Nội san >>  Nội san năm 2016  >> nội san số 2

Ngày Đăng:6/16/2016 3:38:00 PM Lượt xem: 2433

MỘT SỐ BIỆN PHÁP  QUẢN LÝ HỌC VIÊN CÁC LỚP ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TUYÊN QUANG HIỆN NAY
     Đỗ Thu Hương
     Phó Hiệu trưởng
Quản lý học viên là một khâu quan trọng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng của Trường Chính trị. Kết quả học tập của học viên có nhiều yếu tố tác động, trong đó có vai trò quan trọng của công tác quản lý học viên. Trong những năm qua, mặc dù với số lượng các lớp đào tạo, bồi dưỡng khá lớn song Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang đã làm tốt công tác quản lý học viên từ đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng. Tuy nhiên cũng còn hạn chế như: Học viên nghỉ học, đi học muộn, bỏ tiết học diễn vẫn xảy ra nhưng chưa có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu. Công tác phối hợp quản lý học viên các lớp mở tại huyện cũng còn có mặt chưa tốt, chưa chặt chẽ...
Năm 2016, thực hiện Chương trình công tác đã được Thường trực Tỉnh ủy phê duyệt tại Thông báo số 52 - TB/TU ngày 18/12/2015, với số lượng các lớp đào tạo, bồi dưỡng là 18 lớp, 1.719 học viên trong đó số lớp do nhà trường giảng dạy và quản lý là 15 lớp với khoảng hơn 1.000 học viên. Với số lượng học viên dự kiến khá đông, mặt khác một số lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính do đề xuất của các huyện ủy mở tại huyện trong điều kiện số lượng cán bộ, giảng viên làm nhiệm vụ giáo viên chủ nhiệm lớp so với thực tế còn thiếu, như vậy công tác quản lý học viên của nhà trường sẽ không thuận lợi. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng mà Thường trực Tỉnh ủy giao cho nhà trường tại Chương trình công tác năm 2016, trong đó có nội dung" Tăng cường công tác quản lý học viên các lớp đào tạo, bồi dưỡng", đối với công tác quản lý học viên, cần chú ý thực hiện tốt một số biện pháp sau :
Thứ nhất, thực hiện nghiêm túc các quy định, quy chế quản lý đào tạo do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành . Trên cơ sở các quy chế do Học viện ban hành, nhà trường có thể nghiên cứu và ban hành các văn bản cụ thể hóa các nội dung quản lý đào tạo cho phù hợp với điều kiện thực tế của trường.
Thứ hai, về công tác chiêu sinh. Đối với các lớp hiện nay mặc dù vẫn thực hiện các quy định, quy chế quản lý đào tạo theo Quyết định 268/QĐ- HVCT- HCQG, ngày 03/02/2010 của Học viện Chính trị - hành chính quốc gia Hồ Chí Minh song  trong chiêu sinh vẫn phải chú ý một số nội dung :
Căn cứ vào kế hoạch đào tạo cán bộ, công chức của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nhà trường xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm, sau khi được Thường trực Tỉnh ủy thông qua Chương trình công tác, nhà trường thông báo về chương trình đào tạo, thời gian chiêu sinh để các huyện, thành phố biết và chủ động chuẩn bị kế hoạch cử cán bộ, công chức đi học theo chương trình và thời gian đã thông báo.
 Trong chiêu sinh, tuyển sinh phải đảm bảo đúng đối tượng, tiêu chuẩn trên cơ sở quy hoạch cán bộ của cơ quan, đơn vị, địa phương. Trên cơ sở danh sách cán bộ, đảng viên đã được Ban Tổ chức Tỉnh ủy thẩm định đủ tiêu chuẩn học trung cấp lý luận chính trị - hành chính; Sở Nội vụ thẩm định đủ tiêu chuẩn học các lớp bồi dưỡng, nhà trường mới thông báo học viên nhập học. Thực hiện tốt quy chế chiêu sinh sẽ tạo tiền đề thuận lợi cho công tác quản lý học viên.
