Nội san >> Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2022 >> Số 2 năm 2022
Ngày Đăng:8/8/2022 2:13:00 PM Lượt xem: 389
XÂY DỰNG VÀ THỰC HIỆN VĂN HÓA TRƯỜNG ĐẢNG Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TUYÊN QUANG
Thạc sĩ Mai Quang Thắng
Phó Hiệu trưởng
Phó Hiệu trưởng
Từ năm 1943, trong bài Mục đọc sách viết kèm những trang cuối cùng trong cuốn sổ chép những bài thơ Nhật ký trong tù, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra định nghĩa về văn hoá: "Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hoá. Văn hoá là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn"[1].
Cũng trong năm 1943, Đảng Cộng sản Đông Dương đã đưa ra bản Đề cương văn hóa Việt Nam do Tổng bí thư Trường Chinh soạn thảo và được thông qua trong Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương họp ở Võng La (Đông Anh, Phúc Yên). Đề cương văn hóa khẳng định: “Phải hoàn thành cách mạng văn hóa mới hoàn thành được cuộc cải tạo xã hội”[2].
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng vị trí, vai trò của văn hóa trong xây dựng và phát triển đất nước. Đảng ta đã luôn đưa ra những chỉ đạo sâu sắc và kịp thời đối với từng giai đoạn phát triển của đất nước và trong mọi hoàn cảnh, những chỉ đạo của Đảng luôn bám sát thực tiễn, thích ứng sự thay đổi của thực tiễn, đồng thời phù hợp với bối cảnh thế giới và sự phát triển của đất nước.
Chính vì thế, gần một thế kỷ đã trôi qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, văn hóa cách mạng Việt Nam luôn là một động lực tạo nên sức mạnh chính trị, tinh thần, tư tưởng to lớn cùng với sức mạnh chính trị, quân sự, kinh tế trong chiến lược tổng hợp để bảo vệ và xây dựng Tổ quốc và đã đạt được những thành tựu quan trọng. Những thành tựu ấy có tính bao trùm, hàm chứa xuyên suốt từng thời kỳ của tiến trình cách mạng, phản ánh sự phát triển văn hóa của dân tộc.
Xây dựng văn hóa công sở là một nội dung quan trọng để thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) của Đảng về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc: ''Tạo ra ở các đơn vị cơ sở đời sống văn hóa lành mạnh, đáo ứng những nhu cầu văn hóa đa dạng và không ngừng tăng lên của các tầng lớp nhân dân'' và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước: ''Mỗi địa phương, cộng đồng, cơ quan, đơn vị, tổ chức phải là một môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách, lối sống''. Văn hóa công sở và ứng xử có văn hóa nơi công sở sẽ góp phần tích cực vào việc giữ gìn bản sắc tốt đẹp và xây dựng lối sống văn hóa của các cơ quan, tổ chức.
Hiện nay, xây dựng “văn hóa trường Đảng” đang là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cần thiết trong hệ thống trường Chính trị. Trong quá trình xây dựng, thiết lập văn hóa trường Chính trị tùy điều kiện, hoàn cảnh, lịch sử, văn hóa mỗi vùng miền, địa phương sẽ có những điểm chung và điểm riêng. Ngày 26/10/2017, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 5029-QĐ/HVCTQG về việc Quy định ứng xử văn hóa của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Quyết định chỉ rõ, cụ thể đối tượng và phạm vi áp dụng cho toàn thể cán bộ, học viên đang công tác và học tập, nghiên cứu tại trường Đảng. Tỉnh ủy Tuyên Quang đã chỉ đạo Trường Chính trị quán triệt và thực hiện nghiêm túc Quyết định số 5029/QĐ-HVCTQG ngày 26/10/2017 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh,thực hiện ứng xử văn hóa trường Đảng gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang được thành lập từ năm 1957 theo Nghị quyết số 84-NQ/TU, ngày 06/6/1957 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang về thành lập cơ quan và Ban Hiệu ủy Trường Đảng tỉnh Tuyên Quang. Trải qua 65 năm xây dựng và phát triển, với những tên gọi khác nhau, đến nay, Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang đã khẳng định được vai trò, vị trí của nhà trường trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ của địa phương.
