Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2020  >> Thông tin lý luận và thực tiễn số 2 năm 2020

Ngày Đăng:12/3/2020 8:43:00 AM Lượt xem: 583

NGƯỜI THẦY
 
Thạc sĩ Vi Thị Thu Hiền
Khoa Nhà nước và pháp luật

          Hiếu học là truyền thống tốt đẹp bao đời của dân tộc Việt Nam. Nhờ có truyền thống đó hun đúc mà ở bất kỳ giai đoạn lịch sử nào cũng có những bậc danh nhân, hào kiệt tài đức vẹn toàn mang trí, đức giúp dân, giúp nước. Cùng với hiếu học là truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc Việt Nam. Đó là sự kính trọng đối với người thầy, coi trọng việc học, tu dưỡng rèn luyện đạo đức, người thầy là gương là mẫu. Từ xưa đến nay, người thầy luôn là vị trí quan trọng của xã hội, là người được tin tưởng, đề cao, công lao của người thầy cũng vì thế mà được xã hội trân trọng và tôn vinh, điều đó thể hiện qua những câu truyền miệng như: “không thầy đố mày làm nên”; “công cha, áo mẹ, chữ thầy”, “…muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”, “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, “mồng 1 tết cha, mồng 3 tết thầy”, “trọng thầy mới được làm thầy”… đó là sự khẳng định vị thế và tầm quan trọng của người thầy trong xã hội. Người thầy không chỉ được coi như là một biểu tượng cho việc học tập, rèn luyện với những chuẩn mực về trí thức, tấm lòng bao dung cao cả, mà còn là biểu tượng của nhân cách cao đẹp, là tấm gương sáng để học trò của mình học tập và noi theo.
          Bước vào thời kỳ đổi mới, người thầy cũng đứng trước vô vàn khó khăn và thử thách nhưng các thầy giáo, cô giáo đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, mang con chữ đến cho các em học sinh trên khắp mọi miền đất nước… không phụ lòng thầy cô, thành tích của các em học sinh trong học tập và rèn luyện đã củng cố thêm truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt Nam. Trong thời kỳ của nền kinh tế trí thức, khoa học và công nghệ hiện đại, tinh thần hiếu học và truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt Nam tiếp tục được củng cố, bồi đắp và phát triển. Đứng trước xu hướng phát triển của thời đại, yêu cầu đào tạo ra các thế hệ đủ sức gánh vác trọng trách của đất nước tiếp tục được đặt lên vai của người thầy, là niềm vinh dự, tự hào nhưng đồng thời cũng đặt ra những yêu cầu, trách nhiệm cao hơn cả về tri thức, đạo đức, chuẩn mực và bản lĩnh. Người thầy trong giai đoạn hiện nay còn cần phải chinh phục, làm chủ những kiến thức mới, những lĩnh vực mới, có sự lan tỏa cả về tri thức, đạo đức và văn hóa.
          Người thầy làm nhiệm vụ giảng dạy lý luận chính trị cũng không nằm ngoài yêu cầu của xu thế phát triển của thời kỳ mới. Theo đó, người thầy giảng dạy lý luận chính trị phải đáp ứng những tiêu chuẩn, điều kiện cao hơn về trình độ, kỹ năng, phương pháp đồng thời phải có bản lĩnh chính trị vững vàng để củng cố, bảo vệ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phải luôn trau dồi đạo đức cách mạng, đoàn kết, khiêm tốn, ứng xử văn hóa, xây dựng, thường xuyên tự nghiên cứu học tập tìm hiểu để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, không bằng lòng với những gì mình có; không ngại khó khăn vất vả vươn lên, rèn luyện tác phong đồng thời có thái độ, bản lĩnh vững vàng trước những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
          Để người thầy dạy lý luận chính trị có thể phát huy được mọi tiềm năng, thế mạnh của mình, bên cạnh tinh thần chủ động trong học tập, nghiên cứu khoa học và rèn luyện phẩm chất đạo đức, tác phong, bản lĩnh… thì rất cần có sự đồng bộ về cơ chế chính sách, cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ dạy học và môi trường hoạt động để người thầy được tiếp cận với những chương trình đào tạo mới, những đối tượng học viên khác nhau. Trong điều kiện, môi trường tốt sẽ là cơ sở để người thầy tự hoàn thiện mình để có những sản phẩm có chất lượng phục vụ xã hội, góp phần vào sự nghiệp trồng người.

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8071413

Đang Online : 603