Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2018  >> Thông tin Lý luận và thực tiễn số 3

Ngày Đăng:12/11/2018 3:16:00 PM Lượt xem: 996

TỔNG BÍ THƯ, CHỦ TỊCH NƯỚC TRONG HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ VIỆT NAM
  Thạc sĩ Mai Quang Thắng
Trưởng khoa Nhà nước và pháp luật

Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ nhậm chức. Nguồn: thanhnien.vn
Thuật ngữ “hệ thống chính trị” được chính thức sử dụng từ Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI (tháng 3/1989), hiện nay hệ thống chính trị Việt Nam gồm có: Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng. Hệ thống chính trị Việt Nam được xây dựng từ cấp Trung ương tới cấp cơ sở, được vận hành theo cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và Nhân dân làm chủ, không ngừng hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.
Điều lệ Đảng quy định: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân; dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; đoàn kết và lãnh đạo nhân dân tiến hành sự nghiệp cách mạng. Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là một bộ phận của hệ thống ấy”. Người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam là Tổng Bí thư. Ban Chấp hành Trung ương bầu Tổng Bí thư trong số Ủy viên Bộ Chính trị; đồng chí Tổng Bí thư giữ chức vụ Tổng Bí thư không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp. Tổng Bí thư cũng là Bí thư Quân ủy Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Trong Đảng thực hiện lãnh đạo theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, song vai trò của Tổng Bí thư ảnh hưởng quan trọng đến việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng vì: Tổng Bí thư chịu trách nhiệm cao nhất trước Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; chủ trì hội nghị, các hoạt động của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ký các văn bản thuộc thẩm quyền; chỉ đạo tổ chức, triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng.
Hiến pháp năm 2013 có những quy định cơ bản nhất về các cơ quan của bộ máy nhà nước Việt Nam như Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Chính quyền địa phương, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước. Theo đó, Chủ tịch nước được quy định ở chương IV, gồm 8 điều (từ điều 86 đến điều 93), “Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại”, “Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số các đại biểu Quốc hội”, “chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội”, “nhiệm kỳ của Chủ tịch nước theo nhiệm kỳ của Quốc hội” – hiện nay là Quốc hội khóa XIV, nhiệm kỳ 2016 - 2021. Trong Hiến pháp, Chủ tịch nước có nhiều nhiệm vụ, quyền hạn như: Công bố Hiến pháp, luật, pháp lệnh; Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ; đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Quyết định tặng thưởng Huân chương, Huy chương, các giải thưởng nhà nước, danh hiệu vinh dự nhà nước; quyết định cho nhập quốc tịch, thôi quốc tịch, trở lại quốc tịch hoặc tước quốc tịch Việt Nam; Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh; Chủ tịch nước có quyền tham dự phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, phiên họp của Chính phủ. Chủ tịch nước có quyền yêu cầu Chính phủ họp bàn về vấn đề mà Chủ tịch nước xét thấy cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước…
Về tiêu chuẩn chức danh Tổng Bí thư và Chủ tịch nước được cụ thể trong Quy định số 90-QĐ/TW, ngày 04/8/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý như sau:
Tổng Bí thư: Bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng thời cần có những phẩm chất, năng lực: Có uy tín cao trong Trung ương, Bộ Chính trị và trong toàn Đảng; là trung tâm đoàn kết, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân và sức mạnh thời đại để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Tiêu biểu nhất về đạo đức, trí tuệ của toàn Đảng. Có trình độ cao về lý luận chính trị, xây dựng Đảng. Có kiến thức sâu, rộng, toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại,… Có bản lĩnh chính trị, năng lực, nghiên cứu, phát hiện, đề xuất, phát triển tư tưởng mới và chiến lược lớn, lâu dài; quyết đoán, quyết liệt để quyết định những vấn đề khó, phức tạp liên quan đến vận mệnh của Đảng, của quốc gia, của dân tộc. Có năng lực lãnh đạo, điều hành Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; có năng lực chỉ đạo chuẩn bị, xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đặc biệt là người kế nhiệm. Đã kinh qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở chức danh bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương; tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên (trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định).
Chủ tịch nước: Bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng thời cần có các phẩm chất, năng lực: Có uy tín cao, là hạt nhân đoàn kết trong Trung ương, Bộ Chính trị và trong toàn Đảng. Có năng lực nổi trội, toàn diện trên các mặt công tác, nhất là lĩnh vực đối nội, đối ngoại, an ninh, quốc phòng; hiểu biết sâu, rộng về công tác tư pháp. Là trung tâm đoàn kết các lực lượng xã hội và các cộng đồng dân tộc trong, ngoài nước. Quyết liệt trong lãnh đạo, điều hành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công. Đã kinh qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở chức danh bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương, tham gia Bộ Chính trị trong một nhiệm kỳ trở lên (trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định).
Hệ thống chính trị Việt Nam mang tính nhất nguyên về chính trị, không có chính đảng đối lập, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động, có tính thống nhất cao dựa trên nguyên tắc tập trung dân chủ và gắn bó mật thiết với Nhân dân. Sự gắn bó mật thiết giữa hệ thống chính trị với Nhân dân thể hiện ở chỗ đây là quy luật tồn tại, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, Nhà nước; là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; Đảng và Nhà nước là phương thức thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân. Tổng Bí thư và Chủ tịch nước là cầu nối đặc biệt quan trọng giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân. Do đó, đây là hai chức danh rất quan trọng trong hệ thống chính trị của Việt Nam, dù vị trí, chức năng, nhiệm vụ khác nhau nhưng quá trình hoạt động đều lấy dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh là mục tiêu.
Qua một số ý trên, có thể nhận thấy Tổng Bí thư và Chủ tịch nước là hai thiết chế của hai tổ chức khác nhau trong hệ thống chính trị Việt Nam, Tổng Bí thư là người đứng đầu Đảng Cộng sản, Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước. Về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Tổng Bí thư được quy định trong Điều lệ Đảng và các văn bản của Đảng về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Chủ tịch nước được quy định trong Hiến pháp và các văn bản luật của Nhà nước.
Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, quá trình hoạt động Đảng giới thiệu đảng viên của mình để các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền bầu giữ vị trí lãnh đạo Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Đảng viên được giới thiệu không những phải đảm bảo các tiêu chuẩn của Đảng mà còn phải đảm bảo các tiêu chuẩn cụ thể của vị trí, chức danh mà mình được giới thiệu.

