Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2017  >> Thông tin lý luận và thực tiễn số 2

Ngày Đăng:11/18/2017 7:36:00 AM Lượt xem: 1345

VAI TRÒ CỦA ĐẢNG BỘ TỈNH TUYÊN QUANG TRONG CHIẾN THẮNG VIỆT BẮC - THU ĐÔNG 1947
 
 Nguyễn Thị Khánh Anh
Khoa Dân vận
        Thu Đông năm 1947, với mưu đồ mau chóng kết thúc chiến tranh xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp huy động một lực lượng lớn gồm hải, lục, không quân mở một cuộc tấn công lên vùng chiến khu Việt Bắc nhằm: Truy lùng Việt Minh đến tận sào huyệt; tìm diệt chủ lực, phá tan căn cứ địa Việt Bắc; bịt kín, khóa chặt biên giới Việt - Trung. Ở vị trí trung tâm căn cứ địa Việt Bắc, là chiếc cầu nối giữa vùng trung du, đồng bằng Bắc Bộ với biên giới Việt - Trung, Tuyên Quang là một trọng điểm hành quân càn quét của quân Pháp. Trong hoàn cảnh đó, Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang đã phát huy cao độ vai trò lãnh đạo quân và dân trong tỉnh tích cực xây dựng, bảo vệ vững chắc các khu an toàn của Trung ương, tham gia đánh bại các cuộc tấn công của địch góp phần quan trọng trong việc làm thất bại cuộc hành quân của địch.
 
 Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói chuyện với đồng bào Tuyên Quang dưới gốc đa Tân Trào. Ảnh: tuyenquang.gov.vn

