Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2017  >> Thông tin lý luận và thực tiễn số 2

Ngày Đăng:11/17/2017 11:21:00 PM Lượt xem: 1718

HIỆU QUẢ TỪ PHONG TRÀO “DÂN VẬN KHÉO” TRONG GIẢI QUYẾT TỐ TỤNG DÂN SỰ CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN
HUYỆN CHIÊM HÓA TỈNH TUYÊN QUANG
 
Thạc sĩ  Hán Thị Hạnh Thúy
Phó Trưởng khoa Nhà nước và pháp luật
 
        Trong bài báo “Dân vận” đăng trên báo Sự Thật số 121 ngày 15/10/1949, Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Lực lượng của dân rất to, việc dân vận rất quan trọng, dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”[1]. Quán triệt tư tưởng của Người, 68 năm qua Đảng và Nhà nước ta đã đặc biệt coi trọng công tác dân vận thể hiện thông qua việc xây dựng chủ trương, chính sách phù hợp nhằm chăm lo, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhân, khơi dậy sức dân để nhân dân có trách nhiệm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng vững mạnh.
        Đối với hoạt động xét xử của Tòa án, công tác dân vận có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc giáo dục, thuyết phục và phổ biến tuyên truyền pháp luật cho nhân dân. Vận dụng tinh thần cải cách Tư pháp theo Nghị quyết số 49 - NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách Tư pháp đến năm 2020 “Đổi mới thủ tục hành chính trong các cơ quan tư pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận công lý…Khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài; tòa án hỗ trợ bằng quyết định công nhận việc giải quyết đó”. Trong những năm qua, Tòa án nhân dân huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng, phát động và tổ chức thực hiện nghiêm túc phong trào “Dân vận khéo”. Đây là một trong những cách làm hiệu quả góp phần quan trọng vào việc hoàn thành tốt các chỉ tiêu công tác chuyên môn, từng bước nâng cao chất lượng công tác xét xử.
        Là một đơn vị Tòa án nhân dân huyện miền núi, địa bàn rộng, phức tạp, đường giao thông đi lại rất khó khăn, tình hình tội phạm và các tranh chấp dân sự trên địa bàn ngày càng gia tăng, tính chất ngày một phức tạp, chỉ với 11 cán bộ, công chức (trong đó có 05 thẩm phán); hằng năm TAND huyện Chiêm Hóa giải quyết trung bình gần 400 vụ án các loại, trong đó số lượng chiếm phần lớn là các tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại. Chỉ tính từ năm 2016 đến tháng 9/2017, đơn vị đã thụ lý 750 vụ án, trong đó các vụ án về dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại là 603 vụ, chiếm tỷ lệ 80,4%. Từ thực tiễn trên, nếu không có những giải pháp hữu hiệu thì sẽ không đảm bảo được tiến độ và chất lượng công tác giải quyết án. Chính vì vậy, việc tuyên truyền, phổ biến, giải thích pháp luật cho nhân dân thông qua việc giải quyết các vụ án dân sự là một trong những phương thức thực hiện phong trào “Dân vận khéo” một cách hiệu quả nhất.
        Thẩm phán Ma Hồng Thắng, Chánh án Tòa án nhân dân huyện cho biết, để giải quyết có hiệu quả các vụ án dân sự thì tuyên truyền, giải thích pháp luật và công tác hòa giải được đơn vị đặt lên hàng đầu bởi điểm chung nhất của các vụ việc này thường xuất phát từ sự thiếu hiểu biết pháp luật cũng như sự thiếu thông cảm lẫn nhau giữa các đương sự nên cán bộ, công chức Tòa án nhân dân huyện Chiêm Hóa rất chú trọng đến công tác tuyên truyền và xác định đây là một biện pháp quan trọng để thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” của đơn vị. Việc phân tích, giải thích pháp luật cho đương sự được thực hiện ngay từ giai đoạn xử lý đơn và xuyên suốt quá trình tố tụng theo phương châm trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân, nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin. Chính vì vậy mànhiều đương sự sau khi được Tòa án kiên trì phân tích, giải thích pháp luật đã tự nguyện rút đơn hoặc tự hòa giải với nhau. Một trong những phương phương pháp mà đơn vị giải quyết án nhanh chóng, hiệu quả mà vẫn giữ được hòa khí giữa các bên đương sự là hòa giải tại Tòa án. Việc hòa giải có thể được tiến hành nhiều lần nếu Thẩm phán nhận thấy có khả năng các bên đạt được thỏa thuận, cố gắng tạo sự thông cảm, hiểu biết giữa các bên thông qua việc giải thích thấu tình đạt lý. Nhờ vậy, tỷ lệ hòa giải thành của Tòa án nhân dân huyện Chiêm Hóa từ năm 2016 đến tháng 9/2017 đạt tỷ lệ khá cao, trong số 603 vụ án dân sự đã được thụ lý, đơn vị đã giải quyết xong 583 vụ trong đó đã hòa giải thành 302 vụ, đạt tỷ lệ  51,8 %. Các vụ việc trên đã được Tòa án huyện ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự hoặc ra quyết định đình chỉ vụ án dó các đương sự tự rút đơn. Số vụ án đưa ra xét xử chiếm tỷ lệ thấp trong tổng số án giải quyết. Để có được kết quả trên, mỗi cán bộ, công chức của đơn vị không chỉ học tập nâng cao hiểu biết pháp luật, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng xét xử mà còn phải biết "Dân vận khéo”.
        Bên cạnh đó, hoạt động tuyên truyền, phổ biến nâng cao kiến thức pháp luật cho người dân trên địa bàn huyện cũng được Tòa án nhân dân huyện Chiêm Hóa quan tâm, áp dụng trong suốt quá trình tố tụng dân sự vì đây cũng là biện pháp để thực hiện “Dân vận khéo” một cách thiết thực, qua đó giảm thiểu tội phạm, hạn chế các tranh chấp không đáng có. Để hoạt động này phát huy hiệu quả cao nhất, Tòa án huyện đã tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động thông qua đó nâng cao nhận thức về pháp luật cho các đương sự và nhân dân, chỉ tính từ tháng 1/2016 đến tháng 9/2017 đơn vị đã tổ chức 39 phiên tòa xét xử lưu động tại nhiều địa điểm trên địa bàn trong huyện, thu hút được sự tham dự của đông đảo quần chúng nhân dân đã có tác dụng rất cao trong việc răn đe ngăn ngừa, phòng chống tội phạm. Trong quá trình xét xử lưu động Tòa án nhân dân huyện Chiêm Hóa đã chủ động phối hợp với Hội Luật gia của huyện thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đơn vị giành thời gian trước khi mở phiên tòa, trong khi Hội đồng xét xử nghị án để các Luật gia tiến hành các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật...; Tòa án huyện chủ động phối hợp với chính quyền cơ sở để tổ chức công tác hòa giải; đặc biệt đối với những vụ việc khó, có tính chất phức tạp, lãnh đạo đơn vị chủ động phân công cán bộ phụ trách đến tận nơi cư trú của đương sự để tìm hiểu những mâu thuẫn phát sinh, nguyên nhân, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của đương sự để có biện pháp động viên, tuyên truyền, hòa giải hiệu quả.
        Những kết quả đạt được từ công tác “Dân vận khéo” trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự vừa giúp cho đội ngũ cán bộ, công chức của Tòa án huyện Chiêm Hóa nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn và kỹ năng xét xử; đồng thời cũng giúp đơn vị giảm áp lực giải quyết các vụ án, hạn chế đến mức tối đa tình trạng án tồn đọng, vừa giữ gìn mối quan hệ đoàn kết, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự, qua đó từng bước nâng cao chất lượng xét xử, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn ở địa phương./.
 
 
[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2002, tập 5, tr. 698-700.
 
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8093805

Đang Online : 138