Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2022  >> Số 2 năm 2022

Ngày Đăng:8/8/2022 2:03:00 PM Lượt xem: 520

PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA ĐỘI NGŨ BÁO CÁO VIÊN TRONG BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
 
Thạc sĩ Bùi Trung Dũng
Giảng viên khoa Xây dựng Đảng
 
         Với sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đặc biệt với sự bùng nổ của mạng xã hội đã, đang giúp thế giới và mọi người trở nên gần nhau hơn, lan tỏa, sẻ chia với nhau những thông tin tích cực. Thế nhưng,mạng xã hội cũng đang trở thành một “công cụ đắc lực” cho các thế lực thù địch lợi dụng nhằm thực hiện việc “bóp méo, xuyên tạc” sự thật nhằm xóa bỏ, phủ nhận, uy tín của Đảng và Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phá hoại sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn. Vì vậy, Đảng ta ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TWngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị khóa XII, về “tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” đã đáp ứng đúng và trúng yêu cầu của thực tiễn đặt ra và ngày càng phát huy hiệu quả tích cực. Góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng không thể không nhắc đến đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên.
          Theo Quy chế hoạt động Báo cáo viên của Đảng (Ban hành kèm theo Quyết định số 518-QĐ/BTGTW, ngày 10/11/2011của Ban Tuyên giáo Trung ương) thì: “Báo cáo viên của Đảng là người do cấp ủy đảng lựa chọn và quyết định công nhận, thực hiện công tác tuyên truyền miệng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng; hướng dẫn, quản lý và tổ chức hoạt động của Ban Tuyên giáo cùng cấp và cấp trên. Trong những trường hợp cụ thể, khi được cấp ủy phân công, báo cáo viên là người phát ngôn của cấp ủy đảng. Báo cáo viên được tổ chức từ Trung ương đến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; xã, phường, thị trấn, đảng bộ cơ cở và tương đương”
          Báo cáo viên có nhiệm vụ là: “Trực tiếp tuyên truyền, phổ biến những quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tình hình thời sự trong nước và thế giới; những nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nắm tình hình tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân; định hướng tư tưởng và hướng dẫn dư luận xã hội, góp phần xây dựng, củng cố sự thống nhất tư tưởng, hành động trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội. Đối thoại với người nghe, kịp thời giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của cán bộ, đảng viên và nhân dân; đấu tranh phê phán, bác bỏ những quan điểm sai trái, thù địch. Tuyên truyền các nội dung thông tin theo sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng, sự phân công của cấp ủy cùng cấp và sự chỉ đạo của cơ quan chuyên môn cấp trên”.
          Hiện nay Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang có 4.074 báo cáo viên, tuyên truyền viên, trong đó có 04 báo cáo viên Trung ương; 38 báo cáo viên cấp tỉnh; 194 báo cáo viên cấp huyện; 670 báo cáo viên cơ sở và 3.168 tuyên truyền viên (100% các chi bộ có tuyên truyền viên). Đội ngũ báo cáo viên làm tốt vai trò là lực lượng nòng cốt thực hiện công tác tuyên truyền miệng của Đảng bộ, lan tỏa việc tổ chức triển khai quán triệt thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, các mô hình hay, cách làm hiệu quả, gương người tốt, việc tốt…; định hướng các vấn đề thời sự quan trọng trong nước và quốc tế, nhất là tuyên truyền thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19;đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, từ đó giúp cán bộ, đảng viên, Nhân dân kịp thời nắm chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, hoạt động của đội ngũ báo cáo viên có nơi hiệu quả chưa cao; một số cấp ủy cơ sở chưa thực hiện tốt việc tổ chức hội nghị tuyên truyền, đối thoại với cán bộ, đảng viên và nhân dân về những vấn đề cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm; kỹ năng tuyên truyền miệng của báo cáo viên, tuyên truyền viên có mặt còn hạn chế; việc nắm bắt tình hình dư luận xã hội của một số báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở chưa kịp thời; chưa thực hiện thường xuyên chế độ thông tin theo quy định.[1]
