Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Lật tẩy chiêu trò đánh tráo khái niệm "cách mạng" hòng mị dân

Ngày Đăng: 10/11/2023 7:40 Lượt xem: 215

          Thời gian gần đây, một số kẻ lưu vong, phản quốc ở nước ngoài thường xuyên đăng tải trên mạng xã hội các bài viết, video có sử dụng cụm từ “cách mạng” để đánh tráo khái niệm, lôi kéo quần chúng nhân dân tham gia chống phá Đảng ta. Vậy thực chất “cách mạng” là gì? Có đúng như các thế lực thù địch tuyên truyền không hay chỉ là chiêu trò để hòng “mị dân”?
          Thực hiện mưu đồ chính trị đen tối, các đối tượng chính trị phản động đã đánh tráo khái niệm “cách mạng” bằng cách dùng cụm từ này để gọi tên các hoạt động chống phá của mình. Với chiêu trò đổi trắng thay đen, biến ác thành thiện, chúng tự cho rằng việc “xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, thực hiện đa nguyên đa đảng” là một cuộc “cách mạng”. Từ đó chúng ra sức kêu gọi các cá nhân, tổ chức, những người dân thiếu hiểu biết, mơ hồ về chính trị, nhẹ dạ cả tin “cùng nhau đoàn kết, hợp tác”, “tập hợp lực lượng” để thực hiện cuộc “cách mạng” ấy. Ví dụ, nhân sự kiện hai trụ sở xã ở Đăk Lăk bị tấn công, một số phần tử có tư tưởng thù hằn dân tộc đã lật ngược bản chất sự việc khi cho rằng người dân ở đây vì bị chính quyền Việt Nam đàn áp nên đã nổi dậy đấu tranh, làm “cách mạng”. Nhưng lời khai của các đối tượng sau khi bị bắt lại chứng minh một sự thật là vì “muốn gây tiếng vang, hứa hẹn được chia tiền, ảo tưởng được ra nước ngoài” [1] nên chúng đã nghe theo lời dụ dỗ, kích động của kẻ xấu. Vì vậy, mỗi người dân chúng ta cần tỉnh táo nhận diện rõ bản chất thực sự của hai từ “cách mạng”, tránh bị dụ dỗ, lôi kéo vào các hoạt động chống phá của kẻ thù.
          Trong dòng chảy của lịch sử loài người, “cách mạng” có lẽ là một trong những “từ khóa” quan trọng nhất bởi thực tiễn của nó đã đem đến những đổi thay to lớn cho nhân loại toàn thế giới. “Cách mạng” - theo Từ điển Tiếng Việt có nghĩa là “cuộc biến đổi xã hội - chính trị to lớn và căn bản, thực hiện bằng việc lật đổ một chế độ xã hội lỗi thời, lập nên một chế độ xã hội mới, tiến bộ’[2]. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “cách mạng là tiêu diệt những cái gì xấu, xây dựng những cái gì tốt. Chúng ta làm cách mạng để tiêu diệt chế độ thực dân, phong kiến, để xây dựng dân chủ mới” [3]. Như vậy có thể hiểu, “cách mạng” theo nghĩa chung nhất là một sự cải biến to lớn, theo hướng tích cực nhằm đem đến sự thay đổi lớn lao cho xã hội. Trên lĩnh vực chính trị - xã hội, “cách mạng” là xóa bỏ chế độ xã hội cũ, lạc hậu để thiết lập một chế độ xã hội mới tiến bộ hơn.
          Từ khái niệm “cách mạng” nêu trên và căn cứ vào các lý do sau đây, có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng những hoạt động mà các thế lực thù địch phản động đang làm nhằm lật đổ chế độ xã hội ở nước ta hoàn toàn không phải là “cách mạng”.
