Nội san >>  Nội san năm 2015  >> So 2_2015

Ngày Đăng:5/1/2016 9:32:00 PM Lượt xem: 1142

MỘT SỐ Ý KIẾN VỀ TRÁCH NHIỆM CỦA NHÀ NƯỚC
 VÀ CÔNG DÂN TRONG THI HÀNH HIẾN PHÁP 2013
 
Vi Thị Thu Hiền
Khoa Nhà nước và pháp luật
 
Thuật ngữ "Hiến pháp" trong ngôn ngữ hiện đại được sử dụng rộng rãi ở tất cả các nước với nghĩa là luật cơ bản của nhà nước. Theo quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin các bản hiến pháp là kết quả của cuộc đấu tranh giai cấp lâu dài và quyết liệt giữa một bên là chế độ phong kiến chuyên chế và một bên là giai cấp tư sản cùng với nông dân, công nhân. Các hiến pháp thành văn và không thành văn ... đều là bản ghi chép thành quả đấu tranh thu được sau hàng loạt thắng lợi giành giật được một cách khó khăn của chế độ mới chống lại chế độ cũ và hàng loạt thất bại mà chế độ cũ chống trả chế độ mới.
Do vị trí đặc biệt của hiến pháp trong hệ thống pháp luật, cũng như trong đời sống chính trị của mỗi quốc gia cho nên việc xây dựng hiến pháp và đưa hiến pháp đi vào thực tiễn cuộc sống là một hoạt động vô cùng quan trọng. Hiến pháp là đạo luật cơ bản của một quốc gia, đặt nền móng cho chế độ pháp lý, chi phối  nền tảng chính trị và phản ánh bản chất của một nhà nước. Chính vì thế Hiến pháp luôn quy định những vấn đề có tầm bao quát chung, quan trọng nhất của nhà nước và xã hội. Nội dung của hiến pháp phản ánh và bao hàm những khía cạnh như: tính chất của nhà nước; chế độ chính trị; chế độ kinh tế; hệ thống các cơ quan nhà nước trong bộ máy nhà nước; chế độ bầu cử; các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, các nguyên tắc trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước; quốc kỳ, quốc ca của quốc gia ... Như vậy hiến pháp là cơ sở cho toàn bộ hệ thống pháp luật của một nhà nước.
Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội khóa 13 thông qua tại kỳ họp thứ 6, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2014. Đây được coi là bản Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện, kế thừa và chọn lọc những giá trị lập hiến của thế giới và trong nước, đảm bảo tính chính trị - pháp lý vững chắc đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Đồng thời Hiến pháp 2013 cũng được coi là bản hiến pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ đất nước và hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới - thời kỳ hội nhập.
Với vai trò và ý nghĩa to lớn của Hiếp pháp năm 2013 thì việc xây dựng và ban hành ra hiến pháp đã khó nhưng khó khăn hơn cả là việc đưa các quy định của Hiến pháp vào thực tiễn cuộc sống, để đảm bảo Hiến pháp nhanh chóng phát huy hiệu lực với tư cách là luật chủ đạo, luật cơ bản nhất trong hệ thống pháp luật nước ta. Đây được coi là nhiệm vụ, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị và của mọi công dân Việt Nam.
Lời nói đầu Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: “…Nhân dân Việt Nam xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp này vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Để thi hành và bảo vệ Hiến pháp năm 2013 có hiệu quả, theo tôi Nhà nước và mọi công dân phải có trách nhiệm sau:
Thứ nhất: Đối với Nhà nước
