Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2022  >> Số 3 năm 2022

Ngày Đăng:12/24/2022 11:07:00 AM Lượt xem: 446

NHỮNG ĐÓNG GÓP LÝ LUẬN CỦA ĐẢNG TA VỀ MÔ HÌNH TỔNG QUÁT CỦA XÃ HỘI XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VÀ XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI SAU HƠN 35 NĂM ĐỔI MỚI

 
ThS. GVC Phạm Thị Thu Trang
Khoa xây dựng Đảng
 
        Gắn liền với chiều dài của lịch sử dân tộc Việt Nam là các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đầy gian khổ, hy sinh chống lại âm mưu xâm lược của thực dân, đế quốc để bảo vệ quyền thiêng liêng của dân tộc là độc lập, tự do, hạnh phúc. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là đường lối cơ bản, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam. Bằng tri thức và kinh nghiệm thực tiễn, chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập cho dân tộc, mới có thể đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc thực sự cho nhân dân. 
         Đối với Việt Nam, xây dựng chủ nghĩa xã hội là một sự nghiệp đầy khó khăn, chưa từng có tiền lệ trong lịch sử dân tộc. Thời kỳ trước đổi mới, nhận thức về mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa của Đảng ta trong các văn kiện từ năm 1954 đến 1986 đã được định hình nhưng chưa rõ ràng, mô hình và những đặc trưng cụ thể chưa được xác định cụ thể.
         Trong công cuộc đổi mới đất nước, để lãnh đạo nhân dân thực hiện thành công mục tiêu xây dựng, phát triển đất nước, con người Việt Nam theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng đã có sự bứt phá trong thay đổi nhận thức, như một cuộc cách mạng giằng co trong tư tưởng kết hợp với thực tiễn để đi đến kết luận cần phải tiếp tục nghiên cứu, phân tích để xây dựng, bổ sung, hoàn thiện từng bước mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và phải nhắc đến một trong những đóng góp to lớn của Đảng ta như sau:
         Một là, mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa lần đầu tiên được Đảng ta nêu ra tại Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991) trong bối cảnh mô hình xã hội XHCN ở Liên Xô và nhiều nước Đông Âu sụp đổ.
         Với bản lĩnh chính trị của một đảng chân chính, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xây dựng Cương lĩnh với 6 đặc trưng cơ bản: Do nhân dân lao động làm chủ. Có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu. Có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc. Con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân. Các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ. Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân tất cả các nước trên thế giới. Đó chính là những đặc trưng bản chất, mục tiêu cơ bản của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam mà nhân dân ta xây dựng và hướng tới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Những đặc trưng nêu trên nhằm xây dựng một xã hội phát triển toàn diện, trong đó đặc biệt quan tâm đến lợi ích chính đáng của quần chúng nhân dân, được sống cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc đảm bảo quyền bình đẳng, dân chủ được bảo vệ bởi hệ thống pháp luật nghiêm minh.
         Hai là, trải qua 20 năm kinh nghiệm thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội theo đường lối đổi mới, đất nước thoát khỏi khủng hoảng bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để thực hiện thành công con đường đã chọn, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Đảng ta bổ sung lý luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ngày càng sáng tỏ hơn với hai nội dung cơ bản là: Dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh. Có nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
         So với Cương lĩnh 1991, nhận thức về bản chất, đặc trưng xã hội xã hội chủ nghĩa rõ nét hơn. Đặc trưng “Dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh” được bổ sung đã bước đầu trả lời cho câu hỏi xây dựng chủ nghĩa xã hội để làm gì?. Đó chính là mục đích để xã hội Việt Nam, nhân dân Việt Nam phấn đấu xây dựng. Vì vậy, đặc trưng này được bổ sung và đặt ở vị trí đầu tiên trong mô hình xã hội XHCN được xây dựng để khẳng định hướng đi đúng. Đặc trưng thứ tám là “Có nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản”. Việc bổ sung đặc trưng trên thể hiện vị trí đặc biệt quan trọng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong hệ thống chính trị của Việt Nam. Nhà nước ấy thuộc về nhân dân, do nhân dân xây dựng và hướng tới phục vụ lợi ích của nhân dân, là cơ quan quyền lực của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Mục tiêu căn bản của công cuộc đổi mới nói chung, của đổi mới chính trị và đổi mới hệ thống chính trị nói riêng ở nước ta chính là xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân là một trong những điều kiện tiên quyết để thực hiện và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Đây là một bổ sung quan trọng về mặt bản chất của xã hội. Như vậy, so với Cương lĩnh 1991 nhận thức của Đảng ta về mô hình xã hội XHCN đầy đủ và toàn diện hơn.
