Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2018  >> Thông tin lý luận và thực tiễn số 2

Ngày Đăng:7/6/2018 10:04:00 PM Lượt xem: 926

MỘT SỐ KẾT QUẢ CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN NA HANG TRONG HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
VỀ VĂN HÓA
 
Ths. Vi Thị Thu Hiền
Khoa Nhà nước và pháp luật
 
Văn hóa là lĩnh vực vô cùng rộng lớn, là tổng thể những giá trị vật chất, tinh thần và trí tuệ của con người. Văn hóa do con người sáng tạo ra, chi phối toàn bộ hoạt động của con người. Văn hóa tạo nên những chuẩn mực và truyền thống riêng có của một dân tộc, một quốc gia, là nhân tố hàng đầu đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Trong Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII), Đảng ta khẳng định: “Văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện mình. Vǎn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc”.
Là một huyện vùng cao của tỉnh Tuyên Quang, Na Hang có những nét văn hóa truyền thống tiêu biểu của 13 dân tộc sinh sống như hát Páo dung của người Dao, hát Then, Cọi của người Tày, múa khèn, múa ô của người Mông… cùng với các lễ hội truyền thống (Lễ hội giã cốm; Lễ hội xuống đồng; Lễ hội bắt cá…)
Trong những năm qua hoạt động quản lý nhà nước về văn hóa của Ủy ban nhân dân huyện luôn có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Huyện ủy, sự phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả các cơ quan chuyên môn của huyện, của các xã, thị trấn; hoạt động văn hóa, thông tin, thể thao, du lịch đã phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị và từng bước đi vào chiều sâu, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên. Nhiều phong trào văn hóa lớn được triển khai rộng khắp đến các xã, thị trấn, các cơ quan và được nhân dân đồng tình hưởng ứng, nổi bật như: Phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội...
Các hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội diễn ra trên địa bàn huyện cũng luôn được quan tâm và đẩy mạnh công tác quản lý, đặc biệt là các di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh khu vực lòng hồ thủy điện Tuyên Quang. Mặt khác UBND huyện thường xuyên chỉ đạo các công tác khác như: Phối hợp khai quật khảo cổ học hang Mè Vằng xã Sơn Phú, huyện Na Hang; rà soát các thôn bản có đủ điều kiện xây dựng nhà văn hóa thôn, bản trên địa bàn huyện... tuyên truyền 70 năm ngày Thương binh Liệt sỹ; kiểm tra rà soát chất lượng các công trình cột tháp ăngten trên địa bàn huyện; kế hoạch tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm 72 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9; thông báo triệu tập lớp tập huấn tại tỉnh về pháp luật quảng cáo, tập huấn pháp luật về karaoke.
 Hoạt động văn nghệ kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước và phục vụ nhiệm vụ chính trị của huyện cũng thường xuyên được chỉ đạo tổ chức như: Hỗ trợ các đơn vị tập luyện chương trình văn nghệ Đại hội chi bộ, Đại hội công đoàn cơ sở; chỉ đạo tổ chức liên hoan văn nghệ quần chúng xã, thị trấn hằng năm và các chương trình phục vụ nhiệm vụ trị đột xuất... Hiện nay duy trì 139 đội văn nghệ quần chúng xã, thị trấn, thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn toàn huyện.
Chỉ đạo tổ chức tốt 5 lễ hội Lồng Tông truyền thống vào ngày mùng 4 tháng Giêng tại thị trấn Na Hang; ngày 6 tháng Giêng tại xã Yên Hoa; ngày 7 tháng Giêng tại xã Đà Vị; ngày 8 tháng Giêng tại xã Côn Lôn; ngày 10 tháng Giêng tại xã Năng Khả trong mỗi dịp tết đến xuân về. Huyện đã tổ chức thành công Cuộc thi trâu, bò khỏe đẹp và chợ trâu vào ngày 07 tháng Giêng tại xã Đà Vị (gắn với lễ hội Lồng Tông). Bên cạnh đó công tác tuyên truyền phục vụ kịp thời các sự kiện, các nhiệm vụ chính trị diễn ra trên địa bàn huyện cũng luôn được UBND huyện quan tâm, chỉ đạo thực hiện như: Tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân, cơ quan, tổ chức tham gia vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ ở cơ sở; mở lớp tập huấn phổ biến các văn bản pháp luật về quảng cáo; các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa tham gia tập huấn pháp luật về karaoke tại thành phố Tuyên Quang... Chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn huyện Na Hang; phối hợp chỉ đạo xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố theo Nghị quyết 03/2016/NQ-HĐND, tổng số 15 nhà, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 06 nhà, còn 09 nhà đang hoàn thiện; kế hoạch xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố văn hóa năm 2018 trên địa bàn huyện.
Để phát triển văn hóa một cách toàn diện và gắn kết các giá trị văn hóa với phát triển du lịch trên địa bàn huyện, Ủy ban nhân dân huyện đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch như: Chương trình hành động số 09-CTr/HU ngày 02/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện thực hiện Kết luận số 28-KL/TU ngày 18/5/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020; Chương trình hành động số 25-CTr/HU ngày 15/9/2017 của Ban Thường vụ Huyện ủy thực hiện Chương trình hành động số 15-CTr/TU ngày 27/6/2017 của ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh mũi nhọn...
Công tác quản lý, kiểm tra các hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa, dịch vụ du lịch trên địa bàn huyện nhằm mục đích tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao nhận thức về pháp luật cho cơ sở, các tổ chức, cá nhân hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hóa, dịch vụ du lịch... được thực hiện thường xuyên và từng bước đi vào nền nếp.
Cùng với việc khai thác tiềm năm về du lịch Ủy ban nhân dân huyện luôn trú trọng đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, xây dựng các thiết chế văn hóa, phong trào văn hóa, văn nghệ... được nhân dân đồng tình ủng hộ và tích cực tham gia. Ủy ban nhân dân huyện đã chủ động phối hợp nghiên cứu lập hồ sơ khoa học và được Nhà nước xếp hạng 11 di tích lịch sử văn hóa và thắng cảnh cấp Quốc gia; Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận 03 di tích cấp tỉnh; in và phát hành tập truyện cổ Na Hang… qua đó góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống ở Na Hang.
Bên cạnh kết quả trên, trong quá trình quản lý nhà nước về văn hóa vẫn còn một số tồn tại như: Một số thiết chế văn hóa cấp huyện chưa được đầu tư (nhà làm việc, thư viện huyện...); đội ngũ cán bộ, công chức thuộc biên chế phòng Văn hóa và Thông tin huyện còn ít (02 người) nên khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao; chưa thu hút được vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất vào các khu du lịch đã quy hoạch; sản phẩm du lịch của huyện còn ít; việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đề ra theo lộ trình còn chậm…
Để hoàn thành những mục tiêu về kinh tế xã hội gắn với giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, qua đó xây dựng và phát triển huyện về mọi mặt Ủy ban nhân dân huyện tiếp tục nhấn mạnh: Tăng cường hơn nữa công tác quản lý văn hóa và dịch vụ văn hóa trên địa bàn; xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao, tiếp tục xây dựng các câu lạc bộ hát Then, đàn tính; các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, gia đình, thông tin - truyền thông, tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ chính trị trên địa bàn huyện được mở rộng và tăng cường...
 Với những định hướng và hành động thiết thực, cụ thể, trong thời gian tới Na Hang sẽ đạt được nhiều thành tựu hơn nữa trong việc đảm bảo giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, lâu đời  của địa phương, đồng thời tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXI đã đề ra.

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8277954

Đang Online : 146