        1. Tích cực xây dựng lực lượng, chuẩn bị mọi điều kiện trước khi thực dân Pháp tấn công lên căn cứ địa Việt Bắc: Trong vòng 10 tháng (tháng 12/1946 đến tháng 9/1947) dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, khắp các nơi trong tỉnh đã dấy lên không khí chuẩn bị kháng chiến hết sức khẩn trương, sôi nổi. Từ tháng 1 đến tháng 5/1947 tỉnh đã thành lập Ban Huyện ủy Lâm thời ở tất cả các huyện, tất các các xã đều có đảng viên tham gia các chức vụ lãnh đạo chủ chốt. Để thống nhất sự chỉ đạo chung, đầu năm 1947 tỉnh tiến hành sáp nhập Ủy ban Hành chính với Ủy ban Kháng chiến thành Ủy ban Kháng chiến hành chính, Đảng đoàn kháng chiến các cấp được thành lập chịu trách nhiệm chỉ đạo và giám sát công tác chuẩn bị kháng chiến. Nhằm huy động đông đảo nhân dân vào cuộc kháng chiến, kiến quốc, bên cạnh Mặt trận Việt Minh với các tổ chức cứu quốc thành viên, Mặt trận Liên Việt các cấp được thành lập với hệ thống thành viên là Hội Liên hiệp Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ…Sức mạnh của toàn dân đã được tập trung cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc của toàn dân tộc. Tháng 4/1947, Tỉnh đội Tuyên Quang ra đời, tiếp đó là các Ban Huyện đội cũng được thành lập do một đồng chí huyện ủy viên phụ trách. Một số đồn công an được xây dựng tại những điểm trọng yếu. Phong trào phòng gian, bảo mật phát triển sâu rộng. Mọi ngả đường vào vùng căn cứ địa đều được canh gác cẩn mật. Hệ thống giao thông liên lạc được tổ chức theo cách báo động dây chuyền xã nối xã, huyện nối huyện. Tỉnh có hàng vạn dân quân, du kích, trong đó số có chất lượng, có khả năng chiến đấu khoảng trên 5.000 người. Ngoài lực lượng cảnh vệ của tỉnh, huyện, mỗi huyện có một trung đội du kích thoát ly, mỗi xã có một trung đội dân quân chiến đấu. Vũ khí, hậu cần của dân quân, du kích một phần nhỏ được trang bị, phần lớn do nhân dân quyên góp, hỗ trợ. Vừa giúp đỡ các cơ quan Trung ương di chuyển vào các địa điểm an toàn, chúng ta vừa thực hiện tốt công tác sơ tán "tiêu thổ kháng chiến", tỉnh đã huy động 307.000 ngày công để phá 41.018 m2 nhà, 100 chiếc cầu lớn, nhỏ với tổng chiều dài hơn 1.000m, 22 km đường quốc lộ, 61 km đường nội tỉnh. Trên các trục đường bộ, nhân dân đã đào hàng ngàn hố nhỏ, hố chống tăng, đắp ụ, chặt cây làm chướng ngại vật cản đường hành quân của địch. Trên sông Lô, ta xây được 2 kè cản tàu chiến, ca nô. Các soi bãi rộng đều được cắm chông để tiêu diệt địch nếu chúng nhảy dù, đổ bộ. Lực lượng cảnh vệ và dân quân, du kích của tỉnh một phần lo bảo vệ cơ quan lãnh đạo địa phương, giúp nhân dân sơ tán, một phần có nhiệm vụ dẫn đường, cùng bộ đội của Khu và bộ đội chủ lực tổ chức các trận phục kích, quấy nhiễu tiêu diệt địch buộc chúng phải dàn mỏng quân tạo các kẽ hở để ta tiêu diệt.
         2. Lãnh đạo bảo vệ vững chắc căn cứ địa và cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến: Khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta, với địa thế hiểm yếu, phong trào cách mạng vững chắc và các vùng căn cứ được xây dựng trong thời kỳ Cách mạng Tháng Tám, Tuyên Quang trở thành một trong những trung tâm căn cứ địa của cách mạng Việt Nam. Ngày 02/4/1947, Chủ Tịch Hồ Chí Minh về đến Làng Sảo, xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương; cùng với Bác Hồ, các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt và nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước cùng các cơ quan Trung ương đã về đóng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Suốt một dải từ Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa, Thị xã Tuyên Quang đã trở thành nơi đóng quân, làm việc của 13/14 Bộ, 65 cơ quan Trung ương, như: Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ Tịch phủ-Thủ Tướng phủ, Ban Thường trực Quốc hội, Mặt trận Liên Việt, Bộ Tài chính, Bộ Kinh tế, Bộ Tư pháp, Đài Phát thanh, Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo, Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Trung ương Đoàn…và các cơ sở sản xuất vũ khí, in ấn phục vụ kháng chiến…