          Thứ nhất, theo Lý luận hình thái kinh tế - xã hội của chủ nghĩa Mác-Lênin, lý luận được rút ra từ thực tiễn phát triển của xã hội loài người qua hàng nghìn năm, đã chỉ ra rằng: lịch sử loài người đã, đang và sẽ trải qua các hình thái kinh tế - xã hội từ thấp đến cao, đó là: Cộng sản nguyên thủy, Chiếm hữu nô lệ, Phong kiến, Tư bản chủ nghĩa và Cộng sản chủ nghĩa (giai đoạn đầu là Chủ nghĩa xã hội). Các hình thái kinh tế - xã hội sau bao giờ cũng tiến bộ hơn hình thái kinh tế xã hội trước. Tuy nhiên, không phải tất cả các quốc gia trên thế giới đều trải qua lần lượt các hình thái kinh tế - xã hội trên mà căn cứ vào từng điều kiện cụ thể sẽ có quốc gia bỏ qua một hoặc vài nấc thang nào đó của lịch sử để tiến lên một hình thái kinh tế - xã hội cao hơn. Quá trình lịch sử - tự nhiên này đã được nhiều quốc gia trên thế giới chứng minh qua thực tiễn phát triển của mình. Như vậy, theo lý luận này thì Cộng sản chủ nghĩa là hình thái kinh tế - xã hội cao hơn, ra đời sau với bản chất có nhiều ưu việt và tiến bộ hơn hình thái kinh tế - xã hội Tư bản chủ nghĩa. Chỉ có tiến lên Chủ nghĩa cộng sản thì con người mới không bị áp bức bóc lột, mới có được bình đẳng, tự do, hạnh phúc. Mặc dù Việt Nam chưa trải qua hình thái kinh tế - xã hội Tư bản chủ nghĩa, nhưng việc bỏ qua hình thái kinh tế - xã hội này để đi thẳng lên Chủ nghĩa xã hội là hoàn toàn phù hợp với quy luật khách quan của lịch sử. Vì vậy, việc lật đổ chế độ Chủ nghĩa xã hội, âm mưu đưa đất nước quay lại con đường Tư bản chủ nghĩa là không đúng với bản chất “tiến bộ, tích cực, tiến lên” của hai từ “cách mạng”.
          Thứ hai, bản chất ưu việt của Chủ nghĩa xã hội không chỉ nằm trên lý thuyết mà còn được chứng minh qua thực tiễn quá trình phát triển của chế độ đó. Trong luận điệu của các thế lực thù địch, phản quốc, chúng luôn cho rằng chỉ có Chủ nghĩa Tư bản mới là văn minh, tiến bộ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy từ khi Chủ nghĩa Tư bản hình thành cho tới nay luôn thể hiện rõ bản chất tham lam, áp bức, bóc lột, phân biệt dân tộc, giai cấp sâu sắc và tham vọng làm bá chủ thế giới. Điều đó thể hiện rất rõ ở những cuộc chiến tranh xâm lược để bành trướng lãnh thổ, vơ vét tài nguyên thiên nhiên và nô dịch các dân tộc thuộc địa trong suốt hàng thế kỷ qua. Thậm chí, cho đến tận ngày nay, bản chất ấy vẫn không hề thay đổi. Tuy nhiên, các thế lực thù địch phản động vẫn ngày ngày rao giảng rằng chỉ có sống trong chế độ Tư bản chủ nghĩa với sự đa nguyên đa đảng thì con người mới thực sự có dân chủ, tự do và nhân quyền. Vậy có thật là dân chủ không khi trải qua bao nhiêu cuộc bầu cử thì giai cấp thống trị, lãnh đạo những quốc gia ấy không ai khác vẫn là giai cấp tư sản? Con người có tự do và nhân quyền không khi sự tự do sở hữu súng đạn, tự do xả súng hàng loạt và khủng bố lẫn nhau đã cướp đi quyền được sống của con người?
Lịch sử dân tộc ta đã trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Gót chân tàn bạo của chủ nghĩa thực dân, đế quốc đã giày xéo lên khắp đất nước ta. Chúng cướp đi thanh xuân, tuổi trẻ và cả tương lai tươi đẹp của bao con người Việt Nam. Từ nô lệ, đau thương, nhân dân ta đã vùng dậy, giành lấy quyền sống, quyền độc lập cho dân tộc, cho đất nước mình. Cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã đập tan âm mưu xâm lược, nô dịch của chủ nghĩa đế quốc, thực dân. Đó là một cuộc cách mạng “đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo” - một cuộc cách mạng chính nghĩa để giữ vững chủ quyền thiêng liêng của đất nước. Cũng nhờ đó mà nhân dân ta mới được hưởng độc lập, tự do, hạnh phúc như ngày nay. Chính vì vậy, dân tộc Việt Nam không thể nào lại đem xương máu và nước mắt của bao thế hệ cha ông ta để đổi lại sự phụ thuộc, nô dịch và cả những “dân chủ, tự do, nhân quyền hình thức”. Đó không phải là cách mạng mà là phản cách mạng, phản dân tộc.
