Thông tin lý luận và thực tiễn

Giới thiệu sách

Ngày Đăng: 6/8/2020 10:2 Lượt xem: 389

 HỒ CHÍ MINH VỚI ẤN ĐỘ
Tác giả: PGS, TS Lê Văn Toan;  GS G jayachandra Reddy; TS Nguyễn Thị Phương Thảo (đồng chủ biên)
NXB: Chính trị quốc gia, sự thật, 2020
Mã tra cứu: 5.901
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam một di sản vô giá trên nhiều bình diện: lý luận chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục… tính riêng trên lĩnh vực đối ngoại, Người đã để lại cho chúng ta kho tàng quý giá về tư tưởng và phong cách ngoại giao đặc sắc. Tư tưởng đối ngoại và phong cách ngoại giao của Người là sự kết tinh truyền thống của dân tộc và tinh hoa của nhân loại, trong đó ngoại giao nhân dân là một “binh chủng” đa kênh và đa năng quan trọng, hợp thành nền ngoại giao tổng hợp của quốc gia.
Nội dung sách được xuất bản bằng hai ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh gồm 4 phần:
Phần 1: Những bài viết, thư, điện, thơ của Hồ Chí Minh về Ấn Độ và với Ấn Độ.
Phần 2: Những bài viết của các học giả Việt Nam về Hồ Chí Minh với Ấn Độ, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ dưới lăng kính tư tưởng Hồ Chí Minh.
Phần 3: Những bài viết của các học giả của Ấn Độ về Hồ Chí Minh, quan hệ Ấn Độ - Việt Nam dưới lăng kinh tư tưởng Hồ Chí Minh.
Phần 4: Những hình ảnh của Hồ Chí Minh với Ấn Độ.
Cuốn sách mang đến cho người đọc rất nhiều suy nghĩ, hồi tưởng, giúp người đọc tự trả lời được nhiều câu hỏi. Phải chăng do giao lưu, tiếp biến văn hóa giữa hai dân tộc khi Đạo Phật và Đạo Hindu của Ấn Độ vào Việt Nam mà mối quan hệ giữa hai dân tộc luôn gắn bó keo sơn? Hay từ tình cảm, tư tưởng của Bác Hồ về Ấn Độ được Bác thể hiện trong những bài báo, bài thơ được đăng tải từ những năm 20 của thế kỷ XX, cụ thể là  bài Gửi Nehru thể hiện tình cảm cảnh ngộ của Bác với Nehru khi đó J.Nehru đang bị giam trong nhà tù của thực dân Anh còn Người bị bắt giam trong nhà tù của Tưởng Giới Thạch vào năm 1943.
                          “Khi tôi phấn đấu anh hoạt động
                           Anh phải vào lao tôi ở tù
                           Muôn dặm xa vời chưa gặp mặt
                           Không lời mà vẫn cảm thông nhau”…
          Những di sản tinh thần Hồ Chí Minh với Ấn Độ và tình cảm của nhân dân Ấn Độ với Người là kho tàng di sản vô giá. Nền tảng đó ngày nay được kế thừa và phát triển lên tầm cao mới, đáp ứng nguyện vọng của lãnh đạo và nhân hai nước xây dựng đất nước hòa bình, thịnh vượng và phát triển.
 
THỰC HIỆN CHỦ TRƯƠNG BỐ TRÍ CÁN BỘ CHỦ CHỐT CẤP HUYỆN KHÔNG PHẢI LÀ NGƯỜI ĐỊA PHƯƠNG HIỆN NAY
Tác giả: PGS, TS Nguyễn Văn Giang; TS Nguyễn Ngọc Ánh (Đồng chủ biên)
NXB: Chính trị quốc gia, sự thật, 2020
Mã tra cứu: 5.895
Bố trí cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương trong hệ thống chính trị nước ta hiện nay là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy lãnh đạo quản lý, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi những vấn nạn tiêu cực, trong công tác cán bộ của Đảng ta những năm gần đây. Cụ thể Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đã chỉ ra ba vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng và bốn nhóm giải pháp đồng bộ nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác xây dựng Đảng trong thời gian tới. Trong đó, tiếp tục thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh cán bộ chủ chốt ở cấp tỉnh, huyện không phải là người địa phương là một giải pháp quan trọng.
Nội dung sách gồm 3 chương:
Chương 1: Thực hiện chủ trương bố trí cán bộ chủ chốt cấp huyện không phải là người địa phương những vấn đề lý luận và thực tiễn
Chương 2: Thực hiện chủ trương bố trí cán bộ chủ chốt cấp huyện không phải là người địa phương - thực trạng, nguyên nhân, kinh nghiệm và những vấn đề đặt ra.
Chương 3: Phương hướng và giải pháp để thực hiện tốt chủ trương bố trí cán bộ chủ chốt cấp huyện không phải là người địa phương trong thời gian tới.
Nội dung cuốn sách tập trung nghiên cứu, tổng kết thực tiễn về công tác bố trí cán bộ chủ chốt cấp huyện không phải là người địa phương. Tuy nhiên việc thực hiện chủ trương chưa đồng bộ đối với các bộ, ban, nghành và các địa phương trong triển khai thực hiện chưa thống nhất, còn có nhiều ý kiến khác nhau như: trong công tác cán bộ thực chất đây là khâu nào? Nếu chỉ bố trí một số chức danh cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương thì liệu có khắc phục được tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ ở các địa phương như mục tiêu ban đầu của chủ trương hay không? Những điều kiện nào đảm bảo chủ trương thực hiện thành công và tránh những hệ quả phát sinh không mong muốn? …
Qua đó rút ra những kinh nghiệm, đề xuất những giải pháp khả thi đặc biệt chỉ ra các đặc thù, các điều kiện đảm bảo cho việc thực hiện tốt chủ trương bố trí cán bộ chủ chốt cấp huyện không phải là người địa phương và coi là một trong “5 đột phá” trong thời gian tới.
 