        Là Thủ đô Kháng chiến, An toàn khu của Trung ương, nhiệm vụ đặt ra đối với Đảng bộ tỉnh đó là: Tổ chức tốt việc đón, bảo vệ tuyệt đối an toàn các cơ quan của Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, nhân dân các huyện trong tỉnh đã đóng góp hàng chục vạn ngày công, hàng vạn cây tre, nứa để vận chuyển tài liệu, máy móc, hàng hóa và xây dựng kho tàng, nhà ở cho các cơ quan Trung ương. Trước yêu cầu của cách mạng, đồng bào vùng Tân Trào, Minh Thanh (Sơn Dương), Trung Minh, Hùng Lợi, Đạo Viện (Yên Sơn), Vinh Quang, Kim Bình (Chiêm Hóa)…đã tự nguyện nhường nhà cho cán bộ kháng chiến ở, tích cực tham gia các đợt dân công. Cùng với các tuyến đường bộ, sông Lô, sông Gâm, sông Đáy trở thành những con đường giao thông hết sức quan trọng. Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa nối liền thành một vùng an toàn khu thống nhất, rộng lớn. Hành lang giao thông liên lạc giữa các vùng trong khu an toàn từng bước hình thành và được đảm bảo bí mật tuyệt đối. Công an tỉnh được phân công bố trí trinh sát nắm tình hình các hoạt động của địch, kịp thời báo cáo Ban Chỉ huy chiến dịch những tin tức và hướng tấn công của địch, đồng thời đẩy mạnh công tác phòng gian bảo mật, đề phòng nội gián, các đội công an xung phong cùng lực lượng quân sự chiến đấu chặn bước tiến của địch, ở những nơi có cơ quan, kho tàng, công xưởng… công an đã làm tốt công tác bảo vệ nhân dân, kho tàng, đường giao thông. Về dân vận, kêu gọi toàn dân đoàn kết, tham gia kháng chiến, ủng hộ Chính phủ, ủng hộ bộ đội…
         3. Lãnh đạo quân và dân đoàn kết, dũng cảm, mưu trí cùng quân và dân Việt Bắc anh dũng chiến đấu giết giặc làm nên chiến thắng Việt Bắc - Thu đông 1947: Sau khi bị pháo kích tại Sóc Đăng (Đoan Hùng - Phú Thọ), ngày 11 và 12/10/1947 đoàn tàu chiến của địch tới Bến Bình Ca. Chúng cho một đơn vị đổ bộ lên bờ định cướp phá của ta song bị đánh trả quyết liệt.
Chiều ngày 13/10/1947, quân Pháp kéo vào Thị xã Tuyên Quang và hết sức kinh ngạc trước sự vắng lặng, đổ nát, dày đặc chướng ngại vật của thị xã. Địch vội vã rải quân đóng chốt một số điểm cao, các vị trí quan trọng trong vùng ven thị xã: Nhà Thờ, núi Thổ Sơn… sáng ngày 15/10 địch cho một đại đội vượt Ghềnh Quýt, tiến vào Yên Lĩnh. Bị trung đội vệ binh của Trung đoàn 112 nổ súng tiêu diệt gần ba chục tên, chúng buộc phải rút quân về đóng ở Đền Thượng.
         Trên đường thủy, phần lớn lực lượng vũ trang ở Thị xã Tuyên Quang kéo lên Chiêm Hóa phối hợp với dân quan, du kích và Tiểu đoàn 718 tấn công quân Pháp trên sông Lô và sông Gâm (15 đến 18/10/1947). Ngày 22/10/1947, 500 quân Pháp từ Thị xã Tuyên Quang theo đường Quốc lộ II hành quân lên Chiêm Hóa. Chớp thời cơ, đội tự vệ Thành Tuyên đặt địa lôi phục kích địch tại km7 (đường Tuyên Quang - Hà Giang) tiêu diệt 100 tên, làm bị thương nhiều tên khác, làm chết hơn 2 chục lừa ngựa, ta thu được 01 đại liên, 01 súng cối và nhiêu quân trang, quân dụng khác. Trên đường rút về thị xã, địch lại bị bộ đội Tiểu đoàn 508 phục kích tại km5 tiêu diệt thêm mấy chục tên nữa.
         Tại Chiêm Hóa, khi tiến tới cách Đầm Hồng 04 km chúng bị ta phục kích tiêu diệt 14 tên. Tuy chiếm được Đầm Hồng song quân Pháp bị ta đánh cầm chân tại đây 07 ngày. Không đón được cánh quân Bắc Cạn xuống, ngày 01/11 quân Pháp buộc phải tìm cách rút về Thị trấn Chiêm Hóa. Đoán được ý đồ của địch, ta bố trí phục kích tại Vật Nhèo. Khi cánh quân bộ của địch tới nơi, ta chặn đánh quyết liệt buộc chúng phải bỏ đường cái, men theo bờ sông Gâm về Thị trấn Chiêm Hóa. Cánh quân thủy của địch cũng bị đánh trả quyết liệt, cả hai ca nô đều bị bắn cháy. Kết quả, trong trận này ta tiêu diệt gân 200 tên, phá hủy 02 ca nô, thu 02 đại liên, 02 khẩu 30 ly 2 và hàng trăm súng trường, tiểu liên.
