Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Đấu tranh bảo vệ lý luận địa tô của C.Mác với phương pháp định giá đất của Việt Nam hiện nay

Ngày Đăng: 4/5/2022 17:3 Lượt xem: 1195

          Ngày nay, các thế lực thù địch đang rêu rao rằng quan điểm nền tảng, cốt lõi của chủ nghĩa Mác-Lênin “đã lỗi thời” và chúng cho rằng “cứ lý thuyết nào đúng thì theo” điều này nghe qua có vẻ hợp lý, có tính xây dựng, nhưng thực chất là sự mâu thuẫn, đánh tráo khái niệm. Đây là  âm mưu, thủ đoạn và cũng là mục đích cuối cùng của các thế lực cơ hội, thù địch là mong muốn Việt Nam từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
          Để đấu tranh phê phán, bác bỏ các luận điểm phản động sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, hơn lúc nào hết mọi cán bộ, đảng viên cần kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; vận dụng và phát triển sáng tạo nền tảng tư tưởng của Đảng để hình thành và hoàn thiện cương lĩnh, đường lối đúng đắn trong thời kỳ phát triển mới của cách mạng Việt Nam. Để thực hiện được điều này, mỗi cán bộ, đảng viên phải nắm vững bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, mới giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa kiên định và sáng tạo, giữa bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin.
          Trong phạm vi bài viết này, xin đề cập một phần nhỏ trong lý luận địa tô của C.Mác ở tác phẩm Bộ tư bản với việc nhận thức và vận dụng để xây dựng phương pháp định giá đất của Việt Nam hiện nay với mong muốn chỉ ra những giá trị cốt lõi của lý luận Mác-Lênin vẫn còn nguyên giá trị bền vững và thời đại đối với cách mạng Việt Nam.
          Căn cứ Mục 2 Chương 8 Luật đất đai được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2013. Ngày 15/5/2014 Chính phủ ban hành Nghị định số 44/2014/NĐ-CP quy định về giá đất. Các quy định trong Nghị định này về cơ bản là sự nhận thức đúng đắn và vận dụng sáng tạo, phát triển lý luận địa tô của C.Mác trong hoạch định chính sách, pháp luật của nhà nước ta về quản lý đất đai, cụ thể:
          Điều 4 Nghị định 44/2014/NĐ-CP quy định về phương pháp định giá đất, tại Khoản 1 có nêu: “Phương pháp so sánh trực tiếp là phương pháp định giá đất thông qua việc phân tích mức giá của các thửa đất trống tương tự về mục đích sử dụng đất, vị trí, khả năng sinh lợi, điều kiện kết cấu hạ tầng, diện tích, hình thể, tính pháp lý về quyền sử dụng đất (sau đây gọi là thửa đất so sánh) đã chuyển nhượng trên thị trường, trúng đấu giá quyền sử dụng đất để so sánh, xác định giá của thửa đất cần định giá”.
          Quy định trên đã căn cứ vào lý luận Địa tô chênh lệch I của C.Mác, cụ thể: “địa tô chênh lệch I là địa tô thu được trên những ruộng đất có điều kiện tự nhiên thuận lợi nhờ đó tư bản kinh doanh nông nghiệp có năng suất cao hơn”. Điều kiện tự nhiên thuận lợi là vị trí và độ phì nhiêu của thửa đất. Như vậy, phương pháp định giá đất này không chỉ kiên định lý luận của C.Mác về định giá đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp mà có sự phát triển, sáng tạo về điều kiện thuận lợi của thửa đất về khả năng sinh lợi, kết cấu hạ tầng… Từ cơ sở lý luận trên, tại Điều 7 Nghị định số 44/2014/NĐ-CP quy định mức giá tối thiểu, tối đa cho từng loại đất, khung giá đất được quy định theo các vùng kinh tế, loại đô thị khác nhau.
          Cũng tại khoản 3 Điều 4 Nghị định này quy định phương pháp định giá đất theo thu nhập là “Phương pháp định giá đất tính bằng thương số giữa mức thu nhập ròng thu được bình quân một năm trên một đơn vị diện tích đất so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm bình quân một năm tính đến thời điểm định giá đất của loại tiền gửi VNĐ kỳ hạn 12 tháng tại ngân hàng thương mại nhà nước có mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm cao nhất trên địa bàn cấp tỉnh”.
          Cơ sở lý luận của phương pháp định giá đất theo thu nhập đã căn cứ vào cơ sở lý luận về giá cả đất đai trong lý luận địa tô của C.Mác. Theo C.Mác bản thân đất đai trong nền kinh tế TBCN không chỉ là đối tượng sử dụng, cho thuê mà còn được bán. Giá cả của đất đai không phải là biểu hiện bằng tiền của giá trị đất đai. Vì đất đai xét một cách thuần túy tự nhiên thì không phải là sản phẩm của lao động, không có lao động kết tinh nên không có giá trị. Nhưng thực tế đất đai vẫn có thể mua - bán được như bất kỳ hàng hóa khác, nó có giá. Vì, giá cả của đất đai phản ánh quan hệ kinh tế phái sinh đặc biệt. Nghĩa là phát sinh từ mối quan hệ giữa địa tô thu được trên thửa đất trong 01 năm với tỷ suất lợi tức của ngân hàng trong 12 tháng (01 năm). Công thức tính giá đất của C.Mác là:
                                                                                                               
