Nội san >> Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2017 >> Thông tin lý luận và thực tiễn số 2
Ngày Đăng:11/29/2017 10:13:00 AM Lượt xem: 1248
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ GIÁO DỤC VÀ SỰ VẬN DỤNG CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
Thạc sĩ Phùng Thị Khánh Lệ
Phó Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học - Thông tin - Tư liệu
Phó Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học - Thông tin - Tư liệu
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến sự nghiệp giáo dục, Người đánh giá rất cao vai trò của giáo dục đối với sự hưng thịnh của đất nước, góp phần mở mang dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài, là động lực quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng, hoàn thiện con người, là cơ sở để xây dựng nền văn hóa tinh thần của chế độ xã hội chủ nghĩa.
Thầy cô giáo và các em học sinh vui mừng chào đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Trường Trung học GT-VT Thủy – Bộ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò của giáo dục. Ngay trong phiên họp đầu tiên ngày 3/9/1945 của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khi đề cập đến những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước, Người đã nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”[1].
Hai ngày sau, ngày 5/9/1945, ngày khai trường đầu tiên sau Cách mạng Tháng Tám, người căn dặn thế hệ trẻ: “Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”[2].
Theo người, giáo dục đóng vai trò quyết định trong việc nâng cao dân trí, xây dựng đội ngũ cán bộ, vì vậy giáo dục cần đi trước một bước. Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định: “Nay chúng ta đã giành được quyền độc lập. Một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc trong lúc này là nâng cao dân trí”. “Bây giờ xây dựng kinh tế. Không có cán bộ không làm được. Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế văn hóa. Trong việc đào tạo cán bộ, giáo dục là bước đầu”[3]. Những lời nói giản dị và sâu sắc đó nói lên tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò nền tảng và sứ mệnh trọng đại của giáo dục trong phát triển đất nước.
Mục đích của giáo dục theo Người là chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, phát triển nhân cách người học. Trong thư ngày 5/9/1945 gửi các học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam DCCH, Hồ Chí Minh đã định hướng cho sự phát triển giáo dục: “Một nền giáo dục của một nước độc lập … sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”[4]
Theo Người, nội dung giáo dục phải mang tính toàn diện, Hồ Chí Minh xác định:“Trong việc giáo dục và học tập, phải chú trọng đủ các mặt: Đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hóa, kỹ thuật, lao động và sản xuất”. Hồ Chí Minh khẳng định: “Học bây giờ với học dưới chế độ thực dân, phong kiến khác hẳn nhau. Bây giờ phải học để: Yêu tổ quốc…, yêu nhân dân…, yêu lao động..., yêu khoa học…, yêu đạo đức… Học để phụng sự ai? Để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh”[5]
Phương châm giáo dục là học đi đôi với hành, giáo dục nhà trường phải gắn liền với giáo dục gia đình và xã hội. Hồ Chí Minh khẳng định: “Giáo dục trong nhà trường chỉ là một phần, còn cần có sự giáo dục ngoài xã hội và trong gia đình để giúp cho việc giáo dục trong nhà trường được tốt hơn”. “Tôi cũng mong các gia đình liên lạc chặt chẽ với nhà trường, giúp nhà trường giáo dục và khuyến khích con em chăm chỉ học tập, sinh hoạt lành mạnh và hăng hái giúp nhân dân”[6]
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng: Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng. Cần phải phát huy đầy đủ dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng quan hệ thật tốt, đoàn kết thật chặt chẽ giữa thầy và thầy, giữa thầy và trò, giữa học trò với nhau, giữa cán bộ các cấp, giữa nhà trường và nhân dân để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ đó.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định: Giáo dục phải gắn liền với thi đua. Bác dạy các nhà trường phải phát động một phong trào thi đua “Hai tốt” – tức là dạy thật tốt và học thật tốt.
Có thể nói tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục là hệ thống những quan điểm mang tính triết học về những vấn đề cơ bản của giáo dục.
Tiếp thu và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định vai trò hết sức quan trọng của giáo dục, coi phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của toàn Đảng và toàn dân.
Nghị quyết số 04-NQ/HNTW ngày 14/1/1993 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tiếp tục đổi mới sự nghiệp giáo dục và đào tạo” đã khẳng định: “Giáo dục và đào tạo được Đại hội VII xem là quốc sách hàng đầu… đầu tư cho giáo dục là một trong những hướng chính của đầu tư phát triển”[7].
