Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2019  >> Số 02/2019

Ngày Đăng:12/25/2019 9:40:00 AM Lượt xem: 802

Với vai trò là cơ quan cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng quyền làm chủ của nhân dân ở địa phương. Hội đồng nhân dân (HĐND) thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hóa có tổng số đại biểu HĐND thị trấn là 27 đại biểu, trong đó đại biểu nữ là 10 đại biểu chiếm 37%; nam là 17 đại biểu chiếm 63%; trình độ chuyên môn: Đại học 11 đại biểu chiếm 40,7%; cao đẳng 02 đại biểu chiếm 7,4%; trung cấp 07 đại biểu chiếm 25,9%; lý luận chính trị: Trung cấp 11 đại biểu chiếm 40,7%, sơ cấp 04 đại biểu chiếm 14,8%. Từ đầu nhiệm kỳ đến năm 2019 HĐND thị trấn Vĩnh Lộc có nhiều giải pháp tích cực để nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động giám sát, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thị trấn, khẳng định được vai trò là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở, là nơi đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân.
Căn cứ vào chương trình hoạt động hằng năm, Thường trực HĐND thị trấn Vĩnh Lộc đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát của Thường trực HĐND, các ban HĐND thị trấn đúng theo luật định. Việc lựa chọn hình thức, nội dung giám sát phù hợp với điều kiện thực tiễn của hoạt động HĐND như: Giám sát tại các kỳ họp, giám sát thông qua hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật và giám sát chuyên đề. Từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến năm 2019, HĐND thị trấn, các ban HĐND thị trấn đã tổ chức trên 20 cuộc giám sát chuyên đề tập trung vào một số lĩnh vực liên quan đến quyền lợi trực tiếp của người dân (cấp thẻ BHYT cho hộ nghèo, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân); giám sát các vấn đề về thu chi ngân sách, quỹ công chuyên dùng và các khoản thu khác trên địa bàn; giám sát thực hiện hiện việc bầu tổ trưởng, tổ phó tổ  nhân dân nhiệm kỳ 2018-2020…. Qua công tác giám sát, Thường trực HĐND, các ban HĐND thị trấn đã có nhiều kiến nghị với UBND thị trấn, để có giải pháp khắc phục kịp thời những vấn đề còn hạn chế, thiếu sót trong việc tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết của HĐND các cấp mà cán bộ, cử tri và nhân dân phản ánh về những vấn đề bức xúc, nổi cộm ở địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hoạt động giám sát vẫn còn một số hạn chế đó là: Việc tham gia hoạt động giám sát của đại biểu và nhận thức về vai trò giám sát của HĐND còn hạn chế; hình thức giám sát chưa được đổi mới; thông tin phục vụ cho hoạt động giám sát chưa đầy đủ; nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri và những vấn đề nổi cộm, bức xúc của nhân dân chưa được xem xét, giải quyết kịp thời, dứt điểm; việc theo dõi, đôn đốc các đơn vị có liên quan thực hiện kết luận, kiến nghị qua giám sát chưa thường xuyên, quyết liệt. Nguyên nhân của một số hạn chế nêu trên là do: Thiếu các chế tài xử lý đối với việc không thực hiện các kiến nghị sau giám sát của đơn vị được giám sát; một số đại biểu còn hạn chế về trình độ, năng lực, thiếu tâm huyết với HĐND; điều kiện đảm bảo cho các hoạt động của HĐND, đại biểu HĐND còn hạn chế (thiếu các thiết bị phục vụ giám sát về hình ảnh); công tác phối hợp giữa Thường trực HĐND, các ban của HĐND với các tổ chức chính trị - xã hội trong hoạt động giám sát còn hạn chế. Trong thời gian tới để hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND thị trấn đi vào thực chất và hiệu quả cần xem xét thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, lựa chọn nội dung giám sát phải phù hợp sát thực tế
Nội dung giám sát phải thiết thực và phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của địa phương trong từng thời điểm; được các cấp, các ngành và dư luận xã hội quan tâm. Để làm được điều này thì nhất thiết phải có đủ thông tin, tức là thông qua quá trình công tác của mình, đại biểu phải thu thập, chọn lọc và xử lý thông tin từ thực tiễn, từ ý kiến, kiến nghị của cử tri, trên cơ sở đối chiếu với các quy định của pháp luật, xem xét, đánh giá một cách thận trọng, khách quan, phù hợp với tình hình và dự báo xu hướng phát triển kinh tế - xã hội. Nếu xét thấy có vấn đề bất cập, chưa phù hợp với thực tế, cần điều chỉnh, bổ sung, đại biểu HĐND đề nghị Thường trực HĐND tổng hợp trình HĐND xem xét, quyết định đưa vào chương trình giám sát hoặc có thể tự tiến hành ngay việc giám sát, khảo sát theo quy định của pháp luật.
Khi thực hiện chương trình giám sát HĐND cần sắp xếp thứ tự ưu tiên, tránh dàn trải, có thể kết hợp nhiều nội dung có liên quan vào một đợt giám sát, khảo sát, hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan chấp hành, nhằm phát huy vị thế độc lập và vai trò đại diện của nhân dân.
Thứ hai, thực hiện tốt công tác chuẩn bị
