Nội san >>  Nội san năm 2016  >> nội san số 2

Ngày Đăng:6/9/2016 4:55:00 PM Lượt xem: 1903

MỘT VÀI SUY NGHĨ ĐỂ GIẢNG DẠY TỐT PHẦN III.1. NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN
VỀ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ,  NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT XàHỘI CHỦ NGHĨA 
TRONG CHƯƠNG TRÌNH TRUNG CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ - HÀNH CHÍNH

Vi Thị Thu Hiền
Khoa Nhà nước và pháp luật
Những vấn đề cơ bản về Hệ thống chính trị, Nhà nước và Pháp luật Xã hội chủ nghĩa thuộc học phần III.1 của Chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính (ban hành kèm theo Quyết định số 1479/QĐ-HVCTQG ngày 21/4/2014 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về việc ban hành Chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính). Đây là phần học nhằm trang bị cho người học những kiến thức lý luận cơ bản về: Hệ thống chính trị và đổi mới hệ thống chính trị ở Việt Nam hiện nay; Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân; Pháp luật và hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nội dung cơ bản một số ngành luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam (Luật Hiến pháp, Luật Hành chính, Luật Dân sự, pháp luật Kinh tế, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Đất đai) …
Bên cạnh những đặc điểm chung của phần học về lý luận chính trị phần học Những vấn đề cơ bản về Hệ thống chính trị, Nhà nước và pháp luật XHCN có những đặc thù riêng:
Thứ nhất, giáo trình luôn mang tính tĩnh tương đối còn các quan điểm, đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước lại luôn được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới để kịp thời điều chỉnh các quan hệ xã hội sao cho phù hợp, do đó đôi khi một số văn bản đặc biệt là văn bản luật trong giáo trình trở nên không còn phù hợp với thực tiễn. Ví dụ chuyên đề số 3 Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, căn cứ pháp lý nghiên cứu theo giáo trình là Hiến pháp 1992 sửa đổi, bổ sung năm 2001 và Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003, nhưng hiện nay 2 văn bản luật này đã có văn bản mới thay thế bằng Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015. Hoặc trong chuyên đề 5 về ngành luật Hôn nhân và gia đình căn cứ pháp lý để nghiên cứu theo giáo trình là Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000, hiện nay luật này đã được thay thế bằng Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 …
Thứ hai, ngoài nội dung kiến thức lý luận phần học này còn trang bị một số kỹ năng áp dụng pháp luật trong những hoàn cảnh, điều kiện cụ thể đối với người học. Đặc biệt là sự phù hợp với những tình huống thực tế đang diễn ra trong quá trình quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức thông qua một số chuyên đề như: Nội dung một số ngành luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam; Pháp luật thực hiện dân chủ ở cơ sở; thực hiện pháp luật và tăng cường pháp chế XHCN …
Thứ ba, thông qua phần học năng lực nhận thức thực tế về pháp luật của người học sẽ được nâng lên, tạo ra sự nhận thức về pháp luật và áp dụng pháp luật đúng đắn hơn, đầy đủ hơn và kịp thời hơn trong quá trình thực thi chức năng, nhiệm vụ của chính người học.
Vì thế để giảng dạy tốt phần học III.1. Những vấn đề cơ bản về Hệ thống chính trị, Nhà nước và Pháp luật Xã hội chủ nghĩa trong Chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính thiết nghĩ cần phải:
Một là: Mỗi giảng viên cần tích cực và cập nhật thường xuyên những chủ trương, đường lối mới của Đảng, những văn bản pháp luật mới được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông qua, kể cả những văn bản dưới luật phù hợp với nội dung của từng bài học trong chương trình để giới thiệu đến người học. Để làm được điều đó người giảng viên phải liên tục cập nhật, tìm tòi những kiến thức mới đồng thời vận dụng một cách linh hoạt sáng tạo vào bài giảng tránh tình trạng sao chép nguyên si, máy móc, không phù hợp sẽ làm cho bài giảng nhàm chán, khó tạo ra hứng thú đối với người học. Đây là một yêu cầu không thể thiếu nhưng đồng thời cũng là áp lực không nhỏ đối với giảng viên để có những bài giảng mang tính thuyết phục, sinh động và phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội.
Hai là: Tích cực nghiên cứu thực tế để bổ sung kiến thức vào bài giảng. Xuất phát từ tính đặc thù của môn học là gắn liền với những hoạt động thực tiễn trong quá trình quản lý thông qua việc giải quyết các công việc hàng ngày của các cơ quan nhà nước, cán bộ công chức nhà nước, do đó việc đi nghiên cứu thực tế để làm sáng tỏ nội dung lý luận là việc làm cần thiết. Việc nghiên cứu thực tế của giảng viên phải có sự chọn lọc và lựa chọn cho phù hợp với từng nội dung của phần học, nội dung nghiên cứu thực tế phải nhằm minh họa và giải quyết những vấn đề lý luận đang đặt ra. Từ đó góp phần làm phong phú nội dung bài giảng, giúp giảng viên chủ động, tự tin hơn trong quá trình giảng dạy.
Ba là: Khoa Nhà nước và pháp luật với vai trò là khoa giảng dạy chính phần học nên nghiên cứu, biên soạn tập tài liệu về tình huống cho các nội dung trong phần học. Tuy nhiên đối với tập tài liệu các tình huống này khi xây dựng cần chú ý những tình huống tiêu biểu, có tính phổ quát, phù hợp với thực tiễn và nội dung các chuyên đề trong phần học. Thông qua việc vận dụng kiến thức lý luận để giải quyết những tình huống nói trên sẽ giúp người học nắm được lý luận một cách nhanh nhất, chính xác nhất, chất lượng phần học cũng được nâng lên.  
Bốn là: Sử dụng đa dạng, hài hòa các phương pháp giảng dạy như phương pháp làm việc nhóm; Phương pháp thuyết trình, phát vấn … chú trọng các phương pháp đặc thù phù hợp với chuyên đề, người học. Đặc biệt những phương pháp khuyến khích và hướng người học có sự vận dụng những chủ trương, chính sách của Đảng, văn bản pháp luật của Nhà nước… với quá trình thực thi nhiệm vụ ở cơ quan, đơn vị.
Năm là: Cần có sự kết hợp hài hòa giữa việc giảng dạy của giảng viên và sự tích cực, chủ động của học viên trong quá trình nghiên cứu môn học. Sự kết hợp hài hòa giữa giảng viên và học viên trong thời gian trên lớp sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực đối với bài giảng khi giảng viên khuyến khích học viên mạnh dạn đưa ra những ý kiến, quan điểm cá nhân mình về vấn đề  liên quan đến nội dung bài giảng để trao đổi, thảo luận với giảng viên và các thành viên khác trong lớn. Ngoài ra để môn học đạt hiệu quả hơn nữa đối với mỗi học viên còn cần phải tự mình nghiên cứu, cập nhật những thông tin cần thiết phục vụ cho suốt quá trình nghiên cứu và học tập của mình.
Tóm lại, phần học Những vấn đề cơ bản về Hệ thống chính trị, Nhà nước và Pháp luật Xã hội chủ nghĩa sẽ cung cấp những kiến thức lý luận và thực tiễn cơ bản cần thiết cho học viên, để môn học thực sự phát huy hiệu quả đòi hỏi sự chủ động cố gắng, nỗ lực của cả học viên và giảng viên trong suốt quá trình nghiên cứu, học tập. Với sự nỗ lực đó sẽ góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học tại trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang.
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8088823

Đang Online : 509