Tính đến năm 2022, nhà trường được giao biên chế là: 53 người, biên chế hiện có là: 49 người , gồm:Ban Giám hiệu: 02 người Hiệu trưởng và 01 Phó Hiệu trưởng; khoa Lý luận cơ sở: 10 người; khoa Xây dựng Đảng: 08 người; khoa Nhà nước và pháp luật: 10 người; phòng Tổ chức, hành chính, thông tin, tư liệu: 13 người; phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học: 06 người. Cơ cấu đội ngũ cán bộ, viên chức: Trưởng khoa, Phó Trưởng khoa: 07 người; Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng: 05 người; Đội ngũ giảng viên (không giữ chức vụ quản lý): 23 người. Về trình độ của đội ngũ giảng viên: có 01 giảng viên có trình độ tiến sỹ, 32 giảng viên có trình độ thạc sĩ, 03 giảng viên đang học cao học; 25 giảng viên có trình độ cao cấp lý luận chính trị; 20 giảng viên chính.
Đến nay, đội ngũ cán bộ, giảng viên của nhà trường cơ bản đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ; gương mẫu, chấp hành nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; đoàn kết, đồng thuận cao, quan tâm, động viên trong quá trình triển khai nhiệm vụ; đa số cán bộ, giảng viên có ý thức nghề nghiệp cao, tự giác trong thực hiện nhiệm vụ.
Cơ sở vật chất của nhà trường được đầu tư xây dựng và ngày càng được nâng cấp và sử dụng có hiệu quả. Hiện nay trường có khu nhà làm việc của Ban Giám hiệu và giảng viên, 01 Hội trường 500 chỗ, 10 phòng học, trong đó có 05 phòng học có máy điều hòa nhiệt độ, trang bị hệ thống camera giám sát; các phòng làm việc của lãnh đạo nhà trường, giảng viên được trang bị cơ sở vật chất, máy vi tính, thiết bị cần thiết góp phần nâng cao chất lượng làm việc. Thư viện có 3.231 đầu sách với 14.360 bản sách, 02 đầu báo, 07 đầu tạp chí, khu ký túc xá học viên 3 tầng, nhà ăn 600 chỗ phục vụ học viên…
Từ lý luận và thực tiễn về văn hóa nói chung, cho đến văn hóa công sở và đặc trưng của nhà trường, có thể khẳng định Trường Chính trị Tuyên Quang có Văn hóa Trường Đảng. Đó là những giá trị văn hóa, là truyền thống và bản sắc được lớp lớp các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, học viên của Nhà trường trong 65 năm qua dày công vun đắp bằng tất cả tình cảm, trách nhiệm và trí tuệ. Văn hóa Trường Đảng là ''Tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc; cống hiến trong thực thi công vụ; cầu thị, sáng tạo, chất lượng trong đào tạo, nghiên cứu khoa học; kỷ cương nơi công sở; văn minh trong ứng xử''.
Xây dựng văn hóa Trường Đảng, thực hiện kỷ luật, kỷ cương là một trong các tiêu chí quy định tại Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn. Theo lộ trình, trong năm 2022 nhà trường sẽ ban hành quy định tiêu chí văn hóa ứng xử trong nhà trường và phấn đấu 100% cán bộ, viên chức, người lao động thực hiện ứng xử văn hóa Trường Đảng theo quy định. Để tiếp tục thực hiện văn hóa Trường Đảng, nhà trường cần tập trung vào một số điểm sau:
- Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu trong quá trình xây dựng văn hóa Trường Đảng tại Trường Chính trị tỉnh; quán triệt và thực hiện nghiêm các Quy định về ứng xử văn hóa của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
- Hai là, tổ chức thực hiệnnghiêmQuy định ứng xử văn hóatrong nhà trường tạo thành nếp văn hóa trường Đảng lành mạnh, thân thiện. Thường xuyên rà soát, đánh giá nội quy, quy tắc ứng xử cho từng đối tượng cụ thể bảo đảm đúng quy định của pháp luật, quy chế, quy định của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và phù hợp với đặc thù của nhà trường.
- Ba là, nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến cho cán bộ, giảng viên, nhân viên, học viên về tinh thần, thái độ làm việc, học tập, các chuẩn mực giao tiếp, ứng xử, đạo đức, lối sống, nhằm tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên có kỷ cương, trách nhiệm, tận tụy, chuyên nghiệp. Triển khai đồng bộ các quy định về văn hóa công vụ trong nhà trường. Ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong hoạt động nội bộ của các khoa, phòng, hướng tới giảm hội họp, giấy tờ hành chính và chế độ báo cáo, thực hiện tốt việc giữ, nhận văn bản điện tử.
