Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2018  >> Thông tin lý luận và thực tiễn số 2

Ngày Đăng:7/6/2018 10:01:00 PM Lượt xem: 1291

MỘT SỐ KẾT QUẢ TRONG VIỆC BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG CỦA DÂN TỘC THIỂU SỐ Ở TỈNH TUYÊN QUANG HIỆN NAY
                                                               

         Mỗi dân tộc đều có lịch sử hình thành và phát triển khác nhau, trải qua quá trình đó, các dân tộc sáng tạo ra nền văn hóa của mình, trong đó có các giá trị văn hóa (GTVH). Giá trị chỉ sự đánh giá những thành quả lao động sáng tạo vật chất và tinh thần của con người. Nó có tác dụng định hướng, đánh giá và điều chỉnh các hoạt động của xã hội nhằm vươn tới cái đúng, cái tốt, cái đẹp, thúc đẩy sự tiến bộ xã hội. Có nhiều quan niệm khác nhau về giá trị, giá trị văn hóa song dưới góc độ Văn hóa học, PGS,TS Ngô Đức Thịnh quan niệm như sau: "Giá trị cũng như tập quán, chuẩn mực, tri thức... đều là sản phẩm của quá trình tư duy, sản xuất tinh thần của con người, nó là yếu tố cốt lõi nhất của văn hoá. Giá trị văn hoá là một hình thái của đời sống tinh thần, nó phản ánh và kết tinh đời sống văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần của con người"(1). Do vậy, nói tới GTVH là nói tới những thành tựu của một cá nhân hay một dân tộc đã đạt được trong quan hệ với thiên nhiên, với xã hội và trong sự phát triển bản thân mình; nói tới GTVH cũng là nói tới thái độ, trách nhiệm và những quy tắc ứng xử của mỗi người trong quan hệ của bản thân với gia đình, xã hội và thiên nhiên; nói tới GTVH cũng là nói tới những biểu tượng cho cái chân - thiện - mỹ. Giá trị văn hóa được lưu truyền trong xã hội qua các thời kỳ lịch sử và trở thành các GTVH truyền thống. GTVH truyền thống chính là những tư tưởng, biểu tượng, giá trị và chuẩn mực xã hội được cộng đồng tin tưởng và mong muốn gìn giữ, truyền đạt, noi theo.
Hiện nay, chúng ta đang xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trong xu thế hội nhập và phát triển, văn hóa có vai trò là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu và động lực để phát triển kinh tế - xã hội. Bảo tồn, phát huy và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số được khẳng định là nhiệm vụ của sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) đưa ra đến nay vẫn là Nghị quyết có ý nghĩa chiến lược, chỉ đạo quá trình xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hóa ở nước ta. Nghị quyết đã chỉ rõ: "Bảo tồn, phát huy, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số là vấn đề hết sức quan trọng; phát triển những giá trị mới về văn hóa, văn học, nghệ thuật; xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, mở rộng mạng lưới thông tin, thực hiện tốt chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở vùng dân tộc thiểu số nhằm phát triển sâu rộng và nâng cao chất lượng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực hiện phát triển văn hóa gắn kết chặt chẽ và đồng bộ hơn với phát triể̉n kinh tế - xã hội, làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội"(2). Hội nghị Trung ương 9, khóa XI ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09-6-2014, tiếp tục phát triển quan điểm trên: "Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học". Nghị quyết xác định rõ nhiệm vụ: "Giữ gìn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số, nhất là tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội truyền thống; các giá trị văn hóa tích cực trong tôn giáo, tín ngưỡng"(3). Đại hội lần thứ XII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đồng thời đề ra nhiệm vụ tổng quát: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, con người Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”(4).
Tuyên Quang là một tỉnh miền núi phía Bắc, Việt Nam. Nơi đây có 21 dân tộc thiểu số sinh sống, với số dân là 448.510 người, chiếm 54,74% (5) dân số toàn tỉnh, mỗi dân tộc thiểu số có bản sắc văn hóa truyền thống riêng tạo nên diện mạo đa sắc màu của văn hóa các dân tộc tỉnh Tuyên Quang. Để bảo tồn, phát huy, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số, Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVI xác định: "Xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực cho sự phát triển của tỉnh"(6), đồng thời chỉ rõ: "Chú trọng bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử, bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch"(7); Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 435/QĐ-UBND ngày 10/4/2017, phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2016-2020”, với quan điểm bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn dân nhằm duy trì, phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa tốt đẹp, tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời là nguồn tài nguyên để phát triển du lịch nhân văn.
Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh trong những năm qua công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc thiểu số luôn được cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh chú trọng. Những giá trị đó được lưu truyền qua phong tục tập quán, tiếng nói, chữ viết, lễ hội, các làn điệu dân ca, dân vũ... với những nét riêng, độc đáo của từng dân tộc như: Nghi lễ cấp sắc, hát Páo Dung của dân tộc Dao đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Theo thống kê, tỉnh ta có trên 77 nghìn người dân tộc Dao, chiếm hơn 11% dân số toàn tỉnh và đứng thứ 3 về số dân sau dân tộc Kinh, Tày. Dân tộc Dao có 9 ngành, phân bố ở các huyện trong tỉnh, tạo nên một không gian văn hóa hết sức phong phú và độc đáo; đối với người Tày thì đàn tính được coi là một phương tiện giao tiếp mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc mình cùng với các làn điệu Then, Cọi, Sli, Lượn là món ăn tinh thần không thể thiếu đã đang được bảo tồn, phát triển; nét độc đáo trong đời sống văn hóa tinh thần của người Cao Lan là hát Sình ca, trống Tang sành; hát Soọng Cô là bản sắc của dân tộc Sán Dìu; hát Soong Hao, hát Sli Giang là nét riêng có của dân tộc Nùng... Bên cạnh các làn điệu dân ca, dân vũ là các lễ hội dân gian truyền thống được duy trì hằng năm. Các lễ hội dân gian mang đậm sắc thái văn hóa, tâm linh của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, là tâm điểm của sinh hoạt cộng đồng, khắc họa đậm nét ước vọng chinh phục thiên nhiên, về đức tin của họ đối với các thế lực thần thánh, về khát vọng mưa thuận gió hòa, bản làng yên ấm, con người khỏe mạnh, vạn vật sinh sôi…như lễ hội Lồng Tông, lễ Cầu Mùa, lễ Cầu May, lễ Cúng rượu, lễ Cúng cốm (dân tộc Tày); lễ Cấp sắc (dân tộc Dao, Tày, Cao Lan, Sán Dìu…); Lễ hội Đình làng Giếng Tanh được tổ chức vào ngày mùng 10 tháng giêng (Âm lịch) tại xã Kim Phú, huyện Yên Sơn, đây là lễ hội lớn nhất trong năm của đồng bào dân tộc Cao Lan;  lễ Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn ở xã Hồng Quang huyện Lâm Bình... mỗi năm thường được tổ chức vào dịp đầu xuân.
 