Giá cả đất đai =   Địa tô/ Tỷ suất lợi tức nhận gửi của ngân hàng
                                                                                                              
          Điều này có nghĩa là, một nhà đầu tư có thể bỏ ra lượng tiền mua đất sau đó cho thuê sẽ thu được khoản tiền cho thuê đất ổn định trong năm - lượng tiền này chính là địa tô. Mặt khác nếu không mua đất cho thuê, nhà đầu tư có thể gửi lượng tiền đó vào ngân hàng sau 12 tháng cũng thu được một khoản tiền lãi tương tự tiền cho thuê đất (địa tô).
          Cũng tại khoản 5 Điều 5 quy định phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất là phương pháp định giá đất bằng cách sử dụng hệ số điều chỉnh giá đất nhân (x) với giá đất trong bảng giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành 5 năm 1 lần.
          Phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất được áp dụng để định giá đất cho các trường hợp: trong thời gian thực hiện khung giá đất (Chính phủ ban hành khung giá đất 5 năm 1 lần) nếu giá đất phổ biến trên thị trường tăng từ 20% trở lên so với giá đất tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá đất tối thiểu trong khung giá đất trong khoảng thời gian từ 180 ngày trở lên thì Chính phủ điều chỉnh khung giá đất.
          Căn cứ vào nguyên tắc, phương pháp định giá đất, khung giá đất của Chính phủ. Căn cứ vào giá đất phổ biến trên thị trường, điều kiện kinh tế - xã hội ở địa phương và bảng giá đất được xây dựng định kỳ 5 năm 1 lần và công bố vào ngày 01 tháng 01 năm đầu nhiệm kỳ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quy định, quyết định hệ số điều chỉnh giá đất để xác định giá đất cụ thể.
           Vấn đề đặt ra là tại sao Chính phủ phải điều chỉnh khung giá đất và UBND cấp tỉnh phải xác định hệ số điều chỉnh giá đất khi thị trường có sự biến động tăng hoặc giảm 20% so với giá tối đa hoặc tối thiểu?
          Cơ sở lý luận của quy định trên là sự vận dụng lý luận địa tô của C.Mác, cụ thể: theo C.Mác đối với địa tô chênh lệch I được xác định căn cứ vào mức độ phì nhiêu và vị trí của thửa đất cho nên dễ dàng xác định và được ghi trong hợp đồng thuê đất. C.Mác viết “địa tô được xác định lúc thuê đất” [1,tr. 330]
          Đối với địa tô chênh lệch II được xác định căn cứ vào hiệu quả khác nhau của những lần đầu tư trên một thửa đất cho nên việc chuyển hoá thành địa tô cũng khó khăn hơn. C.Mác viết: “Một mặt đặt sự chuyển hoá ấy trong những giới hạn chật hẹp hơn, và mặt khác, ít vững chắc hơn” [ 1, tr.331].
          Điều này có nghĩa là trong suốt thời gian hợp đồng có hiệu lực, tư bản nông nghiệp đầu tư liên tiếp vào thửa đất làm cho độ phì nhiêu tăng lên, năng suất lao động tăng lên, tư bản thu được cả lợi nhuận bình quân và lợi nhuận siêu ngạch. C.Mác viết “Lợi nhuận siêu ngạch do các khoản đầu tư liên tục đem lại sau đó là thuộc về người tá điền trong thời gian khế ước vẫn còn hiệu lực”[1, tr. 330].
          Nhưng khi hết thời hạn hợp đồng thì địa chủ tìm cách nâng giá cho thuê đất lên nhằm chuyển địa tô chênh lệch II thành địa tô chênh lệch I.
          C.Mác viêt “Vì vậy khi những việc cải thiện chất đất có hiệu lực trong một thời gian dài thì trong trường hợp hợp đồng thuê đất hết hạn, sự phì nhiêu chênh lệch có tính chất nhân tạo của đất sẽ nhập vào một với độ phì nhiêu tự nhiên của đất” [1, tr. 331].
          Đây chính là nguyên nhân làm cho chủ đất thì muốn rút ngắn thời hạn cho thuê đất, còn nhà tư bản muốn kéo dài thời hạn đó để hưởng toàn bộ kết quả đầu tư vào ruộng đất. C.Mác viết “Đó là nguyên nhân vì sao các tá điền đấu tranh để có được những kế ước thuê đất dài hơn, và ngược lại, số lượng những kế ước có thể huỷ hàng năm vẫn tăng lên do lực lượng chiếm ưu thế của bọn địa chủ” [1,tr.330-331].
          Như vậy, khi các thửa đất liền kề nhau, có cùng mục đích sử dụng, khả năng sinh lợi và thu nhập từ việc sử dụng đất tương tự nhau đã thay đổi (tăng hoặc giảm) do sự chuyển hóa của địa tô chênh lệch II thành địa tô chênh lệnh I thì buộc nhà nước phải điều chỉnh hệ số điều chỉnh giá đất cho phù phù hợp với thị trường.
          Bên cạnh việc nhận thức và kiên định vận dụng lý luận địa tô của C.Mác vào xác định phương pháp định giá đất của chính quyền các cấp. Chính quyền còn bổ sung các phương pháp định giá đất khác phù hợp với xu thế phát triển kinh tế - xã hội của đất nước như: phương pháp chiết trừ; phương pháp thặng dư.
          Có thể nói, tác phẩm “Bộ Tư bản” của C.Mác ra đời cách đây hơn 150 năm nhưng cho đến nay, khi tình hình kinh tế - xã hội đã có nhiều thay đổi so với thời kỳ C.Mác còn sống. Nhưng những nguyên lý kinh tế cơ bản trong tác phẩm này vẫn còn giữ nguyên giá trị về cả mặt lý luận và thực tiễn. Nhận thức và vận dụng lý luận địa tô của C.Mác trong Bộ tư bản vào xây dựng chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ta trong việc xây dựng các phương pháp định giá đất khác nhau ở nước ta thể hiện tính kiên định và sáng tạo, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin trong tình hình mới./.