          Thứ ba, lịch sử đã chứng minh: cách mạng phải là sự nghiệp của quần chúng nhân dân. Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga (năm 1917) dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Bônsêvich đã huy động được sức mạnh của quần chúng công nhân, nông dân, binh lính và người lao động thành lực lượng cách mạng đông đảo, đoàn kết, thống nhất tham gia đấu tranh. Chính bởi vậy, đất nước Nga rộng lớn với nhiều thành phần dân tộc, nhiều giai cấp với những lợi ích khác nhau, trong một thời gian rất ngắn, đã hình thành một sức mạnh thống nhất như triều dâng thác đổ, đưa cuộc cách mạng vô sản đầu tiên trên thế giới đến thắng lợi. Trong quá trình đó, Đảng Bônsêvích Nga đã thể hiện rõ là tổ chức đại diện cho quyền lợi của nước Nga, cho những người dân lao động. Còn ở Việt Nam nhờ có sự tham gia ủng hộ nhiệt tình của toàn dân mà cuộc Cách mạng giải phóng dân tộc - đỉnh cao là đại thắng mùa xuân năm 1975 đã giành được thắng lợi trọn vẹn, triệt để, cả nước thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội.
          Thế nhưng, trong cuộc “cách mạng” mà các đối tượng thù địch hiện nay đang cố tình tuyên truyền lặp đi lặp lại và kêu gọi “khởi nghĩa”, “đấu tranh” lại không hề có được sự ủng hộ, đồng tình tham gia của nhân dân trong cả nước. Chỉ vì lợi ích của cá nhân và tổ chức mà chúng sẵn sàng bán mình cho kẻ thù để làm những việc phản quốc, hại dân. Do vậy, nhân dân ta với tinh thần yêu nước, đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đã tích cực đấu tranh chống lại những luận điệu xuyên tạc của kẻ thù. Điều đó cho thấy, chỉ có những cuộc “cách mạng” chính nghĩa mới phù hợp với lòng dân, mới được nhân dân tích cực tham gia ủng hộ. Kẻ thù dù cố tình “phù phép” thế nào đi chăng nữa thì “cuộc cách mạng” của chúng vẫn chỉ là “tát bùn sang ao”, lạc lõng, nằm ngoài dòng chảy của sự phát triển của loài người.
          Như vậy, đánh tráo khái niệm “cách mạng” thực chất là một trong những “yêu thuật” nguy hiểm của các đối tượng thù địch, phản động nhằm “lừa bịp” nhân dân ta. Mục đích của chúng là cố tình lật ngược bản chất của “cách mạng” hòng lôi kéo, kích động nhân dân ta, gây nên những bất ổn trong nội bộ đất nước để phục vụ ý đồ chính trị đen tối. Trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân là không làm cho chúng đạt được mục đích của mình bằng cách cảnh giác, không tin và nghe theo những lời tuyên truyền, dụ dỗ của chúng. Đồng thời, tích cực đấu tranh vạch rõ âm mưu của các đối tượng thù địch, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, qua đó thúc đẩy đất nước phát triển./.
                                                           
Tài liệu trích dẫn:
[1]https://thanhnien.vn/vu-tan-cong-tru-so-xa-o-dak-lak-doi-tuong-ao-tuong-duoc-ra-nuoc-ngoai-185230616171816802.htm
[2] Viện ngôn ngữ học: Từ điển Tiếng Việt, Nhà xuất bản Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học Hà Nội, Đà Nẵng, 2004.
[3] Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2011, tập 8, tr.361

 
Thạc sĩ Lê Thị Hồng Hạnh
Khoa Lý luận cơ sở

Tin mới nhất:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8011417

Đang Online : 194