         Trong bối cảnh mới với nhiều thách thức mới, từ thực trạng và nhiệm vụ nêu trên, người Báo cáo viên ở cơ sở phải là người đi đầu trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, muốn vậy, cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
         Một là: Bản thân người báo cáo viên cần “hiểu đúng, nói đúng và làm đúng” Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
           Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “tuyên truyền là đem một việc gì đó nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm…”[2].Người báo cáo viên muốn truyền tải được nội dung Nghị quyết của Đảng thì cần phải “hiểu đúng”, tự trang bị cho mình chuyên môn vững chắc, hiểu và nắm vững nội dung nghị quyết muốn truyền tải. Chuyên môn của người báo cáo viên chính là tài năng, kiến thức, hiểu biết, kỹ năng, kỹ xảo, kinh nghiệm sống để có thể hoàn thành công việc của mình một cách tốt nhất, đặc biệt là trong những hoàn cảnh khó khăn, những tình huống phức tạp. Muốn vậy, bản thân người báo cáo viên phải không ngừng học tập nâng cao trình độ, tích cực nghiên cứu để làm rõ các vấn đề lý luận một cách thiết thực, hiệu quả, đưa những nội dung lý luận ấy đi vào cuộc sống, truyền tải sâu sắc tới người nghe. Đây cũng là một nội dung yêu cầu đối với báo cáo viên trong quy chế hoạt động của báo cáo viên về trình độ, năng lực đó là“Nắm vững những nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; …có hiểu biết chung về các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học”.
          “Nói đúng” chính là kết quả của việc chuẩn bị kĩ về nội dung, phương pháp, xác định rõ đối tượng để có hướng tuyên truyền phù hợp.Việc chuẩn bị kỹ lưỡng cho một buổi báo cáo chuyên đề hiệu quả là việc làm hết sức cần thiết đối với một báo cáo viên. Trước hết người báo cáo viên phải xác định rõ nội dung báo cáo. Sự chuẩn bị tốt nội dung báo cáo sẽ giúp người báo cáo viên tránh được việc nói suông, nói ba hoa, không có trọng tâm, trọng điểm, cẩu thả, rỗng tuếch, không đọng lại được dấu ấn đối với người nghe.. chính vì vậy cần phải xác định rõ nội dung cần tuyên truyền để có những cách truyền tải nội dung hiệu quả.Thứ hai, người báo cáo viên cần xác định rõđối tượng của buổi báo cáo. Việc xác định rõ những đặc điểm của đối tượng rất quan trọng bởi lẽ khi nắm được đối tượng tuyên truyền thuộc thành phần nghề nghiệp gì, độ tuổi ra sao, giới tính, thành phần dân tộc, văn hóa như thế nào...Qua việc xác định rõ đối tượng tuyên truyền thì người báo cáo viên sẽ lựa chọn được phương pháp tuyên truyền phù hợp, đạt tới hiệu quả của công tác tuyên truyền. Do vậy mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “người tuyên truyền không tìm hiểu, không nghiên cứu, không hiểu biết quần chúng, chỉ gặp sao nói vậy, bạ gì viết nấy, nhất định thất bại”. Thứ ba, từ xác định rõ đối tượng tuyên truyền người báo cáo viên sẽ lựa chọn được phương pháp tuyên truyền hiệu quả. Phương pháp là cách thức để đạt được mục đích, muốn đạt mục đích tuyên truyền hiệu quả thì người làm công tác tuyên truyền cần phải có phương pháp phù hợp. Muốn vậy, người báo cáo viên bên cạnh những yếu tố thuộc về phẩm chất chủ quan, về năng khiếu thuyết trình thì cần phải có phương pháp truyền tải phù hợp. Hiện nay, người báo cáo viên sử dụng phương pháp truyền tải chủ yếu là tuyên truyền miệng, nên kết hợp sử dụng các phương tiện trực quan, phương tiện trợ giảng như máy chiếu, máy tính,tạp chí, sách, pano, inforgrapphic.. sẽ mang lại hiệu quả thiết thực cho công tác tuyên truyền.
