Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2017  >> Thông tin lý luận và thực tiễn số 2

Ngày Đăng:11/29/2017 10:03:00 AM Lượt xem: 1106

SỬ DỤNG TƯ LIỆU NGHIÊN CỨU THỰC TẾ TRONG GIẢNG DẠY PHẦN LỊCH SỬ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
 
Thạc sĩ Phạm Thị Thu Trang
Khoa Xây dựng Đảng
 
        Nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học và nghiên cứu thực tế được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của mỗi giảng viên dạy lý luận chính trị. Để bài giảng đạt chất lượng, hiệu quả, công tác nghiên cứu thực tế là hoạt động cần thiết, có ý nghĩa thiết thực đối với đội ngũ giảng viên nói chung, giảng viên dạy Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng. Mục đích của hoạt động này giúp giảng viên củng cố, bổ sung kiến thức lý luận, kinh nghiệm thực tiễn, từ đó bổ sung các kiến thức đã nghiên cứu được vào quá trình giảng dạy.
 
Cán bộ, giảng viên Trường Chính trị dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa Trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9
 
        Bản thân là giảng viên tham gia giảng dạy Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam với đặc thù của bộ môn là nghiên cứu quá trình hoạt động của Đảng trong mối quan hệ mật thiết với tiến trình lịch sử của dân tộc và thời đại với các sự kiện, hiện tượng đã diễn ra trong quá khứ. Vì vậy, để có cái nhìn chân thực, toàn diện bức tranh quá khứ, ngoài nghiên cứu lý luận thông qua sách, báo, phim tư liệu đòi hỏi giảng viên bổ sung kiến thức thực tiễn bằng việc tổ chức tham quan các di tích, địa danh và gặp gỡ nhân chứng lịch sử. Từ đó, giảng viên vận dụng đưa vào bài giảng một cách hợp lý, nhằm nâng cao nhận thức và củng cố niềm tin cho học viên vào sự lãnh đạo của Đảng ta qua từng giai đoạn lịch sử cụ thể.
        Để góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, tháng 7/2017 Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức đi nghiên cứu thực tế, học hỏi kinh nghiệm tại các Trường Chính trị khu vực miền Trung và tham quan một số di tích lịch sử. Là giảng viên khoa Xây dựng Đảng tham gia trong đoàn, đây là cơ hội để cá nhân được mở mang kiến thức, tiếp cận trực tiếp các địa danh, các di tích lịch sử, gặp gỡ nhân chứng lịch sử, cảm nhận được sự cống hiến to lớn và những hy sinh mất mát của nhân dân trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc. Từ đó, giảng viên nhận thức sâu sắc sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ chính trị; tích cực bồi dưỡng niềm tin, lý tưởng đối với người học về vai trò lãnh đạo của Đảng ta, giáo dục truyền thống yêu nước hào hùng của dân tộc.
        Những kiến thức tích lũy được trong chuyến đi thực tế giúp giảng viên vận dụng, bổ sung hiệu quả trong giảng dạy mục 3. Đảng lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), bài 6: Đảng lãnh đạo cuộc đấu tranh bảo vệ chính quyền cách mạng, giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước (1945- 1975) phần II.2 Những vấn đề cơ bản về Đảng Cộng sản và Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam.
         Sau Hiệp định Giơnevơ được ký kết (21/7/1954), đất nước ta tạm thời chia cắt làm hai miền với hai chiến lược cách mạng khác nhau, miền Bắc bắt tay vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Lúc này đế quốc Mỹ từng bước thay chân thực dân Pháp ở miền Nam, ráo riết thực hiện các biện pháp chiến lược nhằm áp đặt chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Âm mưu cơ bản của đế quốc Mỹ là thôn tính miền Nam, chia cắt lâu dài đất nước, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ, lập phòng tuyến ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản lan xuống Đông Nam Á, đồng thời lấy miền Nam làm căn cứ để tiến công miền Bắc, đè bẹp và đẩy lùi chủ nghĩa cộng sản ở vùng này. Để thực hiện được âm mưu trên, đế quốc Mỹ huy động một lực lượng quân đội khổng lồ và vũ khí hủy diệt lớn ở miền Nam Việt Nam.