Thứ ba, nêu cao vai trò trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm, thực sự là cầu nối giữa học viên với nhà trường. Chất lượng, kết quả học tập của lớp học tùy thuộc vào nhiều yếu tố như: nội dung giảng dạy, giảng viên, giáo trình, học viên, cơ sở vật chất... nhưng trong đó không thể không nói đến vai trò của người quản lý trực tiếp lớp học – Đó là giáo viên chủ nhiệm lớp. 
Giáo viên chủ nhiệm lớp có vai trò quan trọng trong việc quản lý, điều hành quá trình học tập và rèn luyện của học viên. Với đối tượng học viên hiện nay khác nhau về tuổi tác, trình độ, nghề nghiệp... Vì thế, giáo viên chủ nhiệm lớp cần phải nghiêm túc, thận trọng, tế nhị trong học viên . 
Để quản lý lớp học có chất lượng, đạt hiệu quả cao thì chủ nhiệm lớp cần làm tốt các bước sau: 
+ Lập danh sách chia tổ, lập sơ đồ lớp học và yêu cầu học viên ngồi theo vị trí đã quy định. Trong tham mưu cho Ban Giám hiệu chỉ định Ban cán sự lâm thời phải chú ý tới những học viên có kinh nghiệm công tác, giữ vị trí quản lý tại cơ quan, đơn vị công tác, có khả năng tổ chức các hoạt động của lớp và quy tụ học viên. Khi khai giảng xong, giáo viên chủ nhiệm thông báo tới học viên nội quy, quy chế, phổ biến quán triệt nội dung các văn bản, chủ trương các cấp tới tất cả học viên lớp của mình phụ trách một cách nhanh chóng, kịp thời nhất.
+ Lập danh sách tự khai (trích ngang) để học viên tự ghi tên họ, năm sinh, trình độ, tuổi, nghiệp vụ chuyên môn, đơn vị công tác.... Vì thực tế có một số trường hợp cơ quan, đơn vị cử học viên đi học trích ngang  sai năm sinh, chữ lót, nơi sinh... Nên học viên tự ghi là chính xác nhất.
 + Mặc dù có ban cán sự lớp, nhưng giáo viên chủ nhiệm phải luôn bám sát lớp học, nắm chắc tình hình diễn biến tư tưởng, tâm tư nguyện vọng, kết quả học tập rèn luyện của học viên. Nhắc nhở uốn nắn kịp thời những hành vi vi phạm nội quy, quy chế của học viên lớp mình quản lý.
+ Nắm vững đặc điểm đối tượng học viên trên các phương diện sau :
Động cơ đích thực của người học, những nhu cầu về mặt tri thức, kỹ năng cần thiết trong hoạt động của họ, vốn tri thức, kinh nghiệm thực tiễn đã có của học viên . Sự hiểu biết, vốn tri thức có thể nắm bắt được thông qua: tuổi tác, trình độ học vấn, ngành nghề đào tạo, trình độ nghề nghiệp tại lý lịch học viên và qua tiếp xúc với học viên trên lớp. Việc nắm bắt được các vấn đề trên sẽ giúp giáo viên chủ nhiệm có phương pháp quản lý phù hợp với đối tượng học viên.
Ngoài ra giáo viên  chủ nhiệm nên dành thời gian chú ý đến những điều kiện sống, điều kiện vật chất, tinh thần của học viên và đặc biệt quan tâm đến những hoàn cảnh đặc biệt của học viên để có sự thông cảm, chia sẻ và động viên.
          Thứ tư, phát huy vai trò của giảng viên giảng dạy trong phối hợp quản lý học viên. Mặc dù giáo viên chủ nhiệm có nhiệm vụ quản lý, điều hành lớp học, nắm tình hình học tập và rèn luyện của học viên, song việc quản lý học viên trong giờ học cần phải có sự tham gia của giảng viên giảng dạy vì giảng viên giảng dạy là người nắm rõ nhất ý thức, thái độ học tập của học viên trong giờ học. Việc thống nhất giữa giáo viên chủ nhiệm, giảng viên giảng dạy, ban cán sự lớp về sỹ số học viên từng buổi học, nhận xét, đánh giá ý thức học tập của lớp thực hiện vào cuối buổi học  và cần phải ghi đầy đủ các nội dung vào sổ theo dõi giảng dạy và học tập.
