Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2020  >> Thông tin lý luận và thực tiễn số 2 năm 2020

Ngày Đăng:12/3/2020 8:51:00 AM Lượt xem: 835

HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO GIỮA VIỆT NAM VÀ LIÊN MINH CHÂU ÂU (EVFTA ): CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC
VỚI
CÁC DOANH NGHIỆP TUYÊN QUANG
 
Thạc sĩ Đỗ Việt Hà
Khoa Lý luận Cơ sở
 
Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức ký kết Hiệp định Thương mại tự do gọi tắt là EVFTA vào ngày 30/6/2019, kết thúc một quá trình đàm phán kéo dài từ tháng 12/2015. Ngày 1/8/2020, Hiệp định chính thức có hiệu lực, mở ra nhiều mở ra những cơ hội, triển vọng to lớn và thách thức cho doanh nghiệp của Việt Nam nói chung và Tuyên Quang nói riêng.
 
Lễ ký kết Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA)
 giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu
 
          Nội dung hiệp định thương mại tự do EVFTA
          Hiệp định gồm 17 Chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo với các nội dung chính: thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và Phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, các vấn đề pháp lý - thể chế.
           Về Thương mại hàng hóa
          Đối với xuất khẩu của Việt Nam, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 07 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn.
          Thương mại dịch vụ và đầu tư
          Cam kết của Việt Nam và EU về thương mại dịch vụ đầu tư nhằm tạo ra một môi trường đầu tư cởi mở, thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp hai bên. Cụ thể:
          Dịch vụ ngân hàng: Trong vòng 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, Việt Nam cam kết sẽ xem xét thuận lợi việc cho phép các tổ chức tín dụng EU nâng mức nắm giữ của phía nước ngoài lên 49% vốn điều lệ ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam. Trừ 4 ngân hàng thương mại cổ phần mà nhà nước đang nắm cổ phần chi phối là BIDV, Vietinbank, Vietcombank và Agribank.
          Dịch vụ bảo hiểm: Việt Nam cam kết cho phép nhượng tái bảo hiểm qua biên giới, cam kết dịch vụ bảo hiểm y tế tự nguyện theo luật Việt Nam.
          Dịch vụ viễn thông: Ta chấp nhận mức cam kết tương đương trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đặc biệt đối với dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng không có hạ tầng mạng, ta cho phép EU được lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài sau một giai đoạn quá độ.
          Dịch vụ phân phối: Ta đồng ý bỏ yêu cầu kiểm tra nhu cầu kinh tế sau 05 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, tuy nhiên ta bảo lưu quyền thực hiện quy hoạch hệ thống phân phối trên cơ sở không phân biệt đối xử.
          Mua sắm của Chính phủ
          Việt Nam cam kết mở cửa mua sắm của các Bộ, ngành trung ương, một số đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng (đối với các hàng hóa và dịch vụ mua sắm thông thường không phục vụ mục tiêu an ninh – quốc phòng), thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Tập đoàn điện lực Việt Nam, Tổng công ty đường sắt Việt Nam, 34 bệnh viện thuộc Bộ Y tế, Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và một số Viện thuộc trung ương.
          Sở hữu trí tuệ
          Về chỉ dẫn địa lý, khi Hiệp định có hiệu lực, Việt Nam sẽ bảo hộ trên 160 chỉ dẫn địa lý của EU (bao gồm 27 thành viên) và EU sẽ bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam. Các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đều liên quan tới nông sản, thực phẩm, tạo điều kiện cho một số chủng loại nông sản của Việt Nam xây dựng và khẳng định thương hiệu của mình tại thị trường EU.
          Về nhãn hiệu, Hai bên cam kết áp dụng thủ tục đăng ký thuận lợi, minh bạch, bao gồm việc phải có cơ sở dữ liệu điện tử về đơn nhãn hiệu đã được công bố và nhãn hiệu đã được đăng ký để công chúng tiếp cận, đồng thời cho phép chấm dứt hiệu lực nhãn hiệu đã đăng ký nhưng không sử dụng một cách thực sự trong vòng 5 năm.
          Về thực thi, Hiệp định có quy định về biện pháp kiểm soát tại biên giới đối với hàng xuất khẩu nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