Để bảo đảm hiệu lực thi hành của Hiến pháp, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 64/2013/QH13 ngày 28/11/2013 quy định một số điểm thi hành Hiến pháp, trong đó đã xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan hữu quan trong việc tổ chức thi hành Hiến pháp; kịp thời triển khai các biện pháp cần thiết nhằm bảo đảm thi hành Hiến pháp; Theo đó Quốc hội sớm ban hành các Luật liên quan đến nội dung của Hiến pháp như: Luật về tổ chức chính quyền địa phương, Luật Trưng cầu ý dân, các văn bản quy định về Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán Nhà nước… Là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, cơ quan chấp hành của Quốc hội, Chính phủ phải xây dựng và thi hành các chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo các văn bản được ban hành kịp thời sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các văn bản không còn phù hợp với Hiến pháp. Các văn bản được ban hành phải đảm bảo phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013, đảm bảo tính thống nhất, hiệu lực, hiệu quả, khả thi. Các cơ quan tư pháp phải tuyệt đối tuân thủ pháp luật trong hoạt động bảo vệ và áp dụng pháp luật. Chính quyền địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và đặc thù của địa phương để xây dựng và ban hành những biện pháp phù hợp để triển khai thi hành Hiến pháp tại địa phương.
Trách nhiệm thi hành và bảo vệ Hiến pháp là trách nhiệm của cả hệ thống Chính trị, do vậy tất cả các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, các tổ chức  chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang  ... cần phải thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Hiến pháp tại cơ quan, tổ chức, đơn vị mình và tại địa phương, nhằm nâng cao nhận thức về Hiến pháp và ý thức chấp hành Hiến pháp của người dân, đảm bảo Hiến pháp được tuân thủ và nghiêm chỉnh chấp hành  trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Để thực hiện được nhiệm vụ đó các cơ quan, tổ chức, đơn vị phải xây dựng kế hoạch tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp với đối tượng để tuyên truyền Hiến pháp, chú trọng đến những quy định mới được chỉnh sửa, bổ sung và vai trò, ý nghĩa cũng như những giá trị to lớn của Hiến pháp đến mọi công dân Việt Nam
Mặt khác phải nâng cao hơn nữa bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, chuyên môn, nghiệp vụ và trách nhiệm đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước. Họ là những người có vai trò đặc biệt quan trọng trong thi hành và bảo vệ Hiến pháp. Bởi lẽ bên cạnh những giá trị vốn có của Hiến pháp, thì Hiến pháp còn là văn kiện chính trị pháp lý có vai trò đặc biệt quan trọng đối với cả hệ thống chính trị. Và đây cũng là nơi các thế lực thù địch luôn lợi dụng để chống phá Đảng và Nhà nước ta, do vậy đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước cần phải có lập trường tư tưởng vững vàng, kiên định với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, tiên phong gương mẫu đi đầu trong việc đấu tranh, phê phán những quan điểm sai trái, lệch lạc, không đúng của các thế lực thù địch về Hiến pháp. Đây còn là lực lượng sẽ tuyên truyền, phổ biến đến mọi công dân những quy định của Hiến pháp trong quá trình họ thực thi nhiệm vụ của mình.
Đồng thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm Hiến pháp và pháp luật. Đây không chỉ là biện pháp để bảo vệ Hiến pháp mà còn là cách thức để bảo vệ và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Thực tế cho thấy hiện nay tình trạng vi phạm pháp luật, coi thường pháp luật, không thực hiện pháp luật ... vẫn còn diễn ra. Vì thế để nâng cao ý thức thực hiện pháp luật nói chung, bảo vệ Hiến pháp và nền pháp chế xã hội chủ nghĩa nói riêng thì mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải phát hiện kịp thời và bị xử lý nghiêm minh.
Thứ hai:  Đối với  công dân
Chủ động tìm hiểu Hiến pháp 2013 là nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi công dân. Qua các phương tiện thông tin đại chúng và các hoạt động ở nơi cư trú như: hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng, thư viện, tủ sách pháp luật  ... công dân sẽ nhận thức đầy đủ hơn về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân như:  quyền tham gia bầu cử, ứng cử theo quy định, quyền được lựa chọn người đại biểu xứng đáng đại diện cho mình tham gia vào bộ máy nhà nước, quyền tham gia góp ý các văn bản pháp luật và các vấn đề khi được Nhà nước tổ chức lấy ý kiến, tham gia khi được tổ chức trưng cầu ý dân ...