THỰC TRẠNG THÍ ĐIỂM HỢP NHẤT MỘT SỐ CƠ QUAN ĐẢNG, NHÀ NƯỚC VÀ MỘT SỐ CHỨC DANH ĐẢNG, CHÍNH QUYỀN CẤP TỈNH, HUYỆN Ở NƯỚC TA HIỆN NAY
Tác giả: PGS, TS Vũ Hoàng Công ( Chủ biên)
NXB: Chính trị quốc gia, sự thật, 2020
Mã tra cứu: 5.885
Đổi mới hệ thống chính trị và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng nhằm nâng cao hơn nữa vai trò, hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước pháp quyền xã hộ chủ nghĩa là mục tiêu nhất quán từ Đại hội VI đến nay. Đi cùng với mục tiêu đó, Đảng ta đã nhiều lần đề cập tới chủ trương tinh gọn bộ máy, biên chế của hệ thống chính trị.
Nội dung sách gồm 3 chương:
Chương 1: Cơ sở lý luận và thực tiễn của chủ trương thí điểm hợp nhất một số cơ quan và chức danh của Đảng, chính quyền
Chương 2: Thực trạng thí điểm hợp nhất một số chức danh và cơ quan Đảng, chính quyền ở cấp tỉnh, huyện - những vướng mắc và nguyên nhân
Chương 3: Quan điểm giải pháp,và các phương án hợp nhất khả thi
Nội dung cuốn sách nêu cơ sở lý luận và thực tiễn, phân tích thực trạng, đánh giá những kết quả đạt được, nguyên nhân, hạn chế, những vấn đề còn vướng mắc của chủ trương thí điểm hợp nhất một số cơ quan và vận hành của các bộ máy; kết quả thực tiễn sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ quan Đảng và chính quyền từ khi đổi mới tới trước Đại hội XII của Đảng; tiêu chí đánh giá sự đúng đắn và hiệu quả của việc hợp nhất; kinh nghiệm hợp nhất của các nước một đảng cộng sản cầm quyền như: Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa…
Có thể nói đây là một chủ trương mạnh dạn, nhưng thể hiện tinh thần trách nhiệm, thận trọng của Đảng, đồng thời hứa hẹn mở ra một phương hướng khả quan trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
 
VIỆT NAM TRƯỚC TÁC ĐỘNG CỦA CẤU TRÚC AN NINH TẠI KHU VỰC CHÂU Á - THÁI BÌNH DƯƠNG
Tác giả: Thiếu tướng, TS Đỗ Lê Chi
NXB: Chính trị quốc gia, sự thật, 2020
Mã tra cứu: 5.875
Việt Nam là quốc gia có giá trị địa - chiến lược quan trọng và giàu tiểm năng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, là tâm điểm chú ý của các nước lớn về nhiều phương diện, trong đó có quốc phòng, an ninh. Những biến động về trật tự quyền lực giữa các nước lớn, với sự suy giảm tương đối của Mỹ và Nhật Bản, sự nổi lên của Ấn Độ, Nga và đặc biệt là Trung Quốc đã tạo điều kiện cho Việt Nam tiếp tực theo đuổi chiến lược đa phương hóa, đa diện hóa trong quan hệ quốc tế, trên cơ sở đó củng cố nền độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế. Mặt khác, xu hướng đa cực hóa và gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc cũng tạo ra nhiều thách thức đối với an ninh và phát triển của Việt Nam
Nội dung sách gồm 3 chương:
Chương I: Cấu trúc an ninh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trước năm 2010 và vị thế của Việt Nam.
Chương II: Cấu trúc an ninh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trước năm 2010 đến năm 2020 và tác động tới Việt Nam.
Chương III: Dự báo về cấu trúc an ninh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đến năm 2030 và hàm ý chính sách đối với Việt Nam.
Cuốn sách được viết với suy nghĩ rằng trong một thế giới đầy cạnh tranh, số phận của một nước nhỏ tùy thuộc ngày càng nhiều vào trật tự quan hệ quốc tế được quyết định chủ yếu bởi nước lớn. Nước nhỏ muốn bảo vệ được lợi ích quốc gia cần hiểu rõ và lựa chiều theo chính sách của nước lớn để sao cho lợi ích của mình không đối đầu với nước lớn. Phân tích làm rõ sự vận động của an ninh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương giai đoạn 2010 -2020; Từ đó đánh giá tác động của cấu trúc an ninh khu vực đối với Việt Nam trên 3 phương diện: môi trường an ninh, không gian phát triển và vị thế quốc gia trong hệ thống quan hệ quốc tế. Đưa ra những dự báo về cấu trúc an ninh đến 2030 và hàm ý chính sách đối với Việt Nam, qua đó làm cơ sở đưa ra một số khuyến nghị chính sách tương ứng…
Cục diện thế giới mới tạo cho Việt Nam những thời cơ để nâng cao vị thế trên trường quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao tiềm lực bảo vệ an ninh quốc gia ngày càng vững chắc.
 
Cử nhân Hoàng Thị Dậu
Phòng Tổ chức, hành chính, thông tin, tư liệu
 
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 7995194

Đang Online : 138