 
Thạc sĩ Phạm Thị Huệ
Trưởng khoa Nhà nước và Pháp luật
 

Tai liệu tham khảo
1-Mác- Ăngghen toàn tập - tập 25 phần 2- NXB Chính trị Quốc gia sự thật, HN-2002

Các tin liên quan:

Thông báo

Thông báo về việc bán thanh lý tài sản công và công cụ dụng cụ của Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang năm 2024

Thông báo về việc bán thanh lý tài sản công và công cụ dụng cụ của Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang năm 2024

Thông báo về việc tổ chức Hội thi học viên học giỏi lý luận chính trị năm 2024

Thông báo danh sách viên chức đề nghị xét nâng bậc lương trước thời hạn năm 2024

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và Thực tiễn năm 2024

Thông báo danh sách viên chức đủ điều kiện nâng bậc lương trước thời hạn tháng 12 năm 2023

Thông báo Tuyển sinh đào tạo, bồi dưỡng năm 2024

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi sau phá dỡ nhà khách, kho

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và thực tiễn số 2 năm 2023

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và thực tiến số 1 năm 2023

Báo cáo công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị quý III; phương hướng nhiệm vụ quý IV năm 2022

Hướng dẫn trình bày bài viết thu hoạch nghiên cứu thực tế các lớp Trung cấp lý luận chính tri

Hướng dẫn khen thưởng học viên các lớp đào tạo, bồi dưỡng tại Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8672112

Đang Online : 689