Nội san >> Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2021 >> Thông tin lý luận và thực tiễn số 1 năm 2021
Ngày Đăng:6/18/2021 8:44:00 AM Lượt xem: 1242
MỘT SỐ Ý KIẾN TRAO ĐỔI VỀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIẢNG DẠY MÔN LỊCH SỬ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TUYÊN QUANG
Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TUYÊN QUANG
Thạc sĩ Phạm Thị Thu Trang
Giảng viên khoa Xây dựng Đảng
Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam là môn khoa học thuộc khoa học lịch sử, có đối tượng nghiên cứu là sự ra đời, phát triển và hoạt động lãnh đạo của Đảng ta qua các thời kỳ lịch sử. Thông qua Cương lĩnh, chủ trương, chính sách lớn, đường lối cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và đi lên chủ nghĩa xã hội không ngừng được bổ sung, phát triển. Nghiên cứu lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp chúng ta nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn vai trò lãnh đạo của Đảng trong suốt tiến trình đấu tranh cách mạng, cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, từ hiện thực lịch sử, rút ra những bài học kinh nghiệm quý giá vận dụng trong thực tiễn công tác xây dựng Đảng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, củng cố niền tin của đảng viên và nhân dân đối với Đảng. Từ đó, ra sức phấn đấu thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Xuất phát từ ý nghĩa nêu trên, nâng cao chất lượng giảng dạy môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam ở Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang là nhiệm vụ quan trọng hiện nay.
Trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị, môn Lịch sử Đảng tập trung nghiên cứu vai trò lãnh đạo của Đảng ta từ khi thành lập đến nay, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm, bài học, quy luật quá trình lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Việt Nam. Phần học này giúp học viên nâng cao nhận thức về quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng qua các giai đoạn lịch sử; đồng thời giáo dục truyền thống cách mạng, bồi đắp tinh thần yêu nước, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.
Hiện nay, đội ngũ giảng viên Nhà trường nói chung, giảng viên tham gia giảng dạy phần học Lịch sử Đảng nói riêng có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống tốt; được đào tạo đúng chuyên ngành, có phương pháp sư phạm phù hợp với môn học. Bản thân mỗi giảng viên luôn nỗ lực phấn đấu tự rèn luyện, trau dồi trình độ chuyên môn, đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm đáp ứng nhu cầu dạy - học.
Bên cạnh thuận lợi, còn một số khó khăn trong quá trình giảng dạy môn Lịch sử Đảng: Một là, một số nội dung bài giảng giảng viên còn dành nhiều thời gian vào phân tích diễn biến các sự kiện lịch sử, chưa đi sâu phân tích kinh nghiệm, bài học lịch sử. Hai là, việc lồng ghép giảng dạy Lịch sử Đảng với đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của các phần tử phản động, cơ hội chưa được thường xuyên. Ba là, phương pháp giảng dạy chủ yếu của giảng viên là sử dụng phương pháp thuyết trình, chưa kích thích tư duy của học viên, phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả bài giảng. Bốn là, một số ít học viên chưa nhận thức đúng ý nghĩa, tầm quan trọng của môn học nên còn tư tưởng chủ quan trong quá trình học tập.
Để nâng cao chất lượng giảng dạy môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam ở Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang, theo tôi cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất, đội ngũ giảng viên cần nâng cao hơn nữa ý thức tự nghiên cứu, trau dồi tri thức, chú trọng công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn. Ngoài nghiên cứu giáo trình, đội ngũ giảng viên cần đọc nhiều sách chuyên khảo, xem phim tư liệu, đi nghiên cứu thực tế (thăm quan di tích lịch sử, gặp nhân chứng lịch sử). Đây là cách giúp giảng viên dựng lại lịch sử một cách chân thực, sống động, bài giảng sẽ trở nên phong phú, lôi cuốn người học. Đối với nội dung bài giảng, giảng viên cần giành thời gian thỏa đáng cho nghiên cứu, phân tích các bài học kinh nghiệm rút ra từ những vấn đề lịch sử. Từ đó định hướng giúp học viên vận dụng để giải quyết những vấn đề thực tiễn địa phương đang đặt ra.
