Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2017  >> Thông tin lý luận và thực tiễn số 2

Ngày Đăng:11/18/2017 7:37:00 AM Lượt xem: 1077

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO  LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ THEO TINH THẦN NGHỊ QUYẾT TRUNG ƯƠNG 4 (KHÓA XII)
 Ở TRƯỜNG  CHÍNH TRỊ TỈNH TUYÊN QUANG
 
Nguyễn Kim Tuyến
Phó Trưởng khoa (phụ trách khoa) Xây dựng Đảng
 
`        Công tác giáo dục lý luận chính trị có vai trò đặc biệt quan trong trong công tác xây dựng Đảng. Ngày 12/5/1999, Bộ Chính trị có Quy định số 54-QĐ/TW "Quy định về chế độ học tập lý luận chính trị trong Đảng" khẳng định "Học tập là nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi của cán bộ đảng viên. Cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp phải có kế hoạch thường xuyên học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị, kiến thức chuyên môn và năng lực hoạt động thực hiện”. Sau 15 năm thực hiện Quy định trên, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 26/5/2014, về tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo quản lý.
          Trường chính trị cấp tỉnh, thành phố có nhiệm vụ đào tạo trình độ Trung cấp lý luận chính trị - hành chính cho đảng viên là cán bộ lãnh đạo quản lý cấp cơ sở. Đội ngũ này rất đông đảo, đồng thời rất quan trọng đối với địa phương, là những cán bộ trực tiếp tuyên truyền và tổ chức thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn, là cầu nối giữa Đảng với quần chúng nhân dân.
          Trước yêu cầu đặt ra của thực tiễn cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, công cuộc đổi mới đất nước có nhiều khởi sắc và đạt được những thành tựu rất quan trọng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Song càng đi vào chiều sâu của sự nghiệp đổi mới, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, còn những thách thức, khó khăn đặt ra phải tập trung giải quyết. Một trong những khó khăn thách thức lớn đó là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên.  Với tinh thần đó, Hội nghị BCH Trung ương 4 khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30/10/2016 về "Tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến" "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Đây là một vấn đề vừa cơ bản, vừa cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay.
          Nhận diện những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) chỉ rõ 9 biểu hiện, một trong những biểu hiện rất cần được chú ý đó là những nhận thức sai lệch về ý nghĩa tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
          Để góp phần chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, Đảng ủy Trường Chính trị đã học tập, quán triệt và xây dựng Chương trình hành động thực Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII); Ban Giám hiệu tập trung xây dựng kế hoạch, biện pháp điều hành cụ thể để thực hiện nâng cao chất lượng việc dạy và học lý luận chính trị đối với các lớp đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính. Năm 2017, nhà trường đã mở 8 lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính với tổng số 714 học viên, trong đó gồm 5 lớp mở tại trường, 3 lớp mở tại các huyện (Hàm Yên, Na Hang, Chiêm Hóa). Quá trình tổ chức thực hiện quản lý, giảng dạy, nhà trường đã quán triệt triển khai thực hiện nghiêm túc Quyết định số 1855/QC-HVCTQG ngày 21 tháng 4 năm 2016 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, quyết định về việc ban hành Quy chế đào tạo của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
          Để nâng cao chất lượng dạy và học chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính, Đảng ủy và Ban Giám hiệu nhà trường đã chú trọng tập trung lãnh đạo điều hành ở 02 khâu cơ bản sau:
          Một là: Tăng cường công tác quản lý học viên