Ba là, sau 25 năm tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước và 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh 1991), tình hình thế giới, trong nước có nhiều thay đổi. Để phù hợp với tình hình mới, Đảng ta nhận thấy cần phải có một cương lĩnh mới phù hợp với hoàn cảnh hiện nay trên cơ sở kế thừa, sửa đổi, bổ sung và phát triển Cương lĩnh 1991. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) được thông qua tại Đại hội XI, Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định 8 đặc trưng của mô hình xã hội XHCN đang xây dựng là: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Do nhân dân làm chủ. Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp. Có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện. Các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng. Có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.
         Cương lĩnh 2011 có một số điều chỉnh quan trọng, cho thấy những nhận thức của Đảng ta về chủ nghĩa xã hội ngày càng sâu sắc. Trong quá trình xây dựng và phát triển, Đảng ta đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố dân chủ. Dân chủ không chỉ là mục tiêu, mà còn là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội theo hướng phát triển nhanh và bền vững. Khi dân chủ được bảo đảm mới có thể nói đến công bằng và đến lớn mạnh, những điều đó mới thể hiện sự văn minh. Ngoài những đặc trưng được bổ sung thì những đặc trưng khác tiếp tục được điều chỉnh phù hợp, khoa học hơn. Việc xác định đúng và trúng những đặc trưng bản chất, cốt lõi của chủ nghĩa xã hội - một xã hội hoàn toàn mới và chưa từng có tiền lệ trong lịch sử phát triển của dân tộc ta, như cách nói của V.I.Lênin, chỉ có thể dựa trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội của hàng triệu người khi họ bắt tay vào hành động. Hơn nữa, thực tiễn luôn vận động, biến đổi không ngừng; do đó, lý luận cũng phải có sự thay đổi tương ứng nhằm phản ánh đúng thực tiễn, phù hợp với thực tiễn. Sự điều chỉnh, bổ sung và phát triển những đặc trưng của chủ nghĩa xã hội cho sát với thực tế khách quan luôn là việc làm cần thiết và phải được tiến hành thường xuyên.
         Sau 35 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội thời kỳ đổi mới, đất nước ngày càng phát triển, con người Việt Nam thực sự thay đổi cả về nhận thức và hành động, hướng tới xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Trên cơ sở khách quan, Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay[1]. Song bên cạnh đó, Đại hội thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, thách thức, những hạn chế, bất cập. Với mục tiêu nắm bắt cơ hội, phát huy thế mạnh, khắc phục khuyết điểm, kiên định con đường XHCN, Đảng ta tiếp tục thể hiện bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo. Một lần nữa, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục kế thừa, bổ sung, phát triển mô hình xã hội XHCN mà chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và nhân dân ta lựa chọn, tiếp tục kiên định, kiên trì thực hiện đó là: “…khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; …phấn đấu giữa thế kỷ XIX, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng XHCN”.
         Về kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.   Về văn hóa, xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới.
         Về quốc phòng, an ninh xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại.
         Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.
          Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục cụ thể hóa và bổ sung một số nội dung về mô hình XHCN, đặc biệt là nội dung dân chủ với phương châm “dân giám sát, dân thụ hưởng”, đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
         Tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động với hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định.