          Cam kết về đối xử tối huệ quốc (MFN), đảm bảo dành cho các tổ chức, cá nhân của EU được hưởng những lợi ích về tiêu chuẩn bảo hộ cao không chỉ với các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ theo Hiệp định của WTO về Các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPs) mà còn cả các đối tượng khác của quyền sở hữu trí tuệ trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia (như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương -  CPTPP).
          Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Tuyên Quang từ EVFTA
          Tuyên Quang là một tỉnh miền núi phía bắc, trong cơ cấu kinh tế tỉ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản vẫn chiếm tỉ trọng lớn trên 22,91%, do vậy, khai thác mọi nguồn lực cho sự phát triển kinh tế của tỉnh là yêu cầu cần thiết. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tuyên Quang, tính đến hết năm 2019, tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 1.701 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký 17.360,87 tỷ đồng ( gồm 12 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài), 223 chi nhánh, 57 văn phòng đại diện, 630 địa điểm kinh doanh, được chia theo nhóm ngành đăng ký chính: Nông, lâm nghiệp, ngư nghiệp 62 doanh nghiệp; công nghiệp, xây dựng 722 doanh nghiệp; thương mại dịch vụ 917 doanh nghiệp. Tỉ trọng đóng góp vào GRDP của tỉnh đạt gần 65%.  Khi Việt Nam ký kết hiệp định thương mại tự do EVFTA, doanh nghiệp Tuyên Quang đứng trước cơ hội và thách thức:
          Về cơ hội
          Thị trường EU bao gồm 27 quốc gia, dân số 450 triệu người, GDP hằng năm đạt khoảng 16.000 tỷ USD cho thấy sự rộng lớn và sức hấp dẫn với Việt Nam trong việc thúc đẩy tăng tốc xuất khẩu qua thị trường này. Hiện, các thị trường thuộc Liên minh châu Âu (EU) - thành viên của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là những thị trường xuất nhập khẩu chủ lực của Việt Nam ở EU.
          Đối với xuất khẩu của Việt Nam, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Khi EVFTA có hiệu lực, 99% hàng hóa của Việt Nam sẽ được nhập khẩu vào thị trường châu Âu.Đây là cơ hội rất tốt để hàng hóa Việt Nam tiếp cận với một thị trường cao cấp. Trong cam kết mở cửa thị trường của hai bên có nhiều hàng hóa thuộc thế mạnh của Việt Nam và những mặt hàng này không cạnh tranh với hàng hóa châu Âu, như: Nông sản, thủy hải sản, đồ gỗ, hàng lắp ráp điện tử…
          Cơ hội tiếp cận các luồng vốn chất lượng cao đầu tư trực tiếp từ các nước vào hệ thống phân phối của Việt Nam, từ đó có thể nâng cao năng lực trong hoạt động kinh doanh trên thị trường trong nước.
          Cơ hội học tập kinh nghiệm quản lý, tiếp thu những phương thức kinh doanh hiện đại, thúc đẩy sự sáng tạo và nâng cao chất lượng dịch vụ. Châu Âu đặt ra những tiêu chuẩn kiểm soát về kỹ thuật, quản trị, sự minh bạch rất cao. Khi tham gia EVFTA, chúng ta sẽ phải nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là phải cải thiện môi trường đầu tư ngang tầm các nước châu Âu. Vì vậy, hiệp định này cũng chính là cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
          Về thách thức
          Bên cạnh những cơ hội, thì EVFTA cũng đặt các doanh nghiệp (DN) Tuyên Quang trước hàng loạt thách thức, trong đó, việc thực thi các cam kết trong EVFTA về các vấn đề thể chế, chính sách pháp luật sau đường biên giới, môi trường kinh doanh và chính sách, pháp luật...
          Theo các cam kết kèm theo thì yêu cầu về quy tắc nguồn gốc xuất xứ cũng rất chặt chẽthông thường các mặt hàng muốn được hưởng ưu đãi thuế quan thì nguyên liệu phải đáp ứng được một tỷ lệ về hàm lượng nội khối nhất định (nguyên liệu có xuất xứ tại EU hoặc Việt Nam). Đây là một thách thức lớn đối với các DN bởi nguồn nguyên liệu cho sản xuất hàng xuất khẩu hiện nay chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc hoặc các nước trong ASEAN. Thêm vào đó là các yêu cầu bắt buộc về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, dán nhãn, môi trường...của EU rất khắt khe và không dễ để đáp ứng.
          Khi tham gia  EVFTA, chúng ta cũng sẽ gặp khó khăn do sức cạnh tranh của các doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang so với doanh nghiệp thế giới chênh lệch khá nhiều. Đa phần doanh nghiệp nước ngoài đều là doanh nghiệp lớn, còn doanh nghiệp Tuyên Quang chủ yếu chỉ là vừa và nhỏ, yếu hơn rất nhiều so với doanh nghiệp vừa và nhỏ của nước ngoài.
