Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2022  >> Số 1 năm 2022

Ngày Đăng:3/22/2022 11:13:00 AM Lượt xem: 833

Sự kế thừa và phát triển quan điểm của Đảng về văn hóa, con người Việt Nam: Từ hội nghị văn hoá
toàn quốc năm 1946 đến hội nghị văn hóa toàn quốc khóa XIII
 
Ths, GVC Phạm Thị Thu Trang
Khoa Xây dựng Đảng
 
           Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hòa chung với xu thế phát triển của thế giới, Việt Nam đang nỗ lực vươn lên khẳng định mình với nhiều dấu ấn riêng có, góp phần nâng cao uy tín, vị thế trên trường quốc tế. Đất nước, con người đổi mới. Song hành với nhiều chuyển biến trên các lĩnh vực, giá trị văn hóa, con người lắng lại, kết thành tinh hoa, hồn cốt của dân tộc, là nền tảng, cơ sở, động lực để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của giá trị văn hóa, con người, từ khi ra đời cho đến nay Đảng ta luôn quan tâm xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, hướng tới chân- thiện- mỹ, xây dựng con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa đề cao tính nhân văn, nhân ái, nghĩa tình.
          Năm 1945, sau Cách mạng Tháng Tám thành công, đất nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.Trước tình hình đó, Hội đồng Chính phủ tiến hành họp ngày 03/9/1945, nêu lên 6 nhiệm vụ của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong đó có 2 nhiệm vụ cấp bách thuộc về văn hóa là diệt giặc dốt và giáo dục tinh thần cho nhân dân. Để khơi dậy và phát huy sức mạnh dân tộc, từng bước giải quyết khó khăn, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định cần phải tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, muôn người như một đoàn kết keo sơn đưa đất nước vượt qua sóng gió. Vì vậy, trong bộn bề công việc, Đảng ta đã tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ Nhất ngày 24/11/1946 tại Nhà hát Lớn, thành phố Hà Nội.
          Hội nghị đặc biệt nhấn mạnh đến giá trị văn hóa, con người với những vấn đề chính như: một là, xây dựng giá trị văn hóa trên cơ sở lợi ích quốc gia dân tộc, lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở. Hai là, văn hóa được đặt ngang hàng với các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội trong quá trình phát triển, tạo thành sức đề kháng bảo vệ một đất nước Việt Nam hùng cường, giàu bản sắc văn hóa. Ba là, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc hướng tới xây dựng cốt cách con người Việt Nam, làm thế nào cho văn hóa thấm sâu trong tâm lý của quốc dân, ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do. Nhấn mạnh vai trò, sức mạnh của văn hóa trong kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”.
          Với những nội dung cốt lõi được nêu tại hội nghị “Diên Hồng” về văn hóa năm 1946 cho thấy từ sớm Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định rõ vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự nghiệp cách mạng nước nhà. Đặc biệt trong bối cảnh chính quyền cách mạng non trẻ mới thành lập, đối mặt với nhiều thách thức, văn hóa càng phải thể hiện rõ xứ mệnh cao cả là tập hợp sức mạnh quần chúng, sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ trong nhân dân. Văn hóa phải phát huy nội lực dân tộc, thực hiện thắng lợi mục tiêu chống giặc ngoại xâm, tích cực chuẩn bị lực lượng văn hóa phục vụ cho sự nghiệp “kháng chiến, kiến quốc” trong những năm tiếp theo. Như vậy, giá trị văn hóa, con người được Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 1946 khẳng định là một nhiệm vụ quan trọng của văn hóa để toàn thể nhân dân đều nhận thức rõ giá trị của tự do, hạnh phúc, có tinh thần trách nhiệm vì nước quên thân, vì lợi ích chung mà quên lợi ích cá nhân. Mặc dù diễn ra trong thời gian ngắn nhưng Hội nghị có ý nghĩa quan trọng tác động sâu sắc tới nhận thức của toàn dân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chung của dân tộc là đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước.
          Thời kỳ đổi mới, trên cơ sở tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) ngày 09/6/2014 đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước nhấn mạnh đến yếu tố con người trong quá trình thực hiện đường lối chiến lược về văn hóa. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, cần đặc biệt quan tâm đến các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước. Trong bối cảnh đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, kinh tế chuyển biến tích cực, đời sống nhân dân đủ đầy hơn trước, hơn bao giờ hết những giá trị nêu trên càng phải được trân quý và phát huy, tạo nên sự cân bằng giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần trong cuộc sống hiện đại. Đây là vấn đề trọng tâm được Đảng ta nhấn mạnh và xác định phải thực sự tâm huyết xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu hiện nay.
          Xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế mang đến cho đất nước nhiều cơ hội phát triển, song cũng đặt ra không ít thách thức, nhiệm vụ xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, có năng lực, phẩm chất ngày càng trở nên bức thiết. Để thực hiện thành công khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng được tổ chức long trọng ngày 24/11/2021 tiếp tục bổ sung, phát triển nhiều quan điểm mới, trong đó nhấn mạnh nội dung giá trị, văn hóa con người Việt Nam như sau:
            Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; tập trung xây dựng hệ giá trị quốc gia, hiện giá trị văn hóa và những chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới
             Sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, giá trị văn hóa, con người đạt được nhiều thành tựu quan trọng, ngày càng hướng tới chất lượng. Trình độ, năng lực, bản lĩnh con người Việt Nam được khẳng định; không dừng lại ở đó để tiếp tục có những bứt phá trong quá trình phát triển Đảng ta tiếp tục đề cao phát triển con người một cách toàn diện, vừa hồng, vừa chuyên, có đời sống tinh thần thấm đẫm tính nhân văn trong cuộc sống hiện đại là điều rất cần thiết.
            Quan tâm phát triển toàn diện con người là cơ sở để xây dựng hệ giá trị gia đình, hệ giá trị quốc gia trong thời kỳ mới. Trong điều kiện đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng vào sân chơi thế giới, việc gắn bó chặt chẽ mối quan hệ giữa chuẩn mực con người với hệ giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị quốc gia là một nhận thức mới. Trong đó, Đảng ta đặt hệ giá trị gia đình vào vị trí quan trọng, với tư cách là tế bào của xã hội, là hạt nhân lưu giữ và phát huy các giá trị quốc gia, giá trị văn hóa, con người Việt Nam. Gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên để nuôi dưỡng tính cách mỗi con người. Vì vậy, thực sự cần thiết phải quan tâm, có những giải pháp, điều kiện tích cực hơn trong việc xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam trong điều kiện mới.
             Chăm lo giáo dục, bồi dưỡng, phát triển con người, nhất là thiếu niên, nhi đồng
            Kế thừa quan điểm phát triển toàn diện đất nước, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục  xác định nhiệm vụ chăm lo giáo dục, bồi dưỡng, phát triển con người, đặt con người vào vị trí trung tâm của sự nghiệp đổi mới. Song hành với sự phát triển về kinh tế, giá trị văn hóa dân tộc không được mất đi mà ngược lại cần cân bằng giữa cuộc sống vật chất và tinh thần, hài hòa giữa nhu cầu kinh tế và đời sống đạo đức, văn hóa. Muốn vậy, Đảng ta chủ trương tiếp tục giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng nhằm nâng cao trách nhiệm với non sông.
          Trong vấn đề phát triển con người, giáo dục, bảo vệ trẻ em, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng được đặt lên hàng đầu. Đây là vấn đề không mới nhưng Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định rõ nét và đưa ra nhưng nhiệm vụ cụ thể, quyết tâm thực hiện. Đảng ta xác định, thanh thiếu niên, nhi đồng là lực lượng quyết định tương lai của đất nước nên cần được bồi dưỡng toàn diện. Song đây cũng là lớp người dễ bị tổn thương, cần được quan tâm, bảo vệ chăm sóc tốt hơn nữa. Những nội dung được nhấn mạnh trong giáo dục, bồi dưỡng con người nói chung, thế hệ trẻ nói riêng là “lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội”; “nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt Nam[1]. Đó là những yếu tố căn cốt để thế hệ trẻ - mầm non tương lai của đất nước cần được quan tâm, rèn luyện, có môi trường phát huy hết khả năng, sức sáng tạo của mình trong dòng chảy phát triển chung của nhân loại.
Từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam; xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại.
