Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2020  >> Thông tin lý luận và thực tiễn số 2 năm 2020

Ngày Đăng:12/3/2020 8:53:00 AM Lượt xem: 830

GIẢI PHÁP PHÒNG NGỪA BỆNH LƯỜI HỌC LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ ĐỐI VỚI HỌC VIÊN CÁC LỚP
ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG
Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TUYÊN QUANG
 
Thạc sĩ Hoàng Bằng Giang
Q. Trưởng khoa Lý luận cơ sở
 
          V.I.Lênin đã khẳng định: không có lý luận cách mạng thì cũng không có phong trào cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng cho rằng: “Nguyên nhân của bệnh chủ quan là: kém lý luận, hoặc khinh lý luận, hoặc lý luận suông ” (1), Người khẳng định: không có lý luận chính trị thì chí khí kém kiên quyết, không trông xa, thấy rộng, trong lúc đấu tranh dễ lạc phương hướng, kết quả là “mù chính trị”, thậm chí hủ hóa, xa rời cách mạng.
          Kế thừa quan điểm của Lênin và Hồ Chí Minh, ngay từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII năm 1996, Đảng ta đã chỉ rõ: lười học tập, lười suy nghĩ, không thường xuyên tiếp nhận những thông tin mới, cũng là biểu hiện sự thoái hóa. Đến Hội nghị Trung ương 4 khóa XII Đảng ta tiếp tục chỉ ra một trong chín biểu hiện để nhận diện sự suy thoái về tư tưởng chính trị trong đội ngũ cán bộ, đảng viên đó là “Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước” (2).
          Trên thực tế, việc học tập, nghiên cứu lý luận chính trị là nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị, rèn luyện về phẩm chất đạo đức, do đó nếu nhận thức lơ là hoặc sai lệch về tầm quan trọng của lý luận và việc học tập lý luận chính trị tất yếu dẫn đến lười học, ngại học, học đối phó. Theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, lười học tập lý luận chính trị trong một bộ phận cán bộ, đảng viên là một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị - “một căn bệnh”  rất nguy hiểm đang tồn tại hiện hữu trong một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay.
          Trong những năm qua, qua quá trình theo dõi, quản lý, giám sát việc học tập, rèn luyện của học viên cho thấy đã có những biểu hiện lười học tập lý luận chính trị của một số học viên thể hiện ở các khía cạnh sau:
          Thứ nhất, chưa tự giác, nghiêm túc trong học tập; chiếu lệ, đối phó, lười ghi chép, lười viết bài thảo luận hết phần học; kết thúc các buổi học trên lớp một số học viên không mang giáo trình, vở ghi, bút viết về nhà hoặc cơ quan, đơn vị để nghiên cứu, mà để lại ngay trong ngăn bàn ngày này qua ngày khác, không thực hiện việc tự nghiên cứu.
           Thứ hai là, chưa chấp hành nghiêm túc quy chế đào tạo, như đi học muộn thường xuyên, trong giờ học tập trên lớp không chuyên tâm nghe giảng, nói chuyện, làm việc riêng, vừa học vừa sử dụng điện thoại; lười phát biểu ý kiến thảo luận bài học, không nghiên cứu tài liệu, giáo trình trước khi đến lớp, khi giảng viên gọi phát biểu thì đều nhận được câu trả lời là “chưa nghiên cứu”, nghỉ học nhiều...
           Thứ ba là, học tập lý luận chính trị không thường xuyên, chỉ khi nào có sự bắt buộc đến trường thì mới đi học, thiếu sự thường xuyên tìm tòi, nghiên cứu, vận dụng lý luận đã được học vào thực tiễn công việc một cách thường xuyên; học không đi đôi với hành, lý luận suông, lý luận không gắn với thực tiễn để giải quyết những công việc ở cơ quan, lĩnh vực, ngành hay đơn vị mình công tác.
          Nguyên nhân của bệnh lười học tập lý luận chính trị có cả chủ quan và khách quan. Trước hết về nguyên nhân chủ quan, là do một số ít học viên xác định mục tiêu học tập chưa rõ ràng, mơ hồ về học tập lý luận chính trị,có biểu hiện coi nhẹ học tập lý luận chính trị, không học tập vì mục tiêu trang bị lý luận khoa học để phục vụ cho công việc thực tế của mình mà học chỉ để lấy bằng cấp, đáp ứng tiêu chuẩn đề bạt, cất nhắc, thăng tiến theo quy định của Đảng, Nhà nước, dẫn đến động cơ học tập không trong sáng nên quá trình học không tự giác, luôn tìm cách học đối phó để qua. Mặt khác, do phương pháp giảng dạy lý luận chính trị của đội ngũ giảng viên còn chậm đổi mới; chương trình đào tạo, bồi dưỡng còn khá nặng về lý thuyết, chưa kết hợp chặt chẽ giữa lý luận với thực tiễn, chưa hướng đến những nội dung đào tạo bồi dưỡng theo nhu cầu công việc, vị trí đảm nhiệm của người học; giáo trình tuy đã thường xuyên đổi mới nhưng vẫn chưa cập nhật kịp thời những kiến thức mới của thực tiễn… nên chưa có sức cuốn hút, hấp dẫn người học, điều này đã được Đảng ta chỉ rõ trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII: “Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, giảng dạy và học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chưa đáp ứng yêu cầu” (3).
