Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2020  >> Thông tin lý luận và thực tiễn số 2 năm 2020

Ngày Đăng:12/3/2020 8:49:00 AM Lượt xem: 955

QUAN ĐIỂM CỦA LÊNIN VỀ NHÀ NƯỚC KIỂU MỚI VÀ Ý NGHĨA  ĐỐI VỚI VIỆC HÌNH THÀNH
NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở VIỆT NAM

 
Thạc sĩ Vũ Thị Hồng Điệp
Giảng viên Khoa Nhà nước và pháp luật
 
Cách đây 103 năm, giai cấp công nhân và nhân dân Nga dưới sự lãnh đạo của V.I. Lênin và Đảng Bônsêvích, đã tiến hành thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga - cách mạng xã hội chủ nghĩa lật đổ ách thống trị của giai cấp tư sản và địa chủ, thiết lập chính quyền của nhân dân lao động - Nhà nước Xô viết công nông đầu tiên trên thế giới.
 
Lãnh tụ V.I.Lênin
 
          Quan điểm duy vật biện chứng về nhà nước và pháp luật trong hệ thống lý luận của Chủ nghĩa Mác được coi là một phát minh vĩ đại, một sự kiện to lớn trong lịch sử các học thuyết chính trị - pháp lý. Các tác phẩm tiêu biểu bàn về vấn đề nhà nước và pháp luật trước hết phải kể đến: “Gia đình thần thánh” (1844), “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản” (1847) của C. Mác và tác phẩm “Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và Nhà nước” của Ph. Ăngghen (1884)… Sang đầu thế kỷ XX Chủ nghĩa tư bản đã chuyển từ chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh sang chủ nghĩa tư bản độc quyền lũng đoạn với hình thái lịch sử mới của nó là Chủ nghĩa đế quốc. V.I. Lênin là người kế thừa trực tiếp và trung thành đã tiếp tục bảo vệ chủ nghĩa Mác trước mọi khuynh hướng, mọi trào lưu, tư tưởng của các nhà tư tưởng tư sản, chủ nghĩa cơ hội. Đồng thời, căn cứ vào những điều kiện lịch sử cụ thể V.I. Lênin tiếp tục sáng tạo, bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác để cấu thành chủ nghĩa Mác – Lênin. Trong các tác phẩm tiêu biểu thể hiện tư tưởng về nhà nước, pháp luật của V.I. Lênin trước hết phải kể đến “Nhà nước và cách mạng” (1917), “Bàn về nhà nước” (1919)…
          Vậy nhà nước kiểu mới là gì? C.Mác và Ph. Ăngghen đã vạch rõ nhà nước kiểu mới là nhà nước mà giai cấp vô sản đã được tổ chức thành giai cấp thống trị và nhấn mạnh bản chất giai cấp của Nhà nước là quyền lực chính trị của giai cấp vô sản thông qua Đảng Cộng sản lãnh đạo. Sau này, Lênin phát triển luận điểm đó của Mác và Ph. Ăngghen về nhà nước kiểu mới – nhà nước chuyên chính vô sản với 2 chức năng cơ bản là trấn áp và tổ chức xây dựng xã hội mới. Chức năng trấn áp phải được đảm bảo nhằm đè bẹp sự phản kháng của giai cấp bóc lột đã bị lật đổ và chống lại sự phá hoại của các thế lực thù địch, phản động bên trong và bên ngoài nhằm bảo vệ những thành quả cách mạng. Chức năng tổ chức xây dựng được thực hiện để cải tạo xã hội cũ và xây dựng xã hội mới – xã hội XHCN. Tư tưởng này được Lênin chỉ rõ: “Bây giờ chúng ta sẽ xây dựng, trên một miếng đất đã dọn sạch những di vật đổ nát của lịch sử, tòa lâu đài xã hội xã hội chủ nghĩa, đồ sộ và rực rỡ; sẽ thiết lập nên một nhà nước kiểu mới chưa từng có trong lịch sử, một nhà nước thể theo ý chí của cách mạng mà có nhiệm vụ quét sạch khỏi mặt đất mọi sự bóc lột, mọi bạo lực, mọi sự nô dịch”[1] . Theo Lênin, nhà nước kiểu mới là một tổ chức trực tiếp thực hiện chức năng quản lý kinh tế - một bộ máy điều hành nền sản xuất xã hội, chứ không còn là bộ máy ăn bám đứng trên quá trình sản xuất. Lênin nhận thấy rằng khi bước vào công cuộc xây dựng CNXH muốn cuộc cách mạng vô sản hoàn toàn giành được thắng lợi thì nhiệm vụ quản lý phải trở thành nhiệm vụ chủ yếu và trung tâm, muốn quản lý tốt phải có nghệ thuật, phải biết thuyết phục và hơn hết phải biết tổ chức về mặt thực tiễn. Do đó, Nhà nước kiểu mới này vừa là một công cụ bạo lực, vừa là một tổ chức trực tiếp thực hiện chức năng trung tâm là quản lý kinh tế. Nhưng bên cạnh đó Lênin cũng chỉ rất rõ bất kỳ nhà nước nào cũng có chức năng chính trị, quyền lực chính trị nhằm bảo vệ vị thế, lợi ích của giai cấp thống trị.
