Nội san >>  Nội san năm 2016  >> nội san số 2

Ngày Đăng:6/16/2016 3:38:00 PM Lượt xem: 1594

SỬ DỤNG PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC TÍCH CỰC TRONG CÁC GIỜ THẢO LUẬN TẠI TRƯỜNG CHÍNH TRỊ
                                            Thạc sĩ Nguyễn Thị Tuyết Nhung
                                                    Phó Hiệu trưởng
          Thảo luận là một khâu quan trọng trong quy trình đào tạo học viên các lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính ban hành kèm theo Quyết định số 1479/QĐ-HVCTQG ngày 21/4/2014 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Theo đó, số tiết thảo luận quy định là 144/1056 tổng số tiết trong toàn bộ chương trình. Tuy nhiên, để các tiết thảo luận thực sự hiệu quả đối với học viên là một vấn đề đang được đặt ra trong thực tiễn.
 Hướng dẫn học viên thảo luận nhóm phần học” Đường lối, chính sách của Đảng, nhà nươc Việt Nam về các lĩnh vực của đời sống xã hội” ở lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính K89

          Thông thường, giảng viên được phân công hướng dẫn học viên thảo luận chuẩn bị sẵn một số nội dung hoặc câu hỏi dựa trên kế hoạch học tập mà khoa chuyên môn đã xây dựng để tổ chức cho học viên thảo luận. Phương pháp truyền thống là giảng viên nêu vấn đề thảo luận, học viên chuẩn bị đề cương, sau thời gian chuẩn bị, giảng viên gọi học viên lên trả lời phần chuẩn bị của mình. Giảng viên gọi học viên khác nhận xét hoặc trình bày ý kiến cá nhân. Sau đó giảng viên đưa ra nhận xét về phần chuẩn bị của học viên. Thực tế có những giảng viên chỉ đưa nội dung vấn đề hoặc câu hỏi để học viên tự chuẩn bị, hết giờ thảo luận thì nghỉ. Phương pháp này chưa thực sự hiệu quả bởi vì rất nhiều học viên không sử dụng thời gian để chuẩn bị bài mà làm việc riêng, nói chuyện…chỉ một số ít học viên tự nghiên cứu, chuẩn bị. Không khí lớp học ồn ào, không tập trung, một số học viên chưa nghiêm túc. Như vậy lãng phí thời gian cho cả giảng viên và học viên, giờ học nhàm chán, không mang giá trị thực tiễn.
Để các tiết thảo luận thực sự hiệu quả, giảng viên cần sử dụng các phương pháp dạy học tích cực trong hướng dẫn thảo luận. Đó là cách thức kết hợp giữa giảng viên và học viên một cách tốt nhất, phát huy thế mạnh của người học, tích cực chủ động trong dạy học và tạo bầu không khí thoải mái trong lớp học. Việc sử dụng các phương pháp dạy học tích cực trong các giờ thảo luận là một cách thức làm mới của giảng viên, góp phần nâng cao chất lượng dạy học lý luận chính trị, làm cho việc học lý luận gắn với thực tiễn, trang bị cho học viên khả năng giải quyết các vấn đề trong thực tiễn.
Xin nêu một số phương pháp dạy học tích cực có thể sử dụng trong các buổi thảo luận như sau:
          1. Phương pháp làm việc nhóm:
          Đây là phương pháp thích hợp có thể sử dụng trong các buổi thảo luận. Giảng viên thuyết trình ngắn nêu chủ đề thảo luận. Chủ đề thảo luận phải rõ ràng, nằm trong nội dung phần học. Có thể thảo luận một hoặc nhiều vấn đề trong một buổi. Sau đó chia nhóm, mỗi nhóm từ 8-10 người. Giảng viên nêu rõ nhiệm vụ của nhóm. Mỗi nhóm có 1 vị trí làm việc, phân công nhóm trưởng điều hành, giảng viên hỗ trợ các nhóm làm việc.
Sau một thời gian phù hợp để chuẩn bị nội dung, đại diện các nhóm trình bày kết quả thảo luận, các nhóm khác cùng nghe và trao đổi, phản biện. Phần cuối buổi thảo luận, giảng viên chốt kiến thức cơ bản.
Phương pháp này có thể sử dụng trong thảo luận các phần Đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam về các lĩnh vực của đời sống xã hội; Một số kỹ năng cơ bản trong lãnh đạo, quản lý của cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở…
Để buổi học không nhàm chán, có thể sử dụng phương pháp làm việc nhóm kết hợp với các phương pháp khác trong một buổi thảo luận.
