Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Nhìn lại cuộc đấu tranh của V.I.Lênin chống chủ nghĩa cơ hội phái Mensêvich về đảng viên và ý nghĩa hiện nay

Ngày Đăng: 22/4/2022 14:52 Lượt xem: 738

          V.I.Lênin (1870-1924) là nhà tư tưởng vĩ đại, lãnh đạo lỗi lạc của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới. Cùng với việc xây dựng hệ tư tưởng, học thuyết của giai cấp công nhân; lãnh đạo phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, V.I.Lênin còn trực tiếp đấu tranh với những quan điểm, tư tưởng, trường phái phi mácxít, cơ hội chủ nghĩa, bằng những luận cứ khoa học sắc bén, tư tưởng chính trị vững vàng và tinh thần không khoan nhượng, cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng bằng vũ khí lý luận ấy cũng chính là quá trình tự hoàn thiện của chủ nghĩa nghĩa Mác - Lênin nhằm phản bác lại những luận điệu chống phá của các thế lực thù địch, đưa phong trào cộng sản và công nhân quốc tế phát triển trong thực tiễn. Trong đó phải nói tới cuộc đấu trang chống chủ nghĩa cơ hội phái Mensevich về khái niệm Đảng viên của Đảng - đây là tiêu điểm trong cuộc đấu tranh tại Đại hội II của Đảng Dân chủ xã hội Nga.
          V.I.Lênin và cuộc đấu tranh của chính nghĩa
          Tại Nga, năm 1903, Đại hội II của Đảng Công nhân dân chủ xã hội Nga được tiến hành tại Brúcxen (Bỉ) nhóm Tia lửa đã phân chia thành hai phái: phái đa số (Bônsêvích) do Lênin đứng đầu và phái thiểu số (Mensêvích) do Máctốp đứng đầu. Phái đa số Bônsêvích là phái kiên định với chủ nghĩa Mác, chủ trương xây dựng một đảng tập trung thống nhất, nhưng phái Mesêvích thì phủ nhận và không kiên định với chủ nghĩa Mác. Cuộc đấu tranh giữa hai phái diễn ra gay gắt khi các phần tử Mensêvích đứng đầu là Máctốp đã thể hiện những quan điểm cơ hội chủ nghĩa của mình, nhất là về tiêu chuẩn đảng viên.
          Thứ nhất, Mác tốp đã đưa ra công thức: “Tất cả những người nào thừa nhận cương lĩnh của đảng, ủng hộ đảng bằng những phương tiện vật chất và tự mình giúp đỡ đảng một cách đều đặn, dưới sự chỉ đạo của một trong những tổ chức của đảng đều được coi là đảng viên của Đảng công nhân dân chủ - xã hội Nga”[1], như vậy họ phủ nhận sự cần thiết phải có sự tiên phong gương mẫu của các đảng viên như C.Mác và Ph.Ăngghen yêu cầu.
          Thứ hai, theo quan điểm của Máctốp và phái Mensêvích, cần coi những giáo sư, các học sinh trung học, những người tham gia bãi công, biểu tình, những người giúp đỡ Đảng, ủng hộ Đảng và đều có quyền tự tuyên bố mình là đảng viên Đảng Công nhân dân chủ xã hội Nga và yêu cầu Đảng phải coi những người đó là đảng viên của Đảng mặc dù họ “không tỏ ra tích cực cho lắm”, không cần phải tiên phong cả về lý luận và thực tiễn.
