Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2017  >> Thông tin lý luận và thực tiễn số 2

Ngày Đăng:11/18/2017 7:33:00 AM Lượt xem: 1168

VAI TRÒ CỦA CHỦ NHIỆM ĐỀ TÀI TRONG VIỆC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐỀ TÀI KHOA HỌC CẤP TRƯỜNG TẠI TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TUYÊN QUANG
 
Thạc sĩ Nguyễn Thị Mai
Khoa Nhà nước và pháp luật
 
Nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của cán bộ, giảng viên tại trường Chính trị tỉnh là tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Các hoạt động nghiên cứu khoa học: Tham gia nghiên cứu các đề án, đề tài khoa học cấp nhà nước, cấp bộ, cấp tỉnh, cấp trường, cấp khoa; tham gia hội thảo khoa học các cấp; nghiên cứu bài viết công bố trên các tạp chí Trung ương và địa phương; khảo sát thực tế theo kế hoạch phục vụ giảng dạy… Tùy thuộc vào chủ đề, cấp độ của đề án, đề tài nghiên cứu khoa học mà cán bộ, giảng viên tham gia với nhiều vị trí khác nhau. Riêng đề tài khoa học cấp trường, để có sản phẩm là một đề tài khoa học có chất lượng và hiệu quả, ngoài thành viên của Hội đồng khoa học giữ vai trò thẩm định, đánh giá, quyết định xếp loại đề tài; các thành viên tham gia thực hiện đề tài thì chủ nhiệm đề tài giữ vai trò quyết định đến tiến độ, chất lượng của đề tài. Vai trò đó thể hiện trên một số khía cạnh sau:

