Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2022  >> Số 2 năm 2022

Ngày Đăng:8/8/2022 2:12:00 PM Lượt xem: 505

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ XÂY DỰNG MỘT NỀN GIÁO DỤC MỚI CỦA VIỆT NAM
 
Thạc sĩ Vũ Thị Hồng Điệp
Giảng viên khoa Nhà nước và pháp luật
 
             Ngày 03/9/1945, trong buổi họp đầu tiên của Chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”1.Câu nói đó thể hiện trong tư tưởng của Người giáo dục luôn giữ một vị trí đặc biệt quan trọng. Chính vì vậy, trong suốt quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước, Người luôn đề cao việc xây dựng một nền giáo dục mới cho nước ta theo hướng “dân tộc, hiện đại và văn minh”, lấy phục vụ Tổ quốc và Nhân dân làm nền tảng.
             Có thể khẳng định rằng, nền giáo dục theo truyền thống Nho giáo đã sản sinh ra nhiều nhân tài, bồi dưỡng nhiều nhân lực, đóng góp to lớn trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, tiêu biểu như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn, Nguyễn Đình Chiểu… Nhưng khi bước vào giai đoạn lịch sử mới – giai đoạn thực dân Pháp thực hiện nền giáo dục nô dịch với chính sách “ngu dân” để cai trị dân tộc ta, thì nền giáo dục truyền thống ấy đã bộc lộ nhiều hạn chế, gây cản trở đối với sự phát triển của đất nước. Sau khi nước ta giành được độc lập vào tháng 9/1945, hơn 90% dân số Việt Nam bị mù chữ, các tệ nạn xã hội cũ như: mê tín dị đoan, rượu chè, cờ bạc, nghiện hút vẫn diễn ra nhiều nơi. Để giải quyết vấn đề này một yêu cầu đặt ra lúc bấy giờ là cần phải xây dựng một nền giáo dục mới, hiện đại, khoa học và đại chúng với mục đích phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc, đào tạo lớp người, lớp cán bộ mới góp phần cho cuộc đấu tranh chung vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
              Nhận thức rõ vấn đề này, ngay sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Hồ Chí Minh đã xác định kiến thiết nền giáo dục là nhiệm vụ cấp bách và coi nhiệm vụ chống “giặc dốt” là việc cần kíp như chống “giặc đói” và “giặc ngoại xâm”. Từ đó, phong trào Bình dân học vụ ra đời và lan nhanh đến từng ngõ ngách, từng thôn xóm với phương châm “người biết bảo người không biết”. Nhờ sự chỉ đạo sáng suốt của Người, sự nỗ lực của mỗi thầy cô giáo và nhân dân ta lúc bấy giờ mà chỉ trong một năm, từ tháng 8/1945 đến tháng 8/1946, phong trào Bình dân học vụ đã dạy cho hơn 2,5 triệu người biết chữ, phát triển được gần 96.000 giáo viên, mở được gần 75.000 lớp học2.
              Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến sự nghiệp giáo dục quốc dân. Trong bức thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Người viết: “Trước đây cha anh các em, và mới năm ngoái cả các em nữa, đã phải chịu nhận một nền học vấn nô lệ, nghĩa là nó chỉ đào tạo nên những kẻ làm tay sai, làm tôi tớ cho một bọn thực dân người Pháp. Ngày nay các em được cái may mắn hơn cha anh là được hấp thụ một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”3. Đó là một nền giáo dục bình đẳng, dân chủ, tôn trọng và yêu thương lẫn nhau, một nền giáo dục tạo mọi điều kiện để phát triển năng lực của mỗi cá nhân, đào tạo ra những con người xã hội chủ nghĩa vừa có đức vừa có tài để phục vụ Nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Với tầm nhìn chiến lược, Hồ Chí Minh rất coi trọng việc giáo dục thế hệ trẻ, đặc biệt là lớp thanh niên. Theo Người, thanh niên là lớp người tiêu biểu cho cho sức mạnh của dân tộc, họ là những con người có lý tưởng, giàu đức hy sinh, sẵn sáng xả thân và trở thành lực lượng kế tục sự nghiệp cách mạng của nước ta. Điều đó được Hồ Chí Minh khẳng định trong thư gửi thanh niên năm 1947: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”4.
              Khác với nhiều lý thuyết về giáo dục đã và đang tồn tại lúc bấy giờ, chỉ quan tâm đến truyền tải kiến thức cho người học, Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng nền giáo dục mới với triết lý giáo dục học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn, một nền giáo dục toàn diện. Triết lý này được Người khẳng định từ năm 1960, Người nói: “Giáo dục phải phục vụ đường lối chính trị của Đảng và Chính phủ, gắn liền với sản xuất và đời sống của nhân dân. Học phải đi đôi với hành, lý luận phải liên hệ với thực tế”5. Điều đó cho thấy, Hồ Chí Minh rất coi trọng nội dung giáo dục lao động, giáo dục kỹ thuật, Người coi “giáo dục lao động trong nhà trường là khâu chủ yếu trong toàn bộ sự nghiệp giáo dục xã hội chủ nghĩa… nhằm đào tạo thế hệ trẻ có những kiến thức khoa học… lại có những kiến thức cơ bản về kỹ thuật sản xuất công nghiệp và nông nghiệp, những thói quen lao động, sẵn sàng bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội”6. Thực tiễn quá trình xây dựng Xã hội Chủ nghĩa ở Việt Nam đã chứng minh, nhờ có triết lý giáo dục đúng đắn đã hình thành một thế hệ trẻ đủ đức đủ tài xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đến nay, triết lý này tiếp tục được khẳng định trong Điều 3, Luật Giáo dục năm 2019: “Hoạt động giáo dục được thực hiện theo nguyên lý học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội”.