Thường xuyên cập nhật những quan điểm, chủ trương mới của Đảng trong mọi lĩnh vực để vận dụng trong giảng dạy. Trong bối cảnh đất nước đẩy mạnh hội nhập toàn diện, đi vào chiều sâu đòi hỏi công tác nghiên cứu lý luận chính trị nói chung, nghiên cứu Lịch sử Đảng nói riêng càng phải chú trọng góp phần củng cố niềm tin vào sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng ta. Bản thân mỗi giảng viên luôn rèn luyện bản lĩnh chính trị, nắm chắc, hiểu sâu các vấn đề lịch sử để nâng cao công tác tuyên truyền, đấu tranh chống lại những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Ngoài ra, trong công tác nghiên cứu khoa học, cần đầu tư thời gian sưu tầm, xử lý tài liệu, nghiên cứu, khai thác nhiều nguồn tài liệu khác nhau, từ đó tổng hợp, khái quát thành những đề tài khoa học có tính thực tiễn cao. Nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Lịch sử Đảng cũng là một quá trình nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, qua đó tạo cơ sở thực hiện tốt công tác giáo dục, tuyên truyền lịch sử Đảng.
Thứ hai, thường xuyên đổi mới phương pháp giảng dạy. Đây là một yêu cầu không mới, trở thành một xu thế chung của ngành giáo dục trong cả nước. Tuy nhiên, đối với đặc thù môn Lịch sử Đảng cần kết hợp cả phương pháp giảng dạy truyền thống và phương pháp giảng dạy hiện đại. Bên cạnh khối lượng kiến thức cơ bản cần truyền đạt bằng phương pháp thuyết trình, cần gợi mở vấn đề để học viên liên hệ trong điều kiện thực tế ở cơ sở. Dù sử dụng phương pháp giảng dạy nào giảng viên vẫn đóng vai trò quan trọng trong quá trình truyền tải nội dung kiến thức, cũng như truyền cảm hứng học tập, giáo dục tinh thần yêu nước cho học viên. Chính vì vậy, mỗi giảng viên cần nỗ lực trau dồi, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc với quyết tâm đổi mới, sáng tạo, phù hợp với nội dung, chương trình đào tạo.
Thứ ba, đổi mới phương pháp ra đề thi và tổ chức thi hết học phần, tăng cường ra đề mở dưới dạng tổng hợp lý thuyết, liên hệ thực tiễn. Với dạng đề thi như vậy đòi hỏi học viên phải tập trung nghiên cứu, tư duy về nội dung bài học một cách hiệu quả và thiết thực.
Với đặc thù của bộ môn là hầu hết các sự kiện, bài học lịch sử đều bất biến, trong khi đề mở yêu cầu thường xuyên biến đổi để học viên phải giành thời gian nghiên cứu, liên hệ. Vì vậy, xây dựng đề mở phải theo hướng khai thác những giai đoạn lịch sử nhỏ hoặc cùng một nội dung câu hỏi nhưng cách đặt vấn đề khác nhau yêu cầu học viên phải suy nghĩ, linh hoạt, nhạy bén khi làm bài. Hệ thống đề mở được xây dựng nên đánh giá cao phần liên hệ thực tiễn bằng điểm số một cách phù hợp nhất. Kết hợp hai dạng thức tổng hợp kiến thức và liên hệ thực tiễn với nhau thành hệ thống đề mở đa dạng sẽ rèn luyện cho học viên kỹ năng tổng hợp kiến thức và liên hệ, vận dụng tốt trong công việc và cuộc sống.