 Ban Giám hiệu nhà trường đã quán triệt Quy chế của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh như: Quy chế học viên, quy chế chủ nhiệm lớp… củng cố kiện toàn về tổ chức nâng cao năng lực quản lý của Phòng Đào tạo, giáo viên chủ nhiệm lớp và các khoa trực tiếp giảng dạy; duy trì chế độ trực ban giảng đường kết hợp với điểm danh thường xuyên và đột xuất để quản lý học viên từng buổi học. Hết các phần học, nhà trường tổ chức họp Ban Cán sự các lớp rút kinh nghiệm việc chấp hành nội quy nhà trường và các quy chế hiện hành, phòng Đào tạo, giáo viên chủ nhiệm lớp với đại diện các khoa giảng dạy để kịp thời chấn chỉnh và thực hiện nghiêm chỉnh nội quy quy chế của nhà trường. Hằng tháng căn cứ vào tình hình cụ thể, Ban Giám hiệu tổ chức giao ban với Ban Cán sự các lớp để nắm bắt và điều chỉnh kịp thời những vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện Quy chế. Nhờ có tăng cường quản lý học viên năm học 2017 số học viên nghỉ buổi, nghỉ tiết học giảm đáng kể; những học viên có lý do nghỉ học đều được xem xét học bổ sung, học lại kịp thời theo Quy chế đã được Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành.
          Hai là: Tăng cường chất lượng dạy và học
          Đội ngũ giảng viên được quán triệt đầy đủ về nhiệm vụ, quyền hạn trong Quy chế giảng viên được ban hành kèm theo Quyết định số 1855/QC-HVCTQG ngày 21 tháng 4 năm 2016 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và chủ động, tự giác tích cực trau dồi tri thức, nâng cao năng lực giảng dạy. Công tác thông qua giáo án và bài giảng được thực hiện quản lý từ cấp khoa theo quy trình và mẫu giáo án thống nhất do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh quy định. Việc đổi mới phương pháp giảng dạy được chú trọng, công tác dự giờ thao giảng của các khoa chuyên môn và Hội đồng khoa học nhà trường được quan tâm hơn. Công tác nghiên cứu thực tế, nghiên cứu khoa học phục vụ giảng dạy được chú ý, công tác đánh giá kết quả học tập cũng được sát hơn.
          Nhờ thực hiện tốt công tác quản lý giảng dạy của đội ngũ giảng viên, nhà trường những năm qua, chất lượng học tập lý luận chính trị của học viên được nâng lên. Kết quả học tập của học viên được đánh giá sát thực hơn; tỉ lệ học viên sau khi đánh giá các phần học, cả khóa học đã phản ánh cơ bản thực chất có tỷ lệ giỏi, khá và trung bình hợp lý.
          Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính ở trường Chính trị tỉnh theo ý kiến cá nhân, cần tập trung vào một số vấn đề sau:
          - Tiếp tục tăng cường quản lý học viên theo hướng công khai hóa qua hệ thống camera, đồng thời, tăng cường công tác thông tin phối hợp với cấp ủy nơi có cán bộ được cử đi học.
          - Nêu cao tinh thần trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm lớp và giảng viên trực tiếp giảng dạy để quản lý học viên trong từng tiết học, nghiêm túc trong công tác quản lý học viên tránh tình trạng nể nang không công bằng đối với học viên các lớp học.
          - Đội ngũ giảng viên phải chủ động, tích cực nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế làm giàu tri thức lý luận và thực tiễn phục vụ cho công tác giảng dạy, chú trọng kết hợp và đổi mới các phương pháp giảng dạy để tạo sức thu hút đối với học viên.
          - Đổi mới việc đánh giá kết quả học tập bằng việc xây dựng bộ đề thi và đáp án theo hướng tăng cường liên hệ thực tế.
          Việc nâng cao chất lượng công tác đào tạo lý luận chính trị nói chung, đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính nói riêng là một nhiệm vụ vừa cơ bản vừa lâu dài của các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cùng với việc kiên quyết phòng chống tham nhũng thì việc chống suy thoái về tư tưởng chính trị là nhiệm vụ quan trọng được Đảng ta đặc biệt quan tâm chỉ đạo. Mỗi cán bộ đảng viên Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang luôn nhận thức sâu sắc và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) trên từng cương vị, chức trách, góp phần cùng toàn Đảng chống suy thoái về tư tưởng, chính trị trong nội bộ Đảng.
          

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8093856

Đang Online : 11