          Đây là lần đầu tiên trong văn kiện chính thức của Đảng đặt vấn đề khắc phục những hạn chế của con người Việt Nam, thể hiện bước nhận thức sâu sắc, toàn diện về giá trị văn hóa, con người trong thời đại mới. Bên cạnh những thành tựu nổi bật trong lĩnh vực văn hóa, Đảng ta thẳng thắn đặt vấn đề khắc phục hạn chế của con người Việt Nam bị ảnh hưởng trước những tác động của cơ chế thị trường, đô thị hóa, hiện đại hóa. Những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa được Đảng ta nghiêm túc chỉ ra tại Hội nghị TW 4 khóa XI, Hội nghị TW 4 khóa XII và Đại hội XIII. Với tinh thần tự phê bình và phê bình, Đảng ta nhận định đúng, trúng những hạn chế, để từ đó tập trung giáo dục, phát huy những đức tính tốt đẹp của con người Việt Nam đã được hình thành trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước. Từ đó, kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại là yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Đó là những yếu tố quan trọng góp phần rèn luyện bản lĩnh con người Việt Nam ngày càng hoàn thiện.
           Đề cao tính tiên phong, gương mẫu trong văn hóa ứng xử của người lãnh đạo, cán bộ, đảng viên, trong cơ quan, đơn vị.
          Việc đề cao tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên không đơn thuần chỉ trong lời nói, cách thức giao tiếp mà phải xuất phát từ nhận thức, thái độ, đạo đức, lối sống dân chủ, tôn trọng nhân dân, thái độ, trách nhiệm và tình thương yêu với đồng chí, đồng nghiệp, nhằm xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đề cao và thực hiện tính tiên phong trong văn hóa ứng xử là một nội dung quan trọng của việc xây dựng văn hóa trong chính trị, trong đó: “chú trọng chăm lo văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể”, một yêu cầu đã được đặt ra tại hội nghị Trung ương 9 khóa XI (Nghị quyết số 33-NQ/TW) ngày 09/6/2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, coi xây dựng văn hóa trong Đảng như một nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị, trong sạch, vững mạnh.
          Nội dung cốt lõi xây dựng văn hóa trong Đảng được xác định là: “xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất, đạo đức, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ Quốc, phục vụ nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân; có ý thức thượng tôn pháp luật, dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương; tự do cá nhân gắn liền với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân. Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, công chức, đảng viên”[2]
          Những nội dung mới nổi bật được Đảng ta đề cập tại Hội nghị văn hóa toàn quốc khóa XIII chính là những yếu tố cốt tử để xây dựng và phát huy những phẩm chất tốt đẹp, hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam. Đồng thời cũng là điều kiện không thể thiếu để thực hiện được định hướng quan trọng phát triển đất nước trong thời gian tới: “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc…, phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”[3], đúng như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu ngay tại hội nghị: Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương yêu và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng.
 

[1],3 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự Thật, Hà Nội, 2021, t.1, tr.143
 
[2] Nghị quyết số 33- NQ/TW ngày 09/6/2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự Thật, Hà Nội, 2021, t.1, tr.34, 215- 216.
 

Các tin liên quan:

Thông báo

Thông báo về việc tổ chức Hội thi học viên học giỏi lý luận chính trị năm 2024

Thông báo danh sách viên chức đề nghị xét nâng bậc lương trước thời hạn năm 2024

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và Thực tiễn năm 2024

Thông báo danh sách viên chức đủ điều kiện nâng bậc lương trước thời hạn tháng 12 năm 2023

Thông báo Tuyển sinh đào tạo, bồi dưỡng năm 2024

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi sau phá dỡ nhà khách, kho

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và thực tiễn số 2 năm 2023

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và thực tiến số 1 năm 2023

Báo cáo công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị quý III; phương hướng nhiệm vụ quý IV năm 2022

Hướng dẫn trình bày bài viết thu hoạch nghiên cứu thực tế các lớp Trung cấp lý luận chính tri

Hướng dẫn khen thưởng học viên các lớp đào tạo, bồi dưỡng tại Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8581450

Đang Online : 996