Có thể nói nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị nói chung, chất lượng giảng dạy môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng có vai trò hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Thực hiện tốt nhiệm vụ trên không những góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, rèn luyện bản lĩnh chính trị, củng cố niềm tin của đội ngũ đảng viên vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc; đồng thời góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2025 tỉnh Tuyên Quang phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc được đề cập tại văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Các tin liên quan:
- ❧ KHÔNG NGỪNG CHĂM LO CƠ SỞ VẬT CHẤT PHỤC VỤ CÔNG TÁC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TUYÊN QUANG - Ngày đăng('6/18/2021 8:22:00 AM')
- ❧ TIẾP TỤC PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG 64 NĂM CỦA TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TUYÊN QUANG - Ngày đăng('6/18/2021 8:32:00 AM')
- ❧ MỘT SỐ GIẢI PHÁP ỨNG DỤNG HIỆU QUẢ CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG GIẢNG DẠY LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ TẠI TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TUYÊN QUANG - Ngày đăng('6/18/2021 8:39:00 AM')
- ❧ MỘT SỐ GIẢI PHÁP VẬN DỤNG HIỆU QUẢ NỘI DUNG VĂN KIỆN ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG VÀO GIẢNG DẠY CÁC PHẦN HỌC CỦA KHOA XÂY DỰNG ĐẢNG - Ngày đăng('6/18/2021 8:50:00 AM')
- ❧ ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ Ở KHOA LÝ LUẬN CƠ SỞ - Ngày đăng('6/18/2021 8:53:00 AM')
- ❧ TỰ VỆ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TUYÊN QUANG VỚI TRUYỀN THỐNG 86 NĂM CỦA LỰC LƯỢNG DÂN QUÂN TỰ VỆ - Ngày đăng('6/18/2021 8:57:00 AM')
- ❧ NỘI DUNG CƠ BẢN TRONG TUYÊN BỐ ỨNG XỬ CỦA CÁC BÊN Ở BIỂN ĐÔNG (DOC) VÀ CÁC BIỆN PHÁP GIẢI QUYẾT CÁC VẤN ĐỀ TRANH CHẤP Ở BIỂN ĐÔNG CỦA VIỆT NAM HIỆN NAY - Ngày đăng('6/18/2021 9:01:00 AM')
- ❧ PHÁT TRIỂN DU LỊCH GẮN VỚI BẢO TỒN, PHÁT HUY BẢN SẮC VĂN HÓA DÂN TỘC TẠI HUYỆN LÂM BÌNH - Ngày đăng('6/18/2021 9:09:00 AM')
- ❧ PHÁT TRIỂN KINH TẾ TRANG TRẠI Ở TỈNH TUYÊN QUANG - Ngày đăng('6/18/2021 9:20:00 AM')
- ❧ MỘT SỐ KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU SAU THỰC HIỆN CHỦ TRƯƠNG SÁP NHẬP THÔN TẠI XÃ THÁI BÌNH, HUYỆN YÊN SƠN - Ngày đăng('6/18/2021 9:24:00 AM')
- ❧ KHÁT VỌNG VƯƠN LÊN - ĐIỂM MỚI VỀ XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA, CON NGƯỜI TRONG VĂN KIỆN ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ TỈNH TUYÊN QUANG LẦN THỨ XVII, NHIỆM KỲ 2020 - 2025 - Ngày đăng('6/18/2021 9:29:00 AM')
- ❧ QUÁN TRIỆT NHỮNG QUAN ĐIỂM TRONG CÔNG TÁC XÂY DỰNG ĐẢNG VỀ CÁN BỘ CỦA ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG TRONG GIẢNG DẠY PHẦN HỌC XÂY DỰNG ĐẢNG TẠI TRƯỜNG CHÍNH TRỊ - Ngày đăng('6/18/2021 9:30:00 AM')
- ❧ PHÁT HUY TRÁCH NHIỆM, VAI TRÒ CỦA NGƯỜI ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI HIỆN NAY THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH - Ngày đăng('6/18/2021 9:46:00 AM')
- ❧ BẢO ĐẢM QUYỀN ĐƯỢC TIẾP CẬN THÔNG TIN CỦA NHÂN DÂN TRONG CUỘC BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021 - 2026 - Ngày đăng('6/18/2021 10:08:00 AM')