          Đối mặt với những âm mưu và thủ đoạn của kẻ thù, Đảng ta đã lãnh chỉ đạo nhân dân đấu tranh từng bước làm phá sản các kế hoạch chiến tranh của chúng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, tiến tới giành thắng lợi trọn vẹn đỉnh cao là chiến thắng lịch sử năm 1975. Đất nước bước sang một thời kỳ mới - thời kỳ độc lập, thống nhất, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong quá trình giảng dạy giảng viên cần nhấn mạnh để giành được những thắng lợi ấy phải kể đến sự hy sinh không tiếc máu xương của các chiến sỹ trên khắp mọi miền tổ quốc. Giảng viên khẳng định nghĩa trang quốc gia Trường Sơn, nghĩa trang quốc gia đường 9, thành cổ Quảng Trị, khu chứng tích Sơn Mỹ là những minh chứng sống động về tinh thần yêu nước bất  khuất, ý chí quật cường của dân tộc ta.
          Nhằm thể hiện sự tri ân các anh hùng liệt sỹ, nhiều nghĩa trang liệt sỹ đã được xây dựng, giảng viên nhấn mạnh một trong nhưng nghĩa trang lớn nhất trong cả nước phải kể đến là nghĩa trang quốc gia Trường Sơn, nghĩa trang quốc gia đường 9. Mỗi "địa chỉ đỏ" này có hơn 10 nghìn liệt sĩ ở khắp mọi miền Tổ quốc đã nằm lại trên mảnh đất Quảng Trị, nơi không còn là địa danh của một địa phương mà đã thành một biểu tượng chung, niềm tự hào chung về một thời hào hùng của một dân tộc.
Giảng viên giới thiệu về Thành Cổ Quảng Trị, một công trình thành lũy quân sự dưới thời nhà Nguyễn. Khi thực dân Pháp, sau là đế quốc Mỹ xâm lược nước ta, chúng xây thêm nhà lao để giam giữ những người yêu nước, chiến sỹ cộng sản. Đặc biệt trong cuộc tổng tiến công nổi dậy xuân 1972. Thành Cổ là nơi cả thế giới biết đến và khâm phục bởi những chiến công hiển hách, những tấm gương anh dũng hi sinh trong cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ của quân và dân ta. Chiến thắng thành cổ Quảng Trị trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, mãi mãi khắc ghi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.
        Giảng viên giới thiệu về khu chứng tích Sơn Mỹ (Quảng Ngãi) - nơi cách đây hơn 49 năm (16/3/1968- 16/3/2017) đã xảy ra vụ thảm sát khủng khiếp những người dân vô tội, cướp đi 504 sinh mạng trong phút chốc. Những tên tuổi đã đi vào lịch sử có thể kể đến như Phạm Thành Công, Võ Thị Liên… đã anh dũng đối mặt với kẻ thù trong hoàn cảnh chiến tranh tàn khốc, trải qua nhiều đau thương mất mát nhưng những con người may mắn còn sống sót tiếp tục đấu tranh cho đến ngày độc lập, họ trở thành nhân chứng sống để tổ cáo tội ác của đế quốc Mĩ và giáo dục tinh thần yêu nước đấu tranh bất khuất cho thế hệ trẻ.
        Với những kiến thức thực tế trên khi vận dụng vào bài giảng tạo nên sự sinh động, có sức thuyết phục lớn trong khắc sâu kiến thức, bồi dưỡng niềm tin lý tưởng của học viên, luôn luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
        Với phương châm “lý luận gắn với thực tiễn” hoạt động nghiên cứu thực tế thực sự có ý nghĩa đối với giảng viên giảng dạy lý luận chính trị. Thực hiện tốt hoạt động trên là cơ sở để nâng cao chất lượng chuyên môn, cũng như chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường, hướng tới thực hiện thành công nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị được đặt ra tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020: “Thực sự chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị…rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn”.[1]
 
 
[1] Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015- 2020, tr.136

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8093871

Đang Online : 26