Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2022  >> Số 2 năm 2022

Ngày Đăng:8/8/2022 2:04:00 PM Lượt xem: 498

VẬN DỤNG NHỮNG ĐIỂM MỚI VỀ CÔNG TÁC DÂN VẬN TẠI ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG
VÀO GIẢNG DẠY CHƯƠNG TRÌNH TRUNG CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ
                                                          
Thạc sĩ Phạm Thị Huệ
Trưởng khoa Nhà nước và pháp luật
 
          Dân vận và công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng nước ta; là điều kiện quan trọng bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng và củng cố, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Để tiếp tục phát huy vai trò của công tác dân vận đối với sự nghiệp cách mạng, Đại hội XIII của Đảng đã bổ sung, phát triển, khái quát hóa cao các quan điểm về công tác Dân vận so với Đại hội XII, cụ thể:
           Một là, quan điểm của Đảng về công tác Mặt trận Tổ quốc và vận động xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc
           Đại hội XIII của Đảng một mặt tiếp tục khẳng định quan điểm về lợi ích trong công tác vận động quần chúng tại Đại hội XII của Đảng: “giải quyết hài hoà các quan hệ lợi ích trong xã hội[1]. Đồng thời khẳng định rõ trách nhiệm“Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân” là của  “hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức” nhằm “phục vụ lợi ích của nhân dân” và “không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”[2]. Định hướng trên của Đảng xuất phát từ thực trạng: một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa gương mẫu, chưa thực sự tôn trọng ý kiến, kiến nghị của nhân dân và giải quyết kịp thời những quyền, lợi ích hợp pháp, nguyện vọng chính đáng của người dân.
            Hai là, giai cấp công nhân Việt Nam là giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trước tác động to lớn của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay đang đứng trước những cơ hội và thách thức to lớn. Để thích ứng với yêu cầu của cách mạng lần thứ tư, Đại hội XIII của Đảng, một mặt tiếp tục khẳng định yêu cầu nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp” ở Đại hội XII. Đồng thời, bổ sung yêu cầu nâng cao “ kỷ luật lao động thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”[3].
Ngoài ra, Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ trách nhiệm của tổ chức công đoàn không chỉ tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của công đoàn phù hợp với cơ cấu lao động, nhu cầu, nguyện vọng của công nhân và yêu cầu hội nhập quốc tế; làm tốt vai trò đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, tập thể người lao động. Đại hội XIII của Đảng, lần đầu tiên bổ sung thêm trách nhiệm của tổ chức công đoàn là “Định hướng, quản lý tốt sự ra đời, hoạt động của các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ngoài tổ chức công đoàn hiện nay[4].
            Như chúng ta đã biết, Bộ luật Lao động năm 2019 cho phép người lao động thành lập tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp, ngoài tổ chức công đoàn, trên cơ sở phù hợp với các quy định quốc tế về lao động và tuân thủ các hiệp định thương mại tự do mới mà Việt Nam đã tham gia. Do đó, để đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng đối với các tổ chức xã hội, Đảng giao trách nhiệm cho tổ chức Công đoàn (tổ chức chính trị - xã hội) đặt dười sự lãnh đạo của Đảng phải định hướng, quản lý tốt sự ra đời, hoạt động của các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.
             Ba là, điểm mới trong công tác vận động nông dân tại Đại hội XIII là sự khẳng định của Đảng về vai trò chủ thể của giai cấp nông dân không chỉ “phát triển nông nghiệp” , “Xây dựng nông thôn mới”  như Đại hội XII, mà phạm vi mở rộng hơn, nông dân còn là chủ thể trong “phát triển kinh tế nông thôn”[5]. Bên cạnh đó, văn kiện Đại hội XIII của Đảng, lần đầu tiên đặt vấn đề xây dựng nông thôn gắn với đô thị hóa nông thôn: “Gắn xây dựng giai cấp nông dân với phát triển nông nghiệp và quá trình công nghiệp hóa,  đô thị hoá nông thôn, tạo điều kiện để cư dân nông thôn trở thành cư dân đô thị mà không dẫn đến di cư quy mô lớn… Huy động và phát huy mọi nguồn lực từ nông dân, nông thôn cùng với các nguồn lực khác để thực hiện thàng công mô hình nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh[6].
            Bốn là, về công tác vận động thanh niên, tại Đại hội XIII của Đảng đã bổ sung điểm mới trong nhiệm vụ giáo dục cho thế hệ trẻ về lòng tự hào dân tộc, nuôi dưỡng hoài bão, khát vọng vươn lên[7]. Tư tưởng chỉ đạo này của Đảng xuất phát từ thế và lực của dân tộc ta hiện nay là “Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”[8]. Mặt khác, việc “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc[9] trở thành động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước và là trọng trách của thế hệ trẻ.