 
Lễ hội Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình.
(nguồn: baotuyenquang.vn)
 
Đi cùng với việc bảo tồn, phát triển các loại hình nghệ thuật, lễ hội truyền thống là việc sưu tầm, kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, như: Dân tộc Tày, Mông, Dao, Nùng, La Chí, Pà Thẻn, Sán Dìu, Hoa, nhóm người Thủy, Sán Chay... hiện có các di sản văn hóa phi vật thể đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Lễ hội Lồng tông, hát Then của dân tộc Tày; hát Páo Dung, Lễ cấp sắc của dân tộc Dao; hát Soọng Cô của dân tộc Sán Dìu; hát Sình Ca của dân tộc Cao Lan... Nhiều câu lạc bộ đàn hát dân ca đã duy trì hoạt động đều đặn ở các thôn, bản có dân tộc thiểu số sinh sống. Năm 2017, các ngành chuyên môn đã tiến hành khảo sát, tổng điều tra các di sản văn hóa phi vật thể ở các địa phương trong tỉnh, phục dựng lại các lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số. Hoàn thành hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ II cho 09 nghệ nhân (2 Nghệ nhân nhân dân, 7 Nghệ nhân ưu tú). Sưu tầm 472 hiện vật, tài liệu; lập phiếu chỉnh lý 1.400 di vật khảo cổ; phân loại 750 hiện vật; phân loại 20 quyển sách cổ; phân loại 0,4kg tiền cổ; tổ chức triển lãm ảnh chuyên đề: "Then Tày Tuyên Quang" tại Bảo tàng tỉnh và Bảo tàng Tân Trào - ATK. Tổ chức chương trình trải nghiệm nghề thủ công truyền thống của dân tộc Tày Tuyên Quang, tại Bảo tàng tỉnh; hoàn thành hồ sơ quốc gia "Thực hành Then của người Tày - Nùng - Thái ở Việt Nam" trình UNESCO xét ghi vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại"(8)... Tất cả những nét văn hóa của các dân tộc thiểu số đều bắt nguồn từ đời sống lao động và hầu hết có mặt ở các lễ hội hay những sinh hoạt văn hóa của cộng đồng. Chính những nét đặc trưng đó đã gắn kết trong cộng đồng dân cư, tạo nên những sắc thái riêng biệt và trở thành những di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, đóng góp cho kho tàng văn hóa của đất nước.
Bên cạnh những giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy, hiện nay dưới tác động của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, của quá trình đô thị hóa làng/bản, của sự tiếp xúc và giao thoa văn hóa, đã ít, nhiều làm biến đổi các giá trị văn hóa dân gian. Người dân ít mặn mà hơn với văn hóa của dân tộc mình nên các thiết chế văn hóa truyền thống đã và đang bị phá vỡ, điều này phổ biến nhất là trong giới trẻ người dân tộc thiểu số. Ngôn ngữ, tiếng nói là một tiêu chí quan trọng để xác định thành phần tộc người. Đồng thời tiếng nói cũng là một thành tố cơ bản của văn hóa. Nhưng hiện nay giới trẻ người thiểu số có xu hướng sử dụng tiếng mẹ đẻ ít, thay vào đó là tiếng Kinh hoặc tiếng của dân tộc khác có số lượng người lớn hơn trên cùng khu vực sinh sống. Ngôn ngữ mẹ đẻ chỉ còn được dùng ở tầng lớp người già, trong các nghi lễ truyền thống như đám cưới, tang ma; các tác phẩm truyện, thành ngữ, ca dao vốn có... ít được lưu truyền trong đời sống sinh hoạt; tính chất nguyên bản của các tác phẩm đã bị biến đổi. Một số hình thức, loại hình diễn xướng văn hóa truyền thống đã không thường xuyên diễn ra trong đời sống sinh hoạt cộng đồng như hát giao duyên, dân ca trong những đám cưới, cuộc vui, lễ hội cộng đồng, thay vào đó họ bật nhạc mới, hát karaoke ...
Có thể nói rằng, vươn tới sự thuận lợi và hiệu quả trong sinh hoạt vật chất là xu hướng tất yếu và cũng là nguyện vọng chính đáng của mỗi xã hội. Nhưng, những giá trị văn hóa độc đáo, đặc trưng cho một tộc người cũng là một trong những điểm mạnh cần phải phát huy. Bởi những giá trị văn hóa ấy, là những minh chứng cho bản sắc và bản lĩnh trường tồn của một dân tộc. Hiện nay, các trào lưu văn hóa mới đang len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống xã hội, một mặt nó góp phần nâng cao đời sống văn hóa cho đồng bào, mặt khác nó cũng bào mòn, thậm chí xóa bỏ những tinh hoa văn hóa dân tộc... Tất cả những hiện tượng này ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề giữ gìn và bảo tồn truyền thống văn hóa của dân tộc thiểu số. Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc thiểu số ở Tuyên Quang là một việc làm đặc biệt cần thiết trong giai đoạn hiện nay nhằm củng cố và phát triển ý thức dân tộc, nâng cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc; tạo nền tảng cho hội nhập, hợp tác, phát triển bền vững; thực hiện tốt mục tiêu xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Để những chương trình, mục tiêu, chính sách bảo tồn, phát huy, phát triển giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc thiểu số ở Tuyên Quang có hiệu quả, tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:
Thứ nhất, hằng năm cần đưa mục tiêu, nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc thiểu số vào nghị quyết của các cấp ủy Đảng, kế hoạch của ủy ban nhân dân các cấp để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn thể xã hội đặc biệt là thế hệ trẻ về yêu cầu và nhiệm vụ bảo tồn, phát huy, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống.
Thứ hai, có thể khẳng định rằng, bất cứ hoạt động cộng đồng nào muốn thực hiện có hiệu quả đều phải có những cơ chế, chính sách hợp lý và có cán bộ chuyên trách tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn các ngành, địa phương, tổ chức, đơn vị thực hiện các nhiệm vụ. Đối với hoạt động văn hóa cũng vậy, để có thể bảo tồn, phát huy, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống cần có cơ chế, chính sách dành cho sự nghiệp văn hóa phải không ngừng được hoàn thiện. Các văn bản hướng dẫn của Nhà nước cần phải cụ thể hóa, thể chế hóa, rõ ràng, ngắn gọn, dễ hiểu để mọi người dân tiếp thu và tự giác chấp hành.
Thứ ba, trong giai đoạn hiện nay để bảo tồn, phát huy phát triển giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc thiểu số có hiệu quả, ngành Văn hóa thông tin cần:
- Kết hợp với trưởng bản, bí thư chi bộ, người có uy tín tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đồng bào thiểu số hiểu được những giá trị to lớn về văn hóa truyền thống của dân tộc; thực hiện nếp sống văn hóa mới trên cơ sở kế thừa những luật tục văn hóa truyền thống, góp phần bảo tồn, phát huy thiết chế văn hóa bản, làng trong thời kỳ hội nhập, phát triển;
- Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng các chương trình biểu diễn nghệ thuật quần chúng như: Thi hát các làn điệu dân ca, các điệu múa truyền thống theo từng cấp (bản, xã, huyện) nhằm thu hút các thế hệ nghệ nhân tham gia hoạt động lưu truyền các giá trị văn hóa trong cộng đồng. Hằng năm xây dựng chuyên đề “Tôn vinh những người có công gìn giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống” phát trên đài truyền hình và đài phát thanh của tỉnh, huyện, các trung tâm xã, bản. Cách làm trên không chỉ góp phần tôn vinh những nghệ nhân dân gian, tăng cường nhận thức về giá trị di sản văn hóa cộng đồng, khuyến khích gìn giữ chủ thể văn hóa, mà còn là cách thức tốt nhất để khán giả, nhất là lớp trẻ được tiếp cận trực tiếp với nghệ thuật dân tộc, khơi dậy ở họ tình cảm, lòng say mê đối với loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc mình;
- Có kế hoạch đầu tư biên soạn, lưu giữ lời cúng, ghi chép lại các loại hình tín ngưỡng của dân tộc thiểu số để lưu truyền cho các thế hệ mai sau. Xã hội hóa công tác sưu tầm, phục hồi các sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng. Xây dựng khung chương trình phổ biến văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số vào trong nhà trường. Tuyên truyền, vận động những nghệ nhân, những người am hiểu về văn hóa tín ngưỡng bản địa truyền dạy cho các thế hệ mai sau. Tăng cường hợp tác với các địa phương trong lĩnh vực quản lý văn hóa, nhằm xây dựng các chương trình nghiên cứu, bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số trên địa bàn một cách hiệu quả.
Các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc thiểu số, không chỉ có vai trò to lớn đối với sự tồn vong mà còn khẳng định sức sống mãnh liệt của dân tộc trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Ngày nay, các GTVH truyền thống dân tộc thiểu số đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nó tạo nên sức mạnh cho công cuộc phát triển đất nước và giảm bớt, loại trừ hay ít ra làm hạn chế không ít những tiêu cực phát sinh từ mặt trái của cơ chế thị trường. Với sự phát triển nhanh chóng của cuộc cách mạng khoa học công nghệ và quá trình giao lưu văn hóa quốc tế ngày nay, các dân tộc thiểu số trên cả nước nói chung, tỉnh Tuyên Quang nói riêng có điều kiện xích lại gần nhau hơn và quá trình giao thoa, đan xen, hỗn dung văn hóa, diễn ra khá mạnh mẽ, sâu sắc. Để bảo tồn, phát huy, phát triển được các giá trị tinh thần và sắc thái văn hóa truyền thống của từng dân tộc, thì mỗi dân tộc phải hòa chung vào sự phát triển của nền văn hóa Việt Nam và của nhân loại, trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tránh bị tụt hậu và không để bị nhất thể hóa những sắc thái văn hóa của mình, góp phần quan trọng trong việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.
 