Xuất phát từ những vấn đề có tính nguyên tắc trên, tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất rất cao (100%) giới thiệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước. Chiều 23/10/2018, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức vụ Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2016-2021 (99,79% đại biểu tán thành). Như vậy, đồng chí Nguyễn Phú Trọng là người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam và đứng đầu Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tuy nhiên như đã tìm hiểu ở trên, Tổng Bí thư và Chủ tịch nước là hai chức danh khác nhau, không phải kiêm nhiệm hoặc nhất thể hóa, mà phải hiểu là một người đảm nhiệm hai công việc.
Thời gian qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại nhiều dấu ấn trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân bởi uy tín, năng lực, kinh nghiệm, tâm huyết, đặt lợi ích chung lên trên hết và công cuộc đấu tranh chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh. Trong điều kiện cụ thể, Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước là quyết định phù hợp với “ý Đảng, lòng dân”, có lợi cho Đảng, đất nước vì về mặt lý luận Đảng ta là đảng cầm quyền mà đã cầm quyền trước hết Đảng phải lãnh đạo Nhà nước chăm lo xây dựng bộ máy trong sạch, vững mạnh thực sự là nhà nước của dân, do dân và vì dân. Về thực tiễn, hiện nay Đảng, Nhà nước ta đang thực hiện chủ trương tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước sẽ tạo sự nhất quán trong công tác đối nội và đối ngoại của Việt Nam, quá trình lãnh đạo sẽ tập trung, thuận lợi cho việc phối hợp công việc của Đảng và Nhà nước. Việc triển khai tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng sẽ được Nhà nước cụ thể hóa, thể chế hóa nhanh và kịp thời, điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho đất nước trong mở rộng quan hệ ngoại giao, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Các tin liên quan:

Thông báo

Thông báo về việc tổ chức Hội thi học viên học giỏi lý luận chính trị năm 2024

Thông báo danh sách viên chức đề nghị xét nâng bậc lương trước thời hạn năm 2024

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và Thực tiễn năm 2024

Thông báo danh sách viên chức đủ điều kiện nâng bậc lương trước thời hạn tháng 12 năm 2023

Thông báo Tuyển sinh đào tạo, bồi dưỡng năm 2024

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi sau phá dỡ nhà khách, kho

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và thực tiễn số 2 năm 2023

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và thực tiến số 1 năm 2023

Báo cáo công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị quý III; phương hướng nhiệm vụ quý IV năm 2022

Hướng dẫn trình bày bài viết thu hoạch nghiên cứu thực tế các lớp Trung cấp lý luận chính tri

Hướng dẫn khen thưởng học viên các lớp đào tạo, bồi dưỡng tại Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8508854

Đang Online : 46