          Tháng 11/1947, binh đoàn Commuynan lên đến Tuyên Quang và triển khai kế hoạch đánh chiếm. Nhưng chúng đã vấp phải sự chống trả quyết liệt của quân và dân nơi đây. Quân Pháp đi tới đâu cũng gặp cảnh vườn không nhà trống, cũng bị lực lượng vũ trang quần chúng và nhân dân chặn đánh. Ngày 3/11/1947, 02 ca nô chở 200 quân Pháp từ Tuyên Quang xuống Bình Ca để tiến đánh Sơn Dương đã bị quân dân Tuyên Quang phục kích, diệt hơn 100 tên. Cùng ngày, quân Pháp buộc phải rời khỏi Chiêm Hóa bằng cả đường thủy và bộ. Quân và dân Tuyên Quang đã phối hợp với bộ đội chủ lực chiến đấu truy kích quân Pháp tại Cầu Cả, Chợ Bợ (04 đến 07/11/1947), Lang Quán (Yên Sơn, 15/11/1947), Hòn Lau (10/11/1947)… Trong những trận này, hầu hết quân Pháp đều bị thiệt hại, bị thương và liên tục phải rút chạy. Đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn, từ ngày 22/11/1947, quân Pháp rút quân khỏi Tuyên Quang. Cuộc tiến công truy kích của quân dân Tuyên Quang tiếp tục được đẩy mạnh và giành nhiều thắng lợi tại Bến Hiên, Bình Ca, Đèo Khế, Thiện Kế. Từ ngày 23/11/1947 đến 02/12/1947, quân Pháp tiến tục bị phục kích, truy kích và bị thiệt hại nặng nề tại Bình Ca, Bến Cốc, Bắc Lũng, Đèo Khế (Sơn Dương). Thiệt hại nặng về quân số, thiếu thốn lương thực và hàng loạt kế hoạch bị thất bại đã đẩy quân Pháp vào thế bất lợi, buộc chúng phải rút khỏi mặt trận sông Lô.
          Cuối tháng 12/1947 chiến dịch tấn công Việt Bắc của quân Pháp hoàn toàn thất bại. Việt Bắc trở thành mồ chôn giặc Pháp, nỗi kinh hoàng của chúng và là niềm tự hào của cả nước. Trong chiến dịch này, quân dân Việt Bắc đã tiêu diệt 3.300 tên địch, làm bị thương 1.300 tên, bắt sống 270 tên, bắn rơi 18 máy bay, bắn chìm, bắn cháy 51 ca nô và tàu chiến, phá huỷ 255 xe cơ giới và hơn 100 khẩu pháo...Riêng quân, dân Tuyên Quang đã tham gia chiến đấu 48 trận, trong đó có 30 trận đánh độc lập, 18 trận hợp đồng tác chiến với bộ đội chủ lực, bắn chìm, bắn cháy 10 ca nô, tàu chiến và nhiều phương tiện chiến tranh khác của Pháp. Binh lính Pháp đã kinh hoàng gọi Tuyên Quang là "nghĩa địa khổng lồ". Bình Ca, Km7, Đầm Hồng, Cầu Cả, Khe Lau.. .trở thành mồ chôn giặc Pháp, là nỗi kinh sợ của quân xâm lược, là niềm tự hào chiến thắng của quân và dân Tuyên Quang.
        Tác chiến trên địa bàn trọng yếu, vai trò của Đảng bộ tỉnh đã biểu hiện sinh động thông qua việc lãnh đạo quân và dân Tuyên Quang phối hợp cùng các đơn vị bộ đội chủ lực tổ chức những trận đánh xuất sắc, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, góp phần quan trọng bẻ gãy gọng kìm phía Tây của quân Pháp, làm nên thắng lợi oanh liệt của chiến dịch Việt Bắc, một chiến dịch lớn đầu tiên của dân tộc ta sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, làm thất bại chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh - chiến lược đầu tiên của thực dân Pháp trong cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai; đập tan âm mưu của địch; bảo vệ an toàn căn cứ địa kháng chiến, bảo vệ tuyệt đối an toàn Bác Hồ và các cơ quan đầu não của cách mạng Việt Nam; thực hiện thắng lợi Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Bộ Tổng chỉ huy.
         Chiến tranh đã lùi xa, vai trò lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang trong Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông năm 1947 đã để lại nhiều bài học quý giá, đó là bài học về chủ động nắm bắt âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, tích cực xây dựng căn cứ địa trước khi bước vào cuộc kháng chiến; bài học về hoạch định đường lối và kế hoạch tác chiến đúng đắn; bài học về phát huy sức mạnh cao độ sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh, tập trung mọi lực lượng trong đó lực lượng trang là nòng cốt trong cuộc chiến đấu chống lại kẻ thù xâm lược…. Những bài học đó vẫn còn nguyên giá trị trong xây dựng và bảo vệ quê hương, là động lực, là sức mạnh cổ vũ Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang vững bước thực hiện công cuộc đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, phấn đấu đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc ./.
-----------------------------
 
 
 
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8093871

Đang Online : 26