Tài liệu tham khảo:
(1) PGS,TS. Ngô Đức Thịnh "Một số vấn đề lý luận nghiên cứu hệ giá trị văn hóa truyền thống trong đổi mới và hội nhập".
(2) Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII), số 03-NQ/TW, ngày 16 tháng 7 năm 1998, về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
(3) Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09-6-2014 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tr.52.
(5) Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang - Tổng hợp báo cáo năm 2017.
(6) Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang (2015) Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020, tr.118
(7) Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang (2015), tldd, tr.119
(8) Sở Văn hóa, thể thao và du lịch, Số: 246/BC-VHTTDL, ngày 11 tháng 12 năm 2017, Báo cáo kết quả công tác văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch năm 2017; nhiệm vụ trọng tâm năm 2018

Các tin liên quan:

Thông báo

Thông báo về việc tổ chức Hội thi học viên học giỏi lý luận chính trị năm 2024

Thông báo danh sách viên chức đề nghị xét nâng bậc lương trước thời hạn năm 2024

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và Thực tiễn năm 2024

Thông báo danh sách viên chức đủ điều kiện nâng bậc lương trước thời hạn tháng 12 năm 2023

Thông báo Tuyển sinh đào tạo, bồi dưỡng năm 2024

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi sau phá dỡ nhà khách, kho

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và thực tiễn số 2 năm 2023

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và thực tiến số 1 năm 2023

Báo cáo công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị quý III; phương hướng nhiệm vụ quý IV năm 2022

Hướng dẫn trình bày bài viết thu hoạch nghiên cứu thực tế các lớp Trung cấp lý luận chính tri

Hướng dẫn khen thưởng học viên các lớp đào tạo, bồi dưỡng tại Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8581377

Đang Online : 923