          Để nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đi vào cuộc sống, trở thành hiện thực, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng viết bài Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam công bố ngày 16/5/2021 trên các phương tiện thông tin đại chúng được đón nhận một cách tích cực. Những vấn đề lý luận trong bài viết tiếp tục lý giải, tìm câu trả trả lời cho vấn đề lớn của dân tộc ta, đó là: Chủ nghĩa xã hội là gì? Vì sao Việt Nam lựa chọn con đưỡng xã hội chủ nghĩa? Làm thế nào và bằng cách nào để xây dựng được chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam?
         Qua quá trình trăn trở, nghiên cứu cả về lý luận và thực tiễn, Tổng bí thư đưa ra quan điểm chủ nghĩa xã hội là: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự, vì con người chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn chứ không phải cạnh tranh, bất công, cá lớn nuốt cá bé, vì lợi ích vị kỷ của số ít cá nhân và các phe nhóm. Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên, để đảm bảo môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường. Và chúng ta cần một hệ thống chính trị và quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân chứ không phải thiểu số người giàu có. Đó chính là mong muốn tốt đẹp mà đảng ta, nhân dân ta tiếp tục phấn đấu theo đuổi.”
         Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường CNXH? Đề cập đến vấn đề này, bằng lập luận chặt chẽ, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chứng minh trước hết dựa trên lý luận cách mạng khoa học của chủ nghĩa Mác, Lênin, Hồ Chí Minh chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải quyết triệt để vấn đề độc lập dân tộc, mới đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Thực tiễn cách mạng Việt Nam đấu tranh vì mục tiêu độc lập dân tộc trải qua 92 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng chứng minh sự lựa chọn của Đảng và dân tộc ta là hoàn toàn đúng đắn.
         Xây dựng xã hội XHCN bằng cách nào? Bài viết của đồng chí Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nhấn mạnh đến 8 đặc trưng cơ bản của mô hình xã hội XHCN mà Đảng ta đã nêu qua các kì đại hội, đồng thời khẳng định những thành tựu lý luận mạng tính bước ngoặt, sáng tạo của Đảng ta như lý luận thời kỳ quá độ bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, kinh tế thị trường định hướng XHCN; văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng, dựa trên các giá trị tiến bộ, nhân văn. Bản chất dân chủ của chế độ XHCN. Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản là nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc đổi mới đất nước.
         Cùng với đường lối của Đảng ta thông qua Đại hội XIII, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tái khẳng định mô hình xã hội XHCN mà Việt Nam xây dựng là hoàn toàn đúng đắn, không thể có sự lựa chọn khác. Những kết quả đạt được cho đến nay khẳng định tính đúng đắn và niềm tin của nhân dân với Đảng, chế độ ta. Tiếp tục khắc phục một số quan niệm đơn giản trước đây là đồng nhất mục tiêu cuối cùng của CNXH với nhiệm vụ của giai đoạn trước mắt, nhận thức về bỏ qua chế độ TBCN, không thừa nhận sự tồn tại của các thành phần kinh tế…Nhận thức đúng đắn mối quan hệ biện chứng giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thực sự trọng sạch vững mạnh để nêu cao vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
         Trải qua quá trình lâu dài của lịch sử dân tộc, những vấn đề lý luận về mô hình xã hội XHCN ngày càng được nhận thức sâu sắc và toàn diện. Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều chuyển biến phức tạp, giá trị lý luận ấy tiếp tục được mài dũa, bổ sung trở thành kim chỉ nam cho hành động của chúng ta trong giai đoạn hiện nay.
 

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb, Chính trị quốc gia Sự Thật, Hà Nội, 2021, t.1, tr.25-26.

Các tin liên quan:

Thông báo

Thông báo về việc tổ chức Hội thi học viên học giỏi lý luận chính trị năm 2024

Thông báo danh sách viên chức đề nghị xét nâng bậc lương trước thời hạn năm 2024

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và Thực tiễn năm 2024

Thông báo danh sách viên chức đủ điều kiện nâng bậc lương trước thời hạn tháng 12 năm 2023

Thông báo Tuyển sinh đào tạo, bồi dưỡng năm 2024

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi sau phá dỡ nhà khách, kho

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và thực tiễn số 2 năm 2023

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và thực tiến số 1 năm 2023

Báo cáo công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị quý III; phương hướng nhiệm vụ quý IV năm 2022

Hướng dẫn trình bày bài viết thu hoạch nghiên cứu thực tế các lớp Trung cấp lý luận chính tri

Hướng dẫn khen thưởng học viên các lớp đào tạo, bồi dưỡng tại Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8581435

Đang Online : 981