              Trong triết lý giáo dục của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cao nội dung dân chủ trong nền giáo dục mới, thể hiện rõ nhất là chủ trương bình đẳng giữa nam và nữ, giữa các dân tộc trên cơ sở một nền giáo dục phổ cập. Người muốn xây dựng một xã hội học tập mà ở đó ai cũng được học hành. Quyền dân chủ trong học tập được Hồ Chí Minh đề cập đến từ rất sớm, ngay trong Bản yêu sách của nhân dân An Nam gửi đến hội nghị Véc – Xây, Người đã đưa ra yêu cầu: “Tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ”7. Nếu như trong nền giáo dục phong kiến và thực dân, quyền học hành chỉ dành cho nam giới, thì trong nền giáo dục mới quyền học tập dành cho tất cả mọi người. Đặc biệt trong bài “Chống nạn thất học” Chủ tịch Hồ Chí Minh còn khẳng định: “Phụ nữ lại càng cần phải học” bởi “đã lâu chị em bị kìm hãm, đây là lúc chị em phải cố gắng để kịp nam giới, để xứng đáng mình là một phần tử trong nước”8.Người coi quyền được học hành là một trong những quyền cơ bản của con người bên cạnh quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Quyền dân chủ trong giáo dục được khẳng định trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà – Hiến pháp năm 1946: Nền sơ học cưỡng bách và không học phí. Ở các trường sơ học địa phương, quốc dân thiểu số có quyền học bằng tiếng của mình.Học trò nghèo được Chính phủ giúp. Trường tư được mở tự do và phải dạy theo chương trình Nhà nước”. Tư tưởng này được khẳng định lại qua các bản Hiến pháp tiếp theo của nước ta.
              Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến xây dựng đội ngũ những người làm công tác giáo dục. Trong buổi nói chuyện tại lớp đào tạo hướng dẫn viên các trại hè cấp I, Người nói: “Nhiệm vụ giáo dục rất quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục”9, Người đề ra yêu cầu những người làm công tác giáo dục phải là những người có cả đức và tài, có chuyên môn giỏi và phẩm chất chính trị tốt, “phải có chính trị trước rồi có chuyên môn”, vì theo Người “Chính trị là linh hồn, chuyên môn là cái xác. Có chuyên môn mà không có chính trị thì chỉ là cái xác không hồn”10. Không những thế, Người còn yêu cầu giáo viên phải luôn trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn và chính trị, phải luôn tự đổi mới phương pháp dạy học và là tấm gương sáng cho học sinh noi theo.
              Ngày nay, kế thừa quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta vẫn luôn thường xuyên quan tâm đến công tác giáo dục và đào tạo, luôn coi “giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu” nhằm phát triển nguồn lực con người, phục vụ cho mục tiêu đưanước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”11. Thấm nhuần tư tưởng của Bác về giáo dục, trong những năm qua, Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết nhằm đổi mới giáo dục và đào tạo, trong đó nổi bật là Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo với mục tiêu tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của Nhân dân. Sau 07 năm triển khai Nghị quyết, ngành Giáo dục đã có những chuyển biến căn bản về chất lượng, hiệu quả, được các tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao: năm 2019, hệ thống giáo dục đại học Việt Nam xếp thứ 68/196 quốc gia trên thế giới, tăng 12 bậc so với năm 2018. Năm 2021, Việt Nam có 11 cơ sở giáo dục đại học nằm trong danh sách 500 trường đại học hàng đầu Châu Á. Có được thành tựu đó trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn phải kể đến sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự phối hợp có hiệu quả của các bộ, ngành và địa phương, đặc biệt là sự nỗ lực của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp.
              Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được nền giáo dục nước ta vẫn còn một số hạn chế, bất cập như: công tác quản lý nhà nước còn bất cập, chồng chéo; đào tạo vẫn thiếu gắn kết với nghiên cứu khoa học, sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động; đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục một số mặt vẫn còn bất cập về số lượng và chất lượng; hệ thống quản lý, khai thác dữ liệu ngành phục vụ công tác quản lý, điều hành, dạy học còn chưa đồng bộ; công tác truyền thông về giáo dục còn hạn chế.
              Để phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, Đại hội XIII của Đảng ta tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của giáo dục và đào tạo, yêu cầu phải “Xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả chủ trương giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước”12, đồng thời xác định rõ mục tiêu của giáo dục đào tạo trong giai đoạn tới, nhằm xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, có sức khoẻ, năng lực, trình độ, có ý thức, trách nhiệm cao đối với bản thân, gia đình, xã hội và Tổ quốc và “Chú trọng giáo dục phẩm chất, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”13.Từ đó xây dựng các giải pháp đồng bộ nhằm phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, thực hiện được lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa nước ta sánh vai cùng các cường quốc năm châu.
              Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng một nền giáo dục mới là một di sản vô cùng quý báu của dân tộc Việt Nam nói chung và ngành giáo dục nói riêng. Do vậy, cần tiếp tục tuyên truyền, vận động để toàn xã hội nhận thức sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, thực hiện ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn tư tưởng của Người, góp phần chấn hưng nền giáo dục nước nhà, nền giáo dục phát triển hoàn toàn năng lực sẵn có của người học, đào tạo họ thành những người đủ đức, đủ tài xây dựng và phát triển đất nước. 
 