          Như vậy, theo phái Mensêvích thì người vào Đảng không cần phải được giáo dục, giác ngộ, không cần có người giới thiệu vào Đảng, không cần tổ chức kết nạp. Đồng thời, công thức của Máctốp không bắt buộc mỗi đảng viên phải tham gia vào một tổ chức nào của Đảng, không chịu sự phân công nhiệm vụ, không chịu sự quản lý, kiểm tra giám sát của tổ chức đảng. Có thể nói, các phần tử phái Mensêvích đã tuyên truyền các quan điểm cơ hội chủ nghĩa đồng thời có những hành động phá hoại sự đoàn kết, tập trung thống nhất, gây ra một cuộc khủng hoảng và phân liệt mới trong Đảng, làm Đảng Công nhân dân chủ xã hội Nga lâm vào khủng hoảng, chia rẽ về mặt tổ chức. V.I.Lênin gọi đây là sự kéo lùi Đảng lại hai bước.
          Trước tình hình đó, nhiệm vụ cấp bách đặt ra cho Lênin cũng như những người cách mạng là phải kiên quyết đấu tranh chống lại bọn cơ hội chủ nghĩa để bảo vệ Đảng, đặc biệt là về mặt tổ chức. Đáp ứng tình hình đó, V.I.Lênin đã viết tác phẩm Một bước tiến, hai bước lùi, xuất bản vào tháng 5/1904 ở Giơnevơ, Thụy Sĩ.
          Tác phẩm của V.I.Lênin đã chỉ rõ nguồn gốc, diễn biến, ý nghĩa của cuộc đấu tranh trong và sau Đại hội II của Đảng Công nhân dân chủ xã hội Nga; vạch trần bản chất cơ hội chủ nghĩa về mặt tổ chức của phái Mensêvích, đồng thời khẳng định những nguyên lý xây dựng Đảng về mặt tổ chức. Với tác phẩm này V.I.Lênin đã đấu tranh kiên quyết chống lại những quan điểm cơ hội chủ nghĩa và hành động chống phá Đảng của bọn cơ hội chủ nghĩa Mensêvích trong đó có vấn đề đảng viên:
          Thứ nhất, về tiêu chuẩn trở thành đảng viên trong Điều lệ Đảng
          V.I.Lênin cho rằng, công thức của Máctốp về tiêu chuẩn người đảng viên đã làm lẫn lộn tổ chức đảng với tổ chức đoàn thể quần chúng, hay nói cách khác là xóa nhòa ranh giới giữa Đảng với giai cấp. Đây là một quan điểm sai lầm về tổ chức. Họ không muốn có một tổ chức đảng tập trung thống nhất. Thực chất của công thức này làm giảm trách nhiệm, địa vị, vai trò và danh hiệu người đảng viên, xóa nhòa ranh giới giữa đảng viên và quần chúng, Đảng với giai cấp. Đó là công thức vô dụng, chứa đựng tư tưởng cơ hội chủ nghĩa về mặt tổ chức vì nó dẫn Đảng tới chỗ không có tổ chức rõ ràng, chặt chẽ, không có kỷ cương, kỷ luật, đảng viên chỉ có danh nghĩa mà không có tổ chức, không có sức mạnh. Một đảng với những đảng viên như vậy thì kết cấu tổ chức hết sức lỏng lẻo, sẽ không phát huy được trí tuệ và sức mạnh tập thể, không thể có sự thống nhất về chính trị, tư tưởng và tổ chức.
          V.I.Lênin đã đưa công thức: “Tất cả những người nào thừa nhận cương lĩnh của đảng và ủng hộ đảng bằng những phương tiện vật chất cũng như bằng cách tự mình tham gia một trong những tổ chức của đảng, thì được coi là đảng viên của Đảng”[2]. Công thức này của V.I.Lênin đã đòi hỏi và yêu cầu bắt buộc mỗi đảng viên phải “tự mình tham gia” vào một trong những tổ chức của Đảng, đề cao danh hiệu người đảng viên, đòi hỏi tính tiền phong, tinh thần trách nhiệm và ý thức tổ chức và kỷ luật cao của người đảng viên. Đó là tiêu chí để phân biệt người có tổ chức với người không có tổ chức, đảng viên với quần chúng ngoài Đảng. V.I.Lênin đã coi quan điểm đó của Máctốp là hạ thấp tư cách người đảng viên: “Mỗi người tham gia bãi công đều phải được quyền tự xưng là đảng viên ư? Do luận điểm đó, đồng chí Mác-tốp đã đẩy sai lầm của mình đến chỗ phi lý, vì đã hạ thấp chủ nghĩa dân chủ- xã hội  xuống ngang với chủ nghĩa bãi công[3].