          Luận điểm của Lênin về Nhà nước kiểu mới tạo nên động lực to lớn trong việc xây dựng, cải cách, đổi mới và phát triển Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền lần đầu tiên được Đảng ta chính thức đưa vào văn kiện Đại hội VII của Đảng, trong đó nêu rõ: “Quốc hội cần hướng vào việc thực hiện hai yêu cầu cơ bản: Một là, xây dựng Nhà nước pháp quyền, Nhà nước có năng lực định ra một hệ thống luật pháp đồng bộ đáp ứng được yêu cầu mới của sự phát triển kinh tế - xã hội và quản lý mọi mặt xã hội văn minh, tiến bộ; hệ thống pháp luật đó là cơ sở bảo đảm cho đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được thực thi có hiệu quả, là một nhân tố trọng yếu làm cho các quan hệ xã hội của chúng ta trở nên lành mạnh hơn. Hai là, bảo đảm quyền lực và hiệu lực trên thực tế của Quốc hội, do Hiến pháp quy định”. Từ đó đến nay, quan điểm về xây dựng nhà nước pháp quyền và sau này là nhà nước pháp quyền XHCN được phát triển và hoàn thiện qua các kỳ đại hội của Đảng, Đảng ta luôn khẳng định bản chất của của nhà nước ta: đó là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
          Có thể thấy, Nhà nước pháp quyền mà chúng ta đang xây dựng vừa thể hiện được tính phổ biến của nhà nước pháp quyền hiện đại, lại vừa thể hiện được tính đặc thù trong xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam. Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Là nhà nước mang bản chất giai cấp công nhân nhưng đại diện cho ý chí của đông đảo quần chúng nhân dân lao động trong xã hội thực hiện theo đường lối, mục tiêu cách mạng và hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng ta. Thực hiện nguyên tắc dân là chủ, dân làm chủ. Về mặt tư duy lý luận, điểm khác biệt của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam so với các nhà nước pháp quyền khác là ở cơ chế vận hành của nhà nước, cụ thể là: hệ thống chính trị ở các nước tư sản vận hành theo tư tưởng đa nguyên thì hệ thống chính trị Việt Nam lại đề cao tính nhất nguyên; nguyên tắc tổ chức quyền lực ở các nhà nước pháp quyền tư sản nhấn mạnh yếu tố “tam quyền phân lập” thì Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam lại nhấn mạnh nguyên tắc tính thống nhất của quyền lực. Việc Đảng ta xây dựng cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp không phải là chúng ta chấp nhận toàn bộ lý thuyết phân quyền như ở các nước tư sản, mà đó là việc kế thừa các giá trị về kiểm soát quyền lực trong quá trình thực thi, trong đó vẫn đề cao tính thống nhất của quyền lực nhà nước. Đây chính là sự vận dụng sáng tạo tư tưởng về xây dựng nhà nước kiểu mới của Lênin. Cụ thể hóa tư tưởng quan trọng này trong xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, Hiến pháp năm 2013 quy định về sự phân công, phối hợp trong quá trình tổ chức và thực thi quyền lực, theo đó: quyền lập pháp giao cho Quốc hội, quyền hành pháp giao cho Chính phủ, quyền tư pháp giao cho Tòa án, Viện kiểm sát. Bên cạnh đó, bằng các quy định của pháp luật, nhà nước xây dựng cơ chế kiểm soát việc thực thi các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp chứ không phải là kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp như ở các nước tư sản. Mục đích của kiểm soát quyền lực là để việc tổ chức và thực thi quyền lực ngày càng chính đáng, có hiệu quả hơn, đảm bảo hạn chế sự tha hóa quyền lực, hiện tượng lạm quyền và “bệnh quyền lực”.