 
Đồng chí Nguyễn Thị Mai – CNĐT khoa học báo cáo kết quả thực hiện đề tài
        Thứ nhất, chủ nhiệm đề tài là người giữ vai trò chính trong việc kết nối các khâu trong chu trình thực hiện đề tài. Từ đặt tên đề tài đến xây dựng thuyết minh đề tài, dự kiến thời gian, mức độ công việc phải hoàn thành, số lượng thành viên tham gia… Chủ nhiệm đề tài phải chủ động xây dựng kế hoạch, liên hệ, kết nối các nhóm, các khâu trong toàn bộ khối công việc nêu trên;
       Thứ hai, chủ nhiệm đề tài là người gắn kết việc thực hiện nhiệm vụ của các thành viên tham gia trong đề tài. Chủ nhiệm đề tài không phải là người thực hiện toàn bộ nội dung đề tài mà cần có sự phân công nhiệm vụ cho từng thành viên tham gia, dựa trên kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng của từng cá nhân để phân công cho cụ thể và phù hợp nhằm phát huy tốt nhất khả năng kiến thức và kinh nghiệm sẵn có vào quá trình thực hiện đề tài;
       Thứ ba, chủ nhiệm đề tài là người đôn đốc, kiểm soát nội dung và tiến độ hoàn thành nhiệm vụ của các nhóm trong việc thực hiện đề tài. Chủ nhiệm đề tài phải nắm rõ được mức độ hoàn thành công việc của từng thành viên và của các nhóm đã thực hiện, cá nhân thành viên thực hiện và các nhóm có khó khăn gì để báo cáo tổ chức có biện pháp tháo gỡ cho phù hợp. Việc quan trọng hơn cả là phải nắm chắc nội dung các nhóm thực hiện tránh làm ảnh hưởng đến thời gian nghiệm thu và chất lượng của đề tài;
Thứ tư, chủ nhiệm đề tài giữ vai trò là “cầu nối” giữa lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo khoa với các thành viên tham gia đề tài. Việc thực hiện theo những yêu cầu, quy chuẩn của một đề tài sẽ được chủ nhiệm đề tài lĩnh hội qua trao đổi, xin ý kiến của khoa chủ quản và Hội đồng khoa học thông báo đến các thành viên thực hiện. Ngược lại, các ý kiến kiến nghị, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đề tài các nhóm trao đổi lại sẽ được chủ nhiệm đề tài báo cáo với lãnh đạo khoa và Hội đồng khoa học để có giải pháp phù hợp tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm trong suốt quá trình thực hiện đề tài.
       Trong thời gian qua nhà trường có nhiều đề tài khoa học được nghiệm thu xếp loại xuất sắc, thể hiện tính lý luận và có tính ứng dụng thực tiễn rất cao, điều đó cho thấy vai trò quan trọng của người giữ vai trò là chủ nhiệm đề tài – chủ yếu là cán bộ lãnh đạo quản lý, có kinh nghiệm lâu năm.Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn những đề tài tuy được đánh giá là xuất sắc nhưng còn những hạn chế nhất định như: Tính ứng dụng chưa cao, vẫn còn hiện tượng sao chép của các đề tài trước… vấn đề đó làm giảm tính mới, tính ứng dụng và nhất là giá trị nghiên cứu của đề tài. Tồn tại những hạn chế đó, một phần là do sự thiếu kinh nghiệm của thành viên chính thực hiện, nhưng với vai trò là người chịu trách nhiệm chính chủ nhiệm đề tài chưa phát huy hết vai trò của mình trong quá trình kiểm soát việc thực hiện nhiệm vụ của các thành viên và quan trọng hơn cả là phải kiểm soát nội dung của đề tài trước khi trình Hội đồng khoa học nhà trường thẩm định.
       Để nâng cao hơn nữa chất lượng các đề tài khoa học cấp trường, thiết nghĩ trong thời gian tới cần phải phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm chính của chủ nhiệm đề tài trong việc thực hiện đề tài bằng việc thực hiện tốt các yêu cầu sau:
       Thứ nhất, chủ nhiệm đề tài cần phải chủ động học tập, nâng cao năng lực chuyên môn, học hỏi kiến thức, kinh nghiệm thực hiện đề tài của những người đã từng làm chủ nhiệm trong các đề tài có tính ứng dụng thực tiễn cao. Chủ nhiệm đề tài phải có kiến thức sâu, rộng trong lĩnh vực đề tài mà mình lựa chọn, điều đó giúp thuận lợi trong việc nắm bắt tính đúng đắn, phù hợp của nội dung đề tài trong quá trình thực hiện;
       Thứ hai, chủ nhiệm đề tài phải là người biết xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện tốt kế hoạch đã đề ra. Việc xây dựng kế hoạch về nội dung, tiến độ, chủ đề, thực hiện nội dung đúng tiến độ như kế hoạch đề ra là một việc làm khoa học tác động đến tiến độ và hiệu quả của đề tài. Bản thân mỗi cán bộ, giảng viên tham gia nhiều công việc khác nhau nên tổ chức thực hiện tốt kế hoạch đã đề ra là khó thực hiện nhất. Do vậy, chủ nhiệm đề tài phải xác định rõ thời gian thực hiện đề tài chia làm mấy giai đoạn, mỗi giai đoạn nội dung cần phải hoàn thành là gì? Mức độ hoàn thành đến đâu? Nếu không xác định được các công việc cụ thể trong từng giai đoạn thì sẽ rất khó trong quá trình thực hiện, thậm chí các thành viên không xác định được nhiệm vụ của mình, chủ nhiệm đề tài không kiểm soát được tiến độ thực hiện;
       Thứ ba, chủ nhiệm đề tài nên chủ động nghiên cứu, chọn lựa thành viên tham gia đề tài cho phù hợp. Việc chọn lựa những thành viên có khả năng (kiến thức chuyên môn, thời gian cần và đủ) để tham gia đề tài là hết sức cần thiết. Trong thời gian qua, một số thành viên chưa phát huy được vai trò của mình trong thực hiện đề tài đã gây ít nhiều gây khó khăn cho người giữ vai trò chủ nhiệm (do thành viên tham gia không thực hiện được nội dung theo sự phân công hoặc do kiêm nhiệm nhiều công việc, hoặc do khả năng bản thân hạn chế vì không phù hợp với chuyên môn… nên không hoàn thành nội dung công việc đã được giao) vấn đề đó có ảnh hưởng nhất định đến chất lượng đề tài. Do vậy, ngay từ khâu đầu tiên việc lựa chọn thành viên đề tài tham gia đòi hỏi chủ nhiệm đề tài cần phải xác định rõ chọn thành viên có khả năng thực hiện và tham gia đó là khâu quyết định đến chất lượng của đề tài;
       Thứ tư, chủ nhiệm đề tài phải có các kỹ năng cần thiết: Kỹ năng giao tiếp, kỹ năng phân tích, tổng hợp, kỹ năng phối hợp… tốt. Mỗi kỹ năng sẽ là cần thiết trong từng công đoạn thực hiện đề tài. Ví dụ, cần phải có kỹ năng giao tiếp tốt để khi đến cơ sở chủ nhiệm đề tài phải trình bày nội dung trước, sau, cách đặt vấn đề, khai thác nội dung, tổng hợp số liệu… những nội dung cần khai thác với cơ sở. Sau khi về cần tổng hợp những gì? Sử dụng những tài liệu nào? Nội dung nào là không phù hợp…
       Ngoài những yếu tố thuộc về cá nhân chủ nhiệm đề tài phải cố gắng nỗ lực thiết nghĩ về phía nhà trường cũng cần: Có tiêu chuẩn cụ thể về tiêu chí của người đứng tên làm chủ nhiệm đề tài khoa học cấp trường. Hiện nay Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và nhà trường chưa có quy định cụ thể nào về tiêu chuẩn của chủ nhiệm đề tài nên việc chọn cử người làm chủ nhiệm đề tài khoa học cấp trường cũng chưa có một căn cứ xác đáng nào, chủ yếu là khoa chuyên môn động viên làm chủ nhiệm đề tài, nên có thể chủ đề khoa đưa ra chưa chắc đã phù hợp với sở trường và năng lực chuyên môn của người làm chủ nhiệm đề tài. Điều đó có ảnh hưởng nhất định đến chất lượng đề tài. Việc ban hành tiêu chí không nên quá khắt khe, đòi hỏi quá cao để tạo điều kiện cho các cán bộ, giảng viên trẻ có điều kiện thể hiện mình trong công tác nghiên cứu khoa học, một số tiêu chí cần phải có như: Thâm niên công tác, số lượng đề tài tối thiểu đã tham gia... Do vậy, việc nghiên cứu xây dựng đưa ra tiêu chí của người đứng tên làm chủ nhiệm đề tài là rất cần thiết.
       Trong quá trình thực hiện đề tài thành viên Hội đồng khoa học cần có sựđộng viên khích lệ kịp thời các thành viên tham gia, một mặt để nắm bắt được tiến độ, chất lượng. Mặt khác, cũng là để tháo gỡ khó khăn, cho ý kiến để các thành viên thấy được sự gắn kết quan tâm đến chất lượng đề tài của cả Hội đồng chứ không phải chỉ để đánh giá thẩm định ở khâu cuối cùng của đề tài như trong thời gian qua.
       Đề tài khoa học cấp trường là sản phẩm nghiên cứu khoa học thể hiện trí tuệ của tập thể cán bộ, giảng viên. Để đề tài ấy thực sự có chất lượng và hiệu quả việc nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng và hướng cần phải xây dựng tiêu chí, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, các kỹ năng cần thiết của chủ nhiệm đề tài khoa học cấp trường là việc làm hết sức cần thiết góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại nhà trường./.
 
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8093821

Đang Online : 154