           V.I.Lênin nhấn mạnh: “Tôi muốn và tôi đòi hỏi Đảng, đội tiên phong của giai cấp, phải hết sức có tổ chức, rằng Đảng chỉ nên thu nhận những phần tử ít nhất cũng phải chấp nhận một tính tổ chức tối thiểu”[4]. Ở đây không chỉ là sự khác nhau về một điều khoản riêng biệt trong Điều lệ Đảng mà còn là phản ánh hai quan niệm khác nhau về vai trò, tính chất và nguyên tắc tổ chức của Đảng; phản ánh hai quan điểm: quan điểm cách mạng và quan điểm cơ hội chủ nghĩa về mặt tổ chức.
           Thứ hai, về chế độ tập trung và chấp hành nghị quyết trong Đảng
          V.I.Lênin phê phán quan điểm của chủ nghĩa cơ hội khi họ cho rằng: Đảng không nên là một khối tổ chức chặt chẽ, trong Đảng có thể tồn tại những cá nhân, những tổ chức không thuộc tổ chức nào của Đảng. Theo V.I.Lênin thì đó là thứ tổ chức hoàn toàn xa lạ đối với Đảng, thứ tổ chức lỏng lẻo, rời rạc, tiểu tổ, bè phái. V.I.Lênin cũng phê phán Máctốp phủ nhận chế độ tập trung trong Đảng khi cho rằng đó là thiết lập nông nô trong Đảng, là chủ nghĩa quan liêu. Theo người, đó là tư tưởng kéo lùi Đảng trở lại tình trạng tiểu tổ, phân tán, tạo điều kiện cho những phần tử cơ hội tham gia vào Đảng.
           Thứ ba, V.I.Lênin đã chỉ ra để xứng đáng với vị trí, vai trò của đội tiền phong có tổ chức và là tổ chức cao nhất của giai cấp công nhân, V.I.Lênin chỉ rõ Đảng phải được xây dựng, tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, theo Lênin: “Chỉ có sự chấp hành nghiêm chỉnh điều lệ đó mới giúp chúng ta tránh được sự độc đoán và tùy hứng biểu hiện trong các tiểu tổ”[5]. Toàn Đảng phải có kỷ luật nghiêm minh, từ đảng viên thường tới đảng viên giữ cương vị cao nhất phải nghiêm chỉnh chấp hành. Đồng thời, Đảng phải có cơ quan lãnh đạo thống nhất do đại hội dân chủ bầu ra, số ít phục tùng số nhiều, địa phương phục tùng Trung ương, toàn Đảng phục tùng Ban Chấp hành Trung ương.
          Thông qua tác phẩm lý luận với những lập luận chặt chẽ cùng các hoạt động thực tiễn V.I.Lênin đã bảo vệ được tính đảng, đập tan hoàn toàn quan điểm sai trái của phái Mensêvích. Sau một thời gian kiên trì đấu tranh, những quan điểm của V.I.Lênin về nguyên tắc tập trung dân chủ, tiêu chuẩn người đảng viên đã được thông qua tại Đại hội III của Đảng Công nhân dân chủ xã hội Nga năm 1905 và làm cơ sở để xây dựng một đảng vô sản kiểu mới ở Nga.
          Ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay
          Thấm nhuần lời dạy của V.I.Lênin, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng và làm tốt công tác đảng viên, tại Chương 1, Điều 1, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam hiện hành quy định rất rõ tiêu chuẩn đảng viên, nhất là việc đảng viên phải “thừa nhận và tự nguyện” và phải “hoạt động trong một tổ chức cơ sở đảng”. Vì vậy Đảng ta đã thu hút được những người ưu tú, tiêu biểu nhất về phẩm chất, năng lực, trí tuệ trong giai cấp công nhân, nông dân, trí thức và các thành phần xã hội khác. Nhờ đó, Đảng ta đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành, đủ sức lãnh đạo nhân dân ta hoàn thành thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
           Ngày nay, đất nước ta bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Việc phát triển Đảng đi đôi với củng cố tổ chức đã và đang được Đảng ta đặc biệt quan tâm trong công tác xây dựng Đảng. Nhìn lại cuộc đấu tranh của V.I.Lênin chống chủ nghĩa cơ hội, nhất là bảo vệ tư cách của đảng viên; nghiên cứu, học tập kinh nghiệm và phương pháp đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, đặc biệt là phương pháp luận chiến để đấu tranh có hiệu quả chống lại những tư tưởng cơ hội chủ nghĩa trong đảng viên, cũng như những chỉ dẫn của Người là kim chỉ nam định hướng đúng đắn cho công tác đảng viên của Đảng hiện nay.
          Trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng, một bộ phận đảng viên của Đảng có sự nhen nhóm trong mình chủ nghĩa cơ hội dưới mức độ, tính chất khác nhau. Nghị quyết số 04-NQ/TW khóa XII của Đảng về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đã chỉ ra 27 biểu hiện suy thoái thuộc 3 nhóm tư tưởng - chính trị, đạo đức - lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ đối với mỗi đảng viên. Những tư tưởng, biểu hiện cơ hội chủ nghĩa đã và đang gây ra những tổn hại tới sự vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức của Đảng, làm giảm sút năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, làm suy giảm uy tín của Đảng trong quần chúng nhân dân. Đồng thời, những quan điểm, tư tưởng, biểu hiện cơ hội trong Đảng, trong đội ngũ đảng viên sẽ làm cho các thế lực thù địch lợi dụng, móc ngoặc chống phá Đảng và khi những tư tưởng, biểu hiện này phát triển thành một chủ nghĩa, một học thuyết chính trị, một trào lưu thì nó sẽ đe dọa trực tiếp đến bản chất, tới sự sống còn của Đảng và chế độ.
          Vận dụng những chỉ dẫn của V.I.Lênin, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng cần thực hiện tốt các khâu, các bước theo một quy trình chặt chẽ, nghiêm túc: Từ tuyên truyền, giáo dục, tạo nguồn, bồi dưỡng, kết nạp đến giúp đỡ đảng viên dự bị trở thành đảng viên chính thức, trong đó khâu tạo nguồn, bồi dưỡng đối tượng kết nạp Đảng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng; phải xác định và vận dụng đúng đắn tiêu chuẩn đảng viên, đồng thời thực hiện tốt phương châm coi trọng chất lượng không chạy theo số lượng đơn thuần; đi đôi với củng cố Đảng, làm tốt công tác quản lý đảng viên.
          Mỗi đảng viên cần thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”; Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 về những điều đảng viên không được làm gắn với Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” một cách tự giác, thiết thực, hiệu quả. Phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên luôn nêu cao ý thức tự rèn luyện, tự bảo vệ mình trong sạch về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống; chủ động và tích cực đấu tranh phê phán những quan điểm, tư tưởng sai trái, phản động, âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch./.
 
Thạc sĩ Bùi Trung Dũng
Giảng viên khoa Xây dựng Đảng
 

[1] V.I.Lênin: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.268
[2] V.I.Lênin: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.268
[3] V.I.Lê-nin, Toàn tập, t. 8, Nxb Tiến bộ, M, 1979, tr. 290 – 291)
[4] V.I.Lênin: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.268
[5] V.I.Lênin: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.462

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 7986940

Đang Online : 2370