          Nhà trường đã thực hiện một số biện pháp như siết chặt công tác quản lý học viên trên lớp, tăng cường thảo luận, sử dụng mạnh mẽ phương pháp dạy học tích cực, đề thi hết phần học dạng mở được sử dụng tài liệu... Tuy nhiên, để khắc phục triệt để tình trạng này, trong thời gian tới thiết nghĩ nghĩ nhà trường cần tập trung vào một số giải pháp cơ bản sau:
          Một là, thường xuyên phối hợp với các tổ chức cơ sở đảng trên phạm vi toàn tỉnh tuyên truyền, quán triệt cho cán bộ đảng viên thấy được vai trò của học tập lý luận chính trị đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay, nhằm khắc phục triệt để căn bệnh “lười học tập lý luận chính trị” của đội ngũ cán bộ, đảng viên; thông qua các lớp này để tiếp tục quán triệt sâu sắc Kết luận số 69-KL/TW ngày 14/4/2010 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Quy định số 54-QĐ/TW ngày 12/5/1999 của Bộ Chính trị khóa VIII về chế độ học tập lý luận chính trị trong Đảng; Quy định số 164-QĐ/TW ngày 01/02/2013 của Bộ Chính trị về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; Kết luận số 57-KL/TW ngày 08/3/2013 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, lãnh đạo, quản lý các cấp; Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý…
          Hai là, phát huy tính tích cực, chủ động của học viên trong việc tự học tập, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ lý luận chính trị, làm cho mỗi học viên phải thấm nhuần sâu sắc lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về mục đích của việc học tập. Đó là học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại. Phải thường xuyên học tập, trau dồi phẩm chất chính trị, gắn việc học lý luận chính trị với thực tiễn công việc hằng ngày.
          Ba là, tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập của học viên, lấy kết quả học tập lý luận chính trị làm thước đo phẩm chất, năng lực, phân loại của cán bộ, đảng viên. Đây là một trong những khâu quan trọng trong công tác giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên nhằm đối chiếu, so sánh kết quả đã đạt được với mục tiêu, yêu cầu đã xác định. Vì vậy, cần tăng cường công tác quản lý đào tạo, kiểm tra và siết chặt chất lương học tập, quán triệt, triển khai các nghị  quyết của Đảng, hoạt động giáo dục lý luận chính trị phải đảm bảo thực chất, hiệu quả, thiết thực. Thường xuyên biểu dương, khen thưởng những học viên gương mẫu thực hiện nghiêm, chấp hành tốt việc học tập, nghiên cứu; phê bình, rút kinh nghiệm kịp thời những học viên có biểu hiện lơ là, chưa nghiêm túc trong học tập lý luận chính trị. Kết thúc khóa học nhà trường phối hợp chặt chẽ với cơ quan, đơn vị học viên công tác để gửi kết quả rèn luyện, bảng diểm  học tập lý luận chính trị toàn khóa về cơ quan, đơn vị học viên công tác để làm căn cứ đánh giá, nhận xét, xếp loại, phân loại cán bộ, đảng viên và bình xét thi đua khen thưởng hằng năm.
          Bốn là, cần coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cho đội ngũ giảng viên của nhà trường cả về phẩm chất chính trị và năng lực chuyên môn. Đây cũng là yếu tố quan trọng, góp phần thiết thực trong khắc phục tình trạng lười học lý luận chính trị của học viên các lớp đào tạo, bồi dưỡng ở nhà trường hiện nay, vì học tập lý luận chính trị thường là “trừu tượng, khô khan”, nên nó đòi hỏi đội ngũ giảng viên phải có trình độ kiến thức lý luận chính trị sâu sắc, kiến thức thực tiễn uyên thâm, sâu rộng, phong phú, kỹ năng sư phạm tốt, phương pháp truyền đạt hấp dẫn để cuốn hút người học say mê học tập lý luận chính trị./.
          (1)-Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.377
(2)-ĐCS Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng  Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.22, 28
(3)-Sđd, tr. 22, 28.

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8071258

Đang Online : 442