          Thứ năm, thực hiện chế độ giao ban hàng tháng giữa Ban Giám hiệu và Ban cán sự các lớp. Việc tổ chức giao ban hàng tháng không chỉ tạo lập mối liên hệ chặt chẽ hơn giữa nhà trường và học viên mà qua đó sẽ giúp Ban Giám hiệu nắm bắt trực tiếp tình hình học tập, rèn luyện của học viên các lớp, những phản ánh, kiến nghị, đề xuất của học viên liên quan đến công tác giảng dạy, quản lý và phục vụ của nhà trường từ đó có giải đáp và biện pháp giải quyết kịp thời. Tuy nhiên, để cuộc họp giao ban có hiệu quả thì giáo viên chủ nhiệm cần phối hợp tốt với Ban cán sự trong chuẩn bị nội dung báo cáo, cần tổ chức họp lớp để tập hợp các ý kiến học viên của lớp về tình hình học tập, rèn luyện, những phản ánh, kiến nghị, đề xuất với nhà trường. Ban cán sự lớp tổng hợp các nội dung trên để báo cáo tại cuộc họp giao ban.
          Thứ sáu, đối với những học viên nghỉ học quá thời gian quy định, không đủ điều kiện thi hết phần học thì nhà trường kiên quyết thực hiện đúng quy chế. Việc tổ chức học bù cho học viên  phải thực hiện đầy đủ, nghiêm túc và đảm bảo chất lượng, với các lớp tại huyện việc học bù cho học viên  nên tổ chức cho học viên học tại trường,  tránh làm qua loa, chiếu lệ, hình thức để đảm bảo tính công bằng trong học tập và đánh giá kết quả học tập của học viên.
          Thứ bảy, đối với các lớp học tại huyện hiện nay đang thực hiện cơ chế đồng chủ nhiệm để quản lý lớp học, tuy nhiên có khó khăn là 01 giáo viên làm nhiệm vụ chủ nhiệm lớp phải chủ nhiệm cùng lúc không dưới 03 lớp, đồng thời còn phải thực hiện nhiệm vụ giảng dạy. Do đó, đối với các lớp mở tại huyện cần thiết phải đề cao vai trò quản lý của cán bộ địa phương nơi mở lớp làm nhiệm vụ đồng chủ nhiệm và giảng viên trực tiếp giảng dạy. Song giáo viên chủ nhiệm của nhà trường cũng phải thường xuyên nắm bắt thông tin về tình hình học tập, rèn luyện hàng ngày của học viên. Sau khi kết thúc từng phần học, giáo viên chủ nhiệm cần trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với đồng chí đồng chủ nhiệm, ban cán sự lớp, khoa chuyên môn để có những thông tin chính xác về tình hình giảng dạy và học tập.
           Thứ tám, kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường với cấp ủy địa phương, cơ quan, đơn vị cử cán bộ đi học và Ban Chỉ đạo lớp học đối với các lớp tại huyện trong quản lý học viên. Định kỳ sau 2 -3 phần học, nhà trường thông báo kết quả học tập và rèn luyện của học viên về cơ quan, đơn vị cử học viên đi học các nội dung : kết quả thi, số ngày đi học; ý thức học tập, rèn luyện. Kết thúc khóa học, nhà trường thông báo kết quả học tập, rèn luyện của học viên về cơ quan, đơn vị, địa phương cử học viên đi học
Quản lý học viên được xem là vừa mang tính khoa học, lại vừa mang tính nghệ thuật. Nếu quản lý tốt sẽ mang lại hiệu quả cao, đánh giá đúng thực chất kết quả học tập. Ngược lại quản lý không tốt thì kết quả học tập, chất lượng học tập sẽ được đánh giá không chính xác. Bởi chỉ có quản lý chặt chẽ học viên mới giúp học viên tự giác chấp hành nghiêm túc nội quy, quy chế học tập, tự giác học tập, có như vậy thì hoạt động dạy học mới có hiệu quả và chỉ khi công tác quản lý học viên được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định thì hoạt động đào tạo, bồi dưỡng  của nhà trường mới đảm bảo được chất lượng.        
         
                                                                                      

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8089191

Đang Online : 877