Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2017  >> Thông tin lý luận và thực tiễn số 1

Ngày Đăng:11/30/2017 8:15:00 AM Lượt xem: 1574

MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI KHUYẾN HỌC
TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TUYÊN QUANG
 
                                          
          Hội Khuyến học Trường Chính trị tỉnh được thành lập từ ngày 21/8/2003 với hội viên là cán bộ, giảng viên, nhân viên đang công tác tại trường. Trong những năm qua, các hoạt động và phong trào khuyến học, khuyến tài của Hội luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường và đặc biệt là sự chỉ đạo, hướng dẫn của Hội Khuyến học tỉnh Tuyên Quang; các đơn vị khoa, phòng, các đồng chí hội viên đã đóng góp nhiều công sức cả về vật chất và tinh thần, tích cực tham gia để hoạt động và phong trào khuyến học, khuyến tài của Hội đạt được những kết quả tốt đẹp và ý nghĩa thiết thực.

 
Đại hội Hội khuyến học Trường Chính trị lần thứ III, Nhiệm kỳ 2016 - 2021
 
         Mỗi hội viên đã tận tâm, tận lực vì sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên, công chức được Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao hằng năm, tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nuôi dạy các con, cháu chăm ngoan, học tập, rèn luyện tốt và xây dựng gia đình văn hóa, gia đình hiếu học góp phần xây dựng nhà trường văn hóa và vững mạnh.
          Nhiệm kỳ II (2012 - 2016), Hội đã tham mưu cho Đảng ủy, Ban Giám hiệu về công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giảng viên, kết quả: 01 đồng chí làm nghiên cứu sinh, 14 đồng chí đi học cao học, trong đó 10 đồng chí đã tốt nghiệp, 07 đồng chí đi học cao cấp lý luận chính trị, 07 đồng chí đi bồi dưỡng chuyên viên chính, 02 đồng chí đi bồi dưỡng chuyên viên, 03 đồng chí bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, hằng năm nhiều lượt cán bộ, giảng viên được tham gia học tập Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng các cấp, được cử đi tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy tích cực.
          Trong nhiệm kỳ, tổng số hội viên, con cán bộ, giảng viên, nhân viên được khen thưởng là: 86 người (trong đó: cán bộ, giảng viên 23 lượt, con cán bộ, giảng viên, nhân viên 63 lượt; tổng số tiền là: 21.100.000 đồng (Hai mươi mốt triệu, một trăm ngàn đồng). Hằng năm, Hội đã tham mưu, đề xuất Ban Giám hiệu ủng hộ Quỹ khuyến học của tỉnh, ủng hộ học sinh nghèo vươn lên trong học tập và rèn luyện tốt do tỉnh, hội cấp trên tổ chức.
          Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ nhưng nhìn chung công tác Hội chưa tương xứng với tiềm năng và còn có một số hạn chế như: việc vận động cá nhân, tổ chức trong và ngoài nhà trường đóng góp, ủng hộ quỹ hội chưa đa dạng, phong phú, quỹ hội còn nhỏ; chưa tổ chức gặp mặt biểu dương, khen thưởng hội viên, con hội viên có kết quả học tập và rèn luyện tốt; hoạt động của Hội mới chỉ ở trong nội bộ chưa có các hoạt động bên ngoài.
          Để hoạt động của Hội Khuyến học tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được và ngày càng nâng cao chất lượng hoạt động, Hội cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
          Một là, Ban Chấp hành hội cần ưu tiên làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục để hội viên thấy được vai trò, ý nghĩa khi tham gia các hoạt động của Hội. Thực tế cho thấy một số hội viên còn chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Hội và hội viên, chưa thấy rõ lợi ích của mình khi tham gia Hội, từ đó nảy sinh tư tưởng trông chờ, ỷ lại, ngại tham gia đóng góp ý kiến, xây dựng hội. Vì vậy, Ban Chấp hành hội cần tuyên truyền sâu rộng tới các hội viên, học viên và tổ chức thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác khuyến học, khuyến tài. Vận động hội viên tích cực tham gia các hoạt động của Hội, nâng cao chất lượng dạy và học, công tác phục vụ nhằm thực hiện tốt phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt, rèn luyện tốt” trong nhà trường, mỗi hội viên không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