Xây dựng và ban hành chương trình giám sát năm của Thường trực HĐND, các ban của HĐND, cần chú ý đến việc sắp xếp thời gian, đơn vị, địa điểm sao cho hợp lý, khoa học, tránh chồng chéo, trùng lặp. Kế hoạch, đề cương giám sát phải được xây dựng thật cụ thể, chi tiết, tập trung vào các vấn đề trọng tâm, trọng điểm; xác định mốc thời gian báo cáo, yêu cầu cung cấp đầy đủ thông tin, số liệu và gửi đến cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát và các đơn vị có liên quan theo quy định của pháp luật. Sau khi nhận được báo cáo của các đơn vị chịu sự giám sát, Thường trực HĐND, các ban của HĐND xem xét, quyết định lựa chọn đơn vị, thời gian giám sát và các dự án, công trình, mô hình... cần kiểm tra thực tế. Nếu báo cáo không đảm bảo yêu cầu theo đề cương giám sát, Thường trực HĐND, các ban của HĐND đề nghị đơn vị báo cáo bổ sung hoặc xây dựng lại báo cáo theo đúng yêu cầu đặt ra. Đối với những đơn vị không chấp hành, cần nhắc nhở, kiểm điểm nghiêm túc.
Thành phần đoàn giám sát phải tinh gọn, có sự tham gia đầy đủ của đại biểu HĐND có chuyên môn, đại biểu HĐND ứng cử trên địa bàn mà đoàn đến giám sát, khảo sát trực tiếp. Ngoài ra, tùy theo từng nội dung giám sát, khảo sát cụ thể, thành phần đoàn giám sát có thể mời đại diện một số ngành, cá nhân có năng lực, kinh nghiệm, am hiểu sâu về nội dung giám sát tham gia.
Thứ ba, đánh giá đúng thực trạng của chuyên đề giám sát trong tổ chức giám sát.
Ngoài giám sát thông qua các báo cáo của đơn vị chịu sự giám sát, đoàn giám sát cần khảo sát thực tế; phân tích làm rõ những kết quả đạt được cần phát huy, những tồn tại, hạn chế cần khắc phục; xác định rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế để có cơ sở đề xuất giải pháp thực hiện; giám sát cần xác định rõ những bất cập của chính sách để đề xuất, kiến nghị tháo gỡ kịp thời.
Tại các buổi làm việc, đoàn giám sát cần tổng hợp đầy đủ, cụ thể theo từng vấn đề, nêu rõ những ưu điểm, bất cập, hạn chế có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến quá trình triển khai thực hiện. Nhất là những vấn đề xuất phát qua việc thực hiện các nghị quyết của đảng ủy, HĐND, trên cơ sở đó cùng trao đổi với các đơn vị, địa phương thống nhất giải pháp xử lý. Đối với những bất cập, yếu kém thuộc về trách nhiệm của các bộ phận chuyên môn trong quá trình tổ chức thực hiện phải yêu cầu UBND thị trấn, các đơn vị có liên quan tiếp thu, giải trình; đồng thời cùng trao đổi, thảo luận xác định rõ nguyên nhân và đi đến thống nhất các giải pháp khắc phục, tháo gỡ khó khăn và thời gian để giải quyết, xử lý dứt điểm, cuối cùng đoàn giám sát tổng hợp, hoàn thiện báo cáo. Báo cáo kết quả giám sát cần ngắn gọn, xúc tích, đánh giá rõ về ưu điểm, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, những kiến nghị cụ thể, rõ ràng để cơ quan cấp trên xem xét và các cơ quan chịu sự giám sát dễ tiếp thu và chỉ đạo, thực hiện.
Thứ tư, thực hiện tốt các kiến nghị, kết luận sau khi kết thúc giám sát. 
Thường trực HĐND, các ban của HĐND phải thường xuyên theo dõi, đôn đốc các đơn vị có liên quan chỉ đạo, triển khai thực hiện các kiến nghị, kết luận sau giám sát đảm bảo kịp thời, hiệu quả và báo cáo kết quả thực hiện, xử lý, giải quyết đến HĐND.
Chất lượng của giám sát được đánh giá qua việc đưa ra các kết luận, kiến nghị đúng, hợp lý và có tính khả thi cao. Hiệu quả giám sát của HĐND thể hiện ở việc các kết luận, kiến nghị của HĐND được các cơ quan, tổ chức và cá nhân chịu sự giám sát thực hiện nghiêm chỉnh. Đồng thời cần có những biện pháp xử lý đối với các đối tượng chịu sự giám sát không chấp hành nghiêm các kết luận, kiến nghị của đoàn giám sát.
Thứ năm, thực hiện tốt công tác phối hợp với các đơn vị có liên quan trong hoạt động giám sát.
Chủ động phối hợp giữa Thường trực HĐND, các ban của HĐND với các tổ chức chính trị - xã hội của thị trấn trong hoạt động giám sát để tận dụng được kết quả giám sát của nhau. Để tăng hiệu quả công tác giám sát, những nội dung phối hợp sẽ xoay quanh những kết quả, kiến nghị giám sát của các ban và Thường trực HĐND thị trấn, đồng thời, công khai các kết quả giám sát để cử tri và nhân dân theo dõi, giám sát.
Thứ sáu, thường xuyên cử đại biểu HĐND thị trấn tham gia tập huấn nâng cao kỹ năng đại biểu.
Ngoài việc được tập huấn chung vào đầu các nhiệm kỳ như hiện nay, thiết nghĩ HĐND thị trấn cần xây dựng kế hoạch cử đại biểu HĐND thị trấn tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên sâu cần thiết theo từng lĩnh vực để đại biểu HĐND thị trấn thực hiện tốt hơn chức năng giám sát của mình.
Như vậy, giám sát là theo dõi, xem xét, đánh giá việc thực thi Hiến pháp, pháp luật và nghị quyết của HĐND tại địa phương, đây là hoạt động nhằm đảm bảo kỷ cương, kỷ luật, tính pháp quyền và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Do đó, trong thời gian tới cần thực hiện từng bước và đồng bộ các giải pháp nêu trên để hoạt động giám sát đi vào thực chất và đạt hiệu quả cao hơn đảm bảo HĐND thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân ở địa phương./.

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8278014

Đang Online : 206