  1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, T4, tr7
  2. https://vnexpress.net/phong-trao-binh-dan-hoc-vu-75-nam-truoc-4166631.html
  3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd,T4, tr34
  4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd,T5, tr216
  5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd,T12, tr647
  6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd,T13, tr203
  7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd,T1, tr469
  8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd,T4, tr41
  9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd,T10, tr345
  10. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd,T12, tr269
  11. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, NXb CTQGST, H. 2021
12, 13. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, NXb CTQGST, H. 2021, tr 136

Các tin liên quan:

Thông báo

Thông báo về việc tổ chức Hội thi học viên học giỏi lý luận chính trị năm 2024

Thông báo danh sách viên chức đề nghị xét nâng bậc lương trước thời hạn năm 2024

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và Thực tiễn năm 2024

Thông báo danh sách viên chức đủ điều kiện nâng bậc lương trước thời hạn tháng 12 năm 2023

Thông báo Tuyển sinh đào tạo, bồi dưỡng năm 2024

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi sau phá dỡ nhà khách, kho

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và thực tiễn số 2 năm 2023

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và thực tiến số 1 năm 2023

Báo cáo công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị quý III; phương hướng nhiệm vụ quý IV năm 2022

Hướng dẫn trình bày bài viết thu hoạch nghiên cứu thực tế các lớp Trung cấp lý luận chính tri

Hướng dẫn khen thưởng học viên các lớp đào tạo, bồi dưỡng tại Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8581329

Đang Online : 875