          Hai là, Ban Chấp hành hội cần nghiên cứu, xây dựng và tổ chức hình thức huy động xây dựng quỹ hội ngày một lớn, theo đúng quy định của pháp luật. Trong những năm qua, nguồn xây dựng quỹ hội chủ yếu là do hội viên đóng góp với mức 10.000 đồng/01 hội viên/ tháng, với số lượng hội viên hiện có (khoảng 55 hội viên) thì các khoản chi khen thưởng của Hội là rất nhỏ, mang tính động viên là chính, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến hoạt động khuyến học, khuyến tài ngoài nhà trường chưa thực hiện được. Để quỹ hội ngày một lớn hơn, bên cạnh hội phí do hội viên đóng góp, cần đa dạng hóa các nguồn đóng góp quỹ hội như: vận động các hội viên đóng góp nhiều hơn cho quỹ hội; vận động các khoa, phòng, đoàn thể tham gia đóng góp quỹ hội khi có điều kiện; vận động các tổ chức, cá nhân ngoài nhà trường tài trợ cho quỹ hội…  Bản thân các đồng chí trong Ban Chấp hành hội phải gương mẫu, đi đầu trong việc xây dựng quỹ hội từ đóng góp của cá nhân tới vận động các tổ chức, cá nhân khác tham gia xây dựng, tài trợ cho quỹ hội.
          Ba là, sớm xây dựng và tổ chức các hoạt động vinh danh hội viên, con hội viên có thành tích trong học tập và tài năng được các cấp công nhận. Đây là hoạt động rất có ý nghĩa nhưng thời gian qua vì nhiều lý do khác nhau Hội chưa thực hiện được. Để làm tốt công tác này Hội cần báo cáo với Đảng ủy, Ban Giám hiệu xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện đồng thời phối hợp chặt chẽ với Công đoàn, Đoàn Thanh niên trong việc tổ chức vinh danh các cá nhân có thành tích. Lựa chọn thời điểm thích hợp trong năm như Quốc tế thiếu nhi 01-6, Tết Trung thu hoặc ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm để tổ chức. Nghiên cứu xây dựng một chương trình với nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm tôn vinh những cá nhân có thành tích khuyến học, khuyến tài để kịp thời động viên, khích lệ và cổ vũ để thành tích năm sau cao hơn năm trước.
          Bốn là, quan tâm một cách hợp lý công tác khuyến học, khuyến tài ngoài nhà trường. Xác định để xây dựng một xã hội học tập thì đây là việc của toàn xã hội, trong đó có hội của nhà trường. Với đặc điểm là Hội trường học, Hội nên tham gia bằng cách giúp đỡ, tài trợ những phần quà thiết thực, ý nghĩa cho học sinh nghèo vượt khó trên địa bàn của tỉnh. Việc tham gia khuyến học, khuyến tài ngoài nhà trường không chỉ thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xây dựng xã hội học tập mà còn nâng cao ý thức, trách nhiệm của hội viên và vị trí, uy tín của Hội Khuyến học nhà trường với cộng đồng, xã hội.
          Năm là, tạo môi trường tốt để hội viên có thể phát huy được năng lực học tập và tài năng, đó là môi trường công bằng ai cũng có thể được vinh danh khi xứng đáng; xây dựng phong trào thi đua “Gia đình học tập”, “Đơn vị học tập” thông qua việc tổ chức đăng ký và bình xét các danh hiệu vào cuối năm; tổ chức thực hiện và kịp thời điều chỉnh việc chi tiêu quỹ hội một cách hợp lý theo đúng quy chế, đảm bảo đầy đủ nội dung khuyến học và khuyến tài, lợi ích của hội viên.
          Trên đây là một số giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế của công tác khuyến học, khuyến tài những năm qua đồng thời gợi mở một số hoạt động để công tác khuyến học, khuyến tài của Hội Khuyến học nhà trường thu được nhiều kết quả có ý nghĩa hơn trong những năm tiếp theo.
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8093933

Đang Online : 53