệu nhiều biện pháp tích cực, hiệu quả trong quản lý học viên: phổ biến, quán triệt nội quy, quy chế của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và của nhà trường đối với các học viên ngay từ đầu khóa học; Thực hiện phân công giảng viên trực giảng đường với các lớp mở tại trường. Phối hợp chặt chẽ với Thường trực Huyện ủy các huyện, Ban Chỉ đạo các lớp mở tại huyện tăng cường công tác quản lý học viên. Công tác phối hợp quản lý lớp của khoa chuyên môn với giáo viên chủ nhiệm được tăng cường chặt chẽ. Ban cán sự đã tích cực, năng động trong công tác phối hợp với giáo viên chủ nhiệm trong quản lý nền nếp của lớp học. Kết quả công tác quản lý học viên các lớp đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường trong thời gian qua đã đi vào nền nếp ổn định.
          Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác quản lý học viên của các lớp đào tạo, bồi dưỡng vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định. Bởi thực tế đối tượng đào tạo, bồi dưỡng trong nhà trường là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của Đảng, chính quyền và  các đoàn thể ở cấp cơ sở và dự nguồn các chức danh trên. Đây là những người có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn, cương vị công tác, sự hiểu biết xã hội và tuổi đời cũng khác nhau. Nhìn chung đa số học viên đi học là muốn nâng cao trình độ nhận thức để làm việc có hiệu quả. Song cũng có không ít những học viên do chưa xác định đúng động cơ  học tập, với tâm lý đi học để có bằng cấp, chứng chỉ đảm bảo chuẩn hóa văn bằng.
           Từ những đặc điểm nêu trên, công tác quản lý học viên có nhiều thuận lợi, nhưng cũng gặp không ít khó khăn, nhất là việc chấp hành nội qui, qui chế học tập cụ thể: thời gian lên lớp nghe giảng, tỷ lệ chuyên cần, phương pháp học tập của học viên là chưa cao… những tồn tại này đã ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường.
          Để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý học viên các lớp đào tạo, bồi dưỡng của trường trong khuôn khổ bài viết này tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:
           Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng đặc biệt đối với việc thực hiện các quy chế, quy định hướng dẫn của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
          Hai là, tăng cường sự phối hợp giữa giảng viên lên lớp với giáo viên chủ nhiệm lớp trong quản lý học viên các lớp đào tạo, bồi dưỡng trong nhà trường.
           Ba là, nêu cao vai trò trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm và năng lực tự quản của đội ngũ Ban Cán sự các lớp trong việc thực hiện nội quy, quy chế.
          Bốn là, tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường với Ban Chỉ đạo lớp học ở các huyện và các cơ quan, đơn vị cử cán bộ đi học để quản lý học viên.  
            Năm là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động giảng dạy của giảng viên và học tập của học viên.
            Sáu là, tích cực ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào hoạt động quản lý đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường.
          Thực hiện đồng bộ những giải pháp cơ bản nêu trên chắc chắn sẽ tạo nên những chuyển biến tích cực trong công tác quản lý học viên, góp phần thiết thực nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước trong thời kỳ mới.
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8093787

Đang Online : 120