Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2020  >> Thông tin lý luận và thực tiễn số 2 năm 2020

Ngày Đăng:12/3/2020 8:49:00 AM Lượt xem: 567

HƯỚNG ĐI HIỆU QUẢ TỪ KINH TẾ TRANG TRẠI
 
Cử nhân Trịnh Thị Thứ
Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học
 
          Ông Hoàng Văn Điệp may mắn trở về từ những ngày đạn bom trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, với phẩm chất cần cù, chịu khó, sáng tạo của người lính ông đã tìm tòi, học hỏi để phát triển mô hình kinh tế không chỉ mang lại thu nhập kinh tế ổn định cho gia đình mà còn nhân rộng mô hình cho nhiều hộ dân tại thôn Ngọc Quang, xã Kim Bình.
          Sau khi UBND huyện triển khai thực hiện chủ trương phát triển kinh tế trang trại theo Nghị quyết số 10/2014/NQ-HĐND ngày 22 tháng 7 năm 2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, ông Hoàng Văn Điệp đã mạnh dạn vay vốn 200 triệu đồng từ nguồn vốn đầu tư theo cơ chế, chính sách của tỉnh để trồng cây chuối và cây lâm nghiệp. Sau hai năm làm kinh tế ông được tham gia các lớp tập huấn, học tập các mô hình phát triển kinh tế tại các tỉnh như Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội ông đã quyết định mở rộng và phát triển mô hình trang trại tổng hợp gồm: nuôi ốc nhồi, ếch, lợn đen, gà đồi Lạc Thủy (Hòa Bình), trồng bưởi và gấc. Trong đó cây gấc là cây trồng chủ yếu vì dễ chăm sóc, ít rủi ro và dễ tiêu thụ.
          Cây gấc dễ trồng, thích nghi nhiều thổ nhưỡng, nhẹ công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp, chủ yếu là đầu tư giàn leo cho cây gấc sinh trưởng. Từ khi trồng đến cây gấc cho thu hoạch chỉ 6 tháng và thời gian thu hoạch trái kéo dài từ 1,5 đến 2 năm. Cây gấc chỉ cần trồng một lần, sau hết mùa vụ thu hoạch chỉ cần cắt bỏ dây chừa lại gốc và tiếp tục chăm sóc để đến chu kỳ thu hoạch tiếp tục, với dòng đời kéo dài từ 10 đến 15 năm. Thời gian thu hoạch gấc thường từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau.
          Ông Hoàng Văn Điệp chia sẻ “Người trong làng như tôi khi nhắc đến làm kinh tế, chuyển đổi cây trồng là sợ không đủ ăn và nợ ngân hàng nhưng cứ nghĩ như thế thì chẳng làm giàu được. Là đảng viên thì phải đi trước thì bà con mới làm theo, thấy tôi trồng gấc không mất thời gian chăm sóc mà lại có thu nhập nên nhiều hộ trong xã đến học hỏi kinh nghiệm để trồng”
          Gia đình ông Hoàng Văn Điệp, thôn Ngọc Quang, xã Kim Bình là hộ đầu tiên trồng gấc hàng hóa. Năm 2017 gia đình ông trồng thử 700 m2 gấc, thu gần 20 triệu đồng. Thấy có hiệu quả, gia đình ông trồng thêm 1.300 m2 gấc. Trung bình mỗi năm ông thu nhập từ bán gấc khoảng 70 triệu đồng và thu nhập từ trang trại tổng hợp 250 triệu đồng/ năm sau khi đã trừ tất cả các khoản chi phí đầu tư con, cây giống và chi phí khác.
          Mô hình trồng gấc của ông Hoàng Văn Điệp nay đã được nhân rộng trồng ở các xã Vinh Quang, Tri Phú, Phúc Thịnh. Nhiều người băn khoăn nếu trồng ồ ạt sẽ bị vỡ quy hoạch, không có đầu ra vậy là ông đứng ra tiêu thụ sản phẩm, phân phối cây giống cho người dân. Gấc sau khi thu mua sẽ được chở đi tiêu thụ tại các nhà máy dược phẩm ở Hưng Yên và Hải Dương. Ông tâm sự, những năm trước đây, gấc được dùng để chế biến các loại bánh, mứt, thức ăn chè, xôi,… nên thị trường cung ứng chủ yếu trong nước, giá cả bấp bênh. Nhưng hiện nay, gấc trở thành nguồn nguyên liệu trong công nghiệp chế biến dược phẩm; đặc biệt là chiết xuất dầu gấc xuất khẩu. Vì vậy, mấy năm nay, giá gấc luôn giữ ổn định và được nhiều doanh nghiệp, công ty ký kết hợp đồng thu mua thông qua các hợp tác xã tại vùng có diện tích trồng lớn. Với những thuận lợi đó, tháng 9/2020 UBND xã Kim Bình đã thành lập Hợp tác xã để hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp cây giống và tiêu thụ sản phẩm cho người dân.
         Phát triển kinh tế trang trại là hướng đi đúng của sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung nhằm tăng năng suất, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân, thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo ở nông thôn. Với trọng tâm là phát triển “ba cây, hai con” những năm qua tại huyện Chiêm Hóa đã có rất nhiều mô hình phát triển kinh tế trang trại tổng hợp mang lại hiệu quả cao.
 
 
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8071715

Đang Online : 905