          Đồng thời, để khẳng định bản chất của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, tại Điều 4, Hiến pháp năm 2013 khẳng định và ghi nhận vai trò lãnh đạo, cầm quyền duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với nhà nước và xã hội. Trong điều kiện nhà nước pháp quyền càng phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước. Đảng lãnh đạo thể chế hóa, cụ thể hóa Cương lĩnh, đường lối của Đảng thành pháp luật, chính sách của Nhà nước. Đảng quyết định chính sách đối nội, đối ngoại của nhà nước; quyết định tổ chức bộ máy nhà nước và bố trí, phân công cán bộ; kiểm tra hoạt động của nhà nước và lãnh đạo nhân dân, hệ thống chính trị tham gia xây dựng, quản lý và giám sát hoạt động của nhà nước và cán bộ công chức. Từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng Cộng sản đã lãnh đạo nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và nay là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Sự lãnh đạo, cầm quyền đó mang tính liên tục từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên đến các kỳ bầu cử Quốc hội sau này. Đó chính là sự tín nhiệm và ủy thác của toàn thể nhân dân Việt Nam đối với Đảng.
          Qua thực tiễn của cách mạng, chúng ta có thể thấy quan điểm về nhà nước kiểu mới của các nhà Mác xít đã được phát huy, vận dụng sáng tạo, linh hoạt trong quá trình xây dựng và phát triển nhà nước ta. Ngay khi thống nhất nước nhà, Đảng ta đã chủ trương đi lên chủ nghĩa xã hội mà mục tiêu cơ bản là xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Chúng ta ý thức sâu sắc rằng, để xây dựng được chế độ xã hội có tính mục tiêu như vậy, công cụ, phương tiện cơ bản ngoài nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn cần có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trên cơ sở chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, Nhà nước ta có những đường lối, chính sách đối ngoại phù hợp với xu thế phát triển chung, thể hiện quan điểm đối ngoại của Đảng được khẳng định trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII.
          Quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay chỉ có thể thực hiện thành công trên cơ sở nhận thức đúng và vận dụng sáng tạo ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin về Nhà nước chuyên chính vô sản, tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Đồng thời, chúng ta cần phải quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam về việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
 

[1] V.I.Lênin: Toàn tập, t.35, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.384

Các tin liên quan:

Thông báo

Thông báo về việc tổ chức Hội thi học viên học giỏi lý luận chính trị năm 2024

Thông báo danh sách viên chức đề nghị xét nâng bậc lương trước thời hạn năm 2024

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và Thực tiễn năm 2024

Thông báo danh sách viên chức đủ điều kiện nâng bậc lương trước thời hạn tháng 12 năm 2023

Thông báo Tuyển sinh đào tạo, bồi dưỡng năm 2024

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi sau phá dỡ nhà khách, kho

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và thực tiễn số 2 năm 2023

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và thực tiến số 1 năm 2023

Báo cáo công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị quý III; phương hướng nhiệm vụ quý IV năm 2022

Hướng dẫn trình bày bài viết thu hoạch nghiên cứu thực tế các lớp Trung cấp lý luận chính tri

Hướng dẫn khen thưởng học viên các lớp đào tạo, bồi dưỡng tại Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8580716

Đang Online : 261