          2. Phương pháp mời chuyên gia:
          Với đối tượng học viên là người lớn tuổi, lại là cán bộ lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân cấp cơ sở tham gia lớp học chính là một thuận lợi cơ bản để giảng viên sử dụng phương pháp mời chuyên gia trong buổi thảo luận. Thực tế, có nhiều vấn đề trong Chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính người giảng viên thiếu kinh nghiệm thực tế, tuổi đời và tuổi nghề còn trẻ nên gặp khó khăn trong các giờ thảo luận. Nếu biết phát huy thế mạnh của người học trong giờ thảo luận (sử dụng phương pháp mời chuyên gia) thì không những đạt hiệu quả trong việc dạy học mà qua đó, giảng viên còn thu nhận được nhiều kinh nghiệm từ thực tiễn cơ sở.
          Giảng viên cần chuẩn bị kỹ trước khi thảo luận các việc sau: Nghiên cứu danh sách học viên, tìm những học viên công tác ở những lĩnh vực phù hợp với phần học mình thảo luận. Khéo léo dẫn dắt và mời học viên đó cùng tham gia.
 VD: Trong phần học về Nghiệp vụ công tác Đảng ở cơ sở, mời các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư, Thường trực Đảng ủy tham gia phần xây dựng Đảng, bí thư chi bộ nói về nội dung, hạn chế của sinh hoạt chi bộ…
Sau khi học viên trình bày ý kiến của mình, giảng viên mời các học viên khác bổ sung, nhận xét hoặc phản biện, giảng viên đưa ra ý kiến sau cùng và neo chốt kiến thức.
          3. Phương pháp tình huống:
          Là phương pháp giảng viên đưa ra một hoặc nhiều vấn đề đặt ra trong thực tiễn cần giải quyết, thuyết trình về vấn đề trong nội dung của phần học. Sau đó để thời gian cho học viên suy nghĩ trong khoảng từ 10 đến 15 phút. Kết thúc thời gian suy nghĩ, giảng viên mời học viên trình bày hướng giải quyết của mình, mời các học viên khác cho nhận xét. Khi hết các ý kiến, giảng viên nhấn mạnh các ý quan trọng, phù hợp nội dung của vấn đề.
          Phương pháp này có ưu điểm là phù hợp với học viên là cán bộ lãnh đạo công tác ở nhiều lĩnh vực, có nhiều kinh nghiệm; phát huy được tính tích cực của học viên vì trong quá trình phát biểu học viên bộc lộ quan điểm và nhận thức của cá nhân. Quá trình đó cũng giúp giảng viên thu nhận được nhiều thông tin từ phía học viên; không khí lớp học vui vẻ, tăng khả năng tập trung của học viên và học viên biết gắn lý luận với thực tiễn phong phú của cuộc sống.
Về phía giảng viên khi chuẩn bị các tình huống cũng thuận lợi vì có nguồn tài liệu phong phú qua báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng. Giảng viên chọn lọc tìm ra những vụ việc phù hợp nhất với phần học để xây dựng tình huống và giải quyết tình huống.
          Sử dụng phương pháp tình huống trong thảo luận cần lưu ý: Tình huống nêu ra phải rõ ràng và cụ thể. Cần tranh thủ thời gian, chuẩn bị kỹ lưỡng và cần lựa chọn tình huống đặc sắc, phù hợp với nội dung vấn đề cần thảo luận. Tình huống xây dựng phải có tính thực tiễn, kích thích tính sáng tạo của học viên.
Phương pháp này dễ sử dụng, có thể thực hiện ở một số phần trong chương trình trung cấp lý luận chính trị -hành chính, đặc biệt phù hợp với phần Những vấn đề cơ bản về quản lý hành chính nhà nước.
Tùy vào khả năng và điều kiện, giảng viên cũng có thể sử dụng các phương pháp khác như: Phương pháp sàng lọc, phương pháp hỏi- đáp; phỏng vấn nhanh…trong các giờ thảo luận
Để có một buổi thảo luận theo phương pháp dạy học tích cực thành công, người giảng viên cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng, xem xét đối tượng, điều kiện thực hiện, chuẩn bị phần thuyết trình thật hấp dẫn, thu hút người học, đồng thời phải khéo léo để lôi cuốn học viên tham gia./.
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8089016

Đang Online : 702