Nội san >>  Nội san năm 2016  >> nội san số 2

Ngày Đăng:6/9/2016 4:59:00 PM Lượt xem: 1825

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN TRONG XÂY DỰNG
NHÀ NƯỚC QUYỀN LỰC THỰC SỰ  THUỘC VỀ NHÂN DÂN

                                         
Trương Thị Thu Hà
Khoa Lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
 
 
Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, đồng thời cũng đòi hỏi trách nhiệm của mỗi công dân. Cầm trên tay lá phiếu, mọi cử tri sẽ thực hiện quyền làm chủ của mình để bầu chọn ra những đại biểu xứng đáng vào cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước. Vì vậy, hăng hái tham gia bầu cử đúng pháp luật, là quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm mà mỗi người cần thực hiện với niềm tin, niềm vui, sự tự hào là công dân của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Mỗi vị đại biểu khi thay mặt nhân dân tham gia vào công việc quản lý đất nước cần học tập và làm theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh để xây dựng bộ máy nhà nước quyền lực thực sự thuộc về nhân dân.
Khi tham gia xây dựng bộ máy nhà nước dân chủ đầu tiên ở Việt Nam và tham gia vào Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khi được bầu và giữ chức Chủ tịch nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng đầu tiên cho việc xây dựng bộ máy nhà nước của dân, do dân, vì dân. Người đã nói rõ tham gia bầu cử là vì dân, vì nước chứ không phải vì công danh, phú quý, không mảy may ẩn chứa tư lợi. Người xác định đấy là nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân, cùng toàn dân, mỗi người một việc, tùy theo khả năng mà dân giao phó, tất cả đều phải vâng lệnh quốc dân để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, đều phải đáp ứng đòi hỏi của dân: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đông bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui. Tôi chỉ có một sự ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi”1. Đó chính là tấm gương để mỗi đại biểu soi mình, làm theo trong suốt nhiệm kỳ làm đại biểu của dân.
Yêu nước, thương dân, tất cả vì dân, vì nước là suy nghĩ thường trực, nhất quán trong con người Hồ Chí Minh. Ở Hồ Chí Minh, yêu nước phải gắn liền với yêu dân, yêu đồng bào. Không thể nói yêu nước mà lại không thương dân, không lấy nguyện vọng, mong muốn, nhu cầu của dân làm nguyện vọng, ham muốn của mình. Là lãnh tụ dân tộc, là người đứng đầu Đảng và Nhà nước, Hồ Chí Minh nhận thức rất rõ trách nhiệm của cá nhân là lo cho dân, cho nước từ việc lớn đến việc nhỏ: Từ việc tìm đường cứu nước, bảo vệ, đấu tranh thống nhất đất nước, xây dựng, phát triển mọi mặt xã hội, đến việc thỏa mãn các nhu cầu thiết yếu của nhân dân, để mọi người đều có cơm ăn, có áo mặc, có chỗ ở, được học hành, có điều kiện khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe.
Hồ Chí Minh dồn hết tâm lực, trí tuệ để lãnh đạo nhân dân xây dựng, phát triển đất nước, làm cho Việt Nam trở nên giàu mạnh, hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu. Người luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên không bao giờ được quên dân là chủ, mọi quyền hành đều ở nơi dân, nhân dân thật sự là ông chủ tối cao của chế độ mới. Người viết: Chính quyền dân chủ có nghĩa là chính quyền do người dân làm chủ, nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ, nước ta là nước dân chủ, mọi người có quyền làm, có quyền nói hay nhiệm vụ của chính quyền dân chủ là phục vụ nhân dân, chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là nhân dân là người chủ. Trong chế độ mới, giá trị cao nhất của độc lập dân tộc là đem lại quyền làm chủ thực sự cho người dân, phải trao lại cho dân mọi quyền hành. Dân là chủ, nghĩa là trong xã hội Việt Nam, nhân dân là người chủ của nước, nước là nước của dân. Các cơ quan Đảng và Nhà nước là tổ chức được dân ủy thác làm công vụ cho dân.