          Thách thức khi phải liên tục thích ứng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và kinh tế số.Việc chuyển đổi số và số hóa các hệ thống thông tin liên quan hoạt động kinh doanh và quản trị các tập khách hàng trong thời đại công nghệ thông tin không ngừng phát triển là vấn đề vô cùng quan trọng đối với các doanh nghiệp phân phối trong nước.
          Về một số khuyến nghị đối với doanh nghiệp Tuyên Quang khi tham gia EVFTA
          - Các doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang cần nghiên cứu kỹ những nội dung, các quy tắc nội khối để có sự chuẩn bị sẵn sàng trong việc tận dụng những cơ hội có được từ EVFTA; Chuẩn bị và nâng cao khả năng xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp Nhà nước...
          - Tăng cường liên kết và hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để tận dụng công nghệ, quản lý và cả thị trường để tăng cường khả năng tham gia vào chuỗi giá trị, liên kết, hợp tác với các nhà sản xuất, tạo mối quan hệ thân thiện, tín nhiệm và tin cậy đối với khách hàng qua việc tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi cung ứng trong nước/khu vực/toàn cầu để nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.
          - Tăng cường quản trị chiến lược doanh nghiệp, thực hiện hiệu quả việc xây dựng, điều chỉnh chiến lược, cơ cấu kinh doanh phù hợp với điều kiện thị trường trong nước và quốc tế, đáp ứng nhu cầu đa dạng và ngày càng cao của người tiêu dùng; Nâng cao chất lượng dịch vụ bán lẻ trên cơ sở nghiên cứu ứng dụng công nghệ bán lẻ hiện đại, phương thức quản trị kinh doanh tiên tiến.
          - Đẩy mạnh nghiên cứu thị trường và marketing sản phẩm, tích hợp dữ liệu thông tin về người tiêu dùng cả offline và online để quản trị quan hệ khách hàng (CRM) hiệu quả;Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển, quảng bá thương hiệu doanh nghiệp qua mạng, trên các kênh internet, điện thoại di dộng, mạng xã hội;
          - Nhanh chóng triển khai thực hiện việc xác định và hoàn thiện chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm hàng hóa của Tuyên Quang  để tận dụng cơ hội thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường các nước thành viên trong các FTA.
          - Cần xây dựng kênh kiểm soát thông tin, tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh nói chung và sáp nhập, hợp nhất, mua lại nói riêng. Doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị sẵn sàng cho các vấn đề phát sinh liên quan đến phòng vệ thương mại, sở hữu trí tuệ và các phát sinh khác liên quan đến những cam kết mới, phi truyền thống.
           - Chú trọng phát triển nguồn nhân lực doanh nghiệp của tỉnh Tuyên Quang để đáp ứng được yêu cầu của kinh doanh bán lẻ 4.0; Tăng cường thực hiện trách nhiệm xã hội doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của xã hội, người tiêu dùng về bảo vệ môi trường, bảo vệ an toàn, sức khỏe cộng đồng, cải thiện chất lượng cuộc sống.
          Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và liên minh Châu Âu có hiệu lực mở ra nhiều cơ hội song cũng không ít thách thức đối với doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang. Tuy nhiên, cam kết mở cửa của Việt Nam là có lộ trình, do đó các doanh nghiệp Tuyên Quang cần phải chủ động điều chỉnh, có kế hoạch lâu dài, kiên trì và chấp nhận thay đổi để chủ động hội nhập để phát triển.
            Tài liệu tham khảo
            1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX (2002), Nghị quyết số 14-NQ/TW Hội nghị lần thứ năm ngày 18/3/2002 “Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân”
            2. Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (2017), Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 “Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
            3. Thông tin cơ bản về liên minh Châu Âu:             http://www.mofahcm.gov.vn/mofa/cn_vakv/euro/nr040823164750/ns170830101817

            4. Giới thiệu chung về Hiệp định EVFTA và IPA - http://evfta.moit.gov.vn/

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8071284

Đang Online : 474