          Hai là, nhận diện, đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc bản chất khoa học vấn đề mà mình đang tuyên truyền, lồng vào nội dung tuyên truyền.
          Đội ngũ báo cáo viên cần nhận diện rõ những nhóm quan điểm chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng nhằm phủ nhận tính đúng đắn của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nhóm quan điểm chống phá sự lãnh đạo của Đảng, phủ nhận tính đúng đắn của Cương lĩnh chính trị, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhóm quan điểm xuyên tạc lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng, phủ nhận những thành quả cách mạng mà Đảng và Nhân dân ta đã giành được. Nhóm quan điểm tấn công vào cá nhân các đồng chí lãnh đạo, các lãnh tụ của Đảng, Nhà nước. Nhóm quan điểm tuyên truyền, cổ súy cho những “giá trị” tự do, dân chủ phương Tây, cho chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng.
           Đội ngũ báo cáo viên cần nhận diện rõ những nhóm quan điểm xuyên tác trên, là cơ sở để tham gia vào cuộc đấu tranh ngăn chặn, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên internet, nhất là không gian mạng, kịp thời bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ lợi ích của nhân dân.
           Ba là,bằng tấm gương, uy tín của cá nhân, thường xuyên gần dân, sát dân, sát cơ sở, kịp thời chuyển tải nội dung tuyên truyền đến với nhân dân.
           Đội ngũ báo cáo viên phải nêu cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viêntrong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Từ tư tưởng chính trị, đến đạo đức, lối sống người báo cáo viên phải gương mẫu thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về những điều đảng viên không được làm; có lối sống trong sạch, giản dị, gần gũi quần chúng, thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; gương mẫu chấp hành nghiêm các Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Xây dựng tác phong sinh hoạt và công táckhoa học, khiêm tốn, giản dị, sâu sát thực tế, lắng nghe, thấu hiểu tâm tư và giải quyết kịp thời, có hiệu quả những mong muốn, nguyện vọng, lợi ích chính đáng của Nhân dân. Từ đó bằng uy tín cá nhân, lan tỏa những nội dung tuyên truyền, những giá trị tốt đẹp đến người thân, gia đình, bạn bè…thông qua nói chuyện trực tiếp, thông các trang mạng xã hội Facebook, Zalo cá nhân…
          Người báo cáo viên cần phải gắn bó chặt chẽ với cơ sở, gắn bó với nhân dân. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta”[3]. Dựa vào dân để xây dựng Đảng thì cán bộ, đảng viên phải “hết lòng ra sức phụng sự nhân dân, học hỏi nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, cùng nhân dân kết thành một khối”[4]. Chính vì vậy, việc liên hệ chặt chẽ với nhân dân, sát cơ sở để người báo cáo viên kịp thời chuyển tải nội dung nghị quyết đến với nhân dân, nắm vững dân tình, dân tâm, dân ý để qua đó củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và mỗi báo cáo viên cũng sẽ là “cầu nối” đểđưa nghị quyết của Đảng nhanh chóng đi vào cuộc sống.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Quy chế hoạt động Báo cáo viên của Đảng (Ban hành kèm theo Quyết định số 518-QĐ/BTGTW, ngày 10/11/2011của Ban Tuyên giáo Trung ương)
2. Báo cáo số 321-BC/BTGTU, ngày 13/1/2022 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về kết quả công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên năm 2021; phương hướng, nhiệm vụ năm 2022
 

[1] Báo cáo số 321-BC/BTGTU, ngày 13/1/2022 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về kết quả công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên năm 2021; phương hướng, nhiệm vụ năm 2022
[2]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, HN.2011, tập 5, tr. 91
[3]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, HN.2011, tập 10, tr. 453
[4]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, HN.2011, tập 8, tr. 281

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8065415

Đang Online : 3853