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) về định hướng chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo trong thời kỳ CNH, HĐH và nhiệm vụ đến năm 2000 đã xác định tư tưởng chỉ đạo phát triển giáo dục - đào tạo trong thời kỳ CNH, HĐH là: (1) Nhiệm vụ và mục tiêu cơ bản của giáo dục là nhằm xây dựng những con người và thế hệ thiết tha gắn bó với lý tưởng độc lập dân tộc và CNXH, có đạo đức trong sáng, có ý chí kiên cường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; (2) Thực sự coi giáo dục - đào tạo, là quốc sách hàng đầu; (3) Giáo dục - đào tạo là sự nghiệp của toàn Đảng, của Nhà nước và của toàn dân; (4) Phát triển giáo dục - đào tạo gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, những tiến bộ KH&CN và củng cố quốc phòng, an ninh; (5) Thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục và đào tạo; (6) Giữ vai trò nòng cốt của nhà trường công lập đi đôi với đa dạng hoá các loại hình giáo dục - đào tạo, trên cơ sở nhà nước thống nhất quản lý. [8]
Trong bối cảnh mới với xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, trên cơ sở tổng kết và kế thừa việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII, tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XI (04/11/2013) Đảng ta đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Theo đó, các quan điểm chỉ đạo đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong tình hình mới là: (1) Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân; (2) Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; (3) Phát triển giáo dục và đào tạo là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; (4) Phát triển giáo dục và đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; với tiến bộ KH&CN; phù hợp quy luật khách quan; (5) Đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo; (6) Chủ động phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của cơ chế thị trường, bảo đảm định hướng XHCN trong phát triển giáo dục và đào tạo; (7) Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế để phát triển giáo dục và đào tạo, đồng thời giáo dục và đào tạo phải đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế để phát triển đất nước.[9]
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng cũng khẳng định: Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Phát triển giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Chuyển mạnh quá trình giáo dục chủ yếu từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn…”[10]
Như vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục – đào tạo là hệ thống quan điểm toàn diện, là nền tảng tư tưởng quan trọng để Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp thu vận dụng, xây dựng, phát triển, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
[1] Hồ Chí Minh toàn tập, t.4, tr.7
[2] Hồ Chí Minh toàn tập, t.4, tr35
[3] Hồ Chí Minh toàn tập,t10, tr.34..
[4] Hồ Chí Minh toàn tập, t4, tr.34
[5] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 9, tr.179
[6] HCM toàn tập, tập 10, tr.186
[7]https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Nghi-quyet-04-NQ-HNTW-tiep-tuc-doi-moi-su-nghiep-giao-duc-va-dao-tao/127647/noi-dung.aspx
[8]http://dangcongsan.vn/tu-lieu-van-kien/van-kien-dang/nghi-quyet-hoi-nghi-bch-trung-uong/khoa-viii/doc-3925201510285446.html
[9]https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thuong-mai/Nghi-quyet-29-NQ-TW-nam-2013-doi-moi-can-ban-toan-dien-giao-duc-dao-tao-hoi-nhap-quoc-te-212441.aspx
[10] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, tr.114
Các tin liên quan:
- ❧ ĐẨY MẠNH HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC TẠI TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TUYÊN QUANG - Ngày đăng('11/29/2017 10:07:00 AM')
- ❧ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ THEO TINH THẦN NGHỊ QUYẾT TRUNG ƯƠNG 4 (KHÓA XII) Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TUYÊN QUANG - Ngày đăng('11/18/2017 7:37:00 AM')
- ❧ QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG ĐỒNG THUẬN XÃ HỘI – MỘT CHỦ TRƯƠNG QUAN TRỌNG CỦA ĐẢNG TA TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY - Ngày đăng('11/18/2017 7:37:00 AM')
- ❧ CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỚI SỰ NGHIỆP TRỒNG NGƯỜI - Ngày đăng('11/29/2017 10:12:00 AM')
- ❧ VẬN DỤNG PHONG CÁCH TƯ DUY HỒ CHÍ MINH TRONG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ - Ngày đăng('11/29/2017 10:12:00 AM')
- ❧ MỘT SỐ KẾT QUẢ NỔI BẬT VỀ CÔNG TÁC PHỤ NỮ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG SAU 10 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 11-NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ (KHÓA X) - Ngày đăng('11/18/2017 7:36:00 AM')
- ❧ VẬN DỤNG BÀI HỌC THỜI CƠ CỦA CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI NGA TRONG CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945 Ở VIỆT NAM - Ngày đăng('1/5/2018 3:22:00 PM')
- ❧ VAI TRÒ CỦA ĐẢNG BỘ TỈNH TUYÊN QUANG TRONG CHIẾN THẮNG VIỆT BẮC - THU ĐÔNG 1947 - Ngày đăng('11/18/2017 7:36:00 AM')
- ❧ MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGHIÊN CỨU THỰC TẾ CUỐI KHÓA CỦA HỌC VIÊN CÁC LỚP TRUNG CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ - HÀNH CHÍNH TẠI TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TUYÊN QUANG - Ngày đăng('11/18/2017 7:35:00 AM')
- ❧ SỬ DỤNG TƯ LIỆU NGHIÊN CỨU THỰC TẾ TRONG GIẢNG DẠY PHẦN LỊCH SỬ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM - Ngày đăng('11/29/2017 10:03:00 AM')
- ❧ MỘT SỐ KẾT QUẢ NỔI BẬT VỀ CÔNG TÁC ĐOÀN VÀ PHONG TRÀO THANH NIÊN CỦA TỔ CHỨC ĐOÀN CƠ SỞ XÃ LƯỠNG VƯỢNG, THÀNH PHỐ TUYÊN QUANG NHIỆM KỲ 2012-2017 - Ngày đăng('11/18/2017 7:34:00 AM')
- ❧ VAI TRÒ CỦA CHỦ NHIỆM ĐỀ TÀI TRONG VIỆC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐỀ TÀI KHOA HỌC CẤP TRƯỜNG TẠI TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TUYÊN QUANG - Ngày đăng('11/18/2017 7:33:00 AM')
- ❧ HIỆU QUẢ TỪ PHONG TRÀO “DÂN VẬN KHÉO” TRONG GIẢI QUYẾT TỐ TỤNG DÂN SỰ CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN CHIÊM HÓA TỈNH TUYÊN QUANG - Ngày đăng('11/17/2017 11:21:00 PM')