            Năm là, Điểm mới trong định hướng công tác vận động, xây dựng đội ngũ trí thức tại Đại hội XIII của Đảng là: “Có cơ chế phát huy dân chủ, tự do sáng tạo và đề cao đạo đức, trách nhiệm trong nghiên cứu khoa học. Ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng, môi trường làm việc, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo của trí thức”[10]. Như vậy, lần đầu tiên Đảng bổ sung yếu tố “đạo đức”, “trách nhiệm” trong sáng tạo và nghiên cứu khoa học của đội ngũ trí thức nhằm khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo, sự đóng góp công hiến của đội ngũ trí thức cho phát triển đất nước trong tình hình mới.
           Sáu là, Trong liên minh các giai cấp và tầng lớp làm nền tảng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc mà thiếu tầng lớp doanh nhân thì không phù hợp với thực tế và không đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. Vì vậy, Đại hội XIII bổ sung điểm mới trong công tác vận động đội ngũ doanh nhân là: Đảng và Nhà nước “Tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho các doanh nhân khởi nghiệp sáng tạo, kinh doanh lành mạnh, cống hiến tài năng”[11]. Đồng thời yêu cầu đội ngũ doanh nhân phải “có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hoá, đạo đức tiến bộ”[12]. Có thể nói, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa quyền và nghĩa vụ của đội ngũ doanh nhân không những tôn vinh tầng lớp doanh nhân một cách thiết thực mà còn thúc đẩy sự cống hiến cho dân tộc, sự liên kết bền vững giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, trí thức.
             Bảy là, Điểm mới trong công tác vận động Phụ nữ tại Đại hội XIII của Đảng là: Đảng coi lực lượng phụ nữ là một nguồn lực cần được phát huy cho phát triển đất nước “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”[13]. Trong đó, chú trọng phát huy các yêu tố như “Tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ”[14]. Đặc biệt, Đảng yêu cầu phải quan tâm, trang bị “tri thức, kỹ năng cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ vùng dân tộc thiểu số, miền núi”[15] nhằm đáp ưng yêu cầu phát triển của các tầng lớp phụ nữ trong tình hình mới.
            Tám là, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách phủ nhận, công kích, bôi nhọ, xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng, hướng tới mưu đồ xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, làm sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Do đó bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ của cả hệ thống chính tri, trong đó: lực lượng cựu chiến binh, cán bộ công an hưu trí là một lực lượng quan trọng. Vì vậy, lần đầu tiên trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng đặt ra yêu cầu trong công tác vận động cựu chiến binh là “Phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” và Công an nhân dân Việt Nam cách mạng trong xây dựng và bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch”[16].
            Những điểm mới trên đây về công tác dân vận đã được bổ sung và phát triển tại Đại hội XIII, đó là bước phát triển mới về tư duy của Đảng Cộng sản Việt Nam, có ý nghĩa hết sức quan trọng cả về lý luận và thực tiễn trong thời kỳ chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của chúng ta. Vì vậy, yêu cầu mỗi giảng viên giảng dạy lý luận chính trị nói chung, giảng viên giảng dạy phần Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thuộc chương trình đào tạo trung cấp lý luận chính trị nói riêng cần phải nắm vững và đưa các nội dung này vào từng bài giảng một cách phù hợp nhằm đảm bảo tính Đảng, tính chiến đấu, tính thời sự trong mỗi bài giảng./.
 

[1] Văn kiện Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb CTQGST, H.2021, tr. 165
[2]Văn kiện Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb CTQGST, H.2021, tr. 165-166
[3] Văn kiện Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb CTQGST, H.2021, tr. 166
[4] Văn kiện Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb CTQGST, H.2021, tr. 166
[5] Văn kiện Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb CTQGST, H.2021, tr.166
[6] Văn kiện Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb CTQGST, H.2021, tr. 166-167
[7] Văn kiện Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb CTQGST, H.2021, tr. 168
[8] Văn kiện Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb CTQGST, H.2021, tr. 25
[9] Văn kiện Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb CTQGST, H.2021, tr. 34
[10] Văn kiện Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb CTQGST, H.2021, tr. 167
[11] Văn kiện Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb CTQGST, H.2021, tr. 168
[12] Văn kiện Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb CTQGST, H.2021, tr. 167-168
[13] Văn kiện Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb CTQGST, H.2021, tr. 169
[14] Văn kiện Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb CTQGST, H.2021, tr. 169
[15] Văn kiện Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb CTQGST, H.2021, tr. 169
[16] Văn kiện Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb CTQGST, H.2021, tr. 169

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8065421

Đang Online : 3859