Hồ Chí Minh quan niệm: Dân là chủ và dân làm chủ thì Đảng, Chính phủ, cán bộ, đảng viên là đầy tớ và làm đầy tớ cho dân. Đầy tớ là công bộc của dân, với nội hàm là vì lợi ích chung mà gánh vác việc dân, trung thành và tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân. Họ phải như những người lính vâng mệnh quốc dân mà thi hành nhiệm vụ, thay mặt dân để ra quyết định, toàn tâm, toàn ý phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân.
Người thấy được một triết lý sâu xa rằng, cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc đều do mồ hôi, nước mắt của dân mà ra, nên chúng ta phải đền bù xứng đáng cho dân. Cán bộ, đảng viên phải xông xáo, nhiệt tình, sâu sát nhân dân, gương mẫu và dám chịu trách nhiệm trước dân cả về lời nói và việc làm; phải luôn quyết tâm, bền bỉ, chịu đựng gian khổ, quan tâm và tìm mọi cách giải quyết kịp thời, hiệu quả những nhu cầu mà dân đặt ra, kể cả chấp nhận sự hy sinh để bảo vệ dân, phấn đấu vì sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân.
Hồ chí Minh luôn trọng dân, gần dân, hết lòng phục vụ nhân dân. Người gần gũi với các cụ già, trẻ thơ, thăm hỏi ân cần những người dân lương thiện, lao động cần cù. Hồ Chí Minh là người có phong cách rất đặc biệt để gần dân. Ðó là phong cách cao thượng đến giản dị. Vì vậy, dân được đến với Người, được đứng bên người, được trò chuyện với Người, như được trò chuyện với người hiền, người cha, người thân yêu nhất của mình.
Hiện nay, nhân dân đòi hỏi đại biểu phải là những người có đức, có tài, có sức khỏe, phát huy được truyền thống hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, hợp thành một hệ thống bộ máy quyền lực của dân từ toàn quốc đến làng, xã, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
Khi đã là đại biểu của dân, thì từ Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước đến công chức, viên chức bình thường đều phải vững vàng thường trực ý thức là “công bộc” của dân, là “đầy tớ trung thành của nhân dân”. Họ phải là những người gương mẫu, trong sáng và dám thẳng thắn nói lên những thắc mắc, bức xúc, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; phải liên hệ mật thiết với quần chúng, tức là gần dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, kịp thời phản ánh với các cấp có thẩm quyền để giải quyết kiến nghị của nhân dân. Họ phải có phẩm chất đạo đức tốt, dám mạnh dạn đấu tranh với tiêu cực, với tham nhũng, mạnh dạn kiến nghị, phản ánh và phải đi đến cùng khi giải quyết công việc để vì dân, vì nước. Có như vậy mới thể hiện đầy đủ bản lĩnh đích thực của người đại biểu nhân dân. Đặc biệt, phải có năng lực và trình độ để thực hiện nhiệm vụ trọng đại của một vị đại biểu nhân dân đó là đóng góp xây dựng, hoàn thiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và tham gia quyết định các vấn đề hệ trọng của đất nước.
Chỉ như vậy mới vượt lên đáp ứng những đòi hỏi cao của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa theo hướng hiện đại; chỉ như vậy mới bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Dân đòi hỏi mỗi đại biểu được dân cử phải duy trì và phát triển niềm tin mà dân gửi gắm để không có tình trạng “cậy thế mình ở trong ban này, ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân. Quên rằng dân bầu mình ra để làm việc cho dân, chứ không phải để cậy thế với dân”(2). Đấy cũng là chuẩn mực hết sức cơ bản để dân theo dõi, kiểm tra, đánh giá cái thực chất của động cơ tham gia bầu cử, khả năng phấn đấu thể hiện động cơ ấy sau bầu cử, để dân đôn đốc, thực hiện quyền điều chỉnh. Nghĩa là từ chuẩn mực này, mọi công dân còn phải xác định rõ ràng quyền và nghĩa vụ chăm lo xây dựng các cơ quan quyền lực do mình lập ra, phải bảo đảm thật sự trong sạch, vững mạnh./.
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.161.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 57.

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8088727

Đang Online : 413