- Bốn là, tăng cường sự phối hợp, liên kết để thực hiện văn hóa trường Đảng. Mỗi cán bộ, giảng viên, nhân viên, học viên của nhà trường đều có ý thức tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất cá nhân, xây dựng văn hóa cơ quan sẽ là yếu tố quan trọng để thực hiện tốt văn hóa trường Đảng.
- Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện văn hóa công vụ theo chương trình, kế hoạch hằng năm và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những cán bộ, giảng viên, nhân viên, học viên có thành tích, gương mẫu trong thực hiện văn hóa công vụ.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 16/7/1998 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
2. Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 14/5/2014 Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
3. Quy định số 09-QĐi/TW ngày 13/11/2018 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
4. Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn
5.Quyết định số 5029/QĐ-HVCTQG ngày 26/10/2017 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh,thực hiện ứng xử văn hóa trường Đảng gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Các tin liên quan:
- ❧ NHỮNG PHẨM CHẤT CAO QUÝ CỦA ĐỒNG CHÍ PHẠM HÙNG VÀ Ý NGHĨA TRONG XÂY DỰNG LÝ TƯỞNG CÁCH MẠNG CHO THẾ HỆ TRẺ - Ngày đăng('8/8/2022 2:01:00 PM')
- ❧ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TUYÊN QUANG 65 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN - Ngày đăng('8/8/2022 2:02:00 PM')
- ❧ PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA ĐỘI NGŨ BÁO CÁO VIÊN TRONG BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG - Ngày đăng('8/8/2022 2:03:00 PM')
- ❧ VẬN DỤNG NHỮNG ĐIỂM MỚI VỀ CÔNG TÁC DÂN VẬN TẠI ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG VÀO GIẢNG DẠY CHƯƠNG TRÌNH TRUNG CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ - Ngày đăng('8/8/2022 2:04:00 PM')
- ❧ VẬN DỤNG NHỮNG ĐIỂM MỚI TRONG VĂN KIỆN ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG VỀ PHÁT HUY DÂN CHỦ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY VÀO GIẢNG DẠY NỘI DUNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI KHOA HỌC CỦA CHƯƠNG TRÌNH TRUNG CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ - Ngày đăng('8/8/2022 2:05:00 PM')
- ❧ TUYÊN QUANG CHÚ TRỌNG XÂY DỰNG VÀ NÂNG CAO VĂN HÓA CÔNG VỤ ĐÁP ỨNG YÊU CẦU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CỦA TỈNH - Ngày đăng('8/8/2022 2:06:00 PM')
- ❧ HIỆU QUẢ CÔNG TÁC VẬN ĐỘNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ THAM GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ, GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG TỈNH TUYÊN QUANG - Ngày đăng('8/8/2022 2:07:00 PM')
- ❧ PHÁT HUY TIỀM NĂNG, ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN DU LỊCH TRỞ THÀNH NGÀNH KINH TẾ QUAN TRỌNG CỦA TỈNH TUYÊN QUANG - Ngày đăng('8/8/2022 2:08:00 PM')
- ❧ MỘT SỐ KẾT QUẢ CỦA ĐẢNG BỘ HUYỆN SƠN DƯƠNG TRONG THỰC HIỆN CHỈ THỊ 05-CT/TW NGÀY 15/5/2016 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ ĐẨY MẠNH HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH - Ngày đăng('8/8/2022 2:09:00 PM')
- ❧ TUYÊN QUANG KHAI THÁC TIỀM NĂNG, THẾ MẠNH PHÁT TRIỂN DU LỊCH NÔNG THÔN - Ngày đăng('8/8/2022 2:10:00 PM')
- ❧ Ý NGHĨA TÁC PHẨM “NÂNG CAO ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG, QUÉT SẠCH CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN” ĐỐI VỚI RÈN LUYỆN ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG CHO CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN HIỆN NAY - Ngày đăng('8/8/2022 2:11:00 PM')
- ❧ TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ XÂY DỰNG MỘT NỀN GIÁO DỤC MỚI CỦA VIỆT NAM - Ngày đăng('8/8/2022 2:12:00 PM')