Ngoài ra mỗi công dân phải tự giác thực hiện Hiến pháp, tuyệt đối tôn trọng và chấp hành Hiến pháp, pháp luật, cần phải coi đây là nét đẹp, là văn hóa, lối sống trong hành vi xử sự của mỗi công dân. Để thực hiện được điều đó mỗi công dân cần phải chủ động nâng cao khả năng tiếp cận với pháp luật và tự tìm hiểu pháp luật thông qua hoạt động của các cơ quan nhà nước, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước. Đồng thời mỗi cá nhân công dân phải ý thức được rằng những quyền và nghĩa vụ chính đáng, cơ bản của công dân sẽ được pháp luật bảo vệ khi họ nghiêm chỉnh tôn trọng, chấp hành Hiến pháp và pháp luật. Khi nhận thức của công dân về pháp luật được nâng lên một tầm cao mới thì việc đưa nội dung của Hiến pháp vào cuộc sống sẽ trở nên dễ dàng, tạo nên một hoạt động sinh hoạt chính trị đặc biệt.
Bên cạnh đó công dân còn có quyền và trách nhiệm giám sát việc thực hiện Hiến pháp và pháp luật. Pháp luật nước ta ghi nhận nhân dân  không chỉ là chủ thể thực thi Hiến pháp mà còn tham gia quản lý, giám sát hoạt động của các cơ quan Nhà nước, đội ngũ cán bộ, công chức và viên chức thông qua hoạt động của các cơ quan do nhân dân bầu nên đó là Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp. Những cơ quan trên sẽ thay mặt nhân dân thực hiện giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước trong việc tổ chức thực hiện Hiến pháp và pháp luật.
Với nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng, chính quyền, đoàn thể và đảng viên trong tỉnh, đội ngũ cán bộ giảng viên trường Chính trị tỉnh luôn luôn tự nghiên cứu, cập nhật các quy định mới của pháp luật cũng như toàn bộ nội dung của Hiến pháp 2013 vào quá trình thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là hoạt động giảng dạy qua đó tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, trong đó có nội dung Hiến pháp năm 2013 đến toàn thể học viên trong nhà trường. Cùng với các đoàn thể biên soạn tài liệu để tuyên truyền nội dung của Hiến pháp 2013 tới toàn thể cán bộ giảng viên, công nhân viên, người lao động trong toàn trường. Tại địa phương nơi cư trú mỗi giảng viên trường Chính trị cũng luôn tuyên truyền, vận động nhân dân và gương mẫu trong việc chấp hành hiến pháp và pháp luật. Đề cao ý thức thực hiện pháp luật của bản thân trong quá trình thực thi nhiệm vụ và sinh hoạt tại nơi cư trú.
 
 

Các tin liên quan:

Thông báo

Thông báo về việc tổ chức Hội thi học viên học giỏi lý luận chính trị năm 2024

Thông báo danh sách viên chức đề nghị xét nâng bậc lương trước thời hạn năm 2024

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và Thực tiễn năm 2024

Thông báo danh sách viên chức đủ điều kiện nâng bậc lương trước thời hạn tháng 12 năm 2023

Thông báo Tuyển sinh đào tạo, bồi dưỡng năm 2024

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi sau phá dỡ nhà khách, kho

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và thực tiễn số 2 năm 2023

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và thực tiến số 1 năm 2023

Báo cáo công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị quý III; phương hướng nhiệm vụ quý IV năm 2022

Hướng dẫn trình bày bài viết thu hoạch nghiên cứu thực tế các lớp Trung cấp lý luận chính tri

Hướng dẫn khen thưởng học viên các lớp đào tạo, bồi dưỡng tại Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8581078

Đang Online : 623